Group News: Tin copy

Môi trường sống, tổn thương tâm lý hay đặc trưng di truyền là những nguyên nhân chính có thể dẫn đến chứng trầm cảm tuổi vị thành niên.

Theo báo cáo của UNICEF, có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên tại Việt Nam gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20% trong số đó. Một khảo sát khác được thực hiện trên địa bàn TP HCM cũng cho ra kết quả khoảng 6% dân số bị mắc chứng trầm cảm và có xu hướng trẻ hóa với sự gia tăng số người mắc trong độ tuổi từ 15.

Ngày càng nhiều người trẻ, thanh thiếu niên mắc trầm cảm. Ảnh: Pexels

Ngày càng nhiều người trẻ, thanh thiếu niên mắc trầm cảm. Ảnh: Pexels

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên rơi vào trầm cảm. Chuyên gia tâm lý cho rằng căn bệnh này có thể xuất phát từ chính gia đình và điều kiện sống của các em. Trong đó, áp lực từ cha mẹ về thành tích học tập là nguyên nhân phổ biến hàng đầu.

Cha mẹ thường có xu hướng đặt kỳ vọng quá cao so với năng lực thực tế trong khi ít lắng nghe nguyện vọng của các em. Khi kỳ vọng không đạt, phụ huynh dễ nóng giận, tỏ thái độ thất vọng thậm chí là bạo lực. Điều này khiến trẻ mất tự tin về bản thân, cảm thấy xấu hổ, thất bại. tự ti.

Tiếp đến, trầm cảm cũng có thể đến từ những tổn thương, cú sốc về mặt tâm lý mà các em phải trải qua trong giai đoạn dậy thì. Những chấn động về tâm lý có thể kể đến như mất đi người thân yêu nhất, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục, bạo lực học đường, miệt thị về ngoại hình.

Trẻ sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường như trở nên khép mình, luôn lo lắng sợ hãi, ít hoặc không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu không được đối thoại, định hướng tâm lý, các em rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.

Yếu tố môi trường cũng tác động rất lớn đến tâm lý trẻ vị thành niên. Những nội dung độc hại tràn lan trên không gian mạng cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ có tâm lý bất ổn. Tiếp xúc nhiều, trẻ có nguy cơ trầm cảm hoặc hình thành những tính cách lệch chuẩn.

TS Đặng Hoàng Giang dành nhiều thời gian lắng nghe câu chuyện của các bạn trẻ đang gặp khủng hoảng tinh thần.

TS Đặng Hoàng Giang - diễn giả chia sẻ trong eBox chủ đề "Trầm cảm". Ảnh: NVCC

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN. Trẻ có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị chứng bệnh này cao gấp ba lần so với bình thường. Trẻ có tính cách trầm lắng, lòng tự trọng cao, dễ tổn thương cũng có khả năng mắc trầm cảm cao hơn bình thường.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, trầm cảm ở trẻ vị thành niên có một điểm chung là vai trò của người làm cha, mẹ trong việc giáo dục, định hướng và đồng hành cùng con.

Theo VnExpress