Được đưa khỏi Việt Nam khi còn rất nhỏ, nên chiến tranh, gia đình và cả đất nước Việt Nam chưa bao giờ có trong ký ức. Nhiều năm sau, những đứa trẻ năm ấy đã trở lại để tìm gia đình, tìm những mảnh ghép của đời mình.

Được cấp tốc sơ tán khỏi Việt Nam ngay trước khi chiến tranh hạ màn, vài chục năm sau, những đứa trẻ ngày ấy đã trở lại để chắp nối những mảnh ghép của cuộc đời
"Khi bắt đầu hành trình tìm lại gia đình, nhiều người đã có sẵn một khuôn mẫu cụ thể về những gì sẽ xảy đến. Nhưng đâu phải lúc nào mọi chuyện đều đúng kế hoạch, không thể đặt quá nhiều kỳ vọng, vì có thể cha mẹ họ đã qua đời rồi," bà Trista Goldberg chia sẻ với BBC News Tiếng Việt trong những ngày Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh.
Goldberg, lúc bấy giờ là một trẻ 4 tuổi, đã được sơ tán khỏi Việt Nam vào cuối năm 1974 trong bối cảnh có nhiều dự báo rằng Sài Gòn sẽ sớm thất thủ.
Đến đầu tháng 4/1975, khi kết cục ấy đã trở nên cận kề, Operation Babylift, tức Chiến dịch Không vận Trẻ em Việt Nam, đã được khởi động, giúp sơ tán hàng ngàn trẻ em từ miền Nam Việt Nam ra nước ngoài, tới các quốc gia như Mỹ, Pháp, Úc, Canada...
Bà Goldberg hiện là chủ tịch của Operation Reunite (Chiến dịch Đoàn tụ) – một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những người con nuôi gốc Việt, bao gồm những đứa trẻ của Operation Babylift, tìm lại cha mẹ ruột.
Bà Goldberg cho biết trong nhiều năm qua, rất nhiều đứa trẻ được sơ tán năm xưa đã quay lại Việt Nam tìm cha mẹ ruột.

Một chuyến bay thuộc chương trình Operation Babylift
Chiến dịch Babylift cũng bị chỉ trích vì không phải toàn bộ số trẻ em trong chương trình này là trẻ mồ côi.
"Có những đứa trẻ được đưa đi từ trại trẻ mồ côi nhưng thực ra cha mẹ chúng chỉ gửi con theo dạng trông trẻ ban ngày. Và khi họ quay lại thì con họ đã bị đưa đi."
Chương trình này mở đầu bằng một thảm họa. Đó là vào ngày 4/4/1975, khi chiếc máy bay quân sự C-5A Galaxy chở 313 người rơi xuống một cánh đồng gần sông Sài Gòn khiến 138 người thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ em.
Sau này, một bàn thờ đã được lập tại vị trí máy bay rơi.
"Bàn thờ khá lớn, chắc khoảng 1m x 2m. Chỗ ấy trước đây là ruộng lúa, nhưng bây giờ đã mọc lên rất nhiều công trình xây dựng. Nó nằm trong một khu đất tư và chủ đất đã đồng ý cho phép tôn tạo. Chúng tôi muốn khắc tên của tất cả các nạn nhân lên đó và như vậy thì phải thay cái bàn thờ lớn hơn."
Bà cho biết con gái của chủ đất là người trông coi và lau dọn bàn thờ.

Đầu tháng 4/2025, bà Goldberg và hơn 100 người con nuôi gốc Việt cùng con cái, người thân của họ đã tới thắp nhang tại vị trí máy bay rơi ngày xưa.
Việc sơ tán trẻ em khỏi Việt Nam đã được thực hiện nhiều tháng trước khi Operation Babylift được triển khai, như trường hợp của bà Goldberg.
Brent Richard Kurkoski và Steve Geogre là hai trong số những hành khách như vậy.
Ông Brent Richard Kurkoski hiện 52 tuổi và đã trở về sống ở TP HCM được hơn 20 năm, còn ông Steve Geogre, 51 tuổi, đang sống ở Hawaii, Mỹ.
Brent rời Việt Nam vào tháng 10/1974, khi ấy mới khoảng một tuổi và có tên Việt là Trần Đức Thiện.
Steve rời Việt Nam sớm hơn chút, vào tháng 8/1974, khi mới chỉ bảy tháng tuổi. Ông đã trở lại Việt Nam lần đầu là vào năm 2001.
"Lần đầu tiên tôi gặp một người con nuôi gốc Việt khác là khi đã 26 tuổi," ông Brent kể. Cuộc gặp gỡ vào năm 1999 ấy, tưởng như tình cờ, đã đưa cuộc đời ông sang một ngã rẽ khác khi ông và vài người bạn quyết định sẽ tới Việt Nam.
"Cuối chuyến đi ấy, tôi đã gặp lại người phụ nữ từng chăm sóc tôi ở trại trẻ mồ côi. Bà ấy đã vô tình làm tôi bị bỏng ở bụng khi tôi còn bé," ông Steve kể và nói thêm rằng chính vết bỏng đó khiến bà ấy nhận ra ông.
Ra đi ở một độ tuổi quá nhỏ nên không có bất kỳ ký ức nào về Việt Nam. Thế nhưng, những đứa trẻ ngày ấy dường như đã để lại một vài mảnh ghép của mình nơi mảnh đất này. Và đó cũng là điều thôi thúc họ quay lại Việt Nam.

