“Hoài Nam Tử” là một tác phẩm do Hoài Nam vương Lưu An của hoàng tộc Tây Hán và các môn khách của ông thu thập tài liệu, văn bản biên soạn thành. Tác phẩm còn được biết đến với tên “Hoài Nam Hồng Liệt” hoặc “Lưu An Tử”. Lương Khải Siêu đã nói: “Hoài Nam Hồng Liệt là kho tàng triết lý Đạo gia của Tây Hán, sách này rộng lớn mà có hệ thống mạch lạc, là tác phẩm đỉnh cao trong văn học Trung Quốc thời Hán”.

Hoài Nam Tử hoàn thành qua sự đóng góp của nhiều tác giả, nội dung rất rộng lớn và kết hợp nhiều tư tưởng của các học giả thời Tiền Hán. Tác phẩm này đã có bản dịch toàn bộ sang tiếng Anh và tiếng Nhật vào thế kỷ 20, cùng với các bản dịch rút gọn sang tiếng Pháp và tiếng Đức. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Bài viết này giới thiệu một phần nội dung trong Hoài Nam Tử, chương “Đạo Ứng” (道应).
[Nguyên văn] Lão Tử viết: “nhân chi sở uý, bất khả bất uý dã.”
[Diễn nghĩa] Lão Tử nói: “Những điều mà con người sợ hãi, thì bản thân cũng không thể không sợ.”
[Nguyên văn] Lão Tử viết: “tri nhi bất tri, thượng hỹ; bất tri nhi tri, bệnh dã! ”
[Diễn nghĩa] Lão Tử nói: “Biết rằng mình chưa biết là sáng suốt. Không biết mà cho rằng mình biết, ấy là tai họa.”

Chu Thành Vương hỏi Thái Sử Dật về cách trị quốc: “Ta cần có đức hạnh gì để có thể khiến dân chúng yêu mến và theo ta?” Thái Sử Dật trả lời: “Khi dùng dân, phải phù hợp với thời kỳ, đồng thời phải cung kính cẩn thận với họ.” Thành Vương tiếp tục hỏi: “Làm thế nào mới có thể đạt được sự cung kính cẩn thận đó?” Thái Sử Dật trả lời: “Giống như đứng trước vực sâu, như đi trên băng mỏng.” Thành Vương nói: “Làm vua mà lại đáng sợ như vậy!”
Thái Sử Dật nói: “Giữa trời đất, trong bốn biển, nếu ngài đối đãi tốt với dân, họ sẽ yêu quý và tuân theo ngài; nếu ngài đối đãi không tốt với dân, họ có thể trở thành kẻ thù của ngài. Câu chuyện về dân chúng nhà Hạ và nhà Thương nổi dậy chống lại Kiệt, Trụ, tự nguyện phục tùng Thang, Vũ, và người dân Túc Sa nổi dậy tấn công vua Túc Sa để quy phục Thần Nông, những sự kiện lịch sử này ai cũng biết, vậy làm sao có thể không sợ sức mạnh của dân chúng?” Đây chính là điều Lão Tử nói: “Những điều mà con người sợ hãi, thì bản thân cũng không thể không sợ.”
Chú thích: Vua Thành Vương, họ Cơ, tên Tụng, là vị vua thứ hai của triều đại Chu. Trong thời gian trị vì của ông, ông đã dời đô về Lạc Dương để làm trung tâm của thiên hạ, thực hiện công cuộc “chọn đất xây dựng Trung Quốc”, đại phong chư hầu, phái binh Đông chinh, chế tác lễ nhạc, củng cố quyền lực của triều Chu. Trong thời kỳ trị vì của ông và con trai là Chu Khang Vương, xã hội ổn định, dân chúng hòa thuận, “hình phạt không cần dùng đến trong hơn bốn mươi năm”, lịch sử xưng tụng là “Thành Khang chi trị”.
(II) Bài học từ thất bại quân sự của Tần Mục Công

