Ở phần tiếp theo trong loạt bài về hòa hợp dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai chia sẻ những ý kiến nổi bật từ những người được phỏng vấn. Những câu chuyện riêng, những góc nhìn đôi khi đối lập nhau phản ánh một cách sinh động sự đa dạng trong quan điểm, trong cách diễn giải, trong trải nghiệm của mỗi người tham gia. Nó cũng cho thấy tính chất phức tạp của vấn đề hòa giải, hòa hợp sau nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, gần đây có đưa ra các thông điệp về hòa giải, hòa hợp.
Ghi chú của tác giả: Loạt bài viết này chia sẻ những kết quả sơ bộ của một nghiên cứu độc lập, tập trung vào chủ đề hòa hợp dân tộc trong ba khía cạnh: hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp. Con số 100 tượng trưng cho trăm trứng từ bào thai của mẹ Âu Cơ. Một trăm người Việt tuổi từ 25 đến 99, từ đủ mọi nẻo đường của cuộc sống đã góp tiếng nói vào dòng chảy của những câu chuyện này.
Những phần trong ngoặc kép là lời của nhân vật. Tất cả đều ẩn danh. Mọi liên tưởng chỉ là trùng lặp tình cờ và không chính xác.
Thế nào là hòa giải - hòa hợp?
Trong tiếng Anh, thuật ngữ reconciliation (hòa giải) rất thông dụng, nhưng trong tiếng Việt thì ta lại thấy có hai thuật ngữ thường đi liền kề nhau: hòa giải và hòa hợp.
Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng tất cả những người được phỏng vấn đều đồng ý rằng, "việc chúng ta quen miệng nói hòa hợp - hòa giải là một trật tự sai logic".

Ông Nguyễn Cao Kỳ - từng là thủ tướng, phó tổng thống và là một tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa - trở về TP HCM vào năm 2004.
Hòa giải là buông súng. Hòa hợp là bắt tay.
Luồng ý kiến chủ đạo cho rằng "hòa giải xảy khi các bên đang đánh nhau tự nguyện đồng ý đàm phán để chấm dứt xung đột".
"Đó là trường hợp của Mỹ và Việt Nam. Vì có Hiệp định Paris năm 73 mà Mỹ đã rút quân trong danh dự. Họ buông súng. Hai năm tiếp theo chỉ có người Việt đánh nhau với người Việt, một bên vẫn do Mỹ tài trợ, một bên vẫn do Liên Xô và Trung Quốc tài trợ."
"Giữa những người Việt với nhau không hề có hòa giải. Cuộc chiến đã kết thúc năm 75 bằng sức mạnh chứ không phải bằng thương lượng. Một bên toàn thắng. Vậy nên họ không cần hòa giải, mà chỉ là giải giáp. Sau giải giáp thì mới là những nỗ lực để hòa hợp."
"Hòa hợp là xóa bỏ hận thù. Để xóa bỏ hận thù thì cả hai bên cần được chia sẻ câu chuyện của mình, nói lên thân phận của mình, ai sai thì nhận lỗi, ai oan khiên thì được đền bù." "Tại Nam Phi cũng như nhiều nước khác đều có các ủy ban hòa hợp dân tộc mang tên Truth committee (Ủy ban sự thật)." "Không thể có hòa hợp nếu không có sự thật."
Hòa giải là bắt tay. Hòa hợp là chung sống hòa thuận.
Tuy nhiên, một số người cũng chỉ ra rằng, cách hiểu của Việt Nam hơi khác cách hiểu của thuật ngữ này trong khoa học.
"Reconciliation (hòa giải) chính là toàn bộ quá trình mà ở Việt Nam vẫn gọi là hòa hợp. Đó là quá trình xóa bỏ hận thù, thấu hiểu nhau, tha thứ cho nhau, chấp nhận sự khác biệt và cùng đồng lòng xây dựng tương lai chung."
"Còn hòa hợp thì chắc hơi khó để tìm từ tương đương trong tiếng Anh. Có lẽ là 'harmony' (hòa thuận) chăng?"
