Group News: Tin copy

Loạt bài viết này chia sẻ những kết quả sơ bộ của một nghiên cứu độc lập, tập trung vào chủ đề hòa hợp dân tộc trong ba khía cạnh: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Con số 100 tượng trưng cho trăm trứng từ bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm người Việt tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.

Hòa hợp dân tộc: 100 tiếng nói đồng bào - Bài 2: Hòa giải đã lỡ, hòa hợp đang chờ

Hòa hợp dân tộc: 100 tiếng nói đồng bào - Bài 1: Cuộc chiến ký ức

Những phần trong ngoặc kép là lời của nhân vật. Tất cả đều ẩn danh. Mọi liên tưởng chỉ là trùng lặp tình cờ và không chính xác. 

Đại đa số những người được phỏng vấn cho rằng gọi đúng tên cuộc chiến là điểm then chốt để có thể hàn gắn dân tộc một cách thực sự.

Cuộc chiến được nhắc đến với nhiều tên gọi: "chiến tranh ủy nhiệm," "kháng chiến chống Mỹ"/"cuộc chiến vệ quốc", "cuộc chiến chống cộng" và "nội chiến."

Yếu tố nội chiến

Hơn một nửa số người được phỏng vấn cho rằng cuộc chiến 1954-1975 là sự kết hợp giữa "chiến tranh ủy nhiệm" và "nội chiến" (hoặc "có yếu tố nội chiến"). Hai giai đoạn được nhấn mạnh là trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam và sau khi Mỹ rút quân, "hoàn toàn chỉ có người Việt trên chiến trường".

Từ khóa "nội chiến" xuất hiện trong hơn 90% buổi chia sẻ. Một số lượng lớn nhân vật có xuất thân đảng viên, chính trị gia và quân nhân cho rằng việc chấp nhận "yếu tố nội chiến" là "chỉ dấu quan trọng nhất để có thể bắt đầu hòa giải một cách thực sự".

"Nhà văn Nguyên Ngọc từng kể rằng, trong chiến tranh, ông Võ Chí Công lúc ấy là chính ủy quân khu, đã họp anh em thảo luận một ngày. Ông hỏi cuộc chiến này có phải nội chiến không. Đám cán bộ anh nào cũng lên gân: Ta đánh ngoại xâm, đám miền nam là tay sai. Ông Công nói: 'Theo tôi là có tính chất nội chiến'."

"Người miền Nam thua vì họ biết đó là nội chiến, họ biết người Việt đang bắn vào người Việt. Nên họ nói là bắn Việt Cộng, bắn cộng sản." "Bộ đội thắng vì họ tin mình chống ngoại xâm."

"Đừng nói là tất cả thanh niên miền Nam đi lính là do bị bắt quân dịch. Họ cũng có lý tưởng đó. Lý tưởng chống cộng. Cho nên tụi tui đánh Mỹ dễ hơn đánh ngụy."

"Việc vác các khái niệm khoa học và công pháp quốc tế ra để chứng minh đây có phải là nội chiến hay không, chính quyền Sài Gòn có chính danh hay không là rất vô ích."

"Cách hiểu của người dân rất đơn giản. Họ nhìn vào màu da của các xác chết trên chiến trường. Họ nhìn lên bàn thờ nơi di ảnh người quá cố có hai sắc quân phục khác nhau."

"Phạm Văn Hạng từng nhặt những mẩu xương, khúc thịt, đoạn ruột của tử sĩ vương vãi trên chiến trường để tạo thành một bức tranh thương đau của cuộc chiến. Tác phẩm đó khủng khiếp đến mức chính quyền Sài Gòn bắt phải dỡ đi."

"Chỉ khi nào ta giải thiêng được vinh quang, ta hiểu rằng nồi da xáo thịt nên chẳng thể mừng vui, thì ta mới có thể xóa bỏ hận thù."

Suy cho cùng, "cuộc cách mạng nào mà chẳng ăn thịt con mình" (Georges Danton).

