"Chúng tôi biết rằng Đại sứ Graham Martin đã lên bãi đáp trực thăng, điều đó có nghĩa là chiến tranh sắp kết thúc," nhà báo Ấn Độ Nayan Chanda kể.


Nhà báo, tác giả sách Nayan Chanda đã chứng kiến những biến động trong ngày 30/4/1975 khi Sài Gòn thất thủ, đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Việt Nam
Là phóng viên thường trú của Far Eastern Economic Review (Tạp chí Viễn đông kinh tế), nhà báo Nayan Chanda được cử đến Sài Gòn từ năm 1974 và ông đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc Sài Gòn sụp đổ.
"Khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh khỏi Sài Gòn trong Chiến dịch Gió lốc để sơ tán người Mỹ, khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và khi những người lính được gọi là 'bộ đội' tràn vào thành phố... Hàng loạt diễn biến quan trọng đã ập đến trong buổi sáng ấy," ông chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 23/4.
Vào sáng sớm ngày 30/4/1975, Chanda ở trong căn hộ của mình trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) và qua một thiết bị thu tín hiệu nội bộ của Đại sứ quán Mỹ, ông có thể nghe được các cuộc liên lạc và biết được Đại sứ Mỹ vừa rời đi.
Khi hay tin Đại sứ Graham Martin đã lên bãi đáp trực thăng, phóng viên trẻ Chanda hiểu rằng điều đó có nghĩa là chiến tranh sắp kết thúc.
"Tuy nhiên, phải mất thêm hai tiếng sau mọi thứ mới rõ ràng," nhà báo Chanda nói với BBC News Tiếng Việt ngày 23/4.
Sau chiến tranh, ông Nayan Chanda tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam và ông đã viết sách Brother Enemy (tạm dịch: Huynh đệ tương tàn) nói về thời hậu chiến và các cuộc xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia Dân chủ (Khmer Đỏ).
'Chiến tranh Việt Nam kết thúc lúc 11 giờ 25'
Nhà báo Chanda vừa làm phóng sự cho Far Eastern Economic Review và vừa viết cho Reuters vì khi đó hãng tin này đã đưa phóng viên thường trú của họ rời khỏi Sài Gòn để bảo đảm an toàn.
Vào ngày 25/4/1975, biên tập của ông ở Hong Kong đã thuyết phục ông rời đi và nói rằng "không có câu chuyện nào đáng giá hơn mạng sống cả", nhưng Chanda đã kiên quyết ở lại để chứng kiến hồi kết của cuộc chiến.
Cái nóng hầm hập của Sài Gòn tháng Tư dường như đổ lửa lên những mặt người chen lấn trước cổng Đại sứ quán Mỹ. Nhiều người cố leo rào vào, la hét ỏm tỏi cùng tiếng rầm rập của trực thăng tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, gấp rút.
"Tôi đã có mặt ở đó khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ mái của tòa Đại sứ Mỹ.
"Khi hàng trăm người Việt đang chen lấn cố trèo vào bên trong thì những người lính thủy đánh bộ gác cổng đã thôi không canh giữ đám đông mà phóng vào trong tòa nhà, ném lựu đạn cay xuống để họ có thể chạy lên mái nhà mà không bị cản lại."
"Đó chính là dấu hiệu cho thấy đây là chiếc trực thăng cuối cùng. Và nó đã cất cánh."
Sau khi chiếc trực thăng cuối cùng rời đi, đám đông đã phá cổng và tràn vào tòa đại sứ. Chanda cũng theo dòng người tiến vào trong và ông chứng kiến họ đập phá, cướp bóc những gì còn sót lại.
"Những người Việt Nam làm cho Mỹ rất tức giận vì đã không thể rời đi theo."