"Nó chỉ sự chung sống hài hòa, tuy có sự khác biệt nhưng không có đối kháng và hận thù. Bất kỳ xã hội nào cũng mong muốn được như vậy chứ không chỉ những cộng đồng từng xảy ra chiến tranh."
Ảnh hưởng xấu đến tiến trình tại Việt Nam
"Chúng ta đã liên tục nhắc đến hai thuật ngữ này sai trật tự. Sau 50 năm, ta cũng không có một diễn ngôn chính thống, có tính khoa học và được sự đồng thuận của người dân về việc thế nào là hòa giải - hòa hợp. Đó là điều đáng tiếc."
"Nguy hiểm hơn, sẽ có nhiều người cho rằng chính phủ Việt Nam đang đi đường tắt, chưa hòa giải mà đã đòi hòa hợp. Chưa 'xóa bỏ hận thù' mà đã đòi 'chung sống hòa thuận'. Như vậy là không thật tâm, thực dụng và ích kỷ."
"Nó cũng mở đường cho những diễn ngôn có tính sát thương, khiến hố sâu ngăn cách trở nên tệ hại hơn."
"Tại sao bao nhiêu năm rồi vẫn còn than vãn?"; "Hận thù cả nửa thế kỷ chưa chán hay sao?"; "Mấy người không muốn hòa hợp hòa giải nên cứ cào mãi vết thương cũ ra"; "Chúng tôi không muốn hòa hợp với cái thể loại chỉ biết hằn học, ăn mày quá khứ"; "Bao giờ họ chết đi thì đất nước này mới được hàn gắn."
"Suy nghĩ như trên sẽ dễ xảy ra hơn ở cộng đồng hải ngoại, nơi bà con mình nói tiếng Anh và sẽ hiểu theo nghĩa tiếng Anh. Nó rất nguy hiểm vì cộng đồng người Việt tị nạn cũng là những đồng bào chính quyền cần thu được lòng tin và cũng khó hàn gắn hận thù nhất."
"Cách giải quyết tạm thời là để hai từ luôn đi cạnh nhau, hòa giải trước, hòa hợp sau. Đó là cách ta để ta ghi nhận một cách chân thành rằng cả hai quá trình đều vẫn cần nỗ lực."
'Hòa giải - Hòa hợp' xuất hiện tại Việt Nam như thế nào?

"Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên năm 1972 trong lúc đàm phán Hiệp định Paris (và ngay khi đó đã sai trật tự). Đó là một giải pháp tình thế chứ không phải là một chủ ý hay chính sách nhân văn ngay từ đầu."
(Ý kiến này được nhân vật dẫn chứng bằng một bài báo [báo Thanh Niên năm 2014] phỏng vấn cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh. Ông Huỳnh nói:
"Khi đàm phán, ta thấy đánh Mỹ khó, thắng Mỹ lại càng khó. Ta mới phải hạ thấp yêu cầu xuống và chấp nhận thành lập Hội đồng quốc gia hòa hợp hòa giải dân tộc. Điều này tức là ta phải liên kết được các lực lượng hiện đang có tại miền Nam, bao gồm cả (1) người của địch, (2) người của ta và (3) lực lượng trung lập.
Để liên kết được các lực lượng đối đầu này thì ta mới phải đặt ra khái niệm 'hòa hợp dân tộc', không có con đường nào khác.
Theo Hiệp định, ngay sau khi ngừng bắn, Hội đồng sẽ thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử; hiệp thương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để cùng tổ chức tổng tuyển cử.")
Một nhà trí thức chia sẻ thêm: "Năm 72, chính tôi là một trong số những người được đào tạo để thực hiện quá trình hòa hợp hòa giải dân tộc. Mục tiêu là lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử. Sau này tôi đọc báo cũng biết là có một bài hát trong đó có câu 'Ngày đại thắng sẽ là ngày đại xá'."
"Tiếc rằng ngay sau Hiệp định thì hai bên vẫn tiếp tục nổ súng nên đây chỉ còn là một khái niệm."