Một người lính Mặt trận Giải phóng (thường được gọi là Việt Cộng, trái); bên phải là một lính Việt Nam Cộng hòa sau một trận đánh ở Quảng Trị vào tháng 7/1972 trong Mùa hè đỏ lửa.

Một người lính Mặt trận Giải phóng (thường được gọi là Việt Cộng, trái). Bên phải là một lính Việt Nam Cộng hòa sau một trận đánh ở Quảng Trị vào tháng 7/1972 trong Mùa hè đỏ lửa.

Kháng chiến chống Mỹ

Tuy nhiên, hai nhân vật cho rằng đó là "cuộc kháng chiến thần thánh đánh đuổi quân xâm lược." Chính quyền Sài Gòn "là ngụy" nên "không cần được tính đến, không cần phải nhắc tên hay nêu danh, không cần có một vị trí trong tên gọi của cuộc chiến này".

Thậm chí những người lính cộng hòa cũng "không có những tính chất cơ bản của con người. Họ không thể tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Thế nên mới gọi là ngụy, tức là giả, tức là không phải người thật."

(Ý kiến này được nhân vật minh họa bằng một bài báo ngày 12/6/1975 trên Sài Gòn Giải phóng có đoạn "cuộc đời làm lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ (là) kiếp sống cực nhục [...] đã biến chúng từ con người thành ra dã thú. Cách mạng phải cải tạo chúng từ thú trở lại thành người".)

Tuy nhiên, một cựu chiến binh lại dường như đang tự vấn chính mình: "Nói nội chiến thì không đúng, nhưng rõ ràng là có nồi da xáo thịt."

"Nhưng nếu bây giờ lại bảo họ không phải là ngụy, thì hóa ra cuộc đời chúng tôi đã hy sinh vô ích cho một lời nói dối hay sao?

Cuộc chiến Đông Dương

Bốn nhân vật có ý kiến đặc biệt rõ ràng về tên gọi của cuộc chiến. Họ là một nhà sử học, một nhà ngoại giao, một phóng viên chiến trường và một lão thành cách mạng.

Một số người trích dẫn quan điểm của Giáo sư Mạch Quang Thắng - học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - về việc ý thức hệ là yếu tố đầu tiên và có tính gốc rễ trong việc đánh giá quá trình hàn gắn dân tộc (Bài 'Mẫu số chung' cho hòa giải, hòa hợp dân tộc trên Văn hóa Nghệ An vào ngày 16/5/2017).

Không nên so sánh với nội chiến Mỹ

"Nhiều người so sánh Việt Nam với cuộc nội chiến Hòa Kỳ. Họ coi đó là bằng chứng về việc chúng ta kém cỏi hơn khi thu xếp chuyện xích mích trong nhà. Tuy nhiên, so sánh như vậy là thiển cận."

"Lý do quan trọng nhất là nội chiến của Mỹ dễ phân biệt đúng sai. Một phe muốn giải phóng người da đen, một phe muốn tiếp tục sở hữu họ làm nô lệ. Sự văn minh đã chiến thắng."

"Tương tự, ở Nam Phi là chế độ phân biệt chủng tộc. Ở Rwanda là cuộc sát hại đẫm máu, diệt chủng cả một sắc tộc. Ở Campuchia cũng vậy. Đó là cuộc chiến giữa thiện và ác."

"Phe nào thiện, phe nào ác cũng dễ phân biệt hơn." "Đánh nhau xong cũng dễ biết ai cần xin lỗi, ai cần đền bù hơn. Hòa giải nhanh hơn."

"Ngược lại, ở Việt Nam, cả hai phe đều chiến đấu vì chính nghĩa của mình. Không ai chịu nhường ai. Ta phải so sánh Việt Nam với Nam-Bắc Hàn hay Đông-Tây Đức mới chính xác."

Cuộc chiến ủy nhiệm

"Có sự khác biệt rất lớn giữa nội chiến và cuộc chiến ủy nhiệm."