Tần Mục Công phát binh chuẩn bị tấn công nước Trịnh. Kiển Thúc nói: “Không thể làm như vậy. Thần nghe nói, khi muốn tấn công một quốc gia khác, quân đội phải di chuyển bằng binh xa không quá một trăm dặm, còn bộ binh không được đi quá ba mươi dặm, vì chỉ như vậy mới có thể giữ bí mật kế hoạch, quân đội không bị mệt mỏi quá sức, tiếp tế không bị tiêu hao, dân chúng trong nước cũng không bị quá sức, cả tiền tuyến và hậu phương đều giữ được tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Đến lúc đó, mới có thể tấn công và tiêu diệt kẻ thù. Nhưng hiện tại quân đội của chúng ta phải di chuyển hàng ngàn dặm, phải qua vài lãnh thổ của các chư hầu khác, thần không biết liệu việc này có khả thi hay không. Thần xin đại vương cân nhắc kỹ lưỡng.”
Tần Mục Công không nghe lời Kiển Thúc. Kiển Thúc đành phải tiễn quân ra ngoại thành, ông mặc tang phục, khóc lóc tiễn biệt, và quân đội rời đi trong không khí buồn bã này.
Quân đội đi qua đô thành nhà Chu và tiến về phía Đông, thương nhân nước Trịnh là Huyền Cao, giả danh lệnh của vua Trịnh, mang mười hai con bò ra để đãi quân Tần, và thay mặt vua Trịnh tiếp đón họ với nghi thức khách quý. Ba tướng quân của quân Tần cho rằng việc này đã bị lộ, hoảng sợ và cùng nhau bàn bạc: “Quân đội chúng ta đã đi ngàn dặm để tấn công, nhưng chưa tới đích, mà người Trịnh đã biết trước, chắc chắn họ đã chuẩn bị sẵn, xem ra chúng ta không thể tấn công nữa.” Vì vậy, quân Tần đã rút lui.
Lúc này, Tấn Văn Công vừa qua đời, chưa an táng, tướng quân nước Tấn là Tiên Chẩn nói với vua Tấn Tương Công: “Trước kia tiên quân của chúng ta có giao hảo với Tần Mục Công, thiên hạ không ai không biết chuyện đó, các chư hầu cũng đều hay. Giờ tiên quân vừa mất, còn chưa nhập liệm, nước Tần chẳng những không cử người sang viếng mà còn nhân cơ hội đó đánh lén nước Trịnh, lại còn đi ngang qua nước ta mà không xin phép. Đây chẳng khác nào là coi thường tân quân của chúng ta, vì người còn trẻ mà dám lấn lướt. Thần xin cho đem quân phục kích họ.”
Tấn Tương Công đồng ý. Tiên Chẩn dẫn quân mai phục ở núi Giao Sơn, tại đây gặp quân Tần. Sau một trận ác chiến, quân Tần đại bại, ba viên tướng bị bắt sống, quân Tấn toàn thắng trở về.
Tần Mục Công nghe tin đại bại, mặc đồ tang, đến tổ miếu khóc than, mong được dân chúng và tổ tiên tha thứ.
Cho nên Lão Tử mới nói: “Biết rằng mình chưa biết là sáng suốt. Không biết mà cho rằng mình biết, ấy là tai họa.”
Chú thích: Vua Mục Công của Tần, họ Doanh, tên Nhậm Hảo, là vị vua thứ chín của nước Tần trong thời Xuân Thu. Trong thời gian trị vì, ông rất giỏi trong việc nắm bắt thời cơ, biết dùng người tài, củng cố phát triển trong nước. Về đối ngoại, ông theo đuổi chính sách hòa bình, duy trì mối quan hệ thân thiện với nước Tấn, đồng thời mở rộng lãnh thổ về phía Tây, khiến mười hai quốc gia của người Nhung phải khuất phục Tần, mở rộng lãnh thổ hàng nghìn dặm, trở thành một trong những bá chủ của thời Xuân Thu.
Theo ĐKN