Trong một văn bản đề ngày 21/5 mà Reuters tiếp cận được, các công ty viễn thông được lệnh thực hiện các biện pháp chặn Telegram và báo cáo kết quả trước ngày 2/6. Văn bản này cũng ghi Telegram không tuân thủ các quy định pháp luật yêu cầu mạng xã hội phải giám sát, gỡ bỏ và chặn các thông tin vi phạm pháp luật.
Chính quyền Trump không cho Harvard nhận sinh viên ngoại quốc
Phản hồi với Reuters thứ sáu ngày 23/5, Telegram gọi động thái quyết liệt chặn ứng dụng này của Việt Nam là "bất ngờ".
"Telegram lấy làm ngạc nhiên trước những tuyên bố đó," một đại diện của công ty nói.
"Chúng tôi đã phản hồi các yêu cầu pháp lý từ phía Việt Nam đúng thời hạn. Sáng nay, chúng tôi nhận được thông báo chính thức từ Cục Viễn thông liên quan đến quy trình thông báo dịch vụ tiêu chuẩn theo các quy định viễn thông mới. Hạn chót phản hồi là ngày 27 tháng 5 và chúng tôi đang xử lý yêu cầu này," đại diện Telegram cho biết.
Một quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ nói với Reuters rằng động thái của Bộ Công an là do Telegram không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ khi được yêu cầu trong quá trình điều tra hình sự.
Theo quy định tại Nghị định 147/2024 của Chính phủ Việt Nam về quản lý Internet, những công ty như Telegram phải tuân thủ các quy định pháp luật khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người dùng Việt Nam.
Telegram - ứng dụng nhắn tin có tính năng mã hóa đầu cuối, nghĩa là tin nhắn chỉ có thể được đọc trên thiết bị gửi và thiết bị nhận – do tỷ phú người Nga Pavel Durov và anh trai sáng lập vào năm 2013.
Tính đến đầu năm 2024, theo Đài truyền hình Việt Nam (VTV), có trên 32% người dùng Internet ở Việt Nam (từ 16 - 63 tuổi) sử dụng ứng dụng nhắn tin đa nền tảng Telegram, tức xấp xỉ 25 triệu người.

Vào giữa năm 2024, ông Durov cho biết Telegram đã đạt mốc 950 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Theo Financial Times, ứng dụng nhắn tin Telegram đã đạt mức lợi nhuận nhảy vọt lên tới 540 triệu USD trong năm 2024, dù nhà sáng lập Pavel Durov đang vướng vào các thủ tục pháp lý tại Pháp vì không kiểm soát được nội dung, thiếu hợp tác với chính quyền.
Nền tảng miễn phí này, với gần một tỷ người dùng toàn cầu, từng gây tranh cãi tại nhiều quốc gia vì lo ngại liên quan đến an ninh và rò rỉ dữ liệu, trong đó cả tại Pháp – nơi người sáng lập Telegram, Pavel Durov, từng bị tạm giữ vào năm ngoái.
Reuters viết rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thường kiểm soát chặt chẽ truyền thông và không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Không ít lần Việt Nam đã yêu cầu các công ty như Facebook, YouTube của Google và TikTok phối hợp với nhà chức trách để xóa bỏ các nội dung bị coi là "độc hại", trong đó có các thông tin sai sự thật, phản cảm và chống phá nhà nước.
Việc Bộ Công an yêu cầu chặn Telegram dường như khác với những chủ trương mà các lãnh đạo chủ chốt bao gồm Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây hay nhắc đến việc "dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm".
Cụ thể, trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 ngày 21/20/2024, ông Tô Lâm khi đó kiêm nhiệm hai chức tổng bí thư, chủ tịch nước đã nhấn mạnh rằng: "Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"".
Tiếp đó, trong bài viết "Đột phá thể chế, pháp luật để đưa đất nước vươn mình" vào đầu tháng 5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm lần nữa khẳng định rằng công tác xây dựng pháp luật phải "xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm".
Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới cũng nhấn mạnh trọng tâm này.
Nghị quyết 66, cùng với nghị quyết 68-NQ/TW là hai trong cái gọi là "tứ trụ nghị quyết" về cải cách, đổi mới do ông Tô Lâm ký và ban hành vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2025, đều đề cập đến việc bỏ tư duy không quản được thì cấm này.
Trong Quyết định số 288-NQ/TW mà Bộ Chính trị mới ban hành về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm chính là trưởng ban.
Trong những phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc lại lời của ông Tô Lâm.
Ngày 19/3/2025, khi chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3, Thủ tướng Chính cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng "cần dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm".
Tuy nhiên, việc các cơ quan hành pháp ở Việt Nam yêu cầu các nhà mạng chặn hoạt động của Telegram cho thấy dường như chủ trương, chính sách đến thực thi vẫn còn một khoảng cách.
Theo BBC