"Nội chiến anh em đánh nhau xong là giảng hòa. Song phương. Chỉ có hai đứa."

"Việt Nam ngày xưa rượt thằng Tàu cũng thế, thắng xong xin triều cống để giữ hòa khí. Không có bên thứ ba liên quan."

"Nó rất khác với việc hai đứa vừa đánh lộn vừa có mấy thằng đứng sau dí dao đe dọa bắt phải chọn phe: 'Mày đánh thế này mới đúng. Bây giờ tao giúp mày khẩu súng, thắng rồi mày phải nghe lời tao'."

"Đen đủi là lúc đó ta nằm ngay trung tâm của một cơn bão xoáy tư tưởng trên toàn cầu. Hai phe cộng sản và tư bản đánh nhau. Việt Nam, Lào, Campuchia, Triều Tiên-Hàn Quốc… đều trở thành chiến trường, trở thành quân tốt để Xô-Mỹ đối đầu."

"Yếu tố nội chiến ở Việt Nam chỉ là hệ quả của cuộc chiến ủy nhiệm ấy." Miền Bắc là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, miền Nam là con đê chặn làn sóng đỏ chủ nghĩa cộng sản, ngăn không cho nó lan rộng ra châu Á." "Ý này cũng được ông Tô Lâm khẳng định trong bài phát biểu hôm 30/4/2025."

Thời ấy, "ở Việt Nam sinh ra đã 'có tội' rồi, vì buộc phải lựa chọn."

Trong khi Trung Quốc và Liên Xô chi phối miền Bắc thì Mỹ chi phối miền Nam. Trong ảnh là máy bay MiG-21 (trái) của Liên Xô từng được Bắc Việt sử dụng trong chiến tranh; bên phải là máy bay Douglas A1 của Mỹ trong biên chế của Không lực Việt Nam Cộng hòa.

Trong khi Trung Quốc và Liên Xô chi phối miền Bắc thì Mỹ chi phối miền Nam. Trong ảnh là máy bay MiG-21 (trái) của Liên Xô từng được Bắc Việt sử dụng trong chiến tranh; bên phải là máy bay Douglas A1 của Mỹ trong biên chế của Không lực Việt Nam Cộng hòa.

Mối bang giao ngắn ngủi với Mỹ

"Ít người biết tình báo Mỹ đã từng huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Tân Trào năm 1945. Sau đó ông Hồ từng gửi tám bức thư và điện tín yêu cầu tổng thống Mỹ ủng hộ, nhấn mạnh rằng Việt Nam 'không phải cộng sản', mà chỉ muốn độc lập'."

"Tiếc thay, Mỹ cho rằng ông Hồ có quan hệ với quốc tế cộng sản nên đã chọn ủng hộ Pháp để cùng chống Liên Xô."

"Về nguyên tắc, Mỹ phản đối chế độ thực dân trên toàn thế giới. Nhưng Mỹ phải nhân nhượng cho thực dân Pháp ở Việt Nam chỉ vì Pháp có thể giúp Mỹ diệt cộng sản. Mục tiêu chống cộng được ưu tiên hơn chống thực dân."

"Mỹ sau đó vào Việt Nam cũng không phải với ý đồ 'đế quốc' chiếm đất mà với tư cách đồng minh đánh cộng sản."

"Chúng ta đánh Mỹ vì Mỹ lúc đó cầm đầu khối tư bản. Giả sử lúc đó nước Anh mạnh nhất và gửi quân đến Việt Nam thì cuộc chiến đó của ta sẽ thành 'cuộc kháng chiến chống Anh' chứ không phải chống Mỹ. Nói thế để thấy cuộc chiến chống ngoại xâm chỉ là hệ quả của cuộc chiến ý thức hệ."

Những kẻ đứng sau hai anh em đánh nhau

"Đúng là Mỹ chống lưng và kiểm soát chính quyền Sài Gòn. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến miền Bắc Việt Nam." Nếu "Sài Gòn là con rối trong tay Mỹ thì Hà Nội cũng đâu thoát vòng kiềm tỏa của Xô, Trung?"