Ông Steve chụp ảnh cùng người từng chăm sóc ông khi ông còn nhỏ (bìa trái), người bên phải là phiên dịch.
Sốc văn hóa
Sau hàng chục năm xa cách, lớn lên trong một môi trường hoàn toàn khác, sợi dây kết nối với người thân, với nơi chôn rau cắt rốn có còn?
"Tôi nghĩ là tôi sẽ cần thời gian để xây dựng tình thương và sự tin tưởng, nhưng tôi sẽ mở lòng. Tôi sẽ dành một không gian thật lớn cho họ. Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu họ làm những điều xấu thì tôi sẽ không muốn giữ khoảng cách."
"Tôi cũng không biết nữa," ông Steve chia sẻ.
Kể cả khi tìm lại được cha mẹ ruột, "không phải cứ thế là thành gia đình. Mọi thứ phải dần dần," ông Brent cũng có cảm nhận tương tự.
"Lúc mới một tuổi thì chẳng có ký ức gì, hai tuổi cũng vậy thôi. Không ai nhớ lại lúc đó được cả. Tôi cũng vậy, không nhớ gì hết. Nhưng tôi có giấy tờ tùy thân và tấm hình người ta chụp mình lúc ấy."
Sang tới Mỹ, Brent được một gia đình người Mỹ nhận nuôi, sống ở một vùng ngoại ô. Ông kể rằng xung quanh mình chỉ toàn người da trắng, không ai da vàng như mình, ngoài một đứa trẻ Hàn Quốc học chung hồi 8 tuổi. Dù hòa nhập được vào cộng đồng, Brent chia sẻ rằng việc đó rất áp lực.
"Phải ép bản thân hòa nhập, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về cộng đồng ấy."

Brent khi còn nhỏ
Là những đứa trẻ được sinh ra tại Việt Nam, nhưng việc ra đi từ nhỏ, lớn lên trong một môi trường hoàn toàn khác – từ ngôn ngữ, ăn uống, học hành, giao tiếp – khi trở về họ đã bị sốc văn hóa.
"Khi gia đình ruột đoàn tụ với con mình, họ thường nghĩ rằng những người con này vẫn là người Việt, với cách suy nghĩ và sự hiểu biết giống như người Việt về văn hóa và phong tục tập quán. Nhưng thật ra chúng tôi lớn lên trong những nền văn hóa và tập quán khác. Không phải là chúng tôi không thể tiếp thu văn hóa Việt Nam, tất nhiên là có thể, nhưng xuất phát điểm của chúng tôi khác," bà Goldberg giải thích.
Ông Steve, lớn lên ở bang Wyoming (Mỹ) trong một cộng đồng chủ yếu là da trắng, không thực sự quan tâm tới Việt Nam cho tới khi gần 30 tuổi.
"Có quá nhiều việc phải lo, phải hòa nhập, đi học đại học, rồi tìm việc nữa. Cha mẹ tôi lúc nào cũng có mấy quyển sách về Chiến tranh Việt Nam ở nhà, và họ có cả một cuốn sách về Operation Babylift nữa. Những thứ để tôi có thể xem qua."
"Đây là một thực tế lạ lùng. Tôi là người Việt nhưng lại chẳng biết gì về Việt Nam cả. Tôi có một người bạn người Việt khi còn nhỏ, nhưng cô ấy cũng được nhận nuôi. Tôi vẫn đang hy vọng được dự một đám cưới kiểu Việt Nam vào một ngày nào đó."