Dân thường được sơ tán lên trực thăng của Thủy quân lục chiến Mỹ bên trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ để được không vận ra Hạm đội 7 của Mỹ, trước khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trong ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam, 30 tháng 4 năm 1975.
Nhà báo Chanda kể lại, trong số tài sản bị bỏ lại của Đại sứ quán, có một khung tranh treo tường ghi lại lời câu nói của nhà ngoại giao, nhà khảo cổ và sĩ quan quân đội Anh Thomas Edward Lawrence - dùng để nói về quyền tự quyết của thế giới Ả Rập. Câu nói đã phơi bày sự trớ trêu và cay đắng của khoảnh khắc đó:
"Hãy để yên cho họ cai quản dù không hoàn hảo còn hơn là tự tay ta cai trị hoàn hảo. Vì đây là đất nước họ, cuộc chiến của họ, và đời ta thì ngắn ngủi."
Sau khi chứng kiến những gì đang xảy ra trong tòa đại sứ, Chanda quay trở lại văn phòng của Reuters và bắt đầu viết bài về những gì đang diễn ra.
Ông bắt đầu nhận được các cuộc gọi từ nguồn tin của mình ở vùng ven, tại Gia Định và Chợ Lớn, kể lại rằng người dân đã bắt đầu treo lá cờ của Mặt trận Giải phóng.
"Rõ ràng là họ đã giấu những lá cờ đâu đó và giờ thì treo chúng lên nóc nhà, như một dấu hiệu cho thấy không còn sợ hãi hậu quả," Chanda nói.
Và rồi khi đang ngồi gõ bản tin để gửi đi thì ông nghe một âm thanh rất lớn vọng vào, đó là chiếc xe tăng với lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đang lao nhanh về phía cổng Dinh Độc lập.
"Tôi không thể tin nổi là xe tăng đã áp sát. Với chiếc máy ảnh quấn quanh cổ, tôi lao theo chiếc xe tăng và cố vẫy tay, ý nói mình là nhà báo và những người lính vẫy tay đáp lại. Tôi vội quay lại văn phòng để gửi một tin nhanh cho Reuters:
'Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào lúc 11 giờ 25 phút sáng nay'."

Bức ảnh chụp trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn cho thấy chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập - cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa.
Cuộc chuyển giao không đổ máu
Sau đó, trong khi nhà báo Chanda gửi tin cho tạp chí Far Eastern Economic Review thì đường truyền bị mất tín hiệu. Chính quyền mới đã ngắt kết nối nên tờ báo của ông Chanda chỉ nhận được bốn năm đoạn trong bản tin mà ông gửi về và họ đã đăng tất cả lên trang nhất với nhan đề: "Những dòng cuối cùng từ Sài Gòn".
"Đó là cách tôi bắt đầu ngày 30/4."
Chanda đi vòng thành phố để xem chuyện gì đang diễn ra và ông thấy nhiều binh sĩ Việt Nam Cộng hòa bỏ chạy vì sợ bị bắt. Họ vừa chạy vừa cởi bỏ quân phục, vứt bỏ vũ khí và được người dân ném cho áo quần xuống từ ban công để mặc tạm.
Trong khoảng hai giờ đầu tiên, đường sá vẫn còn vắng lặng, người dân đều ở yên trong nhà. Sự im ắng đó không phải báo hiệu cho một cuộc sát phạt mà là âm thanh của hòa bình.
Rồi khi bớt đi sợ hãi, người dân bắt đầu đổ ra đường và chừng đến buổi chiều, công viên đối diện Dinh Độc lập và cũng gần văn phòng Reuters dường như đã biến thành hội chợ với đám đông tụ họp.
"Quân Giải phóng ngồi nghỉ bên cạnh xe tăng, thiết giáp của họ và tôi thấy người dân đến gần, gãi gãi đầu bắt chuyện, hỏi han những câu thường tình như: Anh ở đâu đến; Khẩu súng này dài quá, bắn xa bao nhiêu mét?..."
Những người lính mà mọi người gọi là "bộ đội" khi đó chẳng khác gì những hướng dẫn viên tận tình giới thiệu hệ thống vũ khí cho người dân Sài Gòn.

Hình ảnh người lính Bắc Việt trò chuyện với người dân sau khi Sài Gòn thất thủ.

"Thật khó mà tin là chỉ vài giờ trước, cả thành phố còn chìm trong nỗi sợ rằng cộng sản sắp tràn vào, và rằng có thể sẽ có một màn máu đổ đầu rơi, có thể cộng sản sẽ pháo kích thành phố. Chúng tôi thật chẳng lường được điều gì sẽ xảy ra," nhà báo Chanda, nay đã gần 80 tuổi, kể lại.
Sài Gòn lúc đó từ trạng thái lo âu tột độ chuyển sang một sự nhẹ nhõm vì hầu hết người dân đều cảm thấy cuối cùng thì chiến tranh cũng đã chấm dứt, không còn tiếng súng, không có giao tranh ác liệt nổ ra trong thành phố.
Đã có những bóng ma cộng sản gieo vào trí óc của những người dân Sài Gòn lúc bấy giờ trước thời điểm quân giải phóng tràn vào. Ông Chanda kể:
"Một cô gái làm ở quán bar kể với tôi rằng họ nghe đâu cộng sản sẽ rút móng tay màu mè của họ và đầy những lời đồn đại như thế. Sau đó các cô gái đã hỏi những người lính rằng 'bộ các anh định rút móng tay chúng tôi sao' thì các anh lính ngơ ngác, ngạc nhiên trước câu hỏi đó."
"Rồi chừng một, hai ngày sau, những cô gái làm ở quán bar từng thay sẵn áo bà ba để chuẩn bị cho sự xuất hiện của những người lính cộng sản đã nhanh chóng trở lại bận những chiếc quần jean, váy ngắn vốn có của mình. Họ không còn sợ cộng sản như lúc đầu nữa, thậm chí họ còn bắt đầu tìm cách bán đồ cho những người lính."
"Ví dụ, tôi thấy có người đem một chiếc đồng hồ, nhúng vào ly nước để chứng minh rằng kim đồng hồ vẫn quay dù bị ngập trong nước khiến các anh bộ đội há hốc mồm ngạc nhiên và rồi cố bán chiếc đồng hồ với giá thật cao."
"Đó là một kiểu buôn bán khôn khéo rất đặc trưng của Sài Gòn, việc đó xảy ra chỉ vài giờ khi những người lính bụi bặm tiến vào thành phố."