"Nếu Mỹ có hơn 500.000 quân thì Trung Quốc cũng có 310.011 lính tại Việt Nam. Lính nhé, không phải chuyên gia. Thông tin này chỉ mới được tiết lộ gần đây trên báo chính thống. Lính Trung Quốc đã đánh 1.659 trận, chết gần 800 người [Vietnamnet ngày 20/4/2025, Sự giúp đỡ của Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước]. Khoảng 30 nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc vẫn còn ở Việt Nam. Và lãnh đạo Việt Nam vẫn hằng năm thắp hương đầy đủ."

Rồi "chính họ đã ép Việt Nam làm cải cách ruộng đất, phản đối Việt Nam thống nhất, điều hướng Việt Nam phát triển kinh tế tập trung bao cấp, khiến hàng triệu người dân chết oan và đẩy lùi đất nước tụt hậu cho đến khi Liên Xô sụp đổ."

Về cơ bản, "Mỹ-Trung-Xô đã dùng máu của người Đông Dương để đánh đối thủ. Thậm chí Mỹ và Trung Quốc còn đi đêm với nhau đến mức Lê Duẩn phải kêu lên rằng: 'Các đồng chí bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ'."

"Tên gọi đúng bản chất nhất của cuộc chiến này phải là Cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai." "Ta phải xác định Việt Nam chỉ là một yếu tố trong trận đồ quốc tế."

"Nếu chỉ là nội chiến thì hòa hợp dân tộc cũng nhanh thôi. Nhưng vì có bao nhiêu thế lực lớn đằng sau nên cứ bung bét mãi".

"Nếu chúng ta còn tranh cãi, hận thù nhau về việc đó là 'nội chiến', 'kháng chiến chống Mỹ', hay 'cuộc chiến chống cộng' thì muôn đời ta không thể hòa hợp được. Bởi những cái tên đó đúng, nhưng chưa đủ. Nó không lột tả được gốc rễ của bất hòa chủ yếu đến từ bên ngoài."

Việt Nam 'giải phóng và canh giữ hòa bình cho thế giới'

Một nhà nghiên cứu chính trị trong số những người được phỏng vấn đưa ra góc nhìn khá khác biệt.

Bà cho rằng "ta vẫn còn mang nặng não trạng nạn nhân, đổ lỗi cho cuộc chiến ủy nhiệm." "Nếu đã tự nhận mình là con tốt thí trên bàn cờ quốc tế, thì việc gọi chính quyền miền Nam là con bù nhìn chẳng phải là đạo đức giả và tiêu chuẩn kép hay sao?"

"Đúng là Việt Nam bị cuốn vào bối cảnh hai phe cộng sản - tư bản đánh nhau. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thực lòng tin tưởng rằng họ đang dẫn đầu một cuộc cách mạng giải phóng thế giới. Việt Nam không chỉ muốn độc lập khỏi thực dân và thống nhất Bắc Nam, họ còn muốn là ngọn cờ toàn cầu.

Lê Duẩn từng nói: 'Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại'."

"Chính khát vọng toàn cầu này đã khiến một số lãnh đạo Việt Nam kiên quyết đường lối bạo lực cách mạng, chủ chiến, dù hao tổn xương máu đến đâu."

(Góc nhìn này được nhân vật dẫn chứng bằng nghiên cứu của Tuong Vu có nhan đề Vietnam's Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology).

"Sau khi thống nhất, Việt Nam say máu chiến thắng với niềm tin mình bất khả chiến bại trong cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới. Vậy nên việc đem quân sang Campuchia không chỉ là đánh Khmer Đỏ mà còn là 10 năm Việt Nam ở lại, áp dụng toàn bộ mô hình XHCN của Việt Nam [dù chưa có mấy thành tựu] trên đất Campuchia."

