Group News: Tin copy

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã lựa chọn thiết kế cho hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai mang tên Golden Dome (Vòm Vàng), đồng thời khẳng định hệ thống này sẽ đi vào hoạt động trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Tổng thống Donald Trump cho biết hệ thống này sẽ sử dụng các công nghệ "thế hệ tiếp theo" trên cả ba mặt trận: đất liền, trên biển và không gian

Tổng thống Donald Trump cho biết hệ thống này sẽ sử dụng các công nghệ "thế hệ tiếp theo" trên cả ba mặt trận: đất liền, trên biển và không gian

Chỉ vài ngày sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã công bố ý định triển khai hệ thống nhằm đối phó với các mối đe dọa trên không "thế hệ tiếp theo" đối với nước Mỹ, bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Một khoản ngân sách ban đầu trị giá 25 tỷ USD đã được dành riêng trong một dự luật ngân sách mới – dù chính phủ ước tính rằng chi phí thực tế trong nhiều thập kỷ tới sẽ còn cao hơn nhiều.

Ông Trump cũng thông báo rằng Tướng Michael Guetlein thuộc Lực lượng Không gian sẽ phụ trách dự án này. Hiện tại, ông Guetlein đang giữ chức phó tư lệnh các hoạt động không gian của Lực lượng Không gian Mỹ.

Bảy ngày sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng trình kế hoạch cho một hệ thống có thể ngăn cản và bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công từ trên không – mà theo Nhà Trắng, vẫn là "mối đe dọa thảm khốc nhất" mà nước Mỹ đang đối mặt.

Tại Phòng Bầu dục vào hôm 20/5, ông Trump cho biết hệ thống này sẽ sử dụng các công nghệ "thế hệ tiếp theo" trên cả ba mặt trận: đất liền, trên biển và không gian – bao gồm cảm biến và thiết bị đánh chặn đặt trên quỹ đạo.

Ông cũng cho biết Canada đã đề nghị được tham gia vào dự án này.

Trong chuyến thăm tới Washington trước đó trong năm, Bộ trưởng Quốc phòng Canada, khi ấy là ông Bill Blair, đã xác nhận rằng Canada quan tâm tới việc tham gia dự án này của Mỹ, cho rằng điều đó là "hợp lý" và phục vụ "lợi ích quốc gia" của Canada.

Ông Blair nói thêm: "Canada cần phải biết những gì đang diễn ra trong khu vực" và phải nhận diện được các mối đe dọa đang đến gần, bao gồm cả ở Bắc Cực.

Ông Trump nói thêm rằng hệ thống này sẽ "có khả năng đánh chặn cả những tên lửa được phóng từ phía bên kia địa cầu hoặc từ ngoài không gian".

Hệ thống này một phần được lấy cảm hứng từ hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel – vốn để Tel Aviv sử dụng để đánh chặn tên lửa và rocket từ năm 2011.

Tuy nhiên, Golden Dome sẽ có quy mô lớn hơn nhiều và được thiết kế để đối phó với phạm vi đe dọa rộng hơn – bao gồm cả vũ khí siêu vượt âm (hypersonic) có tốc độ vượt qua tốc độ âm thanh, và các hệ thống oanh tạc quỹ đạo phân đoạn (fractional orbital bombardment systems – gọi tắt là FOBS) có thể thả đầu đạn từ không gian.

"Tất cả chúng sẽ bị đánh chặn ngay trên không," ông Trump nói. "Tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối."

Các quan chức Mỹ trước đó từng nói rằng Golden Dome sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn tên lửa ở nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình triển khai – bao gồm cả trước khi phóng và khi tên lửa đang bay trên không.

Toàn bộ các cấu phần của hệ thống sẽ do một hệ thống chỉ huy tập trung điều hành, theo các quan chức quốc phòng Mỹ.

Cũng vào hôm 20/5, ông Trump cho biết dự án sẽ cần một khoản đầu tư ban đầu là 25 tỷ USD, với tổng chi phí dự kiến lên tới 175 tỷ USD theo thời gian. Khoản 25 tỷ USD ban đầu được xác định là sẽ nằm trong dự luật điều chỉnh thuế "lớn và tuyệt đẹp" của ông.

Quốc hội chưa thông qua dự luật này.

Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính rằng chính phủ có thể sẽ phải chi nhiều hơn – lên tới 542 tỷ USD trong vòng 20 năm – chỉ riêng cho phần hệ thống trên không gian.

Các quan chức Lầu Năm Góc từ lâu đã cảnh báo rằng các hệ thống hiện tại không theo kịp sự phát triển công nghệ tên lửa mới do Nga và Trung Quốc thiết kế.

