Trong số các dự án hợp tác song phương, Pháp hỗ trợ Hà Nội tìm hướng "trẻ hóa" cầu Long Biên sau hơn một thế kỷ gắn bó với thủ đô.
'Việt Nam có thể là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu'

Phóng sự của đặc phái viên Thu Hằng tại Hà Nội :
"Có khoảng 14 chuyến tàu hỏa hàng ngày đi qua cầu Long Biên chỉ với vận tốc khoảng 15 km/giờ. Cây cầu quá yếu, vắt qua ba thế kỷ, vẫn gồng mình nối hai bờ sông Hồng hàng ngày, trở thành một phần lịch sử, bản sắc của Hà Nội.
Anh Mạnh, một người dân ở Hà Nội, cho biết : "Cây cầu này gắn bó với tôi từ hồi cấp II, được đạp xe qua cầu để đi học. Kỷ niệm cũng có, ví dụ khi trời mưa gió, có những năm, nước sông như năm vừa rồi, đứng trên mặt cầu mà thấy nước sát ở dưới. Sau này, khi lớn thì lại hay chạy bộ qua, lúc mặt trời mọc. Nói chung là cảm thấy rất thư thái, thoải mái. Phải nói rất là tuyệt!"
Cầu “Paul Doumer” cũ, theo phong cách Eiffel, được xây dựng từ tháng 09/1898 đến năm 1902, từng khiến người Hà Nội lúc đó trầm trồ “điều gì Tây muốn, họ làm được”. Cầu bị hư hại nặng nề do những đợt ném bom của Mỹ năm 1967, sau đó được khôi phục nhưng lại thiếu đại trùng tu từ đó đến nay.
Đến năm 2006 xuất hiện ý tưởng tháo dỡ cây cầu già cỗi, “tang thương do chiến tranh tàn phá, làm cây cầu mới cho hoành tráng” và Hà Nội không hồi đáp đề xuất của Pháp cấp 60 triệu euro để trùng tu cầu Long Biên được đưa ra hai năm trước đó nhân chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của tổng thống Jacques Chirac (1997, 2004).

Câu hỏi đặt ra bây giờ là cầu Long Biên được trùng tu nhằm công dụng như thế nào ? Anh Mạnh có ý kiến : "Tôi nghĩ là nên giữ nguyên kiến trúc như này, từ các trụ đến các vòm, còn mặt đường đi thì nên làm lại cho an toàn hơn bởi vì nó hơi mỏng. Nhiều lúc chạy bộ, tôi sợ bị thụt chân. Qua nhiều năm tháng, chắc là cầu không còn được giống như ngày xưa, không còn được chắc nữa".
Quyết định cuối cùng thuộc về thành phố Hà Nội, theo đại sứ Pháp Olivier Brochet khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 21/08/2024. Trong lúc chờ đợi, Pháp cấp cho Hà Nội 700.000 euro để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi và giao cho công ty tư vấn, kỹ thuật Artelia.
Qua đánh giá sơ bộ, các chuyên gia Pháp cho biết tổng thể cầu bị xuống cấp về kết cấu. Một trong những hướng nghiên cứu là khôi phục lại một số nhịp như kiến trúc ban đầu, giữ lại một số nhịp bị hư hại trong chiến tranh đã được gia cố như một chứng tích của cây cầu lịch sử này. Toàn dự án khảo sát được dự kiến kết thúc vào khoảng tháng 08/2025.
Theo RFI
Comments powered by CComment