Sổ thông hành cũ của Steve
Sau quãng thời gian dài làm việc cùng những người con nuôi muốn tìm lại cha mẹ, bà Goldberg nhận thấy rằng việc tái hợp không hề dễ dàng.
"Không thể kỳ vọng một đứa trẻ bị đưa đi khỏi Việt Nam [lâu như vậy] lại lập tức có thể hòa nhập với một gia đình Việt Nam ở Việt Nam."
"Bởi vì chúng tôi cũng có cuộc sống riêng, có những đứa con của riêng mình, không thể đùng một cái là thay đổi được. Nhưng đồng thời, cũng có những người có được sự kết nối rất đáng kể."
Cũng theo bà Goldberg, người Việt Nam đôi khi thẳng thắn quá, cứ hay hỏi những điều mà trong văn hóa khác sẽ được coi là tế nhị, ví dụ như về cân nặng và tiền lương.
"Khi bị hỏi vậy, họ sẽ cảm thấy sợ. Kiểu như: 'Tại sao họ lại muốn biết điều đó? Họ muốn gì từ mình?' Nhưng thực ra người hỏi chỉ quan tâm đến việc bạn đã trưởng thành như thế nào, bạn đã xoay xở với cuộc sống ra sao thôi."
Nỗi sợ thẳm sâu
Chỉ sau khi gặp gỡ những người con nuôi gốc Việt khác vào năm 1999, ông Brent mới bắt đầu nghĩ đến Việt Nam.
"Hóa ra chúng tôi giống nhau nhiều lắm – từ tính cách, trải nghiệm đến cách suy nghĩ. Chưa ai từng về Việt Nam, nên cả nhóm hẹn nhau đi TP HCM chơi một chuyến."
Tới năm 2001 thì chuyến đi ấy mới được thực hiện. Khi đã ở Việt Nam, nghĩ rằng có lẽ sẽ không bao giờ trở lại, ông quyết định tìm mẹ ruột – để cảm ơn vì đã sinh ra ông trong thời chiến thay vì chọn phá thai.
Lần theo giấy tờ, ông đến Rạch Giá, thuê tài xế, phiên dịch và đăng thông báo tìm mẹ trên báo đài. Một người phụ nữ đã tới và nhận là mẹ. Ông cố thu thập thông tin để kiểm chứng, nhưng chưa thể chắc chắn.
Trước khi rời Việt Nam, ông đưa cho bà ta 4 triệu đồng – toàn bộ tiền mặt còn lại của ông – và hứa sau khi về Mỹ sẽ gửi thêm. Bà ta tỏ vẻ khó chịu, nói rằng số tiền đó quá ít, nhưng vẫn nhận.
Về lại Mỹ, ông kể chuyện này với một gia đình người Việt. Họ nói:
"Đó không phải mẹ anh đâu. Không có người mẹ Việt nào lại vòi tiền con trai mình ngay lần gặp đầu sau 26 năm cả. Bà ta nói dối đấy. Quên bà ta đi."
Sau đó, do một đợt cắt giảm nhân sự, ông Brent mất việc và quyết định quay lại Việt Nam vào năm 2001. Ông sống ở Việt Nam tới giờ. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông nhiều lần gọi Việt Nam là "nhà".

Brent (ngoài cùng bên trái) cùng hai người em
Đôi lúc nỗi sợ thẳm sâu trong lòng khiến hành trình tìm kiếm cha mẹ ruột gián đoạn.
"Một trong những nỗi sợ lớn nhất của những người con nuôi bị bỏ rơi là suy nghĩ rằng cha mẹ không muốn mình. Đó cũng là lý do vì sao rất lâu tôi mới bắt đầu tìm kiếm cha mẹ ruột — vì tôi từng nghĩ bà không cần tôi. Và điều đó thật đau lòng.
"Nhưng đồng thời, tôi cũng mất một khoảng thời gian để hiểu và tiếp nhận thực tế rằng khi ấy là thời chiến, không phải hoàn cảnh bình thường. Mọi người buộc phải hy sinh cho cuộc sống của con mình.
"Trên hành trình ấy, chỉ riêng nỗi sợ thôi cũng đủ khiến người ta phát điên. Sợ vì không biết điều gì đang đợi mình phía trước, rằng gia đình mình đang ở đâu và liệu họ có đón nhận mình hay không.
"Dù có khi người mẹ ruột đã qua đời rồi thì vẫn còn cơ hội để đoàn tụ với anh chị em. Hơi gượng gạo, nhưng ít nhất vẫn có một cái kết."
Tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu
Mỗi người đều có lý do để quay về.
"Lúc ấy tôi khoảng 30 tuổi, chuẩn bị kết hôn và có con. Điều ấy có lẽ đã khơi dậy sự quan tâm tới nguồn cội của tôi. Mặc dù tôi có một gia đình nuôi ở Mỹ rất yêu thương và luôn chăm sóc tôi, gia đình đã nuôi dưỡng tôi ở Việt Nam cũng đã tới Mỹ sống, tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng gì đó, một phần rất quan trọng của tôi. Nên nếu không cố gắng tìm thì chẳng khác nào tự chối bỏ một phần của chính mình," bà Goldberg nhớ lại.
Bà kể rằng khi đó gia đình nuôi đã lo rằng bà đang tìm kiếm một "gia đình tốt hơn".
"Không phải như vậy. Tôi đã phải giải thích với họ rằng: 'Không, không phải như thế. Con chỉ đang tìm kiếm một mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh cuộc đời mình thôi. Mọi người sẽ luôn là một phần trong đó.' Tôi nghĩ họ đã thấu hiểu và bớt bất an."
Sau khi tìm kiếm, bà Goldberg biết được rằng mẹ và em trai của bà cũng đã qua Mỹ sinh sống, nhờ vào Đạo luật Hồi hương Con lai Mỹ (Amerasian Homecoming Act).
"Lúc đó tôi đang sống ở California, còn mẹ và em tôi sống ở Hawaii. Họ đã bay tới California và chúng tôi gặp nhau tại sân bay. Lúc ấy thật sự rất xúc động. Y như một cảnh sân bay trong phim, ai cũng khóc."
Giờ đây, cứ vài năm bà Goldberg lại quay lại Việt Nam một lần để nghe tiếng Việt, cảm nhận hương vị ẩm thực, để "sống giữa tiếng xe máy và khám phá những vùng miền khác nhau".

