Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 15/5 cảnh báo rằng xuất khẩu từ khu vực chiếm khoảng một nửa thương mại thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm nay, và hầu như không tăng trưởng, sau các thông báo về thuế quan của Mỹ.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC chịu trách nhiệm về thương mại tại đảo Jeju, Hàn Quốc, ngày 15/5/2025
Khối 21 thành viên đã triệu tập một phiên họp thường niên của các đại diện thương mại trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trong năm nay, khi các đặc phái viên thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau bên lề sau các cuộc đàm phán cấp cao hồi đầu tháng ở Geneva nhằm giảm leo thang một cuộc chiến thương mại gay gắt.
APEC dự báo xuất khẩu trong khu vực sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 5,7% của năm ngoái, trong một báo cáo phân tích được công bố tại cuộc họp bộ trưởng thương mại năm 2025 của tổ chức này ở đảo Jeju, Hàn Quốc.
Khối này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm nay xuống 2,6% từ mức 3,3% trước đó.
APEC cho biết trong một thông cáo: "Tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ giảm mạnh trên toàn APEC do nhu cầu bên ngoài thấp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và hàng tiêu dùng, trong khi sự bất ổn gia tăng đối với các biện pháp liên quan đến hàng hóa gây áp lực lên thương mại dịch vụ.
Các mức thuế quan rộng rãi của chính quyền Trump đã nhắm vào hơn một nửa số thành viên APEC, nơi mức thuế quan trung bình khu vực đã giảm xuống 5,3% vào năm 2021, từ mức 17% vào năm 1989, khi diễn đàn kinh tế không ràng buộc này được thành lập.
Đây là giai đoạn chứng kiến thương mại hàng hóa tăng hơn chín lần.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tiềm năng đạt được tiến bộ hơn nữa trong việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã gặp đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương bên lề cuộc họp, Bộ Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho biết, nhưng không nói rõ chi tiết.
Bộ này xác nhận cuộc họp sau khi làm rõ bình luận trước đó của Bộ trưởng Thương mại Cheong In-kyo, người cho biết các cuộc đàm phán đã diễn ra vài giờ trước đó.
Các cuộc đàm phán diễn ra sau khi ông Greer và ông Lý đồng ý cắt giảm mạnh thuế quan tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ ở Geneva vào ngày 10-11/5.
Trong hai ngày, các đại diện thương mại của các nền kinh tế thành viên dự kiến sẽ thảo luận về thương mại đa phương và các chương trình hợp tác khác, bao gồm cả cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong bối cảnh những thách thức hiện tại.
Chính quyền Trump coi WTO là một tổ chức đã cho phép Trung Quốc giành được lợi thế xuất khẩu không công bằng và gần đây đã có động thái tạm dừng việc Mỹ tài trợ cho tổ chức này.
Ảnh hưởng rộng khắp của thuế quan Mỹ
Phát biểu khai mạc hội nghị thường niên với tư cách chủ nhà, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong nhấn mạnh nền kinh tế và thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với những căng thẳng gia tăng từ nhiều bất ổn và kêu gọi khối này thúc đẩy đối thoại để giải quyết các thách thức chính trị và kinh tế.
Trước các phiên họp chính, Giám đốc chính sách của APEC, Carlos Kuriyama, cho rằng việc hạ thấp triển vọng xuất khẩu khu vực là do tác động của thuế quan Mỹ và cảnh báo rằng phạm vi ảnh hưởng lan tỏa của chúng còn lớn hơn.
Ông Kuriyama nói với các phóng viên: "Chúng tôi nhận thấy thuế quan của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ và thị trường tài chính. Đó là lý do tại sao các chính phủ đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại, nhưng tình hình vẫn chưa trở lại như trước đầu tháng Tư."
Ông Greer cũng dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Hàn Quốc, ba tuần sau vòng đàm phán thương mại đầu tiên của họ ở thủ đô Washington D.C. Ông cũng sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với New Zealand và gặp gỡ các đại diện từ các nước châu Á khác.
Ông Greer nói với đài CNBC trước khi lên đường đến Jeju hôm 13/5: "Chúng tôi đang tiến hành nhanh nhất có thể với những người muốn có những mục tiêu đầy tham vọng."
Ông Greer cũng dự kiến sẽ gặp gỡ lãnh đạo các công ty đóng tàu lớn của Hàn Quốc là HD Hyundai Heavy Industries và Hanwha Ocean trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đang diễn ra về hợp tác tiềm năng giữa Mỹ và Hàn Quốc trong lĩnh vực này, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
Hội nghị APEC có sự tham dự của các bộ trưởng thương mại và đặc phái viên từ các quốc gia thành viên bao gồm Nhật Bản, Canada, Mexico và Nga.
Ông Cheong cho biết ông đã có cuộc gặp với ông Lý Thành Cương, người đã giải thích cam kết của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc họp bộ trưởng thương mại diễn ra trong khuôn khổ vòng họp thứ hai của các quan chức cấp cao trước thềm hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC năm nay tại thành phố Gyeongju, Hàn Quốc.
APEC chiếm khoảng một nửa thương mại toàn cầu và 60% GDP toàn cầu.
Việt Nam chính thức gia nhập diễn đàn này vào tháng 11/1998.
Theo BBC