Group News: Tin copy

Mối liên hệ giữa Đại học Harvard với Trung Quốc, vốn từ lâu được coi là tài sản của ngôi trường này, giờ trở thành gánh nặng khi chính quyền Trump cáo buộc khuôn viên trường bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thao túng do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Chính quyền Trump cấm Đại học Havard tuyển sinh viên quốc tế

Hôm thứ Năm, chính quyền Mỹ đã tiến hành thu hồi quyền xét tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, với lý do trường này đã nuôi dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái và "bắt tay" với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Công dân Trung Quốc, chiếm khoảng một phần năm lượng sinh viên quốc tế của Harvard vào năm 2024, theo đại học này.

Hôm thứ Sáu, một thẩm phán liên bang ra quyết định chặn tạm thời lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế của chính quyền Trump, sau khi Đại học Harvard đệ đơn kiện.

Các lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc tại Harvard không phải là điều gì mới mẻ. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ - phần lớn thuộc đảng Cộng hòa - đã bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc đang thao túng Harvard để tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ, lách luật an ninh và và dập tắt những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc ngay trên đất Mỹ.

"Trong thời gian quá dài, Harvard đã để Đảng Cộng sản Trung Quốc lợi dụng," một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters hôm thứ Sáu, đồng thời cho rằng nhà trường đã "làm ngơ trước các hành vi quấy rối do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo ngay trong khuôn viên."

Harvard chưa phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.

Nhà trường cho biết việc bị thu hồi quyền tuyển sinh nói trên là một hình phạt nhắm vào "quan điểm bị quy kết" của Harvard, điều mà trường gọi là vi phạm quyền tự do ngôn luận được đảm bảo bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Mối quan hệ giữa Harvard và Trung Quốc - trong đó có các quan hệ hợp tác nghiên cứu và các trung tâm học thuật chuyên về Trung Quốc - vốn đã tồn tại từ lâu. Các mối quan hệ này đã mang lại cho Harvard những khoản tài trợ tài chính lớn, mà còn ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề quốc tế và danh tiếng toàn cầu cho ngôi trường này.

Ảnh minh họa việc chính quyền Trump cấm Havard tuyển sinh viên quốc tế

Ảnh minh họa việc chính quyền Trump cấm Havard tuyển sinh viên quốc tế

Đào tạo sức khỏe y tế

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington viết rằng: "Trao đổi và hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là đôi bên cùng có lợi và không nên bị dán nhãn tiêu cực."

Tuy nhiên, tính chất phức tạp và chồng chéo của những mối quan hệ này, cùng với sự thiếu minh bạch, đã khiến dư luận và nhà chức trách phải đặt dấu hỏi, đồng thời thu hút không ít chỉ trích.

Sự hiện diện của sinh viên Trung Quốc tại Harvard và mối liên hệ của trường với quốc gia này không phải là bằng chứng cho thấy có hành vi sai trái. Tuy nhiên, tính phức tạp và sự chất chồng chéo của các mối liên hệ này cũng đã đủ mập mờ để thu hút sự chú ý và chỉ trích.

Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc mà chính quyền Trump nêu ra phản ánh những hoạt động của Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Chẳng hạn, Harvard từng cung cấp các khóa đào tạo liên quan đến sức khỏe cộng đồng cho quan chức của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) sau năm 2020. Cùng năm đó, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với tổ chức bán quân sự này vì vai trò của họ trong các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uyghur Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết các hoạt động hợp tác với XPCC vẫn còn tiếp diễn "cho tới tận năm 2024".

Trung Quốc kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc sai phạm ở Tân Cương, nhưng cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều coi các chính sách của Bắc Kinh ở khu vực này là "diệt chủng".

Trong một trường hợp khác gây nhiều tranh cãi, công ty tình báo kinh doanh Mỹ Strategy Risks cho biết một người tên Ronnie Chan đã xúc tiến khoản quyên góp 350 triệu USD cho Harvard vào năm 2014.

Trường Y tế cộng đồng của Havard sau đó đã được đổi tên thành Đại học Y tế công cộng Harvard Tăng Hi Chân, đặt theo tên cha của ông Ronnie Chan - thành viên của Quỹ Trao đổi Trung Quốc-Hoa Kỳ.

Tổ chức có trụ sở tại Hong Kong này, vốn tuyên bố mục tiêu là thúc đẩy đối thoại giữa hai nước, đã bị liệt vào danh sách tổ chức nước ngoài theo luật Mỹ. Điều này đồng nghĩa các nhà vận động hành lang tại Mỹ làm việc cho tổ chức này phải khai báo hoạt động với chính phủ Hoa Kỳ.

Cựu giáo sư bị kết tội

Charles Lieber, cựu chủ nhiệm khoa hóa học và sinh học hóa học của Đại học Harvard, bị kết tội

Charles Lieber, cựu chủ nhiệm khoa hóa học và sinh học hóa học của Đại học Harvard, bị kết tội vì nói dối về mối quan hệ của ông với Trung Quốc

Cựu giáo sư Harvard, ông Charles Lieber, từng bị điều tra trong khuôn khổ "Sáng kiến Trung Quốc" - một chương trình được chính quyền Trump động năm 2018 tập trung vào việc chống gián điệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc, đồng thời điều tra các nhà nghiên cứu và trường đại học xem có tiết lộ mối quan hệ tài chính với Bắc Kinh hay không.

Năm 2021, ông bị kết án vì nói dối về các mối quan hệ của ông với Trung Quốc. Đến tháng 4 năm nay, ông trở thành giáo sư toàn thời gian tại một trường đại học Trung Quốc.

Sáng kiến này sau đó đã bị chính quyền Biden chấm dứt sau khi vấp phải chỉ trích vì gây ra tình trạng phân biệt chủng tộc và tạo ra bầu không khí sợ hãi, làm việc hợp tác khoa học trở nên lạnh nhạt.

Các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng đều bày tỏ lo ngại về nỗ lực của các hội sinh viên có liên hệ với chính phủ Trung Quốc nhằm giám sát các hoạt động chính trị.

Vào tháng 4/2024, một sinh viên hoạt động xã hội tại Harvard đã bị một du học sinh Trung Quốc – không phải giảng viên hay nhân viên an ninh – đuổi khỏi hội trường vì người này dám cắt ngang bài phát biểu của Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong.

Áp lực lên Harvard ngày càng gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục Mỹ đã yêu cầu Harvard cung cấp hồ sơ về các nguồn tài trợ nước ngoài, sau một cuộc rà soát phát hiện nhiều báo cáo về quà tặng và hợp đồng từ nước ngoài không đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

Dù vậy, các động thái của chính quyền Trump nhắm vào Harvard đã khiến một số chuyên gia về Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

Bà Vương Á Thu (Yaqiu Wang), một nhà nghiên cứu nhân quyền tại Mỹ – người từ Trung Quốc sang Mỹ du học khi còn là sinh viên – nói rằng việc chính quyền Trump cấm sinh viên quốc tế tại Harvard là "hoàn toàn phản tác dụng".

"Những lo ngại về nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia của chính phủ Trung Quốc nhằm bịt miệng giới chỉ trích là rất chính đáng và mối lo về gián điệp cũng vậy," bà nói.

"Nhưng việc cố gắng giải quyết những vấn đề đó bằng cách cấm cửa không chỉ sinh viên Trung Quốc mà cả sinh viên quốc tế là điều không thể lý giải được."

 Theo BBC