Group News: Tin copy

Những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump luôn nói rằng chẳng ai “chơi chiêu” cao thủ bằng Trump. Cá nhân Trump cũng tự xây dựng hình ảnh là “bậc thầy đàm phán,” như được lặp đi lặp lại trong quyển The Art of the Deal và các chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, sự thực có phần chua chát hơn thế…

Trump cảnh cáo Walmart phải ‘tự nuốt thuế quan đi’
Tổng Thống Donald Trump trả lời truyền thông báo chí trên máy bay Air Force One hôm 14 Tháng Năm, trên đường tới Qatar. Chuyến công du Trung Đông của ông được dùng nhiều mỹ từ để ca ngợi các quốc gia dầu lửa và chính mình. (Hình minh họa: Win McNamee/Getty Images)

“Hư chiêu” thành “hỏng chiêu”

Từ khi trở lại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump nỗ lực “cách mạng hóa nước Mỹ” lẫn “cách mạng” mối quan hệ của Mỹ với thế giới. Ông tham gia loạt cuộc khủng hoảng và đàm phán quốc tế, từ Châu Âu, Châu Á đến Trung Đông. Đây có lẽ là cuộc chiến ngoại giao căng thẳng nhất trong một thế hệ đối với Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Trump rất giỏi trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán nhưng rất kém trong việc kết thúc. Ông luôn mở đầu xôm tụ, ồn ào, nhưng gần như hiếm khi biết cách hạ màn sao cho có một “happy ending.”

Ngày 6 Tháng Năm, Trump đạt được thỏa thuận với Houthis. Ngày 10 Tháng Năm, ông nhận công lao về việc ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan. Một ngày sau, phái viên của ông gặp giới chức Iran để thảo luận về một thỏa thuận nguyên tử. Ngày 12 Tháng Năm, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đình chiến thương mại. Trung tuần Tháng Năm, Trump đến Vùng Vịnh, tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria và tái lập quan hệ sau 25 năm với Damascus. Trump cũng giục Nga và Ukraine gặp nhau để đàm phán tại Istanbul…

Trang web Tòa Bạch Ốc đầy những lời khen ngợi dành cho Trump, nhấn mạnh rằng ông “người làm thỏa thuận chính” và luôn “thực hiện nhanh chóng” những lời hứa với cử tri. Trên thực tế, nếu có một điều rõ ràng có thể rút ra từ quyển The Art of the Deal (thật ra không phải Trump là tác giả như tự nhận) thì có thể thấy những thỏa thuận “lớn, đẹp” của ông chỉ là chiêu trò tiếp thị và đánh bóng cá nhân.

Trong cuộc thương chiến với Trung Quốc, sự thất bại của Trump là điều không thể không thấy. Ông đã “nói thách”quá lố rồi tự “giảm giá” thảm hại. Trước sức ép thị trường Mỹ, Trump phải tạm hạ thuế quan Mỹ nhằm vào hàng nhập cảng từ Trung Quốc từ 145% xuống 30%. Thỏa thuận trên chẳng có giá trị gì giúp đạt được bất kỳ mục tiêu đầy tham vọng nào, chẳng hạn phục hồi ngành sản xuất Mỹ hoặc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mà Trump đặt ra cho cuộc chiến thương mại nhằm vào Bắc Kinh.

Tập Cận Bình đã không quỳ gối xin Trump tha mạng. Không có gì ngạc nhiên khi Hồ Tất Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Thời Báo, nói rằng Trung Quốc đã thắng Mỹ. Lý do duy nhất khiến Trump giảm đạn dược bắn phá chỉ vì ông cố điều chỉnh những vấn đề mà ông tạo ra trong cuộc chiến thương mại tự hủy diệt của mình. Ông sửa lại lỗi của chính ông. Ông chữa đám cháy mà ông tự đốt.

Trong khi đó, đối với những vấn đề mà ông không tạo ra thì Trump loay hoay chẳng biết làm như thế nào cho phải. Đó là lý do Trump đạt được rất ít tiến triển trong việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza hoặc Ukraine. Trump chưa thể thuyết phục Vladimir Putin “nghe lời” mình.