,Bức ảnh được nhà báo Nayan Chanda chụp vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho thấy hình ảnh người lính cộng sản tại Dinh Độc lập ở Sài Gòn.
Thời điểm xe tăng húc cổng Dinh Độc lập, sau khi đã bắn tin cho Reuters và tạp chí Far Eastern Economic Review, Chanda đi vào bên trong Dinh và những điều sau đó ông chứng kiến đã luôn ở trong ký ức ông suốt 50 năm.
Chanda bước lên tầng lửng nơi có tấm thảm tròn lớn màu đỏ đậm với hình con rồng vàng ở giữa. Đây là nơi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu thường đứng để tiếp khách.
Và chính tấm thảm đỏ đó, bây giờ có một vị khách mới: một người lính cộng sản trẻ tuổi.
"Chàng trai đó cởi chiếc dép lốp Cụ Hồ và cảm nhận tấm thảm bằng đôi chân trần của mình. Rõ ràng là cậu ta chưa từng có trải nghiệm nào như vậy - đặt chân trên một chiếc thảm mềm. Và nhìn cách cậu trai ấy khám phá dinh thự quả thật là một điều rất thú vị."
Và rồi có nhiều người lính khác đã chạy lên mái dinh để cắm lên lá cờ của Mặt trận Giải phóng và đứng trên ban công vẫy cờ.
Khi Chanda đi xuống cầu thang, ông nhìn thấy Đại tướng Dương Văn Minh đang ở dưới, xung quanh là những binh lính Bắc Việt.
"Sau đó vị đại tướng được hộ tống đến đài phát thanh, nơi ông đọc tuyên bố đầu hàng và chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới."
Một điều khá bất ngờ, theo nhà báo Chanda, là trong suốt 7-8 ngày liền, Sài Gòn dường như cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài: không thư từ, không cáp truyền, không điện tín.
Cánh phóng viên còn trụ lại Sài Gòn như Chanda đã hội lại với nhau cùng uống cà phê và gọi cả dâu tươi từ Đà Lạt để tráng miệng.
"Chúng tôi ngồi nghe đài sóng ngắn, trong khi thế giới ngoài kia đồn đoán rằng có thể đang xảy ra một cuộc tắm máu ở Sài Gòn. Chúng tôi nói đùa với nhau: 'Đây này, tụi này đang ăn dâu tây khi thiên hạ thì nghĩ ở đây có thảm sát'."
"Cảm giác ấy thật siêu thực," ông hồi tưởng.

Sài Gòn sụp đổ, những người lính cộng sản cầm cờ Mặt trận phất trên tầng của dinh tổng thống vào ngày 30/4/1975.
Người bạn Phạm Xuân Ẩn
Vào thời điểm nhìn thấy những người lính cộng sản ngồi chồm hổm để nói chuyện với người dân Sài Gòn thì ông Chanda bắt gặp người bạn của mình - nhà báo Phạm Xuân Ẩn - người được săn đón nhất lúc bấy giờ vì là trưởng văn phòng của tạp chí Time. Ông Phạm Xuân Ẩn đang đứng trước Dinh Độc lập với một nụ cười đầy suy tư.
"Tôi đã rất ngạc nhiên vì nghĩ rằng ông ấy đã rời đi cùng các nhà báo khác trên trực thăng của Mỹ. Vì vậy tôi chạy lại hỏi:
'Anh còn ở đây à?'
Anh ấy chỉ cười rồi nói, 'Ừ, tôi bị lỡ chuyến bay mà.' Tôi hỏi tiếp: 'Còn gia đình anh thì sao?'
Anh trả lời, 'Họ đi được rồi.'
Tôi nói: 'Vậy thì tốt.'
"Nhưng tôi vẫn rất bất ngờ không rõ lý do vì sao ông ấy kẹt lại. Mãi đến vài năm sau tôi mới biết được sự thật: hóa ra ông ấy là một gián điệp cộng sản thuộc hàng cấp cao nhất ở trong lòng miền Nam, người trong nhiều thập kỷ đã cung cấp tin tình báo chiến lược cho Hà Nội."
"Mãi về sau, trong những buổi hàn huyên dài tại nhà ông ấy, nơi luôn đầy tiếng chim hót, ông ấy kể rằng mình đã tham gia cách mạng từ khi còn là một cậu học sinh trung học. Ông ấy muốn chiến đấu chống lại thực dân Pháp, muốn giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của Pháp. Do đó, ông ấy gia nhập Đảng Cộng sản và thực ra, khi sang Mỹ du học, ông ấy vẫn đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng. Và đó là nhiệm vụ được giao," ông Chanda kể.