"Thực sự là hiện tại chưa có hệ thống nào cả," ông Trump nói tại Phòng Bầu dục hôm 20/5.

"Chúng ta trang bị tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa nhất định ở một số nhất định, nhưng chưa có một hệ thống toàn diện… chưa từng có điều gì giống như thế này cả."

Một tài liệu tóm tắt mới, do Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) công bố, cũng ghi nhận rằng các mối đe dọa tên lửa "sẽ mở rộng cả về quy mô lẫn độ tinh vi", trong khi Trung Quốc và Nga đang tích cực phát triển các hệ thống "nhằm khai thác những lỗ hổng" trong hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Nga, Trung Quốc và SpaceX

Trước đó, vào đầu tháng Năm, Nga và Trung Quốc cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome mà ông Donald Trump đề xuất sẽ khiến an ninh toàn cầu bất ổn và biến không gian vũ trụ thành một đấu trường đối đầu vũ trang mới, theo tờ Politico.

"Chương trình 'Golden Dome cho nước Mỹ' quy mô lớn được công bố gần đây gây mất ổn định nghiêm trọng", hai nước này cho biết trong một tuyên bố chung trong chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kế hoạch của Mỹ "rõ ràng bao hàm việc tăng cường đáng kể kho vũ khí phục vụ cho các hoạt động tác chiến ngoài không gian ", tuyên bố nói thêm.

Những nhận xét này được đưa ra khi ông Tập tới Moscow để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump đã công bố kế hoạch lá chắn tên lửa vào tháng Ba, lấy Vòm Sắt của Israel làm nguồn cảm hứng - mặc dù các chuyên gia lưu ý rằng việc phòng thủ toàn bộ nước Mỹ sẽ phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều so với việc bảo vệ một quốc gia có quy mô bằng bang New Jersey của Mỹ như Israel.

Nga và Trung Quốc từng lên tiếng phản đối Golden Dome

,Nga và Trung Quốc từng lên tiếng phản đối Golden Dome

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Dân chủ gần đây đã bày tỏ lo ngại về quy trình đấu thầu cũng như vai trò của SpaceX – công ty do Elon Musk, một đồng minh thân cận của ông Trump, điều hành và hiện đang nổi lên là ứng viên hàng đầu cùng với hai công ty Mỹ khác là Palantir và Anduril trong việc xây dựng các thành phần then chốt của hệ thống, theo Reuters.

"Hệ sinh thái phòng thủ tự động mới thời đại không gian này liên quan nhiều đến Thung lũng Silicon hơn là các 'ông lớn kim loại'," Thượng nghị sĩ Kevin Cramer bang North Dakota phát biểu tại sự kiện ở Nhà Trắng.

"Điều đáng mừng là điều này mở ra cơ hội cho mọi người cùng tham gia và cạnh tranh."

"Ông lớn kim loại" là cách gọi các nhà thầu quốc phòng truyền thống.

Ông Trump cho biết bang Alaska sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình này, trong khi các bang Florida, Georgia và Indiana cũng sẽ được hưởng lợi.

Nhiều hệ thống ban đầu dự kiến ​​sẽ xuất phát từ các dây chuyền sản xuất hiện có.

Tại cuộc họp báo, các đại biểu đã nêu tên một số nhà thầu tiềm năng cho dự án khổng lồ này, bao gồm L3Harris Technologies, Lockheed Martin và RTX Corp.

L3 đã đầu tư 150 triệu USD để mở rộng cơ sở mới tại thành phố Fort Wayne, bang Indiana – nơi sản xuất các vệ tinh cảm biến theo dõi vũ khí siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo.

Đây là một phần trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi các mối đe dọa siêu vượt âm từ không gian. Các vệ tinh này có thể được điều chỉnh để tích hợp vào hệ thống Golden Dome.

Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho Golden Dome vẫn chưa rõ ràng. Các nghị sĩ Cộng hòa đã đề xuất khoản đầu tư ban đầu trị giá 25 tỷ USD cho dự án, nằm trong một gói chi tiêu quốc phòng rộng hơn trị giá 150 tỷ USD.

Tuy nhiên, khoản tiền này lại gắn liền với một dự luật hòa giải gây tranh cãi và đang đối mặt với nhiều rào cản tại Quốc hội.

"Nếu dự luật hòa giải không được thông qua, nguồn tài trợ cho Golden Dome có thể sẽ không thành hiện thực," một giám đốc trong ngành đang theo dõi chương trình cho biết với điều kiện ẩn danh.

"Điều này có thể làm đảo lộn toàn bộ tiến độ triển khai của dự án."

Theo BBC