"Không những chỉ mong muốn giữ vững ngọn cờ tiên phong của cách mạng thế giới, Việt Nam còn không nề hà với vị trí là kẻ cảm tử cuối cùng bảo vệ thành trì XHCN đang sụp đổ."

"Năm 1989, khi các nước Đông Âu lần lượt rũ bỏ tư tưởng cộng sản, ông Nguyễn Văn Linh lúc đó đang ốm yếu vẫn quyết định đi châu Âu kỷ niệm 40 năm quốc khánh Đức. Ông đã tìm gặp riêng các lãnh đạo cộng sản đến dự lễ để thuyết phục họ triệu tập hội nghị các đảng cộng sản, nhằm cứu chủ nghĩa xã hội. Rất ít người ủng hộ ông. Những người ủng hộ thì muốn nghe lệnh từ Gorbachev. Bản thân Gorbachev chỉ khen là 'ý hay' nhưng 'bận lắm'."

Cuộc chiến ý thức hệ vẫn tiếp tục sau 1975

"Nếu Sài Gòn chỉ phải làm vừa lòng quan thầy Mỹ thì Hà Nội phải vất vả hơn khi có đến tận hai nhà tài trợ chính. Mà chúng nó lại còn ghét nhau mới khổ. Khi Trung Quốc và Liên Xô trở thành kẻ thù, cả hai nước đã cắt viện trợ để đe dọa và buộc Hà Nội phải chọn phe. Ta đã nghiêng về phía Liên Xô."

"Vì có anh cả Liên Xô, Hà Nội an tâm dồn quân xuống phía nam đánh Khmer Đỏ. Hậu quả là bị Trung Quốc đánh vỗ mặt ở phía bắc mà không kịp trở tay. Liên Xô lúc đó có 56 sư đoàn ở ngay biên giới nhưng khoanh tay đứng nhìn đàn em bị đánh. Việt Nam không thể diệt sạch Khmer Đỏ, cộng thêm tham vọng chính trị nên bị sa lầy ở Campuchia 10 năm và đó là lý do chúng ta bị quốc tế cấm vận."

"Cả cho đến khi Liên Xô sụp đổ thì cuộc chiến ấy vẫn tiếp tục. Mất đi người anh cả, Việt Nam quay sang xin làm lành với Trung Quốc, đồng ý rút quân khỏi Campuchia". "Hồi ký của ông Trần Quang Cơ nói là 'hai nước XHCN phải cùng chống lại âm mưu của đế quốc xóa bỏ XHCN'. Tức là ý thức hệ còn quan trọng hơn cả kẻ thù truyền kiếp của người Việt."

Như vậy, "những hệ lụy khủng khiếp nhất sau 75 như triệt hạ nền kinh tế tư nhân, xóa sổ tầng lớp tư sản, đốt hàng triệu cuốn sách, bỏ tù cựu binh trong trại cải tạo, phân biệt đối xử bằng chủ nghĩa lý lịch hà khắc, gián tiếp dẫn đến kiếp nạn thuyền nhân, cưỡng ép đi kinh tế mới, tịch thu tài sản và trục xuất người Hoa khỏi Việt Nam, mối liên hệ giữa công hàm Phạm Văn Đồng và việc mất Hoàng Sa, hai cuộc chiến biên giới với Trung Quốc và Khmer Đỏ, bị cấm vận 20 năm, thụt lùi kinh tế 20 năm… đều có dấu ấn của ý thức hệ chính trị."

Cuộc chiến ý thức hệ trong hình hài kinh tế

Lợi ích kinh tế khiến chúng ta làm hòa với người ngoài dễ hơn?

"Khoan dung" là một từ khóa được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đại đa số cho rằng chúng ta dễ khoan dung hơn với người ngoài (Pháp, Mỹ, Nhật, Trung, Hàn, Phi, Úc…). Quan điểm này được trích dẫn bởi ý kiến của các lãnh đạo như Võ Văn Kiệt và Nguyễn Thị Bình.

Một luồng ý kiến chủ đạo giải thích rằng đó là do lợi ích kinh tế.

