Group News: Tin copy
Với ý chí cải tạo những con người "phản động", sau chiến thắng 30/4/1975, chính quyền mới đã đưa hầu hết những ai mà họ cho là thuộc thành phần "ngụy quân, ngụy quyền" vào trại cải tạo.
Nhiều tư liệu chỉ ra rằng những người bị giam giữ trong các trại cải tạo sau ngày 30/4/1975 phần lớn không qua xét xử.

Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng những người bị giam giữ trong các trại cải tạo sau ngày 30/4/1975 phần lớn không qua xét xử

"Tôi biết một người tù quyết tâm, một là thoát, hai là chết. Khi bị bắt lại, anh ấy đã chống cự. Tôi thấy họ đâm lưỡi lê từ miệng anh ấy xuyên ra sau đầu," một cựu tù nhân kể lại trong cuốn A Gift of Barbed Wire: America's Allies Abandoned in South Vietnam (Tạm dịch: Món quà dây thép gai: Đồng minh của Mỹ bị bỏ rơi ở Nam Việt Nam) của Robert S. McKelvey.

Đồ ăn trong trại vô cùng hạn chế.

Trong cuốn The Bamboo Gulag: Political Imprisonment in Communist Vietnam (Tạm dịch: Trại cải tạo tre: Giam giữ chính trị ở Việt Nam cộng sản), tác giả Nghĩa M. Võ, nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử và văn hóa Việt Nam, mô tả rằng tù nhân thường phải ăn trộm nông sản, giấu vào mông hoặc trong áo sơ mi có lớp lót kép, rồi sau đó chủ yếu là ăn sống. Nếu bị bắt quả tang, tù nhân sẽ bị xỉ vả, đánh đập hoặc biệt giam.

Nguồn thực phẩm nhiều lúc là do gia đình cung cấp. Tuy nhiên, tù nhân cũng hiếm khi được gặp người thân, thường là vài tháng một lần.

Tác giả Huy Đức, trong cuốn Giải phóng (bộ sách Bên thắng cuộc), viết rằng cho tới tháng 9/1975, chỉ những người có nhân thân rất đặc biệt mới được vào trại thăm thân.

Lao động khổ sai và sống trong môi trường bệnh tật hoành hành là hai yếu tố điển hình khác trong các trại cải tạo.

Sau 30/4/1975, hàng ngàn người đã sống cuộc sống như vậy.

"Chúng cũng là con người Việt Nam. Đế quốc Mỹ và tay sai đã biến chúng từ con người thành ra dã thú. Cách mạng phải cải tạo chúng từ thú trở lại thành người," ông Huy Đức dẫn lại bài viết ngày 12/6/1975 trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Theo một số nguồn tư liệu, tính tới năm 1980, tổng cộng đã có khoảng một triệu người từng phải đi học tập cải tạo, trong đó 40.000 người bị giam giữ dài hạn.

Một phái đoàn của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty Intertional) tới Việt Nam vào tháng 12/1979 đã được thông báo rằng trong số 40.000 người trên, có khoảng 26.000 người vẫn đang bị giam giữ và khoảng 14.000 người đã được trả tự do kể từ năm 1975.

Có những nguồn thông tin khác ước tính số người từng bị giam giữ dài hạn, tính tới giai đoạn cuối năm 1978-đầu năm 1979, lớn hơn nhiều, với mức ước tính cao nhất là 300.000 người.

Vào năm 1988, hãng thông tấn AP dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ Thông tin Việt Nam Phan Quang Diêu nói rằng trong những năm qua, phần lớn trong tổng số khoảng 100.000 sĩ quan và công chức Sài Gòn tập trung đi học tập, cải tạo đã dần dần được thả và cho phép trở về với gia đình.

Sau khi phỏng vấn hơn 200 cựu tù nhân trại cải tạo, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ Ginetta Sagan nhận xét về trại cải tạo trong một bài viết vào năm 1982 như sau:

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bức tranh về các trại lao động khổ sai với đói rét và bệnh tật hoành hành, tù nhân bị trừng phạt nghiêm khắc chỉ vì những vi phạm nhỏ các quy định trại, bị nhồi sọ chính trị và buộc phải viết những bản 'tự kiểm điểm' dài với nội dung tố cáo chính mình và người khác về những hành vi bị cho là sai trái trong quá khứ."

Trại cải tạo là một mô hình phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc.

