Nâng cấp quan hệ với Thái Lan, chuẩn bị đón tổng thống Pháp, dự Hội nghị cấp cao ASEAN là những diễn biến mới nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Việc này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Trung ra sao?

Thái Lan trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện mới nhất của Việt Nam vào ngày 16/5. Hiện tại, Việt Nam có quan hệ ở cấp cao nhất này với 13 quốc gia.
Việt Nam trong thời gian gần đây đang gia tăng tốc độ nâng cấp quan hệ mức này với các quốc gia. Từ khi ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư vào tháng 8/2024, Việt Nam đã có thêm sáu Đối tác Chiến lược Toàn diện là Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Hôm 11/3, nhà quan sát Sebastian Strangio viết trên The Diplomat rằng việc Việt Nam liên tục tăng cường số lượng đối tác chiến lược toàn diện là cách quốc gia này phòng thủ trước sự hỗn loạn và bất ổn địa chính trị ngày càng tăng của thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, viết về diễn biến mới nhất trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan, tờ South China Morning Post vào ngày 25/5 dẫn đánh giá của các nhà phân tích cho rằng Hà Nội đang tăng cường quan hệ khu vực.Họ cũng cho rằng Việt Nam có một "hệ thống phân tầng hai cấp" trong quan hệ chiến lược.
Việt Nam cũng sắp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, dự kiến từ ngày 25-27/5. Ông Macron sau đó sẽ tới Indonesia và Singapore.
Một ngày trước khi chuyến thăm của ông Macron, truyền thông trong nước đăng bài với tiêu đề ''Lý do Tổng thống Pháp thăm Việt Nam đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á'', trong đó điểm lại những dấu mốc đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước gần đây cùng lời chia sẻ của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet mong muốn ''hai nước sẽ tăng cường mạnh mẽ quan hệ trên tất cả lĩnh vực''.
Chuyến đi lần này của ông Macron là nhằm thể hiện với khu vực Đông Nam Á rằng Pháp và châu Âu là một lựa chọn đáng tin cậy trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.
Cùng lúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức tới Malaysia và tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, trong bối cảnh giao thương giữa các thành viên khối này với Trung Quốc được đánh giá là sẽ trở nên dễ dàng hơn trong thời gian tới, khi ASEAN thúc đẩy các bước đi "mạnh mẽ hơn" nhằm đối phó nguy cơ bị Mỹ áp thuế cao.
Cơ hội giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?
Đối tác chiến lược toàn diện là cấp quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam, rồi lần lượt tới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác song phương.
Việt Nam chưa bao giờ đưa ra định nghĩa cho bất kỳ thuật ngữ nào trong số này, cũng như thường không đưa ra lời giải thích cụ thể cho những quyết định ký đối tác chiến lược toàn diện.
Tuy nhiên, ông Prem Singh Gill, một học giả thỉnh giảng tại khoa Luật của Đại học Muhammadiyah Yogyakarta (Indonesia), nhận định với SCMP rằng có "một hệ thống phân tầng rõ ràng" trong cách Việt Nam nhìn nhận Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tầng thứ nhất bao gồm các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga…. Tầng thứ hai là các các quốc gia Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hội nhập của Việt Nam, trong đó ưu tiên sự ổn định và quan hệ kinh tế hơn là hợp tác quốc phòng, ông Gill nhận định.
Khi nâng cấp quan hệ, Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trong khuôn khổ Chiến lược "Ba kết nối", nhất là kết nối các chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp và địa phương hai nước, bao gồm kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường không và kết nối các chiến lược tăng cường bền vững.
Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định muốn tăng cường kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD, so với mức 21 tỷ USD trong năm 2024.
Hai bên cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước này tiếp cận thị trường, mở rộng đầu tư tại nước kia nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường hợp tác lao động, ứng dụng khoa học công nghệ…
Năm 2024, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Thái Lan, trong khi Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ chín của Việt Nam. Cả hai quốc gia này cũng đang đối mặt với rủi ro chịu mức thuế quan nặng nề từ Mỹ, lần lượt là 46% và 36%, và bối cảnh kinh tế phức tạp do thương chiến Mỹ-Trung.
Trong bối cảnh này, dựa trên những cam kết giữa Việt Nam và Thái Lan, ông Gill cho rằng hai quốc gia này có cơ hội giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Ông Macron được cho là tới Việt Nam để "kết thân"
Pháp có thể cũng là một đối tác phù hợp cho Việt Nam trong bức tranh này.
Chuyến thăm của ông Macron diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu khác đã đến thăm khu vực này trong những tuần gần đây. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á giữa những bất ổn về chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
Thực tế, thông tin về chuyến thăm của ông Macron đã xuất hiện từ tháng 3/2025 và được nhiều người xem như một động thái "kết thân" Hà Nội của các lãnh đạo châu Âu trước cơn bão thuế quan của ông Trump.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan và hiện là nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, cho rằng Việt Nam, với tiềm năng kinh tế và sự linh hoạt chiến lược, chính là một lựa chọn của một nước Pháp đang thúc đẩy chính sách "đa hướng" với các đối tác ngoài trục Washington – Brussels – Tokyo.
"Việt Nam nổi lên như một lựa chọn khả dĩ và xác suất thành công cao," ông viết.
Theo Tạp chí Tài chính của Bộ Tài chính, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong khu vực châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD.
Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 700 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt 3,95 tỷ USD.
Hôm 24/5, truyền thông Việt Nam dẫn lời Đại sứ Olivier Brochet rằng dự kiến một văn kiện quan trọng sẽ được ký kết giữa Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia để xây dựng đường dây truyền tải điện. Dự án này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của Pháp với Việt Nam nhằm thực hiện cơ chế quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trước đó, một quan chức nắm rõ các cuộc đàm phán cũng tiết lộ với Reuters rằng khoảng 30 hiệp ước đang được thảo luận trước lễ ký kết vào ngày 26/5.
Tuy nhiên, vẫn còn phải đợi những hợp tác, ký kết thực chất giữa hai quốc gia, đặc biệt là khi có những lời kêu gọi Tổng thống Macron lên tiếng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Vào ngày 22/5, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) cho biết họ và ba tổ chức khác, gồm Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR), Tổ chức Đoàn kết Cơ đốc Quốc tế (CSW) và tổ chức phi chính phủ vì nhân quyền Global Witness, đã cùng nhau lên tiếng kêu gọi ông Macron đặt vấn đề nhân quyền vào trung tâm chương trình nghị sự ngoại giao của mình.
Theo FIDH, trong một bức thư gửi Tổng thống Macron, các tổ chức bày tỏ lo ngại sâu sắc trước làn sóng đàn áp ngày càng gia tăng đối với xã hội dân sự ở Việt Nam.
"Chúng tôi vô cùng quan ngại. Mục đích chính của chuyến thăm lần này có thể là kinh tế. Nhưng tổng thống không được quên những giá trị nền tảng của nước Pháp, trong đó có nhân quyền," bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, nhấn mạnh trong lá thư.
"Nêu vấn đề các quyền tự do cơ bản và kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm không 'chỉ là hành động hình thức'. Đó là vấn đề tôn trọng pháp luật và các cam kết quốc tế của cả Việt Nam, Liên minh châu Âu và Pháp."
ASEAN tăng cường hợp tác với Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính các quốc gia ASEAN phải đoàn kết hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang có chuyến đi thăm chính thức Malaysia và dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46.
Phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo và Đối tác ASEAN (ALPF) ngày 25/5 tại Malaysia, ông Chính nói rằng tình hình thế giới đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhắc tới việc nhiều nước đang thay đổi chính sách và có nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không nước nào tự giải quyết được một mình, theo Tuổi trẻ Online.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh không có cách nào khác là càng phải đoàn kết hơn, giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với thế giới.
ALPF là sự kiện thường niên mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, do KSI - một tổ chức tư vấn chính sách và nghiên cứu quốc tế hàng đầu tại Malaysia, cùng một số đối tác phối hợp tổ chức. Cũng tại đây, ông Chính được vinh danh là nhà lãnh đạo ASEAN tiêu biểu 2025.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Zafrul Abdul Aziz, phát biểu trước báo giới ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 rằng khối này đã hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (CAFTA).
Các hiệp định này dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 10 tới, theo kênh Channel News Asia của Singapore.
CNA cho rằng những bước đi này thể hiện triển vọng thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đang ngày càng rõ ràng, nhằm đối phó với nguy cơ áp thuế từ Mỹ.
Trước đó, vào ngày 21/5, Reuters dẫn thông tin từ tuyên bố của Bộ Thương Mại Trung Quốc nói rằng phiên bản mới của CAFTA sẽ "mang lại mức độ chắc chắn cao hơn cho thương mại khu vực và toàn cầu, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt và kiểu mẫu cho các quốc gia trong việc duy trì tinh thần cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi".

Viện KSI vinh danh ông Phạm Minh Chính là Nhà Lãnh đạo ASEAN tiêu biểu năm 2025
Với vai trò là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Malaysia đã kêu gọi khối này đa dạng hóa các đối tác thương mại trước các mức thuế trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.
Ông Tengku Zafrul Abdul Aziz cảnh báo ASEAN không nên giữ nguyên hiện trạng trong lúc tình hình kinh tế còn nhiều bất định.
"ASEAN cần phải từ bỏ cách tiếp cận 'mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ'.
"Chúng ta cần những chiến lược táo bạo hơn, linh hoạt hơn và mang tầm nhìn dài hạn. Chúng ta cần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích kinh tế – xã hội của ASEAN," CNA dẫn lời ông Tengku Zafrul Abdul Aziz vào hôm 25/5.
Kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế nặng với nhiều quốc gia và đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, Trung Quốc đã tăng cường tiếp xúc với ASEAN.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc quý 1/2025 là 234 tỷ USD. ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một thành viên khá thụ động trong khối ASEAN, báo The Economist dẫn đánh giá của ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên thỉnh giảng thuộc Viện ISEAS Singapore hôm 22/5.
Hiện chưa rõ ASEAN, hay cụ thể là Việt Nam, sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc ra sao.
Tuy nhiên, bài viết nói trên của The Economist cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ưu tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc.
"Việc tăng cường hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu – nơi Việt Nam đã có một hiệp định thương mại tự do – sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ. Nga có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển các nhà máy điện hạt nhân giá rẻ. Hàn Quốc, vốn đã là một nhà đầu tư lớn, cũng có thể cung cấp các loại vũ khí với chi phí phải chăng," bài viết nêu.
Theo BBC