Hòa giải - hòa hợp dân tộc không phải một diễn ngôn đại chúng
"Chính ông Nguyễn Trần Bạt - một cố vấn kỳ cựu của chính phủ - đã kể lại [trên báo Tiền Phong vào năm 2018] rằng, sau khi giải phóng, 'các cụ cũng chỉ nói về hòa hợp hòa giải một cách truyền thống thế thôi. Có thể trong lương tâm của một vài cụ có cái áy náy, chủ yếu là cái áy náy thoáng qua của người thắng trận. Thí dụ như mình có thô lỗ, có kiêu ngạo, có quyết liệt quá chăng? Thế nhưng, đấy là tình cảm. Không phải là vấn đề chính trị, nên không phải là vấn đề hòa hợp hòa giải'."
"Thực ra, hòa hợp hòa giải chưa từng xuất hiện trong suốt mấy chục năm sau 75. Cụm từ này chỉ trở nên thông dụng khi Việt Nam quay lại chơi với Mỹ."
"Gần đây, diễn ngôn này lại rộ lên bởi chính sách nhìn nhận lại cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nên phải có một diễn ngôn mới cho phù hợp."
"Khi chú tôi vượt biên, bố tôi tuyên bố từ mặt em trai mình, gọi chú là 'kẻ phản động', nếu gặp lại sẽ bắn chết. Bây giờ chú về đầu tư, giàu có lắm. Bố và chú làm hòa, bố gọi chú là 'Việt kiều yêu nước'."
Tuy nhiên, "kể cả khi đã trở thành diễn ngôn chính thức thì nó vẫn không phải là diễn ngôn đại chúng, vì nó chủ yếu dùng cho người ở hải ngoại."
Điều này lý giải tại sao khi trả lời phỏng vấn, một số bạn trẻ khi chia sẻ đã nhầm "hòa hợp dân tộc" với "hòa hợp sắc tộc". Một bạn cho rằng "hòa hợp dân tộc là hướng đến việc 54 dân tộc anh em ở Việt Nam chung sống hòa bình với nhau".
'Một cuộc chiến mới sau năm 75'
Luồng ý kiến chủ đạo cho rằng quá trình hòa giải - hòa hợp không xảy ra. Hận thù không được hóa giải mà còn "tăng thêm do những chính sách sai lầm sau ngày thắng trận, như một số lãnh đạo đã thừa nhận".
"Bên thắng trận độc quyền xử lý tình hình hậu chiến" bằng cách "ghim gút lý lịch, tịch thu nhà cửa, đưa hàng trăm ngàn người đi cải tạo - thực chất là đi tù cả chục năm (không chỉ sĩ quan, viên chức mà còn nhiều văn nghệ sĩ, trí thức...), nhiều ngàn người chết trong trại giam", "hàng triệu người không còn đường sống vì lý lịch 'xấu'. Vì tuyệt đường sinh nhai mà họ phải bỏ xứ ra đi, thân xác làm mồi cho hải tặc và cá mập."
"Việt Nam là một tình huống đặc biệt. Ở các nước khác, hận thù chủ yếu là do những gì xảy ra trong chiến tranh. Với Việt Nam, hận thù chủ yếu là do chính sách sau chiến tranh."
Chính vì thế, "quá trình hòa giải phải bắt đầu lại, vì sau 30/4 là một cuộc chiến hoàn toàn mới. Trong cuộc chiến lần thứ hai ấy, người thắng cuộc lại vung vũ khí lên một lần nữa."
Một cựu binh cộng hòa tâm sự: "Ngày 30/4/1975 với tôi là một ngày vui. Tôi thua trận, nhưng chiến tranh kết thúc. Tôi được về nhà."
"Nhưng ngày 30/4/1976 thì tôi không còn vui nữa, vì tôi ở trong tù. Tất cả những ngày 30/4 của bao năm dài sau đó tôi không thể vui được nữa, vì ra tù thì nhà cửa đã bị tịch thu, vợ con bị bắt đi kinh tế mới, tôi không tìm được việc vì lý lịch sĩ quan ngụy, rồi cả gia đình tôi chết mất xác trên biển."
"Chỉ ngày 30/4/75 với tôi là vui thôi. Cho đến hết đời này, tất cả những ngày 30/4 còn lại là ngày tôi làm giỗ chính mình."