Tại miền Bắc Việt Nam, chính quyền đã cho thành lập nhiều trại cải tạo lao động từ những năm 1960. Việc bắt và giam giữ được thực hiện theo Nghị quyết 49 NQ/TVQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào ngày 20/6/1961.

Sau ngày 30/4/1975, với quyết tâm cải tạo những thành phần "tay sai", "phản động", "ngụy quân", "ngụy quyền", chính quyền mới của một nước Việt Nam thống nhất dù ban đầu hứa hẹn "sẽ đối xử nhân văn", "không có trả thù", nhưng sau đó đã buộc hàng chục ngàn (có thể hàng trăm ngàn) người đi "học tập cải tạo", thực chất là đi lao động khổ sai và học tập chính trị.

Những trại cải tạo cuối cùng kiểu này đóng cửa vào năm 1993.

Ai đi, bao giờ về?

Vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam vừa kết thúc, chính quyền mới tuyên bố rằng những người phải đi trại học tập, cải tạo là những đối tượng "đã phạm tội nghiêm trọng với nhân dân và đất nước" và sẽ được đào tạo thành những "công dân mới".

Họ cũng khẳng định rằng đây là cách làm "nhân văn" hơn so với việc luận tội và xét xử tại tòa, đặc biệt là đối với những người có chức vụ và trách nhiệm cao của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Tháng 6/1975, theo thông báo từ chính quyền mới, hàng loạt binh sĩ, sĩ quan, quân nhân, tướng tá từng phục vụ chế độ VNCH phải đi học tập, cải tạo. Chính quyền thông báo rằng thời gian đi học tập, cải tạo tối đa là một tháng.

Thế nhưng, có rất nhiều người đã đi hơn 10 năm, thậm chí gần 20 năm. Có những người không bao giờ có cơ hội trở về, còn sống.

Ông Trần Xuân Ninh, một bác sĩ nhi từng làm sĩ quan quân y trong Quân lực VNCH, bị buộc tội tham gia củng cố lực lượng "ngụy quân" vì chữa trị cho binh lính bị thương, đã bị giam giữ 27 tháng trong trại cải tạo. Ông ra khỏi trại được khoảng một năm thì vượt biển rời Việt Nam.

Ông Trần Văn, một cựu đại tá của Việt Nam Cộng hòa, đã phải đi học tập, cải tạo trong 12 năm sau khi "trình diện chính quyền cách mạng", tờ Palm Beach Post của Mỹ nêu trong bài viết vào năm 1990.

Thiếu tướng Lê Minh Đảo là một trong những trường hợp bị giam giữ lâu nhất: 17 năm (1975-1992).

Có trường hợp đặc biệt không phải đi trại cải tạo, như ông Nguyễn Xuân Oánh – cựu Phó Thủ tướng VNCH và quyền Thủ tướng VNCH. Ông Oánh được chính quyền mới sử dụng và trở thành cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào thời kỳ Đổi mới.

Lại có trường hợp "trớ trêu" như ông Đoàn Văn Toại. Là một người ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và có thời làm phó chủ tịch hội sinh viên Sài Gòn, ông Toại không ít lần yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam và bị chính quyền VNCH bắt giam. Nhưng sau 30/4/1975, ông lại bị chính quyền cộng sản giam giữ hơn hai năm trong trại cải tạo.

Một cảnh trại cải tạo

Một cảnh trại cải tạo

Sinh viên và nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ cũng phải đi học tập, cải tạo như nhà văn Dương Nghiễm Mậu (khoảng 1 năm), nhà thơ Hồ Đình Phương (khoảng hơn 2 năm), nhà văn Duyên Anh (hơn 5 năm), nhà văn Nguyễn Sĩ Tế (11 năm)…

Không ít người đã chết trong trại.

Sau khi phân tích những trường hợp không liên quan trực tiếp tới chính quyền VNCH nhưng vẫn phải đi trại cải tạo, ví dụ như sinh viên từng tham gia các trường đào tạo sĩ quan bắt buộc hoặc nhà văn, nhà thơ, lãnh đạo tôn giáo,… nhà hoạt động người Mỹ gốc Ý Ginetta Sagan kết luận vào năm 1982 rằng "chính quyền Hà Nội tự trao cho mình quyền lực rộng lớn trong việc bắt giữ và giam cầm".

