Group News: Tin copy

Địa đạo Củ Chi, phía bắc thành phố Hồ Chí Minh, thu hút 1,5 triệu khách tham quan hàng năm. Du khách vạch những tán lá, men theo con đường đất và dừng lại theo người hướng dẫn, gạt lớp lá dưới chân là một nắp hầm nhỏ. Ngạc nhiên và hào hứng, từng người lần lượt thử xuống hầm và đậy nắp theo hướng dẫn của hướng dẫn viên. Khám phá, trải nghiệm tại các khu chiến trường xưa là một phần không thể bỏ qua của du khách nước ngoài và ngày càng thu hút khách trong nước.

Hậu Chiến tranh Việt Nam: Khi những đứa trẻ trở về
Khách du lịch bên máy bay được Không Quân Mỹ (U.S Air Force) sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 22/02/2025.
Khách du lịch bên máy bay được Không Quân Mỹ (U.S Air Force) sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 22/02/2025. AP - Hau Dinh
 

Những ụ đất tưởng như tổ mối lại là lỗ thông hơi của địa đạo. Nhiều miệng hầm được nới rộng ra để thuận tiện cho du khách. Những người bị tim mạch, khó thở được khuyến cáo không nên xuống. Sau vài bậc thang bằng đất là đoạn đường hầm nhỏ, tối om, phải lom khom di chuyển. Những tiếng “òa” thở phào, sắc mặt đỏ bừng khi ra khỏi đoạn đường hầm cho thấy khó khăn như thế nào. Tất cả đều khâm phục và có chung câu hỏi : Dân quân kháng chiến Việt Nam đã sống trong đó thật sao ? Làm sao có thể trụ được trong thời gian dài như vậy ?

Trải nghiệm “nếm mật, nằm gai”

Anh Dương Phúc Sáng, nhà tổ chức tour tại Địa đạo Củ Chi, nhận định với hãng tin AP : “Đến Việt Nam, hầu như hơn 70% khách du lịch nước ngoài sẽ ấn tượng về chiến tranh Việt Nam. Và đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh mà tên gọi ngày xưa là Sài Gòn, họ tìm đến bảo tàng lịch sử đầu tiên, thứ nhì là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi ghi lại những kỷ niệm ngày xưa, thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ năm 1954 - năm 1975, 21 năm và đặc biệt là Địa đạo Củ Chi, nơi ghi dấu vùng đất anh hùng”.

Đến khu nghỉ ngơi, du khách được thưởng thức khoai, sắn - lương thực chính của quân kháng chiến xưa. Lâu lâu lại có những tiếng nổ, tràng súng vẳng lại từ trường bắn nơi du khách có thể thử súng AK-47, M-16 và súng liên thanh M-60. Đối với du khách quốc tế, đó là trải nghiệm để hiểu hơn về hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam, theo cảm nhận của Buono, một du khách Ý : “Đó có lẽ là một góc nhìn hay và tôi có thể hiểu rõ hơn một chút về những sự kiện, chiến tranh đã diễn ra như thế nào, dân tộc Việt Nam đã chiến đấu và tự vệ như thế nào. Và việc được tận mắt nhìn thấy có thể là một trải nghiệm sống và hiểu rõ hơn về cuộc chiến”.

Du khách lom khom bước trong đường hầm ở khu di tích Địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 23/02/2025.
Du khách lom khom bước trong đường hầm ở khu di tích Địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 23/02/2025. AP - Hau Dinh

Hoặc như Paul Hazelton, một cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở khu vực Huế năm 1965, trở lại chiến trường xưa để thấy được những thay đổi ngày nay : “Đó là một vùng chiến sự khi tôi ở đây trước đây và chưa phát triển. Chúng tôi không có bất kỳ tòa nhà cao tầng nào. Đó là một thị trấn xinh đẹp bên dòng sông Hương. Tôi may mắn có cơ hội nhìn thấy thành cổ khi tôi ở đó vào lúc trước. Nhưng mọi nơi bạn đến đều là những khu vực bị quân đội chúng tôi (Mỹ) kiểm soát và bây giờ chỉ thấy sự hối hả, nhộn nhịp cùng ngành công nghiệp thì thật là ấn tượng. Tôi vui mừng rằng nước Mỹ chúng tôi đang giao thương và có quan hệ hữu nghị với Việt Nam và tôi nghĩ cả hai bên đều được hưởng lợi từ điều đó”.