Hòa giải - hòa hợp với ai?
Bốn người được phỏng vấn khẳng định "cơ hội hòa giải - hòa hợp đã bị bỏ lỡ ngay sau năm 75". Thế thì "bây giờ còn hòa hợp với ai? Mấy ai còn sống nữa đâu?" Với nhóm ý kiến này, hận thù chỉ giới hạn trong tâm thức những thế hệ thực sự sống cùng sự kiện lịch sử.
Tuy nhiên, luồng ý kiến chủ đạo hơn cho rằng "hận thù và kỳ thị có khả năng di truyền xuyên thế hệ".
"Đừng tưởng chết là hết." "Văn hóa truyền miệng và bảo tồn ký ức đã từng là cách duy nhất để loài người lưu giữ lịch sử và kiến thức. Huống chi bây giờ mạng internet lưu giữ và lan tỏa ký ức thứ cấp còn lâu bền và rộng khắp hơn."
"Ta phải nhìn nhận rõ là những hận thù ấy chủ yếu nảy sinh sau cuộc chiến." "Thách thức bây giờ là làm thế nào để hòa giải giữa diễn ngôn của chính quyền và dòng chảy ngầm mãnh liệt của hàng triệu triệu ký ức xuyên thế hệ ấy."
"Nguyên nhân của hận thù đến từ chính sách (sau 1975) của nhà cầm quyền. Vì thế, đối tượng cần hòa hợp cũng là giữa nhà cầm quyền và những người dân bị oan khiên", "chứ dân với dân họ không thù oán nhau mấy đâu."
Cuối cùng, "chúng ta không nhất thiết phải xác định một nhóm người cụ thể để hòa hợp. Đó hoàn toàn có thể là một hệ thống mà ta phải cởi mở đầu óc để đón nhận. Tôi cho rằng chúng ta phải hòa giải về ý thức hệ, hòa hợp về văn hóa và hòa nhập về kinh tế với thế giới".
50 năm nhìn lại, chúng ta đã hòa giải - hòa hợp đến đâu?

Lễ diễu binh, diễu hành tại TP HCM kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh
Chính quyền đã nỗ lực hòa giải - hòa hợp với người chế độ cũ
Một luồng ý kiến nhỏ với hai người được phỏng vấn cho rằng chính quyền Hà Nội đã xúc tiến quá trình này ngay sau ngày thống nhất.
"Cải tạo ngụy quân ngụy quyền chính là hòa hợp dân tộc đấy chứ đâu? Họ là kẻ đã đem Mỹ vào Việt Nam, lẽ ra tội của họ là phản quốc. Tội ấy phải chém chết. Vậy mà ta đã khoan hồng độ lượng, chỉ để họ phải đi tù thôi, để họ thay đổi tư tưởng."
"Chúng tôi đã nếm mật nằm gai bao nhiêu năm, thì bọn ngụy cũng phải biết khổ sở là như thế nào. Nhân văn lắm chứ. Ở Campuchia nó đập đầu giết luôn. Mấy ông tướng tá cộng hòa ngày xưa sướng lắm, đánh dăm ba ngày rồi về Sài Gòn ăn chơi. Sau này Mỹ nó rước đi, trong nước mình mừng muốn chết. Cũng đỡ mình không phải nuôi. Chứ mấy ông đó thì biết làm gì, thả ra cày cấy làm sao được, đi kinh tế mới cũng đâu có làm nổi. Cho họ đi Mỹ cũng là một cách hòa hợp dân tộc vậy."
Người Việt không còn hận thù nhau nữa
Năm người trong tổng số những nhân vật được phỏng vấn cho rằng người Việt đã hết hận thù.
Một cán bộ lão thành hồi tưởng lại: "Hồi tôi vào công tác ở Nam bộ, từ quân tới dân đều đối đãi rất tốt. Họ nói cán bộ miền Bắc hồ hởi, nghiêm, có trình độ văn hóa. Bọn tôi vào họ quý lắm. Những ông công nông ngoài Bắc ngày xưa ông Mười gửi vào phá cửa lấy đồ thì lúc đó đã rút hết rồi."