"Quyền lực này không dựa trên bất kỳ khái niệm nào về công lý, mà xuất phát từ mong muốn bảo vệ an ninh cho một chính quyền toàn trị. Chính từ hoàn cảnh đó mà rất nhiều người Việt Nam đã rời bỏ đất nước trong bảy năm qua."

Sau ngày 30/4/1975, "bên thắng cuộc" tuyên bố sẽ cải tạo những người "đã phạm tội nghiêm trọng với nhân dân và đất nước" thành những "công dân mới"

Sau ngày 30/4/1975, "bên thắng cuộc" tuyên bố sẽ cải tạo những người "đã phạm tội nghiêm trọng với nhân dân và đất nước" thành những "công dân mới"

Trong cuốn Giải phóng, Huy Đức trích dẫn bài xã luận có nhan đề Tiếp tục cải tạo để trở thành người công dân chân chính được đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 17/6/1975. Bài xã luận viết:

"Đợt học tập cải tạo của binh lính, hạ sỹ quan ngụy quân và nhân viên ngụy quyền mở ra đã được mấy ngày.

"Trong các thu hoạch của các học viên, có một điểm chung làm mọi người chú ý: hầu hết đều phát biểu thừa nhận mình trước kia dù làm bất cứ việc gì trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, đều là những người có tội với nhân dân, với cách mạng. Họ đều hứa sẽ tự cải tạo mình thành những con người tốt[…]

"Họ có thật sự tiến bộ hay không? Thái độ của họ có thành thật hay không? Hay giả vờ tiến bộ, giả vờ hứa hẹn cốt cho qua cửa ải này, rồi trà trộn vào cộng đồng dân tộc với những tư tưởng thù địch với dân tộc?"

Nhiều tài liệu chỉ ra rằng những người bị giam giữ trong các trại cải tạo sau ngày 30/4/1975 phần lớn không thông qua xét xử. Bên cạnh đó, hàng ngàn người được cho là đã chết trong các trại cải tạo. Không có báo cáo nào về việc hành quyết tù nhân một cách có hệ thống.

Chính quyền mới lúc bấy giờ được cho là có sự nghi ngờ đối với những cá nhân từng làm việc cho hoặc sinh sống dưới chính thể VNCH, cả trước và sau khi đưa họ đi học tập, cải tạo.

Một ví dụ là trường hợp của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Ông học luật tại Đại học Harvard và đã trở về Việt Nam làm việc vào năm 1974. Sau khi Sài Gòn thất thủ, chính quyền mới đã nghi ngờ ông Bích là gián điệp của CIA và đưa ông đi học tập, cải tạo 13 năm.

Trong một biên bản gửi tới Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vào tháng 9/1980, chính quyền Việt Nam khẳng định đang cân nhắc các biện pháp tạo điều kiện cho "những người thực sự ăn năn hối cải được trở về với gia đình và tái hòa nhập xã hội".

Chính quyền cũng có kế hoạch thành lập các "vùng kinh tế mới" và chuyển các cựu tù nhân tới đó. Theo họ, đó là những nơi "cách xa các thành phố lớn hoặc các khu vực có tầm quan trọng về an ninh quốc gia".

Một đoạn khác nêu:

"Những người được thả có được phép ra nước ngoài sinh sống không? Nói chung, sau khi được thả, các trại viên phải cư trú từ nửa năm đến một năm tại nơi cư trú cũ để chính quyền địa phương theo dõi."

"Sau thời gian đó, họ sẽ được khôi phục đầy đủ quyền công dân và được hưởng các quyền lợi đã được nêu trong thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Cao ủy Tỵ nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR)."

Tướng Nguyễn Hữu Có, người từng giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội và Phó Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương thời Việt Nam Cộng hòa, đã phải đi học tập, cải tạo 12 năm.

Khi được trả tự do, ông Có được cho phép cùng vợ ra nước ngoài, nhưng con ông phải ở lại Việt Nam nên ông chọn ở lại. Về sau, ông Có tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có các hoạt động liên quan tới hòa giải.

'Nhồi sọ chính trị', thức ăn hạn chế, lao động khổ sai

Khi mới vào trại, tù nhân phải trải qua những khóa học chính trị kéo dài vài tuần tới vài tháng, với nội dung như: cách "chủ nghĩa đế quốc Mỹ" bóc lột lực lượng công nhân ở các quốc gia khác, sự vinh quang của lao động, lòng khoan dung của chính quyền mới đối với những "kẻ phản loạn"… ("kẻ phản loạn" tức là những người liên quan tới VNCH).