Nhiều công ty, văn phòng lữ hành ở nước ngoài tổ chức tour dành riêng trải nghiệm về Chiến tranh Việt Nam. Ví dụ, tour 16 ngày của công ty Leger Battlefields ở Anh “bắt đầu hành trình ở Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, ghé thăm những địa điểm như Vịnh Hạ Long, Huế, Hội An và Điện Biên Phủ. Thảo luận về các chủ đề như chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, vụ thảm sát Mỹ Lai, ghé thăm các địa điểm chiến trường bao gồm Bãi biển Đỏ số Hai (Đà Nẵng), trận Ấp Bắc và Địa đạo Vịnh Mốc. Thăm các nghĩa trang và bảo tàng giúp tăng thêm trải nghiệm và hình dung những con người chiến đấu ở đó đã trải qua suốt 19 năm Chiến tranh Việt Nam”. (1)

Du lịch đánh thức di sản

Du lịch lịch sử-chiến tranh được coi là cấu phần quan trọng của loại hình du lịch ngược về quá khứ để tham quan và trải nghiệm. Xu thế này đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới, theo tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, chủ tịch kiêm giám đốc Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), được báo Nhân Dân trích dẫn ngày 14/10/2023.

Việt Nam cũng chủ trương dùng du lịch để đánh thức di sản trong những năm gần đây. Hình ảnh những chiến trường xưa gắn liền với đau thương, mất mát nhưng cũng là cách truyền tải đi vào lòng người nhất cho thế hệ trẻ với những cách tiếp cận sáng tạo hơn, đa dạng hóa trải nghiệm, không còn khô cứng, nhàm chán như trước. Nhiều trang web du lịch thống kê “những di tích chiến tranh nên một lần ghé qua”, có tham quan danh làm thắng cảnh, có du lịch trải nghiệm, có du lịch tâm linh.

Là một cựu chiến binh, hiện 68 tuổi, sống ở Hà Nội, ông Lê Quang Bình dành nhiều thời gian từ khi nghỉ hưu đi thăm những địa danh chiến trường xưa. Theo ông, nếu đến Hà Nội, không thể bỏ qua Hoàng Thành Thăng Long, nơi đặt Tổng hành dinh của Quân đội Việt Nam, với dấu ấn của tướng Giáp và đặc biệt là Nhà tù Hỏa Lò, được mệnh danh “Hilton Hà Nội”:

“Nhà tù Hỏa Lò nằm trên vị trí trung tâm của thủ đô, nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Đây cũng là điểm đến lịch sử văn hóa cho mọi du khách, cho những người yêu lịch sử. Chúng ta có thể trải nghiệm qua các câu chuyện lịch sử, qua lời kể của những cựu chiến binh hoặc những người tù chính trị.

Du khách sẽ thấy hệ thống trưng bày thường xuyên bằng những bài thuyết minh, trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi. Nội dung lịch sử được truyền tải tới du khách qua lời dẫn chuyện, thuyết minh kết hợp với âm thanh sống động, phù hợp, tái hiện lại những nội dung trưng bày giúp công chúng có cái nhìn chi tiết trong từng giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước. Mỗi không gian, chủ đề trưng bày có nhiều hiện vật, nhiều tài liệu chứng minh. Nhà tù Hỏa Lò thực sự cuốn hút du khách, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về lòng yêu nước, sự dũng cảm, ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng trong lao tù”.