Một doanh nhân thế hệ trẻ hơn nhận xét: "Tôi chẳng thấy chiến tranh để di chứng hận thù chi hết. Tôi chỉ cảm thấy vui vẻ mỗi ngày. Những người không vượt biên đã ở lại, cặm cụi với nhau xây dựng cho đất nước. Nếu ai muốn nhìn thấy sự hòa hợp dân tộc, hãy nhìn Sài Gòn, thành phố này dung nạp tất cả văn hóa của người Việt."
Ở hải ngoại, một nhân vật hiện vẫn đang bị chính phủ Việt Nam từ chối visa về nước cũng cho rằng "hận thù chỉ đúng cách đây mấy chục năm thôi. Những cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo Việt Nam trước cổng sứ quán ở hải ngoại cũng vơi đi nhiều rồi. Kỷ niệm ngày Quốc hận 30/4 cũng chẳng còn đông như xưa nữa. Người ta về nước làm ăn, gửi kiều hối, sang đây du học, rồi ca sĩ biểu diễn nghệ thuật cũng nhiều lắm rồi."
Tuy nhiên, ngay cả nhóm năm nhân vật này, dù cho rằng hận thù đã hết, thậm chí "chẳng còn gì để nói nữa", thì cuộc trò chuyện vẫn tiếp tục với rất nhiều chia sẻ để quá trình hòa hợp trọn vẹn hơn.
Hòa giải - hòa hợp là một quãng đường dang dở
Mười hai nhân vật cho rằng chúng ta đã đi được một phần quãng đường.
"Tư tưởng nói chung đã thông thoáng hơn", ví dụ như "bỏ xét lý lịch khi thi đại học", "visa cho Việt kiều", danh tính mới "khúc ruột ngàn dặm" cho những kẻ ngày xưa là "phản động".
Một vài nhân vật có tên tuổi cũng đã có "những lời chia sẻ gan ruột, khiến người dân tin rằng vẫn có những lãnh đạo thực sự tâm huyết với sự hàn gắn lòng người".
Những cái tên được xướng lên nhiều nhất là Võ Văn Kiệt, Nguyễn Khắc Huỳnh, Nguyễn Đình Bin, Mạch Quang Thắng. Đặc biệt, khi loạt bài này chuẩn bị lên trang, một số người nhắn cho tác giả tên của Tổng Bí thư đương nhiệm Tô Lâm.
Tuy nhiên, "những gì ta nhìn thấy dường như chỉ là bề nổi". Ta nhìn thấy "những bức ảnh vai kề vai", "những buổi hội ngộ vui vẻ", "những lời nói xí xóa cho nhau", "phát ngôn của những lãnh đạo đã về hưu" và một vài hành động mang "tính dân túy".
"Ta không nhìn thấy cả một vũ trụ đau thương đằng sau những xôn xao nói cười."
"Bao nhiêu năm tôi và một người bạn đã chơi đến thành thân quen. Tôi là con cộng sản, nó là thuyền nhân con lính ngụy, nhưng sự khác biệt đó chưa từng xuất hiện trong đầu hai đứa. Tôi chẳng bao giờ hỏi. Nó chẳng bao giờ kể. Chí chóe chơi với nhau cả chục năm, ăn dầm ngủ dề ở nhà nhau…"
"Cho đến ngày tôi thấy nó comment trên một trang facebook dành cho những thuyền nhân từng ở trại tị nạn. Tôi đã khóc khi biết nó từng phải chứng kiến chính mẹ mình bị hãm hiếp rồi bị vứt xác xuống biển."
"Tôi tự hỏi liệu mình có phải là một người bạn thật sự không. Có lẽ nào nó chưa bao giờ tin yêu tôi đến mức để cho quá khứ, kể cả những kỷ niệm đẹp chứ chưa nói đến những biến cố đau thương, được một lần nhắc đến?"
(Chia sẻ của tác giả: Hôm đó tôi đến phỏng vấn một cựu chiến binh cộng sản miền Nam. Gia đình vợ ông đi lính cộng hòa. Ngồi nói chuyện được chừng một tiếng, khi tôi chuyển sang chủ đề mình quan tâm là hòa giải hòa hợp, ông gọi vợ cùng ra chia sẻ. Người vợ vui vẻ ngồi cùng. Nhưng suốt gần hai tiếng sau đó, bà không nói gì.