Phạm Xuân Ẩn trên đường phố Sài Gòn trong ngày cuối cùng của chiến tranh, 30/4/1975.
Phạm Xuân Ẩn là một thiếu tướng tình báo, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào năm 1976. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài sau chiến tranh, ông không còn được Hà Nội tin tưởng, bởi lẽ ông đã sống quá lâu trong lòng Việt Nam Cộng hòa, sống quá gần với người Mỹ.
Ông qua đời vào năm 2007 ở tuổi 80.
Đã có nhiều sách báo viết về cuộc đời ông Ẩn và đa phần tác giả Việt Nam lẫn nước ngoài đều đánh giá cao khả năng săn tin của ông Ẩn. Ông được xem là người Việt Nam "được phía Mỹ ưa chuộng nhất nhưng đã đánh lừa chính quyền Mỹ từ đầu đến cuối".
Trong trí nhớ của nhà báo Chanda, Phạm Xuân Ẩn không phải là một người quá đỗi huyền bí với những huyền thoại xoay quanh mà là một người đồng nghiệp, một người bạn ấm áp, hiếu khách mỗi khi ông đến chơi nhà.
"Ông ấy gần như mang dáng dấp của một triết gia - hiểu biết sâu rộng, đọc rất nhiều. Ẩn giúp đỡ tôi rất nhiều và tôi không biết vì sao, nhưng chắc chắn là ông ấy có thiện cảm với một chàng phóng viên trẻ người Ấn như tôi."
"Thời điểm đó, tôi chỉ là một trong hàng trăm nhà báo nước ngoài, là một trong số rất ít người Ấn và tôi nói được tiếng Pháp nên chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Pháp. Giờ khi nhớ lại những gì chúng tôi nói với nhau, tôi nhận ra rằng ông ấy chưa bao giờ nói dối tôi điều gì, ông ấy luôn nói những điều ông ấy biết và có thể chia sẻ và tôi nghĩ đó là một điều đáng quý trọng nơi ông ấy," ông Chanda kể về điệp viên Phạm Xuân Ẩn.

Bức ảnh chụp nhà báo, "điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn vào tháng 4 năm 2005 tại nhà riêng ở của ông ở TP HCM
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, nhà báo Nayan Chanda nói rằng đối với người bạn Phạm Xuân Ẩn của ông khi đó, kết thúc cuộc chiến nghĩa là có được một khởi đầu mới, và ông ấy không còn phải sống trong nỗi lo sợ, cảnh giác thường trực.
"Ẩn ấy rất tự hào về những gì mình đã làm cho đất nước. Và tất nhiên, ông ấy đã chấp nhận rủi ro vô cùng lớn. Mỗi ngày, ông ấy có thể bị phát hiện, bị tra tấn, thậm chí bị giết.
"Tôi rất nhớ ông ấy. Tôi cứ thường sống trong nỗi nhớ thương ấy. Vì Ẩn đã không còn ở đây nữa. Ông ấy là một người yêu nước. Ông ấy đã làm điều mà rất nhiều người yêu nước từng làm và sẽ tiếp tục làm," Chanda chia sẻ.
Khi thực hiện cuộc phỏng vấn này, nhà báo Nayan Chanda đang cùng vợ mình chuẩn bị lên đường bay đến Sài Gòn để dự lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh do Bộ Ngoại giao Việt Nam mời.
Ông nói với BBC: "Tôi cảm thấy thật may mắn vì mình vẫn còn sống, rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè tôi đã qua đời. Vì vậy, tôi rất mừng khi được trở lại Sài Gòn, dự lễ kỷ niệm cho một cột mốc lịch sử mà tôi từng chứng kiến 50 năm trước."
Theo BBC