Group News: Tin copy

Dịp lễ, Tết thường được cho là thời điểm vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm. Dù vậy, đối với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ hiện đại, đây lại là thời điểm khiến họ cảm thấy áp lực nhất với nỗi lo từ tài chính, đối mặt với gia đình hay quà cáp cho các mối quan hệ…

Thời điểm cuối năm, nhiều người phải vật lộn với căng thẳng, áp lực liên quan đến việc họp mặt gia đình, chuẩn bị chu đáo và mua quà cáp dịp Tết. Những “mất mát” liên tiếp này cùng khối lượng công việc cuối năm đổ dồn vào những ngày lễ khiến nhiều người trẻ vừa trải qua những căng thẳng trong dịch bệnh cảm thấy “khó thở” và mất đi năng lượng, động lực cho việc giữ vững tinh thần.

Ám ảnh từ những câu hỏi dai dẳng

Trong khi mỗi dịp lễ, Tết, ai cũng muốn bắt kịp chuyến xe để về quê sum họp cùng gia đình thì đây lại là năm thứ 3 liên tiếp, Nguyễn Trần Thu Trang (28 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) quyết định không về quê mà ở lại Hà Nội làm việc xuyên Tết.

Giới trẻ và áp lực từ những kỳ nghỉ lễ
Những câu hỏi dai dẳng của họ hàng mỗi lần về quê khiến Thu Trang quyết định ở lại thành phố làm việc xuyên Tết

Thu Trang cho biết, cô quá chán nản với những câu hỏi về lương tháng, chuyện tình cảm. Thậm chí, những người thân, họ hàng của cô còn hỏi các vấn đề nhạy cảm hơn như "Sao mọi người được thưởng Tết nhiều mà cháu thì không?", "Con gái học nhiều như vậy làm gì? Thông minh quá không lấy được chồng đâu"...

Không đồng tình trước cách suy nghĩ trọng nam khinh nữ và quan điểm cũ kỹ về hôn nhân của các bậc đi trước nhưng cũng không muốn làm mất lòng họ hàng, Thu Trang sẽ làm việc xuyên Tết để tránh gặp mặt họ. Thất vọng mỗi khi nghĩ về việc phụ nữ bị gọi là "đồ thừa", "đồ ế" chỉ vì bước sang tuổi 28 mà chưa có người yêu, cô gái trẻ cảm thấy các ngày lễ Tết không hề “dễ chịu” mà lại rất áp lực và mệt mỏi.

Giống như Thu Trang, Lê Bảo Lan (26 tuổi) cũng cảm thấy khá phiền toái khi mỗi lần về quê là lại nhận được hàng trăm câu hỏi khi gặp gỡ người quen hay họ hàng.

Giới trẻ và áp lực từ những kỳ nghỉ lễ
"Ám ảnh" từ những câu hỏi vô duyên từ họ hàng, người quen khiến Bảo Lan mệt mỏi với những dịp lễ, Tết

“Ngày trước, khi mình chưa lập gia đình thì họ hỏi “Bao giờ mới lấy chồng?”, “Xinh xắn thế mà không có ai yêu à?”… Còn bây giờ, khi mình có gia đình rồi thì người ta lại hỏi “Bao giờ sinh con?”, “Hai vợ chồng không đẻ à?”, “Về quê mua tặng gì cho bố mẹ thế?”… Hàng loạt những câu hỏi vô duyên như vậy khiến mình thực sự rất mệt mỏi”, Bảo Lan nói.

Hết năm này qua năm khác, chuỗi câu hỏi của họ hàng hay những người quen sẽ không bao giờ kết thúc. Cứ thế, đặt nặng lên vai của Bảo Lan những áp lực, buồn chán vô hình, khiến cho cô gái trẻ không còn hứng thú để về quê mỗi dịp lễ, Tết.

Áp lực công việc và nỗi lo tài chính

Khi mà các dịp lễ Tết quan trọng trong năm đang đến gần thì cũng chính là thời điểm Vũ Minh Nhật (24 tuổi, freelancer) cảm thấy “kiệt sức” từ áp lực công việc và những dự định của mình.

Nghỉ việc từ cuối tháng 7 và mới chỉ đi làm lại từ đầu tháng 12, Minh Nhật đối mặt với việc không có thu nhập để tự lo cho bản thân, nhất là khi đây là thời điểm phải chi tiêu nhiều nhất trong năm.

Giới trẻ và áp lực từ những kỳ nghỉ lễ
Minh Nhật lo lắng khi phải đôi mặt với áp lực tài chính cuối năm

“Gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa, đối mặt với những câu hỏi về công việc, lương thưởng, mình không biết phải xoay sở như thế nào. Hiện tại thì mình vừa bắt đầu với công việc mới, tiền tiết kiệm thì không còn, phải cần thêm sự trợ giúp của gia đình nên mình không tự tin để gặp gỡ mọi người”, Minh Nhật nói.

Thực tế, thời gian ở nhà do giãn cách xã hội, chàng trai trẻ cũng thử tìm kiếm những công việc khác để có thể kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, vì là thời điểm khó khăn nên các công ty rất kỹ lưỡng và có nhiều yêu cầu trong tuyển dụng nên đa số các công việc Minh Nhật làm chỉ các phần việc nhỏ, không thường xuyên và cũng không mang lại thu nhập tốt.

May mắn hơn Minh Nhật, vì chuyển công việc ngay khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, Gia Bảo (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) có được một công việc ổn định hơn, giảm bớt những khó khăn tài chính mà chàng trai gặp phải trong nhiều tháng qua.

“Cuối tháng 10, mình được bạn giới thiệu vào chỗ làm mới. Thật may là hồ sơ của mình đã được nhận và mình thấy yên tâm phần nào vì trước mắt sẽ có thu nhập để tự lo cho bản thân”, Gia Bảo nói.

Giới trẻ và áp lực từ những kỳ nghỉ lễ
Dịp lễ Tết và thời điểm cuối năm mang tới nhiều áp lực cho giới trẻ

Dù vậy, công việc mới không hề dễ dàng như Gia Bảo tưởng tượng. Việc làm trái sở trường, chuyên môn khiến chàng trai 25 tuổi phải “cày ngày, cày đêm” để hoàn thành các deadline trong khi số tiền được trả chưa nhiều vì Gia Bảo vẫn còn trong thời gian thử việc.

Đứng trước dịp nghỉ lễ lớn nhất trong năm với nhiều khoản cần chi tiêu, cùng với đó là áp lực từ công việc, áp lực từ những “lời hỏi thăm” khiến nhiều người trẻ đang cảm thấy thực sự căng thẳng. Họ phải tính toán kỹ lưỡng, cân đối trong chi tiêu và hoàn thành công việc của bản thân để có thể yên tâm đón Tết.

Theo tuoitre.vn