Vào thời nhà Thanh, có một ông Vương phất lên nhờ kinh doanh tơ lụa, người ta gọi ông là “Vua Lụa”. Ông Vương vốn là con cháu nhà quan lại ở kinh thành, thông thạo văn chương và toán thuật, nhưng từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống không nơi nương tựa, phải đi ăn xin. Đến tuổi đôi mươi, ông vẫn phải ngủ đêm trong “nhà lông gà”. “Nhà lông gà” là nơi ở dành cho những người ăn xin ở kinh thành, bên trong trải đầy lông gà, chỉ cần trả ba đồng tiền là có thể ngủ một đêm để tránh rét.

Lúc bấy giờ, có một vị mỗ công người Mãn Thanh cũng sống trong kê mao phòng, tuổi tác xấp xỉ ông. Một hôm, ông Vương nói với người này: “Chúng ta đều là những trượng phu cao ngạo, lẽ nào đây là nơi chúng ta an thân lập mệnh? Sao không thay đổi, tự tìm đường sống?” Mỗ công đáp: “Rất hay. Nhưng bây giờ là mùa đông băng giá, biết đi đâu? Hãy đợi đến đầu năm mới, tôi thề sẽ không sống như thế này nữa.” Thế là hai người kết nghĩa anh em, đốt hương khấn vái thần linh: “Nếu sau này giàu sang phú quý, xin đừng quên nhau.” Lúc đó là ngày cúng ông Táo tháng Chạp, qua Tết Nguyên Đán, hai người chia tay mỗi người một ngả.
Ông Vương đến làm thuê ở một hiệu cầm đồ, làm việc nấu cơm quét dọn. Vì siêng năng cẩn thận, ông được chủ hiệu rất tin cậy. Đến cuối năm, chủ hiệu kiểm kê sổ sách, liên tục phát hiện sai sót, vô cùng lo lắng. Lúc đó, ông Vương đứng hầu bên cạnh, liếc mắt nhìn rồi mỉm cười. Chủ hiệu hỏi: “Ngươi cười cái gì?” Ông Vương đáp: “Chuyện này không khó.” Chủ hiệu nói: “Vậy ngươi thử tính xem.” Ông Vương cầm những que tính, nhanh chóng đối chiếu từng khoản, khớp đúng như in. Chủ hiệu mừng rỡ nói: “Ta hối hận vì đã không nhận ra ngươi sớm hơn, uổng công ngươi bấy lâu. Năm sau ta sẽ cấp cho ngươi vốn, giúp ta trông coi việc buôn bán ở chợ chùa.”
Vào thời đó, các chùa Long Phúc, Hộ Quốc… đều có chợ chùa, bày bán đủ loại hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Những thứ như kiêm bạch (một loại lụa) trong hiệu cầm đồ, quá hạn mà không ai đến chuộc, sẽ được mang ra chợ chùa bán, người bán hàng mỗi tháng nhận được vài lượng bạc từ chủ hiệu. Ông Vương làm công việc này. Ông hòa nhã với mọi người, hàng hóa bán rất chạy, lợi nhuận có khi gấp ba.
Lúc đó, có một thái giám đến mua đồ, hai bên nói chuyện rất hợp ý. Thái giám nói: “Với tài cán của ngươi, đáng lẽ phải làm thương nhân lớn, sao lại chịu khuất mình ở đây?” Ông Vương nói: “Làm việc ở đây đã quá mong đợi của ta rồi, ta dám cầu gì hơn nữa?” Thái giám nói: “Ngày mai ngươi cứ xin từ chức chủ hiệu, ta ở phủ Nam Trì Tử, số nhà thế này… Ngày kia ngươi đến, ta sẽ hợp tác làm ăn với ngươi.” Ông Vương nói: “Được.”
Ông Vương trở về, xin từ chức chủ hiệu cầm đồ, bàn giao công việc rõ ràng. Hai ngày sau, ông đến phủ thái giám, thái giám đã bày tiệc rượu chờ sẵn. Thái giám đưa cho ông một vạn lượng bạc, bảo ông mở một cửa hàng tơ lụa ở Đông Hoa Môn. Ông Vương bỗng nhiên đắc chí, nhưng vẫn giữ bản tính hòa nhã, siêng năng cẩn thận, kết quả buôn bán rất phát đạt, cửa hàng tấp nập khách ra vào.