"Chúng ta hòa hợp rất nhanh với kẻ thù ngoại bang. Ngày xưa đánh Tàu xong thì triều cống ngay, bởi vì muốn yên ổn thông thương. Và cũng vì sợ nữa, đánh hoài đâu chịu thấu."

"Mỹ cũng thế. Năm 75, chỉ sau giải phóng có mấy tuần thôi là ông Phạm Văn Đồng đã tuyên bố: 'Việt Nam mời gọi Hoa Kỳ bình thường hóa.' Mỹ cũng thiện chí, ngưng cấm vận sáu tháng để đàm phán. Tiếc là bối cảnh chọn phe lại tiếp tục khiến cơ hội này vuột mất."

"Chúng ta cộng tác trong việc tìm kiếm thi hài lính Mỹ mất tích vì hành động ấy là một phần của quá trình bình thường hóa, kéo theo các hợp đồng kinh tế béo bở. Chứ tìm thi hài mấy ông lính tráng cộng hòa ngày xưa thì có lợi ích gì rõ ràng đâu?" "Tiền kiều hối thì họ đằng nào chẳng vẫn gửi về cho gia đình, vẫn đầu tư, vì đó là lợi ích cá nhân của họ, dù đúng là nó tiếp sức cho nền kinh tế trong nước một cách gián tiếp."

"Bây giờ ta chưa mạnh nên phải thực tế và thực dụng thôi. Ta có thể chửi Mỹ nhưng vẫn hợp tác kinh tế và cho con cái sang Mỹ học." "Có một đối tác lớn như Mỹ ngu gì mà từ chối?"

Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đều chọn ý thức hệ cộng sản

Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đều chọn ý thức hệ cộng sản

Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại

"Cuộc chiến ý thức hệ ngày xưa vẫn còn đang tiếp diễn. Nó chỉ có cái áo khoác mới trong hình hài kinh tế". "Người Việt, nhất là trong nội bộ chính quyền, tiếp tục bị chia cắt giữa phe bảo thủ XHCN thân Trung Quốc và phe bứt phá nghiêng về Mỹ."

"Mới năm 2023 thôi, sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ lên 'đối tác chiến lược toàn diện' thì quan hệ với Trung Quốc cũng ngay lập tức được nâng lên một tầm cao vô tiền khoáng hậu. Việt Nam chính thức là một phần của cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, đứng đầu là Trung Quốc."

(Năm 2012, Hồ Cẩm Đào dùng cụm từ này chỉ để nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, lúc đó chưa có từ "nhân loại." Tập Cận Bình muốn xây dựng một trật tự thế giới mới với "Giải pháp Trung Quốc," nơi "Trí tuệ Trung Quốc" có vai trò lãnh đạo, nên đã thêm chữ "nhân loại." Nguyên bản tiếng Trung là 人类命运共同体, [nhân loại vận mệnh cộng đồng thể].

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, khi dịch ra tiếng Anh, từ "vận mệnh" được Trung Quốc thay bằng "tương lai" bởi vấp phải nhiều chỉ trích. Người ta có thể hiểu rằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ đến mức phải sống chết cùng nhau.

Việt Nam là quốc gia thứ tám ký tuyên bố với Trung Quốc. Tuy đây là một "cộng đồng" nhưng các cuộc đàm phán hiện chỉ tập trung vào mối quan hệ "song phương" với Trung Quốc. Ở Việt Nam, khái niệm này được biết đến với tên gọi "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc" - Chú thích của tác giả.)

"Tôi đã đọc rất kỹ bản tuyên bố chung của hai nước và thấy nó không bình đẳng. Trong khi Trung Quốc chỉ coi Việt Nam là 'hướng ưu tiên' thì phía Việt Nam phải khẳng định Trung Quốc là 'hướng ưu tiên hàng đầu' trong chính sách ngoại giao." "Sự lép vế này là do gắn bó ý thức hệ."

