Group News: Tin copy

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% lên các bộ phim sản xuất ở nước ngoài, khi ông gia tăng căng thẳng thương mại với các quốc gia trên toàn thế giới.

 
Phim Thunderbolt của hãng Marvel hiện đang đứng đầu bảng ở Mỹ

,Phim Thunderbolts* của hãng Marvel hiện đang đứng đầu bảng ở Mỹ

Ông Trump đăng trên nền tảng Truth Social rằng ông đã ủy quyền cho Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại nước này bắt đầu quy trình áp thuế, với lý do ngành điện ảnh Mỹ đang "chết rất nhanh".

Vậy điều này có thể có ý nghĩa gì đối với ngành điện ảnh Mỹ và cả ngành điện ảnh toàn cầu?

Hollywood đang 'chết' thật sao?

Khi công bố các mức thuế mới, ông Trump tuyên bố Hollywood đang "chết". Vậy có đúng như vậy không?

Thực tế là ngành này đã trải qua một thời gian vô cùng khó khăn trong những năm gần đây.

Đại dịch đã khiến các hoạt động sản xuất bị đình trệ, và hậu quả vẫn còn kéo dài.

Các hãng phim Hollywood đã chi 11,3 tỷ USD cho việc sản xuất trong quý II năm 2024, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, khi các hãng phim tiếp tục cắt giảm chi phí nhằm phục hồi sau tổn thất do đại dịch Covid-19.

Bất kỳ dấu hiệu phục hồi nào sau đó bị dập tắt bởi các cuộc đình công của diễn viên và biên kịch năm 2023.

Rồi Hollywood cũng bị ảnh hưởng vì vụ cháy rừng xảy ra vào đầu năm nay.

Và trong vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người - không chỉ giới trẻ - đã chuyển sang YouTube và các nền tảng phát trực tuyến khác.

Mỹ vẫn là trung tâm sản xuất phim lớn, và theo trang Variety, năm 2025 đã chứng kiến doanh thu phòng vé bật lên so với năm trước, với tổng doanh thu nội địa tăng 15,8% so với năm 2024 tính đến nay.

Bộ phim siêu anh hùng Marvel mới nhất, Thunderbolts*, đã đứng đầu phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua với doanh thu ước tính 76 triệu USD, mở đầu đầy hứa hẹn cho mùa hè.

Nhưng Hollywood chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Trump đề xuất gì?

Tổng thống cho biết ông muốn "ngay lập tức bắt đầu quy trình áp thuế 100% đối với bất kỳ và tất cả các bộ phim được sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Chúng tôi muốn phim được sản xuất tại Mỹ một lần nữa!"

Điều này đã dẫn đến câu hỏi liệu mức thuế này có áp dụng cho cả các hãng phim Mỹ sản xuất phim ở nước ngoài hay không.

Nhiều bộ phim lớn gần đây do các hãng phim Mỹ sản xuất đã quay ở nước ngoài, bao gồm Deadpool & WolverineWicked và Gladiator II. Các loạt phim đình đám như Mission Impossible cũng quay tại nước ngoài.

Chúng ta cũng chưa biết liệu mức thuế này có được áp dụng hồi tố hay không.

Ông Trump sau đó nói với các phóng viên rằng "các quốc gia khác đã đánh cắp phim ảnh và năng lực sản xuất phim của Mỹ", điều này có thể ám chỉ ông chỉ nói đến các phim không phải của Mỹ. Chúng ta sẽ phải chờ thêm thông tin chi tiết.

Các quốc gia khác đang đưa ra ưu đãi gì?

Công ty Amazon có trụ sở tại Mỹ hiện là đơn vị sở hữu quyền sáng tạo đối với thương hiệu phim điệp viên James Bond do diễn viên người Anh Daniel Craig thủ vai từ năm 2006

Công ty Amazon có trụ sở tại Mỹ hiện là đơn vị sở hữu quyền sáng tạo đối với thương hiệu phim điệp viên James Bond do diễn viên người Anh Daniel Craig thủ vai từ năm 2006

Nhiều quốc gia như New Zealand, Úc và Vương quốc Anh cung cấp các ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất phim – và đó là điều ông Trump muốn đối đầu.

Nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến các hãng phim Mỹ muốn quay phim ở nước ngoài.

Một số chọn làm vậy vì bối cảnh đặc biệt và kỳ thú. Ai có thể quên cảnh Tom Cruise leo lên tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai trong bộ phim Mission: Impossible – Ghost Protocol?

Vậy điều gì sẽ xảy ra với bộ phim James Bond tiếp theo, loạt phim hiện do tập đoàn Mỹ Amazon sở hữu, nhưng lại dựa trên nhân vật mang tính biểu tượng của Anh, làm việc cho tổ chức tình báo MI6 tại London?

Và không chỉ các quốc gia khác đưa ra ưu đãi – các bang khác của Mỹ cũng đang thu hút sản xuất phim rời khỏi Hollywood tại bang California.

Georgia, Illinois và Kentucky nằm trong số nhiều bang của Mỹ hiện đang cạnh tranh với California.

Thống đốc California Gavin Newsom, người mà ông Trump mô tả là "vô cùng bất tài" khi nói về thuế phim vào thứ Hai 5/5, hiện đang thúc đẩy kế hoạch tăng gấp đôi các ưu đãi thuế cho phim và truyền hình của bang lên 750 triệu USD mỗi năm.

Mặc dù ông Newsom chưa bình luận gì về đề xuất của ông Trump, cố vấn truyền thông cấp cao của ông nói với trang Deadline: "Chúng tôi tin rằng ông ấy không có thẩm quyền áp đặt thuế theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, vì thuế không nằm trong danh sách các biện pháp xử lý theo luật đó."