Ginetta Sagan mô tả những khóa học này là những "đợt nhồi sọ chính trị cường độ cao".

Kể về việc này, ông Nguyễn Hữu Có nói rằng người dạy học không chấp nhận ý kiến phản bác.

"Tôi có thể khăng khăng giữ quan điểm của mình, thậm chí trong hai hoặc ba tháng, nhưng người hướng dẫn sẽ không bao giờ nhượng bộ... Họ đồng ý thảo luận, nhưng không bao giờ đồng ý với tôi. Cuối cùng tôi đã phải đồng ý, 'vâng, tôi đã hợp tác với người Mỹ xâm lược Việt Nam'," ông nhớ lại.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào năm 2015, Thiếu tướng Lê Minh Đảo nói rằng cải tạo là cách dùng từ mĩ miều của chính quyền mới "cho nó đẹp. Chứ đi đày tụi tôi chứ cải tạo cái gì?"

"Sự thật là ai cải tạo ai? Bây giờ phải nói rằng trình độ tụi tôi với tất cả cuộc sống của tụi tôi có cần những người cải tạo để đưa tụi tôi từ một [mức] con người biết đầy đủ tất cả nhân phẩm xuống thành con thú vật đâu? Nếu cải tạo cái đó thì tôi đồng ý, nghĩa là đày đọa tụi tôi thành con người vô tri, con người như con thú vật," ông nói.

Ảnh chụp Tướng Đảo khi còn trẻ

Thiếu tướng Lê Minh Đảo là một trong những người đi cải tạo lâu nhất: 17 năm

Tù nhân cải tạo thường được luân chuyển tới nhiều trại khác nhau trong thời gian giam giữ. Sĩ quan quân đội và quan chức cấp cao của VNCH, cùng với những người bị coi là có mức độ rủi ro an ninh cao, thường sẽ bị chuyển ra các trại ở miền Bắc – một số trại gần biên giới Trung Quốc – trong các năm 1976 và 1977. Các cuộc chiến tranh với Campuchia Dân chủ và Trung Quốc vào năm 1978 và 1979 đã khiến nhiều trại phải di dời.

Sau ba năm đầu bị giam giữ, ông Có bị chuyển tới một trại cải tạo ở phía bắc gần biên giới Trung Quốc. Theo Washington Post, tại đó, ông Có phải lao động khổ sai với khẩu phần ăn ít ỏi. Trong năm đầu tiên ở trại mới, không ai được nhận quà từ gia đình, sang năm thứ hai, mỗi hai tháng được nhận một gói. Thư từ cũng chỉ được gửi mỗi hai tháng một lần.

"Trại đó khắc nghiệt nhất," ông Có kể.

Sau đó, ông Có lại bị chuyển sang một trại khác.

Bà Sagan cho rằng việc luân chuyển tù nhân từ trại này sang trại khác có thể là để tù nhân khó tìm được người thân cùng trại hoặc thiết lập mối quân hệ thân thiết với nhau hoặc với lính canh.

Ngoài ra, khi ở trong trại, tù nhân phải viết các bản tự kiểm điểm dài với nội dung tố cáo chính mình và người khác về những hành vi bị cho là sai trái trong quá khứ.

"Sau những bản tự thú viết tay là các buổi đấu tố công khai. Tù nhân phải thú nhận về 'tội' của mình trước ban quản trại và các tù nhân khác. Theo lời kể của một cựu tù nhân, các tù nhân được khuyến khích phê bình bản tự thú của người khác, điều mà ông này cho rằng là 'rất hiệu quả trong việc khiến chúng tôi căm ghét lẫn nhau.' Tù nhân nào thú nhận càng nhiều 'tội' thì càng được ban quản trại ca ngợi là 'tiến bộ'," bà Sagan viết.

Phụ nữ lao động trong một trại cải tạo do Chính phủ Cách mạng lâm thờiCộng hòa miền Nam Việt Nam lập vào đầu vào năm 1976

Phụ nữ lao động trong một trại cải tạo do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lập vào đầu năm 1976

Lao động khổ sai là một phần không thể thiếu trong các trại cải tạo.

Ông Lê Anh Kiệt, từng làm trong Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH, đã viết hồi ký 17 năm trong các trại cải tạo của Cộng sản Việt Nam kể về thời gian trong trại của mình.

Theo ông Kiệt, lần đầu ông được nghe định nghĩa về lao động của cộng sản là từ một cán bộ tự xưng là Hai Côn trong trại Long Thành.