Thậm chí Trump không muốn gây bất kỳ áp lực nào lên Putin. Thay vì áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì Kremlin từ chối yêu cầu ngừng bắn trong 30 ngày mà Mỹ đưa ra, Trump bây giờ giục Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện với Putin mà không nhất thiết Nga phải chịu ngừng bắn.

Trump khoe rằng ông đàm phán thành công thỏa thuận khoáng sản với Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả trong vụ này, Trump cũng phải xuống thang. Thoạt đầu, Trump khăng khăng rằng Ukraine phải trả lại cho Mỹ khoản viện trợ trước đây bằng toàn bộ doanh thu từ khai thác khoáng sản; nhưng trong thỏa thuận ký ngày 30 Tháng Tư, Ukraine cam kết chỉ đóng góp một nửa doanh thu từ những thỏa thuận khai thác khoáng sản trong tương lai và nộp vào quỹ tái thiết chung do Kyiv và Washington cùng quản lý.

Vấn đề ở chỗ có lẽ mất ít nhất một thập niên để xây dựng bất kỳ mỏ mới nào ở Ukraine, nếu khả thi về mặt kinh tế, và đến lúc đó thì Mỹ có thể có một tổng thống mới thân Ukraine và Washington có thể hủy bỏ thỏa thuận này. Do vậy, thỏa thuận trên hầu như vô nghĩa, ngoại trừ việc nó thuyết phục Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine. Nói cách khác, Zelensky đã thắng Trump chứ không phải Trump khiến Zelensky cúi đầu.

Nhìn chung, vấn đề là sau khi kích động khủng hoảng, Trump hiếm khi thành công trong việc giải quyết chúng. Các thỏa thuận mới đây mà ông khoe thật ra rất hạn hẹp. Thỏa thuận “ngừng bắn” với Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã nắm được thóp Trump. Một thỏa thuận thương mại với Anh vào ngày 8 Tháng Năm cũng mong manh tương tự. Các cuộc đàm phán với Iran đề cập việc ngưng làm giàu hạt nhân chứ không phải giải giáp vũ khí hạt nhân, hoặc buộc Iran phải ngưng hỗ trợ các lực lượng quá khích trong khu vực. Nói cách khác, cái “deal” của Trump với Teheran cũng chẳng khác mấy một thỏa thuận thời Obama mà Trump đã hủy bỏ vào năm 2018.

Tóm lại, các thỏa thuận của Trump chỉ là tạm thời, vì những bất đồng cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Hơn nữa, Trump luôn sẵn sàng làm trung gian các cuộc đàm phán nhưng hiếm khi đóng vai trò là người bảo lãnh hoặc thực thi. Thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đạt được vào Tháng Giêng chỉ kéo dài 58 ngày. Thỏa thuận “đình chiến” với Trung Quốc là 90 ngày. Đề xuất của Trump trong vụ Ukraine-Nga là ngừng bắn trong 30 ngày…

Một số nhà bình luận nói rằng các vụ đàm phán vụng về của Trump đang tích tụ rắc rối trong tương lai gần; và những hạn chế của Trump trong vai trò nhà đàm phán có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại về lâu dài.

Trước mắt, có thể thấy việc đưa “phí bảo hiểm rủi ro” vào quá trình ra quyết định kinh tế đang làm nản lòng giới đầu tư. Thị trường chứng khoán hiện phục hồi nhưng đồng đôla Mỹ thì không, bởi giới nhà đầu tư ngày càng lo lắng về mức độ tin cậy của nước Mỹ. Những nghi ngờ tương tự cũng ảnh hưởng đến ngoại giao. Chiến thuật “leo thang, sau đó đàm phán” của “bậc thầy chơi chiêu Donald Trump” sẽ có “lợi nhuận giảm dần” khi các quốc gia khác nhận ra rằng Mỹ chỉ giỏi trò bịp bợm và nói một đằng làm một nẻo.

Hào quang giả tạo của một “deal-maker”

Donald Trump không phải là một nhà đàm phán chính trị. Ông là một “tay chơi” trong thế giới bất động sản và truyền thông, nơi mọi thứ có thể được khuếch đại bằng ngôn từ hoa mỹ, hiệu ứng sân khấu và chiêu trò truyền thông. Đàm phán trong chính trị quốc tế và điều hành một quốc gia không phải là ván bài của lời hứa và đòn gió. Đó là sân chơi của lòng tin, của những nguyên tắc ổn định lâu dài, của sự thấu hiểu quyền lực mềm và cân bằng lợi ích đa phương. Trong sân chơi đó, Trump không chỉ tỏ ra lạc lõng. Ông thực sự đang phá hoại.