Cố thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chụp ảnh với nhân viên Di tích Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/04/2009.
Cố thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chụp ảnh với nhân viên Di tích Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/04/2009. AP - Chitose Suzuki

Nhiều trang web hướng dẫn du lịch giới thiệu Di tích Nhà tù Hỏa Lò là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Nội để có thể tìm hiểu về quá khứ đầy biến động của Việt Nam, cũng như sức mạnh tinh thần của con người. Từ nhiều năm nay, khu di tích tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút giới trẻ quan tâm hơn đến lịch sử, theo giải thích của ông Lê Quang Bình : “Nhà tù Hỏa Lò được xếp hạng di tích quốc gia. Mọi người đến tham quan có thể trải nghiệm tour “Đêm thiêng liêng” ở nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Chắp cánh ước mơ” cũng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò hoặc trải nghiệm “Đêm Di tích”. Gần đây giới trẻ của thủ đô và cả nước cũng đến tham quan di tích ngày càng đông”.

Di tích chiến tranh trải dài từ Bắc xuống Nam vì tất cả các vùng đất ở Việt Nam đều gắn với hai cuộc chiến tranh lớn. Ở miền núi phía Bắc có các khu di tích lịch sử Tân Trào, Pác Pó, nhà tù Sơn La, quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Lê Quang Bình giải thích : “Khi tôi trở lại thăm Điện Biên Phủ, đó là một khu di tích, không gian lịch sử. Chiến trường Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Điện Biên Phủ là một trong hơn 100 di tích lịch sử quốc gia trên cả nước, đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển du lịch của Điện Biên. Bây giờ, Điện Biên Phủ đã trở thành một khu di tích, khách tham quan đến đồi A1 hoặc các sở chỉ huy của tướng Giáp. Chúng tôi cũng chụp ảnh lưu niệm, đi tham quan và cảm thấy tự hào mình là một người Việt Nam, đất nước anh hùng và con người cũng anh hùng”.

Chuyên nghiệp hóa ngành du lịch

Sản phẩm du lịch văn hóa và lịch sử đóng góp khoảng 41% vào GDP ngành du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 56% khách quốc tế và 28% khách nội địa quan tâm đến loại hình này, với 58% du khách đến thành phố Hồ Chí Minh mong muốn có thêm nhiều sản phẩm văn hóa hơn, nhấn mạnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các trải nghiệm văn hóa đa dạng và phong phú. (2)

Một số điểm du lịch nổi bật như Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập đều thu hút hơn 1 triệu lượt khách trong năm 2024. Kết quả này cho thấy các di tích lịch sử góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Lễ kỉ niệm 50 năm thống nhất Việt Nam ngày 30/04/2025 là một ví dụ cho việc kết hợp sự kiện lịch sử và du lịch. Hàng triệu người đổ về khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh kích thích tiêu dùng, dù trong thời gian ngắn. Nhiều người sẵn sàng di chuyển từ xa để được chứng kiến sự kiện.

Khai thác ký ức chiến tranh thành thế mạnh du lịch đang được chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch chiến tranh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hạn chế lớn nằm ở cơ sở hạ tầng yếu kém, dịch vụ thiếu đồng bộ, cách truyền tải nội dung đơn điệu, và thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều điểm di tích vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, hiệu quả khai thác còn thấp.

Để phát triển bền vững, ngành du lịch cần chiến lược đầu tư dài hơi, chú trọng bảo tồn di tích, tích hợp công nghệ hiện đại như trải nghiệm thực tế ảo, mở rộng các hoạt động trải nghiệm đặc thù như “ngủ hầm, ăn cơm nắm, đánh trận giả”, nâng cao năng lực của người thuyết minh, tránh thương mại hóa phản cảm.

Ngoài gìn giữ lịch sử, việc biến những ký ức chiến tranh thành sản phẩm du lịch đặc thù là hướng đi giàu tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thế giới. Hiện tại, du lịch là một trong những động cơ chủ đạo cho tăng trưởng của Việt Nam và sử dụng 1/9 lao động trên cả nước. Năm 2024, Việt Nam đón tiếp hơn 17,5 triệu du khách nước ngoài, gần với mức kỷ lục 18 triệu người vào năm 2019, trước đại dịch Covid-19.

Dinh Độc Lập tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 20/02/2025.
Dinh Độc Lập tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 20/02/2025. AP - Hau Dinh

Theo RFI


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.