"Hai Côn bảo rằng 'lao động' là thước đo sự tiến bộ trong quá trình cải tạo," ông viết.

Phần lớn thời gian, ông Kiệt phải đi cuốc đất.

"Đất đai trong trại là loại đất sét pha trộn với đá sỏi ở trên đỉnh đồi nên rất cứng khi gặp nắng. Chúng tôi phải dùng cuốc chim để đào xới lên trước khi làm những luống thẳng tắp bằng cách chăng dây làm chuẩn. Đó là một thứ lao động rất nặng, nhưng khi đó chúng tôi vẫn còn trẻ và vẫn còn sức lực."

Phải lao động nặng nhọc trong bối cảnh thiếu thốn thức ăn, "dù lúc đó thì cơm cũng không đến nỗi ít lắm, nhưng thức ăn chỉ có canh với một ít bí đỏ và vài hạt đậu phộng", vài người bị phù thũng và ghẻ ngứa, ông Kiệt kể.

"Những con cào cào, dế, và bọ cây đã trở thành những con tôm bay. Chuột, ếch nhái, rắn, và cắc kè đã trở thành những thứ thịt cao cấp. Rau dại càng lúc càng hiếm. Mọi cái gì không độc đều là những món ăn bằng cách này hay cách khác; chúng tôi đùa rằng cái gì nhúc nhích được là ăn được, con gì cũng ăn được ngoại trừ con bù lon."

Ông Kiệt cũng kể về cái gọi là "Bốn Tiêu chuẩn Cải tạo" dùng để đo lường sự tiến bộ của tù nhân. "Điều quan trọng nhất là nhận tội và khai báo tội lỗi của người khác mà mình biết dù họ đã bị bắt vào trong trại hay vẫn còn ở ngoài xã hội," ông viết.

Theo mô tả của ông Nghĩa M. Võ trong cuốn The Bamboo Gulag, ở nhiều trại, nhiệm vụ đầu tiên của tù nhân là tự tay làm nhà ở cho bản thân và cán bộ từ những vật liệu thô sơ, trong cảnh thiếu thốn công cụ.

"Những nơi làm việc tồi tệ nhất là các khu rừng vùng cao đầy muỗi mòng gây sốt rét và các tỉnh miền Tây Nam, những nơi phần lớn tù nhân đều mắc bệnh. Trong quá trình xây dựng nơi ở, họ [đồng thời] tự đào mồ chôn cho chính mình. Nếu không chết vì kiệt sức hoặc suy dinh dưỡng, họ sẽ chết vì sốt rét."

"Trong điều kiện làm việc như vậy, bệnh lao, vốn đã phổ biến ở Việt Nam, lây lan nhanh chóng, khiến nhiều tù nhân chết vì bệnh nặng do trạm xá không có thuốc."

Ngoài ra, nhiều nguồn tư liệu khác cho biết tù nhân cũng phải làm những công việc nguy hiểm như rà phá mìn. Không có thiết bị bảo hộ nào được cung cấp cho công việc đầy rủi ro này. Hậu quả là nhiều tù nhân đã thiệt mạng hoặc bị thương do mìn phát nổ.

Những người trong chính quyền và quân đội của VNCH đang lao động tại một trại cải tạo ở Tây Ninh vào tháng 6/1976

Những người trong chính quyền và quân đội của VNCH đang lao động tại một trại cải tạo ở Tây Ninh vào tháng 6/1976

Bỏ mạng

Đồ ăn khan hiếm, lao động vất vả, điều kiện sống tồi tệ, bệnh tật hoành hành và những hình phạt hà khắc đã khiến nhiều người chết trong trại.

Tướng Lê Minh Đảo kể:

"Chết, chết đủ cách hết. Đói rét, đói chết, bệnh tật chết, bị hành hạ lao động chết.

"Rồi nội thời tiết khắc nghiệt, không có cho tụi tôi một cái gì [chống lạnh] nữa. Tôi ngủ phải lấy nhật trình, cái giấy báo đó, tôi quấn quanh mình tôi vì hồi đi ra họ nói đi một tháng, không mang đồ lạnh gì hết cả. Rồi đem ra gặp miền Bắc khắc nghiệt,... chúng tôi kiếm từ cái giẻ rách bố tời chúng tôi lót."