,Bà Goldberg (phải) và mẹ ruột, ảnh chụp cách đây hơn 20 năm
Khác với bà Goldberg, ông Steve muốn trở về Việt Nam không phải vì một điều cụ thể.
"Mỗi yếu tố một ít, nhưng có lẽ chủ yếu là vì cuối cùng tôi cũng đã sẵn sàng về mặt cảm xúc để trở về Việt Nam. Tôi nghĩ trước đó mình đã kìm nén rất nhiều, vì tận sâu bên trong, tôi mang những vết thương chưa lành – theo cách mà chính tôi cũng không thật sự nhận ra và sẵn lòng đối mặt.
"Và khi trưởng thành hơn, tôi nghĩ mình cuối cùng cũng đã sẵn sàng để đối diện với những nỗi đau, những cảm xúc ấy và trở về Việt Nam với một tâm thế rộng mở," ông Steve chia sẻ.
"Ôi trời, nơi mình sinh ra đây sao," ông đã thốt lên như vậy khi lần đầu về Việt Nam.
"Tôi đứng cả tiếng đồng hồ chỉ để nhìn người ta đi qua đường.
"Lúc đó tôi ở quận 1, nơi cực kỳ đông đúc, và tôi thực sự không thể tin nổi cảnh tượng trước mắt. Lần đầu tiên đến Việt Nam, nhìn thấy những con người trông giống mình. Trong đầu tôi luôn nghĩ 'biết đâu một trong những người này là anh em ruột của mình, biết đâu một trong số họ là cha mình, mẹ mình'. "

Ông Steve (thứ ba từ phải) và những người con nuôi từng ở chung trại trẻ mồ côi, ảnh chụp năm 2025
Trong số ba người BBC phỏng vấn, chỉ có một mình bà Goldberg đã tìm lại được mẹ.
Ông Steve đã cưới vợ và có con ở Việt Nam.
"Con tôi giúp tôi hàn gắn khoảng trống gia đình trong tôi, nỗi mất mát mang tên mẹ ruột. Chúng đã lấp đầy những mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời tôi," ông giãi bày, đồng thời cho biết cũng không chủ động tìm kiếm cha mẹ ruột nữa.
"Việt Nam là nơi tôi thuộc về. Đây là nơi tôi sẽ sống cho tới cuối đời. Quay lại đây là tôi đã hoàn tất hành trình một cách trọn vẹn," ông nói thêm.
Ông Brent nói rằng mình không còn nhiều thời gian.
"Giờ tôi đã 51 tuổi rồi. Nếu cha mẹ ruột của tôi còn sống, họ chắc cũng đã 70, 80, 90 tuổi rồi. Tôi vẫn giữ hy vọng, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận việc không tìm thấy họ. Dù vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng."
Ông Brent hiện sống ở Hawaii và đang thực hiện dự án AdoptiveThreads (Tạm dịch là: Sợi chỉ kết nối con nuôi) nhằm gây quỹ để hỗ trợ những người con nuôi vẫn chưa tìm thấy cha mẹ ruột. Gần đây, ông đã tìm được một người họ hàng xa, giúp có thêm manh mối để tìm cha mẹ ruột.
"Nếu có thể, tôi sẽ nói với họ [cha mẹ ruột] rằng 'mọi chuyện đều tốt cả. Con ổn. Tất cả những gì trong quá khứ, cũng như lý do vì sao con được cho đi làm con nuôi, giờ đây đều không còn quan trọng nữa. Con ổn'."

Steve (đứa bé ngoài cùng bên phải) cùng gia đình nuôi. Ông Steve không chắc thời gian bức ảnh được chụp, nhưng đoán là khoảng năm 1976.
Theo BBC