Khi đó là năm Càn Long thứ 40 (năm 1775), các quốc gia hải ngoại năm nào cũng triều cống. Một hôm, Càn Long triệu kiến sứ thần các nước Nhật Bản, Cao Ly…, hỏi: “Các ngươi thấy phong tục Trung Quốc nước ta thế nào?” Họ hành lễ bái rồi tâu: “Trung Hoa được hưởng ơn giáo hóa của đại Hoàng Đế, không chỉ sĩ đại phu đọc sách hiểu đạo lý, mà ngay cả những người làm ăn buôn bán cũng biết giữ tín nghĩa. Ví dụ như ông Vương ở cửa hàng tơ lụa Đông Hoa Môn, chúng thần tuy đến từ nơi xa xôi ngoài biển, nhưng khi giao dịch với ông ấy, ông ấy vẫn sẵn lòng cho chúng thần nợ, còn mời chúng thần đi xem hát, tặng đồ ăn, túi thơm, dao găm, kim chỉ các loại, tình cảm thắm thiết, chỉ có tăng thêm chứ không hề giảm bớt. Phong tục giáo hóa của Trung Hoa, thực sự là do nhân đức của thiên tử cảm hóa mà thành, không phải thứ mà tiểu quốc ngoài biển như chúng thần có thể sánh bằng, thần hết lòng khâm phục!”
Họ tâu xong, lại dập đầu chúc mừng. Càn Long rất vui mừng, vì lời tâu có quan hệ đến vinh dự của nhà Thanh, Càn Long âm thầm ghi nhớ tên của ông Vương. Hôm sau, hoàng đế cho triệu ông Vương vào triều. Ông Vương, một thường dân, vào triều tâu đối rất hợp ý hoàng thượng. Ngày hôm sau, hoàng đế lệnh cho Phủ Nội vụ cấp cho ông 50 vạn lượng bạc, giao cho ông chủ quản việc này. Ông Vương từ biệt chủ cũ, vẫn làm nghề tơ lụa. Các quan trong Phủ Nội vụ đều qua lại với ông, ông Vương cũng rất vui lòng kết giao với họ, ai cũng vừa ý, vui vẻ.
Ba năm sau, có một lang trung (chức quan đứng đầu một nha môn trong lục bộ), đến vay tiền của ông Vương. Lúc đó ông Vương bận nhiều việc, vô tình quên không trả lời, người này bèn sinh lòng oán hận. Tình cờ, lang trung này lại là người quản lý kho lụa, bèn sai người mang cho ông Vương hơn 50 thùng lụa cũ rách dưới đáy kho, nói là hàng do ông Vương nhập. Thực chất là dùng việc này để hãm hại ông Vương.
Ông Vương mở ra xem, quả nhiên lụa đều đã mốc meo, biến màu, chất liệu như tro. Ông Vương vì thế mà thiệt hại mấy chục vạn lượng bạc. Khi lô lụa cũ này được chuyển về kho để xử lý lại, người ta vô tình phát hiện trong mỗi tấm lụa đều cuộn một ít thỏi vàng. Có lẽ đây là tài sản của Ngụy Trung Hiền (một đại hoạn quan tham ô cuối đời Minh) bị tịch thu. Các quan lớn thời đó dùng cách này (giấu vàng trong lụa) để nịnh bợ Ngụy Trung Hiền. Lô lụa này đã trải qua hai triều đại mà không ai biết. Ông Vương nhờ đó mà càng giàu có hơn. Sau này, ông bắt đầu mở rộng kinh doanh muối ở Dự Đông, Trường Lư…, giành được 48 khu chuyên bán muối, trở thành một nhân vật nổi bật trong ngành muối.
Sau này, ông Vương đi khảo sát các khu chuyên bán muối, đến Hà Nam, hỏi tuần phủ là ai. Nào ngờ đó chính là vị mỗ công người Mãn Thanh năm xưa cùng ngủ trong “nhà lông gà”. Ông này từ chức bút thiếp (một chức quan nhỏ), dần dần thăng lên viên ngoại lang, rồi từ phủ, đạo thăng lên chức trung thừa ở Trung Châu. Ông Vương bèn chuẩn bị thiệp đến bái kiến. Trung thừa mở rộng cửa đón ông ở đại đường, hai người nắm chặt tay nhau. Ông Vương nói: “Còn nhớ những lời nói trong ‘nhà lông gà’ không?” Trung thừa đáp: “Vâng, không dám quên.” Cả hai đều cười ha hả. Trung thừa giữ ông lại, thiết đãi mấy ngày mới để ông ra về.
Ngoại Sử thị nói: “Ngày xưa hai người nghèo khó đến mức ấy, mà chí không nản; một khi phát đạt, một người giàu, một người sang, cả hai đều là những bậc anh kiệt trong thiên hạ. Nghĩ lại những kẻ muốn hãm hại ông Vương, ngược lại mang đến phúc khí cho ông, có thể thấy ‘Nhất ẩm nhất trác giai tiền định’ (Uống miếng nước hay ăn hạt cơm đều do trời định), người đời sao cần phải vì theo đuổi danh lợi mà tự chuốc lấy phiền não?”
Theo ĐKN