Tôi lặng lẽ quan sát bà và nhận thấy những cái mím môi rất nhẹ. Rồi bà bảo: "Con đói bụng rồi, để cô đi nấu cơm cho con ăn". Bà bước vào bếp.
Nói chuyện với ông xong, tôi vào bếp ngồi cùng bà. Bà nhìn tôi âu yếm, ánh mắt như gửi một trời những điều muốn nói mà không thể: "Con mang bưởi về ăn. Bưởi cô bóc sẵn rồi. Nhớ nương tay kẻo nát.")
Chúng ta vẫn giết nhau trong cuộc chiến ký ức
Đa số những người được phỏng vấn cho rằng chúng ta chưa thực sự xóa bỏ được hận thù.
"Kết quả duy nhất của cuộc chiến là sự ra đời của một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, sự thiếu vắng một quá trình hòa hợp cộng thêm chính sách gây hận thù thời hậu chiến khiến nó trở thành one country, two nations (một quốc gia, hai dân tộc)."
"Chiến tranh chỉ tầm 20 năm, nhưng sau 50 năm hòa bình, tức là gấp đôi thời gian đánh nhau, thì di sản Việt Nam vẫn còn nguyên đó". "Một giống nòi chia cắt. Chia cắt Bắc - Nam, chia cắt trong nước - hải ngoại, chia cắt thắng - thua, thậm chí hồn ma chiến tranh lạnh giữa cộng sản - tư bản vẫn còn cầm dao đứng giữa người Việt."
"Mỗi lần nghĩ đến chuyện này tôi lại nhớ đến bài hát 'Căn nhà ngoại ô' ở miền Nam trước 1975: 'Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ'. 50 năm đất nước đã 'chung một màu cờ' nhưng ai cũng thấy lòng người vẫn nghi kỵ nhau, đấu tố, chụp mũ lẫn nhau", "thậm chí có vẻ càng lúc càng nhiều, nhất là từ khi có mạng xã hội và vào những dịp kỷ niệm lễ lạt."
"Ở Đức, hai thằng hai miền, chiến tranh lạnh xong một cái, đầu tiên là họ đập tận gốc cái bức tường. Ở Việt Nam, bức tường ý thức hệ vốn đã có, bao nhiêu sai trái lại còn đắp bồi cho nó to thêm. Đến bây giờ bức tường ấy tuy đã đổ vỡ nhưng cái chân cái móng vẫn còn nguyên."
"Nhà văn Nguyễn Thanh Việt nói rằng 'mỗi cuộc chiến diễn ra hai lần, trên chiến trường và trong ký ức'. Tôi không phải thuyền nhân, không phải con cháu những người lính thua cuộc, nhưng tôi thấu đến tận tâm can khi đọc Ocean Vương: 'con đâu có quyền lựa chọn ký ức', bởi 'ký ức là cơn lũ'.
Nhìn ra xung quanh, tôi nhận thấy không chỉ có một cơn lũ mà là nhiều dòng lũ cuốn từ mọi hướng khác nhau. Ký ức người Việt đã bị chia cắt quá lâu. Những hạt nước nguồn khi không có cơ hội được thấm vào lòng đất bao dung, chúng sẽ tìm đến nhau để nhập thành suối, suối nhập thành sông, sông cuồng nộ biến thành những trận lũ quét đối đầu.
Và trong cơn điên loạn của những dòng lũ ký ức muốn nhấn chìm nhau ấy, ai sẽ là người kêu lên: 'Dừng tay! Làm sao ngươi có thể giết nước bằng nước?'"
Mời các bạn đón đọc phần tiếp theo:
Bài 3: Cây tre Việt Nam - di sản chọn phe
- Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực ứng dụng Khoa học Não bộ vào Giao tiếp-Quản trị đa văn hóa và Phát triển năng lực cá nhân. Đây là một phần trong loạt bài viết về nghiên cứu hòa hợp dân tộc của tác giả.
- Theo BBC
Comments powered by CComment