Trong 4,151 ca nhiễm mới do Bộ Y Tế công bố tối 14 Tháng Mười, Sài Gòn chỉ có 909 ca, tức lần đầu tiên sau 98 ngày xuống dưới 1,000 trường hợp, giảm 253 ca so với ngày hôm qua.
Báo Zing dẫn tin từ Sở Y Tế ở Sài Gòn cho biết sau gần hai tuần nới lỏng giãn cách kể từ hôm 1 Tháng Mười, tình hình dịch bệnh tại thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực. Số ca mắc mới, thu nhận điều trị mỗi ngày giảm, trong khi lượng người xuất viện mỗi ngày tiếp tục tăng cao. Số người cần thở oxy và thở máy tại các bệnh viện tiếp tục giảm.
Nhiều bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn chỉ còn ít bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị. (Hình: Chí Hùng/Zing)
Số ca tử vong theo tuần, ngày càng giảm rõ rệt. Bốn ngày qua, thành phố ghi nhận tổng cộng 300 ca tử vong, trung bình 75 ca một ngày. Tuần trước, con số này là 608 ca. Giai đoạn cao điểm nửa cuối Tháng Tám, các bệnh viện ghi nhận hơn 2,000 ca tử vong một tuần, tức gần 300 ca một ngày.
Tại các bệnh viện điều trị COVID-19, số nhập viện và bệnh nhân nặng giảm mạnh, bắt đầu trống giường.
Theo báo VNExpress, vài ngày qua nhiều giường tại khu cấp cứu bệnh nhân nặng của bệnh viện Dã Chiến Số 12 trống bệnh nhân, không còn trường hợp nào thở oxy. Cao điểm hồi cuối Tháng Tám, bệnh viện này phải lắp thêm bồn oxy mới để đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, trong đó nhiều ca thở bằng máy dòng cao HFNC.
Bác Sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, giám đốc bệnh viện Dã Chiến Số 12 (thành phố Thủ Đức), cho biết những ngày gần đây, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 30 đến 40 ca/ngày, số người xuất viện gấp 4 đến 5 lần nhập viện. Hiện, nơi này đang điều trị hơn 420 bệnh nhân, chưa đến 1/5 công suất, thấp nhất kể từ khi bệnh viện thành lập khẩn cấp.
“Số F0 nhập viện, số bệnh nhân nặng giảm liên tục kể từ đầu Tháng Mười. Theo lộ trình của ngành y tế thành phố, dự kiến bệnh viện giải thể đầu Tháng Mười Một,” Bác Sĩ Tường nói.
Trong khi đó, bệnh viện Dã Chiến Số 10 hiện đang điều trị gần 850 F0 trên tổng số giường thực kê 2,500, và chỉ còn năm ca thở oxy, giảm sáu lần so với lúc cao điểm.
Còn bệnh viện Dã Chiến quận 7 đang điều trị dưới 100 bệnh nhân trên tổng công suất 600 giường bệnh. Đặc biệt, liên tục gần bốn ngày qua bệnh viện không ghi nhận ca tử vong.
Bác Sĩ Hồ Văn Hân, giám đốc bệnh viện Điều Trị COVID-19 Gò Vấp, cho biết hiện chỉ còn tám ca thở oxy, giảm gần 20 lần so với trước. Toàn bệnh viện đang điều trị 35 F0, trong khi cao điểm đến 500 bệnh nhân. Những ngày gần đây, nơi này không còn trường hợp nào tử vong.
Tương tự, bệnh viện Quân Y 175 hôm 13 Tháng Mười, điều trị hơn 240 bệnh nhân, chưa đến một nửa công suất giường. Nơi này từng nâng số giường từ 200 lên 350 giường, sau đó lên 500 trong vòng 45 ngày để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận F0 nặng.
Các khu điều trị COVID-19 theo mô hình “bệnh viện tách đôi” như bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn, quận 1; khu điều trị COVID-19 của bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn…cũng giảm bệnh nhân. Suốt thời gian dài trước đây, những khu điều trị này luôn hoạt động hết công suất, không còn giường trống.
Ngay như bệnh viện Hồi Sức COVID-19, trung tâm ICU quy mô lớn nhất tại Sài Gòn, hiện đang điều trị hơn 340 trường hợp, trên công suất 800 giường bệnh. Trong đó, bốn bệnh nhân đang sử dụng ECMO, 60 ca thở máy xâm lấn, 51 F0 sử dụng HFNC.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, trong số 85 bệnh nhân đang điều trị, còn hai ca ECMO, 20 bệnh nhân thở máy xâm lấn.
Người dân ở Sài Gòn đã ra phía trước Bưu Điện Thành Phố và nhà thờ Đức Bà, quận 1, ngồi uống cà phê. (Hình: Phương Lâm/VNExpress)
Theo lộ trình của Sở Y Tế, 13 bệnh viện dã chiến tại Sài Gòn lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm 2021, để trả lại ký túc xá cho các trường đại học, cao đẳng bắt đầu cho học sinh trở lại học tập, cũng như đưa những khu nhà tái định cư vào phục vụ người dân.
Tin cho biết, tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến 14 Tháng Mười là 20,950 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số ca nhiễm.
Theo Tr.N/NV
Comments powered by CComment