Ý thức hệ còn thì lòng người còn chia cắt

"Việc chúng ta chuyển mình sang kinh tế thị trường là một bước ngoặt vĩ đại, nhưng cái đuôi XHCN vẫn còn nên cuộc chiến ý thức hệ vẫn còn."

"Anh em thù nhau dựa trên một niềm tin kiểu 'tôn giáo' nó rất là dai dẳng. Bởi cái sự thù hằn đó đã được hiện thực hóa thành hệ thống pháp lý, giáo dục, văn hóa, ngoại giao…" "Nó thấm vào từng hơi thở của cuộc sống."

"Lý tưởng thường mạnh hơn máu mủ gia đình và tình nghĩa đồng bào. Cải cách ruộng đất con giết cha, vợ giết chồng. Khmer Đỏ nhân danh cộng sản diệt chủng cả chính dân tộc mình."

"Hàng triệu người Việt đã chịu oan khiên, tan cửa nát nhà, người thân thiệt mạng vì họ bị coi là tư sản bóc lột. Với họ, cuộc chiến ý thức hệ chính là nguyên nhân. Thế nên mới có người cho rằng chừng nào cái đuôi XHCN còn thì nỗi uất hận còn và lòng người còn chia cắt."

Ngoại giao cây tre

 
Thương chiến Mỹ-Trung: 'Cây tre' Việt Nam cuối cùng có phải ngả về một phía?

"Ngoại giao cây tre" (bamboo diplomacy) vốn là truyền thống của Thái Lan (dịch sát là cây sậy) nhưng gần đây cũng trở thành chiến lược của Việt Nam.

Lợi ích dân tộc làm gốc

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng "cây tre lấy lợi ích quốc gia làm nền tảng, linh hoạt tùy bối cảnh. Đây là bước đi đúng, có lợi cho hòa hợp dân tộc. Lịch sử chọn phe của Việt Nam đã dạy ta quá nhiều bài học xương máu."

"Ví dụ đơn giản nhất là cái áp phích kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất ở trung tâm Hà Nội có hình cờ Mỹ rách nát và cái mũ lính Mỹ bị đạn xuyên thủng đầu. Ông Trump ra lệnh cho cán bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam không được tham gia lễ kỷ niệm. Thế là tấm áp phích ấy lập tức biến mất, thay bằng một thông điệp không liên quan gì đến Mỹ. Bộ Ngoại giao cũng đưa tuyên bố nhấn mạnh sự hòa hợp."

"Rõ ràng là ta sai. Mỹ đã là đối tác 30 năm nay. Thế mà vẫn kỷ niệm kiểu khơi lại vết thương và lôi nhau ra sỉ nhục. Ông Trump lên thì cái thời 'vừa được chửi, vừa được chơi' nó qua rồi. Ông ấy lại đang áp thuế chết thôi. Nhưng ta đã linh hoạt kiểu cây tre để sửa sai."

"Thế mới thấy kinh tế có sức hàn gắn quá nhanh. Chỉ một đêm là diễn ngôn đã thay đổi hoàn toàn." "Tre đến thế là cùng."

Nhưng 'lợi ích dân tộc' là gì? Ai quyết định?

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng cây tre "chưa chắc đã là chiến lược ngoại giao giúp hàn gắn chia rẽ thời hậu chiến."

Thứ nhất, "gió chiều nào che chiều ấy. Nó có thể biện bạch cho bất kỳ chính sách nào dưới chiêu bài lợi ích dân tộc." Trong khi đó, "lợi ích dân tộc lại là một khái niệm khá trừu tượng và linh hoạt trong diễn giải", "dễ bị thao túng".

"Tôi chỉ lấy ví dụ Ukraine thôi. Phe thân Nga chửi ông Zelensky sao không chấp nhận mất đất để kết thúc chiến tranh. Phe thân Ukraine thì cổ vũ kiểu Việt Nam 'thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn' và 'hy sinh hàng triệu mạng người cũng phải giữ được lãnh thổ'."

