Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Vĩnh Long cuối cùng, vào ngày 7/5, đã khởi tố vụ án tai nạn giao thông khiến nữ sinh 14 tuổi chết gây bức xúc dư luận xảy ra từ ngày 4/9/2024.

Diễn biến này đảo ngược kết quả mà cả lực lượng điều tra Công an huyện Trà Ôn, Công an tỉnh Vĩnh Long, cùng hai viện kiểm sát nhân dân Trà Ôn và Vĩnh Long từng công bố.
Vụ án được khởi tố để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Đây là nỗ lực lật lại sự việc khi cơ quan điều tra và công tố trước đó không khởi tố sau khi nạn nhân được xác định là có lỗi, và khép lại hồ sơ với các lý do "không có sự việc phạm tội", và "người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết".
"Người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội" đó chính là cô bé Nguyễn Ngọc Bảo Trân, nữ sinh lớp 9, bị tài xế xe tải tên Nguyễn Văn Bảo Trung gây tai nạn, tử vong vào ngày 4/9/2024.
Người cha của nạn nhân, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan công quyền, nhưng sự việc vẫn không được giải quyết.
Ngày 28/4, ông Phúc đã dùng súng tự chế, tìm tài xế Trung và bắn anh này, sau đó tự sát.
Ông Phúc chết sau đó, còn tài xế Trung được cứu sống.
'Cuộc đua một mất một còn'

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Sau thảm kịch, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND), trước sự bất bình của dư luận, đã vào cuộc khi cử các điều tra viên làm việc với người nhà và luật sư của nạn nhân, đồng thời tuyên bố tiếp nhận hồ sơ vụ việc hôm 1/5.
Một ngày sau, hôm 2/5, Bộ Công an tuyên bố rút hồ sơ để điều tra, đồng thời đề nghị cơ quan tố tụng tại Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ tai nạn này.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao, ngoài việc hủy quyết định không khởi tố hình sự, cũng đã hủy bỏ hai quyết định về giải quyết khiếu nại của Viện Kiểm sát tỉnh Vĩnh Long và Viện Kiểm sát huyện Trà Ôn.
Bộ Công an, sau khi nghiên cứu hồ sơ, cho biết có căn cứ xác định hành vi của tài xế xe tải có dấu hiệu phạm tội.
Hôm 6/5, tại hiện trường, Viện KSND Tối cao tiếp tục cử cán bộ tới đến điều tra và làm việc với các nhân chứng cùng người nhà nạn nhân.
Cũng ngày hôm đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, thừa nhận quá trình điều tra đã phát hiện "có thiếu sót".
"Quan điểm của Bộ Công an là sẽ khẩn trương điều tra làm rõ và nếu có vi phạm sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ công an theo đúng quy định của pháp luật, quy định ngành công an", ông Tuyên nói.
Sau đó một ngày, hôm 7/5, Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố hình sự vụ án lái xe gây tai nạn chết người.
Những diễn biến dồn dập của hai cơ quan điều tra, một thuộc ngành công an, một thuộc ngành kiểm sát, được báo chí và mạng xã hội trong nước theo sát.
Nhưng các thông tin bề mặt đó dường như kích hoạt một cuộc đua ngầm giữa hai cơ quan tố tụng là điều tra và công tố không chỉ trong việc đi tìm công lý mà còn là "một mất một còn".
Bộ Công an muốn bỏ Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát

Những diễn biến của việc lật lại vụ án xảy ra trong bối cảnh Bộ Công an đề xuất bỏ cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Theo đó, chức năng điều tra của Viện KSND Tối cao sẽ do Bộ Công an tiếp nhận, đảm nhiệm.
Lý do mà Bộ Công an đưa ra là Hiến pháp (điều 107), quy định "Viện KSND Tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp", mà không đề cập đến chức năng điều tra.
Do vậy, Bộ Công an cho rằng giao cho Viện KSND Tối cao thực hiện chức năng điều tra là "chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp".
Chính phủ đã nhất trí với đề xuất này của Bộ Công an trong khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phản đối.
Viện Kiểm sát nhấn mạnh họ là một hệ thống cơ quan độc lập, và có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp, và yêu cầu giữ nguyên quy định về Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.
Nhiệm vụ của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao là điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp, nhằm bảo vệ nền tư pháp, bảo vệ công lý, và phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp.
Đang có hai luồng ý kiến về đề xuất của Bộ Công an, một ủng hộ nên bỏ, và một ủng hộ cần giữ lại cơ quan điều tra Viện Kiểm sát.
Nếu theo phương án của Bộ Công an (đã được Chính phủ nhất trí), Bộ này sẽ tiếp nhận chức năng điều tra tố tụng từ cơ quan công tố.
Điều này đặt ra câu hỏi cơ quan nào sẽ thay Viện KSND Tối cao đóng vai trò đối trọng, giám sát và minh bạch trong quá trình điều tra tố tụng.
Đặc biệt, với vụ án liên quan đến tai nạn giao thông đang được bàn luận tại Vĩnh Long, nếu Viện KSND Tối cao không vào cuộc, liệu ngành công an có nhanh chóng lật lại hồ sơ vụ án?
Và khi bỏ đi một cơ quan điều tra, người dân sẽ gõ cánh cửa nào trên hành trình đi tìm công lý khi họ cho rằng có các sai phạm trong tố tụng, và phải dùng tới biện pháp cực đoan như người cha nạn nhân ở huyện Trà Ôn?
Sự 'vật vờ' của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra hiện trường vụ tai nạn khiến nữ sinh tử vong
Có vẻ như việc sốt sắng vào cuộc của Viện KSND Tối cao trong vụ án ở Vĩnh Long là một nỗ lực nhằm chứng minh sự tồn tại của họ là quan trọng và cần thiết trong bối cảnh có nguy cơ bị 'tinh gọn'.
Trong lịch sử, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát cũng đã giúp phát hiện một số sai phạm trong quá trình điều tra ban đầu của ngành công an, trong đó một số vụ án tiêu biểu như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén...
Tuy nhiên, theo một số luật sư, để dẫn đến nguy cơ bị "tinh gọn" như hiện nay, một phần lớn là do lỗi của chính ngành kiểm sát Việt Nam.
Bất chấp nắm trong tay quyền lực rất lớn, bao gồm quyền điều tra, truy tố và bắt giữ thậm chí cả cán bộ công an, thẩm phán và quan chức cấp cao vi phạm pháp luật trong ngành tư pháp, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã không phát huy được vai trò của họ, thậm chí là "sống vật vờ như cái bóng" trong suốt một thời gian dài, theo một số luật sư mà BBC Tiếng Việt phỏng vấn.
Số lượng vụ án được Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao trực tiếp điều tra và xử lý thành công không nhiều.
"Đa số là phải đợi báo chí lên tiếng rồi mới vào cuộc chứ tôi chưa thấy vụ án nào đến từ sự chủ động phá án, chuyên án và công bố cho người dân biết," theo luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp, từ TP HCM.

Theo luật sư Sơn, trên thực tế, khi có đơn tố giác tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thường "không tiến hành xác minh tin báo tội phạm và thụ lý đơn mà lại chuyển đơn cho Viện KSND cấp dưới, trong khi chính cấp dưới là một phần trong sự việc bị tố giác".
"Khi người dân có đơn khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan điều tra thì không được phản hồi. Cá nhân tôi đã gặp nhiều vụ như thế," ông Sơn nói.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật ATN, từ Hà Nội, nói với BBC rằng sự "vật vờ" của Viện Kiểm sát đã khiến giới luật sư từng đặt câu hỏi về sự cần thiết hay không của cơ quan này.
Ông Tuấn nêu vụ tử tù Hồ Duy Hải như một ví dụ cho thấy Viện Kiểm sát dù "có quyền rất lớn" nhưng đã không "đi đến cùng" trong vai trò của mình.
Theo đó, Viện KSND Tối cao được ghi nhận là đã có công nhiều lần kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải lên các cấp.
Khi cuối cùng bị toà án tối cao bác bỏ, thay vì nêu ý kiến lên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, sau đó là lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện KSND Tối cao đã chọn "không làm gì tiếp".
"Ông Lê Minh Trí, xưa là Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã kháng nghị vụ này nhiều lần. Nay ông trở thành Chánh án Tòa án Tối cao - ngồi vào vị trí mà trước đây ông nói là có quyền quyết định trong việc lật lại vụ án - thì ông lại không làm. Đây là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy Viện KSND Tối cao có quyền nhưng không đi tới cùng quyền của mình. Tôi rất lấy làm tiếc," luật sư Tuấn nói với BBC.