Mức thuế này sẽ được thực hiện như thế nào?

Hiện có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện đang tạm ngừng áp thuế với hàng hóa kỹ thuật số đến năm 2026. Có lẽ phim ảnh được coi là hàng hóa kỹ thuật số.

Và họ sẽ dựa vào đâu để tính thuế? Doanh thu phòng vé hay chi phí sản xuất? Nội dung phát trực tuyến có bị tính không? Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty Mỹ như Netflix. Còn phần hậu kỳ – như biên tập thì sao?

Tim Richards, giám đốc điều hành và người sáng lập công ty Vue Entertainment, nói với chương trình Today của BBC Radio 4: "Một phần lớn của vấn đề là xác định phim Mỹ là gì – có phải là nơi nguồn vốn, kịch bản, đạo diễn, diễn viên hay nơi quay phim không?"

Và làm thế nào để phân loại phim nước ngoài khi rất nhiều phim là đồng sản xuất và quay ở nhiều quốc gia?

Ông Trump dường như đang nói về phim điện ảnh chứ không phải truyền hình nhưng điều đó cũng chưa chắc chắn. Liệu thuế sẽ áp dụng cho phim làm để phát trực tuyến hay chỉ phát hành ở rạp?

Chúng ta sẽ phải chờ thêm chi tiết. Và dĩ nhiên, ông Trump có thể rút lại đề xuất này như ông đã từng làm với một số loại thuế khác.

Điều này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác ra sao?

Paddington alongside Hugh Bonneville, who plays Mr Brown in the British franchise

Nguồn hình ảnh,PA Media

Rõ ràng, việc áp thuế 100% lên phim nước ngoài sẽ làm tăng chi phí đáng kể cho các công ty sản xuất muốn bán vào thị trường Mỹ.

Bình luận về tuyên bố của ông Trump, bà Dame Caroline Dinenage, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Quốc hội Anh, nói: "Tháng trước, Ủy ban của chúng tôi đã cảnh báo không nên tự mãn về vị thế 'Hollywood của châu Âu' của chúng ta. Tuyên bố của Tổng thống Trump đã khiến cảnh báo đó trở nên cấp thiết."

"Làm cho việc sản xuất phim tại Anh trở nên khó khăn hơn không có lợi cho doanh nghiệp Mỹ. Khoản đầu tư của họ vào cơ sở vật chất và nhân tài tại Anh, dựa trên tài sản trí tuệ sở hữu của Mỹ, đang đem lại lợi nhuận rất tốt ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Các bộ trưởng cần phải ưu tiên vấn đề này trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra."

Bà Philippa Childs, lãnh đạo công đoàn truyền thông và giải trí Bectu tại Anh, phát biểu: "Các loại thuế này, sau đại dịch Covid và sự chững lại gần đây, có thể giáng một đòn chí mạng vào ngành công nghiệp chỉ vừa mới hồi phục – và sẽ là tin cực kỳ đáng lo cho hàng chục ngàn lao động tự do lành nghề đang làm phim ở Anh."

Bà Kirsty Bell, giám đốc điều hành hãng sản xuất Goldfinch, đặt câu hỏi về tính khả thi của việc áp thuế, chỉ ra rằng những phim bom tấn như Barbie, do hãng Warner Bros Pictures của Mỹ phát hành, "thực tế gần như được quay hoàn toàn ở Anh".

"Nếu các phim Mỹ không còn được sản xuất một phần hay toàn phần tại Anh, lực lượng lao động tự do sẽ thất nghiệp. Tôi nói thật đấy, họ thực sự sẽ thất nghiệp," bà nói với hãng tin PA.

Chính phủ Úc và New Zealand cũng đã lên tiếng bảo vệ ngành điện ảnh nước mình.

"Không ai nên nghi ngờ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ một cách không khoan nhượng quyền lợi của ngành công nghiệp màn ảnh Úc," Bộ trưởng Nội vụ Úc Tony Burke tuyên bố.

Thủ tướng New Zealand, Christopher Luxon, cho biết trong một cuộc họp báo rằng chính phủ của ông đang chờ thêm chi tiết về đề xuất thuế này.

"Nhưng rõ ràng là chúng tôi sẽ luôn ủng hộ và là tiếng nói mạnh mẽ cho ngành này," ông nói thêm.

Khi Liên hoan phim Cannes sắp diễn ra, sự bất định đang bao trùm, trong khi nhiều nhà sản xuất phim Mỹ đang tìm cách bán bản quyền phân phối quốc tế.

Liệu các mức thuế này có hiệu quả?

Thuế có thể khuyến khích các hãng phim Mỹ sản xuất nhiều phim hơn tại Mỹ, nhưng rủi ro là nếu chi phí trong nước cao hơn nước ngoài, một số phim có thể sẽ không được thực hiện.

Nhiều ưu đãi hay hoàn thuế có thể giúp bù đắp điều này, nhưng hiện tại chúng ta chưa biết liệu điều đó có đang được bàn đến trên quy mô quốc gia hay không.

Eric Deggans, nhà phê bình phim của đài NPR Radio tại Mỹ, cảnh báo rằng nếu được áp dụng, các loại thuế này có thể gây tổn hại thêm cho ngành.

Các quốc gia khác có thể đáp trả bằng cách áp thuế lên phim Mỹ, ông nói với BBC, khiến "các phim này khó thu lợi nhuận ở thị trường quốc tế hơn."

"Điều này có thể tạo ra một tình huống mà thuế tại Mỹ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích," ông nói thêm.

Theo BBC