Những thất bại trong đàm phán đối ngoại của Trump không chỉ đơn thuần là thất bại chiến thuật. Đó là biểu hiện của một tư duy thương lượng lệch lạc, coi trọng màn trình diễn hơn nội dung, lấy đe dọa làm chiến lược duy nhất, và luôn đặt bản ngã cá nhân trên lợi ích quốc gia. Thời Trump 1.0, khi ông tuyên bố đã “đạt được một thỏa thuận vĩ đại” với Kim Jong Un, không có bất kỳ điều khoản ràng buộc nào được ký kết. Khi ông “ép Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại” thì Bắc Kinh không thực hiện cam kết mua hàng hóa Mỹ như đã hứa. Khi ông xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, nước này quay lại làm giàu uranium mạnh hơn. Đó là những “kinh nghiệm thất bại” không chỉ làm suy yếu vị thế của Mỹ mà còn làm tổn hại niềm tin toàn cầu vào khả năng đàm phán của Washington.

Trong nội bộ nước Mỹ, “nghệ thuật đàm phán” của Trump cũng nhiều lần bị bóc trần là nghệ thuật gây rối và chia rẽ. Ông từng đóng cửa chính phủ lâu nhất lịch sử vì đòi tiền xây tường, nhưng cuối cùng không đạt được gì. Ông từng tuyên bố thay thế Obamacare bằng một hệ thống tốt hơn “trong tuần tới,” nhưng trong bốn năm không có lấy một bản dự thảo cụ thể. Trong nhiều trường hợp, Trump không đàm phán – ông ra tối hậu thư, và khi không được đáp ứng, ông phá vỡ cuộc chơi.

Tại sao một người từng nếm mùi thất bại trong kinh doanh (sáu lần phá sản) lại tiếp tục thất bại trong đàm phán chính trị? Câu trả lời nằm ở sự khác biệt về bản chất giữa hai lĩnh vực này.

Trong kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, các thương vụ thường là một lần, người thắng kẻ thua, ai lãi ai lỗ, là chuyện chấp nhận được. Nhưng trong chính trị, nhất là chính sách công và ngoại giao, đàm phán là quá trình lặp lại, cần sự tin tưởng, duy trì uy tín và kiến tạo quan hệ dài hạn. Trump không hiểu, hay có thể cố tình không hiểu, điều đó. Với ông, đàm phán là trò chơi quyền lực, là diễn đàn để khẳng định bản ngã, là nơi “tạo thương hiệu” chứ không phải để tìm giải pháp bền vững.

Trump thích gọi các thỏa thuận bằng các mỹ từ như “lịch sử,” “vĩ đại,” “tốt nhất từ trước đến nay.” Nhưng trên thực tế, nhiều thỏa thuận ấy là những vỏ rỗng, không có giá trị thực chất, hoặc bị phá vỡ nhanh chóng. Có thể Trump là một bậc thầy về truyền thông và định vị bản thân. Có thể ông là một “người bán hàng” giỏi, biết nói những điều đám đông muốn nghe. Nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn của đàm phán chiến lược – là tạo ra những kết quả lâu dài, có lợi cho quốc gia, có giá trị ổn định – thì thành tích của ông gần như là zero. Hồi nhiệm kỳ một, không có một “deal” lớn nào dưới thời Trump được duy trì sau khi ông rời ghế tổng thống. Ngược lại, nhiều “deal” của ông đã khiến chính quyền kế tiếp phải mất thời gian để hàn gắn, sửa chữa hoặc xây dựng lại từ đầu.

Có lẽ điều đáng nói nhất không phải là việc Trump đàm phán dở ra sao mà là việc ông thuyết phục được hàng triệu người Mỹ tin rằng mình là bậc thầy đàm phán. Đó mới là “deal” thành công nhất của Donald Trump: Một thỏa thuận giữa ảo tưởng và thực tại, giữa huyền thoại và sự thật, mà ông đã “ký” với cử tri, bằng tài năng tiếp thị không ai sánh bằng. 

Theo NVO