Thế 'đối trọng' với Bộ Công an
Theo các luật sư, việc bỏ cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao, ngoài lý do thực tế là cơ quan này hoạt động không hiệu quả, còn do chức năng này, về lý thuyết, không "mất đi", mà chỉ là chuyển sang cho Bộ Công an - nơi có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nghiệp vụ điều tra.
Viện KSND Tối cao khi đó vẫn còn chức năng và nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động xử lý đơn tố giác tội phạm và điều tra của cơ quan điều tra Bộ Công an.
"Đây mới là chức năng cốt lõi góp phần quan trọng trong việc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm," luật sư Sơn nói.
Theo ông Sơn, điều đáng ngại nhất không phải là việc bỏ hay giữ một cơ quan cụ thể, mà là việc "thiếu vắng một hệ thống kiểm soát và giám sát hiệu quả, đảm bảo tính độc lập, khách quan của các cơ quan tư pháp", bất kể cấu trúc tổ chức như thế nào.
Theo các luật sư, nếu Viện Kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát ngay từ đầu, yêu cầu bổ sung chứng cứ và không thỏa hiệp với việc điều tra sai quy trình, thì các tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ giảm đáng kể, quyền lợi của người dân sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Thực tế cho thấy nhiều vụ án oan sai xảy ra không chỉ do cơ quan điều tra mà còn vì ngành sát không thực hiện đúng vai trò kiểm sát, theo luật sư Phùng Thanh Sơn.
Việc cơ quan này không thực hiện tốt chức năng kiểm sát ngay từ đầu để ngăn ngừa oan sai, hay "có quyền mà không đi tới cùng", có thể do nhiều nguyên nhân, theo các luật sư.
Các lý do được kể đến có thể là tình trạng nể nang dẫn đến nương tay, thiếu cơ chế đánh giá hiệu quả công tác kiểm sát độc lập, không đủ nguồn lực, do tâm lý ngại đối đầu với cơ quan điều tra, hoặc "thiếu một cơ chế để bảo vệ họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ", theo ông Tuấn.
Dù vậy, theo vị luật sư này, "xét đi rồi xét lại", ông vẫn cho rằng sự tồn tại của cơ quan điều tra ngành kiểm sát là cần thiết để duy trì một thế đối trọng đối với ngành công an.
"Sự tồn tại của họ là cần thiết trong thời điểm này để kiểm soát lại quyền lực và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và ở một góc độ nào đó tạo nên sự đối trọng đối với cơ quan điều tra của Bộ Công an," luật sư Tuấn nói.
Cải cách hệ thống tư pháp

Các chuyên gia cho rằng thay vì chú trọng vào việc có nên giữ lại Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao hay không, thì việc cần hơn là tập trung vào xây dựng các cơ chế bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động tư pháp nói chung.
"Cải cách hệ thống tư pháp cần hướng đến tăng cường trách nhiệm giải trình và hiệu quả kiểm sát của Viện KSND Tối cao, thay vì chỉ tập trung vào việc duy trì hay bỏ một cơ quan điều tra cụ thể," luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC.
Theo đó, điều quan trọng nhất là người dân phải được bảo đảm quyền tiếp cận công lý một cách hiệu quả, không phải dùng đến những biện pháp cực đoan để được lắng nghe.
Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, vụ việc ở Vĩnh Long cùng nhiều vụ khác trước đây cho thấy Việt Nam đang thiếu một mô hình đa trung tâm điều tra "để người dân có quyền lựa chọn cơ quan mà họ tin tưởng".
Mô hình đa trung tâm điều tra, theo ông Sơn, cho phép thẩm quyền điều tra được trao cho nhiều cơ quan khác nhau, không để cơ quan nào độc quyền điều tra.
Trong khi đó, theo luật sư Ngô Anh Tuấn, cần thiết phải có một Toà Bảo hiến (hay Tòa án Hiến pháp), như nhiều nước trên thế giới.
Theo đó, tòa Bảo hiến không trực tiếp xét xử các vụ án hình sự, dân sự hay hành chính như các tòa án thông thường, mà đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm một nền tư pháp công bằng và khách quan thông qua việc bảo vệ Hiến pháp và giới hạn quyền lực nhà nước.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có một mô hình như vậy, với những lý do đã phân tích ở trên, các luật sư cho rằng vẫn nên giữ lại cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao để tránh việc Bộ Công an trở thành độc quyền trong điều tra, không đảm bảo được tính minh bạch, khách quan của quá trình tố tụng.
Theo BBC