"Thế thì cái gọi là lợi ích dân tộc ở đây là gì? Lãnh thổ hay sinh mạng người trên lãnh thổ đó?"

"Việc hai phe này chửi nhau cũng là di chứng của cuộc chiến ý thức hệ." "Một bên gắn bó với quá khứ Liên Xô cộng sản, một bên cổ vũ Ukraine đã 'thoát cộng thành công'." Tức là "lợi ích dân tộc cũng có thể bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ".

"Rõ ràng là diễn ngôn 'lợi ích dân tộc' ở đây bẻ chiều nào cũng được. Nó không có một hệ giá trị cụ thể và vững chãi như luật pháp, dân chủ hay quyền tự quyết (dù đương nhiên những hệ thống này cũng khiếm khuyết)."

Cây tre có thành giả dối?

Thứ hai, "việc Hà Nội thay tấm áp phích nhanh như thế lại phản tác dụng. Người ta sẽ bảo là 'đi hai hàng', 'gái làng chơi', 'là hèn', là 'sợ', là 'mấy ông chỉ tỏ ra hòa hợp bề mặt thôi', 'với người Việt mấy ông cũng đã có cái kiểu thiếu thành tâm như thế rồi'."

Cây tre với ai?

Thứ ba, chiến lược cây tre quan trọng là áp dụng với đối tượng nào?

Liệu "thái độ của chính quyền cũng có thể linh hoạt và cầu thị như thế với những người anh em miền Nam của chính quyền cũ?" "Tại sao chỉ mất một đêm để thay tấm áp phích với Mỹ mà mất tới 50 năm vẫn chưa thay đổi xong cách nhìn với chế độ Sài Gòn?"

Liệu "cây tre có thể áp dụng cho chính người dân Việt Nam có ý kiến khác với diễn ngôn của chính quyền?" Ví dụ, "tôi có thể phản đối những chính sách vẫn mang nặng tính XHCN và kéo đất nước đi thụt lùi?"

Hay "cây tre chỉ là với người ngoài còn với người cần áp đảo thì cây tre biến thành cây gậy?"

Cuối cùng, liệu cây tre có thể áp dụng với Trung Quốc? "Liệu ta có dám trưng mấy cái áp phích như vậy vào ngày chiến thắng ở biên giới phía Bắc? Nếu không thì lại mang cây tre ra để giải thích là làm thế không có lợi cho dân tộc?"

"Điều này chỉ khiến phe 'thoát Trung' nghi ngờ. Với họ, mục đích biện minh cho cách thức từng là một sai lầm lịch sử. Trong cuộc chiến ý thức hệ khi xưa, Việt Nam đã biện minh cho 'mục đích giải phóng dân tộc' bằng cách 'đi theo cộng sản'. Và kết quả thì ai cũng thấy rồi."

"Chúng ta không thể thực sự trung lập khi đã nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc. Dù có là cây tre thì ta đã luôn bị bẻ cong về phía Trung Quốc bởi tảng đá ý thức hệ."

"Tôi cho rằng hình ảnh cây tre tuy đẹp, nhưng cũng nguy hiểm vì nó quá linh hoạt, dễ bị các nhóm lợi ích và quyền lực lợi dụng."

"Tôi đọc được một ý kiến ở đâu đó là cây tre rễ sâu (bảo thủ) nhưng thân rỗng (thiếu thành tâm), hút hết chất màu (thực dụng) và lan nhanh (tư duy bầy đàn) nên không chung sống được với những cây khác."

"Chỉ cần nắm được điểm yếu là đối thủ có thể 'thắng như chẻ tre'. Tôi biết đây chỉ là hình ảnh ẩn dụ thôi, nhưng cũng không khỏi suy tư khi nghĩ về Trung Quốc."

Mời quý vị đón đọc phần tiếp theo

Bài 4: Đồng phục tư tưởng - di sản ý thức hệ

  • Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng Khoa học Não bộ vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Đây là một phần trong loạt bài viết về nghiên cứu hòa hợp dân tộc của tác giả.
  • Theo BBC