"Còn cái ăn nữa. Cái ăn thì biết rồi, đói. Và cái đói có thể làm con người ta sanh ra đủ thứ bệnh tật…"

Có không ít người thuộc giới văn nghệ sĩ chết trong trại, như nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhạc sĩ Minh Kỳ. Nhiều người ra trại chưa bao lâu thì chết.

Có tướng VNCH đã bỏ mạng trong các trại cải tạo, như Thiếu tướng Đoàn Văn Quảng (chết năm 1984) và Chuẩn tướng Bùi Văn Nhu (năm 1984).

Bên cạnh đó, có những câu chuyện được kể lại về việc tù nhân bị xử tử tại chỗ do vi phạm nội quy hoặc cố trốn thoát. Câu chuyện trong cuốn A Gift of Barbed Wire ở đầu bài viết này là một ví dụ.

Trong một bài viết vào tháng 4/1985 trên tờ The Sun Herald của Mỹ, một cựu tù nhân tên Nguyen (có lẽ là họ Nguyễn) kể rằng có nhiều người chết trong trại, có thể do bệnh hoặc bị bắn chết. Ông Nguyen thuật lại sự kiện khi lính canh cộng sản bắn chết sáu tù nhân:

"Một hôm, họ cho chúng tôi ra suối tắm. 150 người xếp thành hàng, lính cộng sản đứng trước và sau. Chúng tôi cần nước để uống, một người đi phía trước xin phép ghé vào căn nhà bên đường."

"Lính cộng sản đi trước đồng ý, cả hàng [tù nhân] rẽ vào nhà. Nhưng lính phía sau không biết, quát bảo đi thẳng, rồi vác súng tự động lên và bắn vào hàng người. May mắn tôi ở cuối hàng."

Đôi lúc, những hình phạt hà khắc đã dẫn tới cái chết.

Ông Đoàn Văn Toại đã kể lại thời gian của mình trong trại cải tạo bằng cuốn tự truyện The Vietnamese Goulag (Tạm dịch: Trại cải tạo của Việt Nam), có tên gốc tiếng Pháp là Le goulag Vietnamien.

Lúc ở trong trại, ông Toại đã chứng kiến cảnh một "chuyên gia tra tấn" tên là Tu Cao đánh đập một tù nhân tên là Tran Tien Tai - một sinh viên 25 tuổi - do vi phạm nội quy trại.

Bị đánh một lúc thì Tai ngã xuống, chết tại chỗ. Thấy vậy, Tu Cao cạy miệng Tai ra, tuyên bố rằng Tai cắn rồi nuốt lưỡi để tự tử. Nghe vậy, một cán bộ cấp cao hơn tiến tới kiểm tra thi thể của Tai, rồi tuyên bố:

"Tù nhân Tai đã chết một cách tự nguyện. Cách mạng không giết anh ta. Cách mạng không muốn giết người, mà là tái giáo dục. Chúng tôi không tra tấn tù nhân như bọn tay sai đã làm. Nếu chúng tôi phải trừng phạt họ, thì cũng giống như người cha trừng phạt con trai, là để dạy dỗ. Chúng tôi làm điều này công khai, như mọi người đã thấy. Tran Tien Tai đã chết vì anh ta quyết định tự sát, như mọi người đã thấy."

Sau khi ông Toại trở về buồng giam, một nhân viên quản trại đã cầm một văn bản viết sẵn tới cho trưởng buồng ký, xác nhận rằng tù nhân Tai đã tự tử bằng cách tự nuốt lưỡi.

Ngay cả khi không chịu hình phạt hay bị đánh đập, điều kiện sống tồi tệ là đủ để tước đi mạng sống của tù nhân.

Trong cuốn 17 năm trong các trại cải tạo của Cộng sản Việt Nam, ông Kiệt viết về cái chết của ông Lưu Đình Việp, cựu chánh nhất của Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.

"Ông làm trong đội 'rau xanh'. Một hôm nọ ông bị con đỉa cắn vào chân, máu không cầm được mà lại không thể ở trong trại để nghỉ ngơi. Hàng ngày ông phải gánh những gánh gọi là 'phân tươi' để tưới rau."

"Phân tươi còn gọi là 'phân bắc', là phân lấy từ nhà cầu của trại viên trộn với nước suối. Vết thương của ông bị làm độc và không có thuốc men gì nên ông chết sau vài tuần lễ! Ông là người trại viên đầu tiên chết ở trại cải tạo Tân Lập."

Theo BBC