Một quan chức y tế Trung Quốc cho biết, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở nước này nhiều khả năng lan rộng hơn nữa, buộc nhà chức trách yêu cầu mọi địa phương tăng cường giám sát, hạn chế đi lại liên tỉnh để phòng chống dịch.
Các nhân viên y tế làm nhiệm vụ hướng dẫn trước các buồng tiêm vắc xin Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 100 ca lây nhiễm khắp 11 tỉnh thành khắp đại lục trong tuần vừa qua, với hầu hết trong số chúng có liên quan đến 13 nhóm tour du lịch khác nhau.
Phát biểu trước báo giới ngày 24/10, Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thừa nhận, nguy cơ dịch lan rộng hơn tại nước này ngày càng tăng.
Phó giám đốc ủy ban Wu Liangyou nói thêm rằng, biến thể Delta dễ lây lan hơn là thủ phạm gây ra đợt bùng phát mới. Kết quả giải trình tự gen cho thấy virus có nhiều đặc điểm khác với phiên bản thổi bùng dịch trước đây, ám chỉ nguồn gốc của làn sóng lây nhiễm mới là từ nước ngoài.
Nhà chức trách đã cấm các công ty du lịch tổ chức tour liên tỉnh bao gồm cả những vùng bị đánh giá có nguy cơ mắc SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời ra lệnh tạm ngưng một số dịch vụ du lịch kết nối nhiều điểm tham quan nổi tiếng trên toàn quốc.
Thủ đô Bắc Kinh thông báo sẽ áp hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với những người từng có mặt tại những quận huyện có ít nhất một ca dương tính với virus.
Các quan chức Trung Quốc thống kê, tính đến ngày 23/10, khoảng 1,068 tỷ dân, tương đương 75,6% dân số nước này, đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19. Chính quyền đang tiêm mũi tăng cường (liều vắc xin thứ 3) cho những người đã tiêm mũi 2 cách đây ít nhất 6 tháng, với các nhóm ưu tiên và lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Mỹ điều tra bê bối nhập khẩu hàng triệu găng tay y tế "bẩn"
Hãng tin CNN ngày 24/10 đưa tin, nhiều doanh nghiệp bất hợp pháp mọc lên ở Thái Lan trong đại dịch, nơi các lao động nhập cư được thuê giặt và cố gắng khôi phục lại hình dáng ban đầu của các găng tay y tế dùng một lần nhằm bán ra thị trường toàn cầu. Sản phẩm sau đó được vận chuyển đến những quốc gia khác.
Kết quả một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, căn cứ vào hàng loạt hồ sơ nhập khẩu và các nhà phân phối hé lộ, hàng chục triệu găng tay y tế nitrile đã qua sử dụng được nhập khẩu từ Thái Lan vào Mỹ thời gian qua.
Theo CNN, cuộc điều tra được xúc tiến sau khi một công ty Mỹ liên lạc với Cục Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ cũng như Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) vào đầu năm nay để báo cáo việc nhận được một lô hàng găng tay trông có vẻ bị bẩn từ Thái Lan. Tuy nhiên, công ty Thái Lan chịu trách nhiệm về lô hàng vẫn tiếp tục hoạt động ít nhất cho tới tận tháng 7.
Hồi tháng 8, FDA đã ra lệnh thu giữ các lô hàng thiết bị bảo vệ cá nhân từ một công ty Thái Lan, 5 tháng sau khi cơ quan này nhận được những khiếu nại đầu tiên từ các doanh nhân trong nước. FDA tuyên bố, họ không bình luận về các trường hợp riêng lẻ nhưng khẳng định đã thực hiện "một số bước để phát hiện và ngăn chặn những đối tượng bán các sản phẩm không được phê duyệt".
Nhà chức trách Mỹ và Thái Lan đã mở cuộc điều tra về sự cố. Trong đó, các cơ quan chức năng ở quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành ít nhất 10 đợt truy quét các công ty trục lợi từ kinh doanh găng tay y tế đã qua sử dụng. Hiện chưa có báo cáo nào về việc liệu có bất kỳ nhân viên y tế hoặc bệnh nhân nào bị ảnh hưởng do sử dụng găng tay bẩn như trên hay không.
Đông Âu điêu đứng vì làn sóng lây nhiễm mới
Theo Reuters, tính đến ngày 24/10, số ca mắc Covid-19 ở Đông Âu đã vượt mốc 20 triệu, trong bối cảnh khu vực này đang phải đương đầu với đợt bùng phát mới tồi tệ nhất kể từ đầu dịch.
Số ca nhiễm mới ở Đông Âu đang trên đà tăng, với trung bình hơn 83.700 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng có đến 20% tổng số ca mắc mới được ghi nhận trên toàn cầu thời gian qua thuộc khu vực này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong vì dịch tại Đông Âu cũng rất đáng lo ngại. 3 trong 5 nước ghi nhận nhiều bệnh nhân thiệt mạng nhất trên thế giới thuộc khu vực, gồm Nga, Ukraina và Romania.
Một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do tỷ lệ tiêm phòng tại đây chưa cao, với chưa tới 50% dân số được tiêm liều vắc xin đầu tiên. Theo Mike Ryan, giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc mọi người tăng tụ tập trong các không gian đóng kín sau khi nhiều chính phủ cho dỡ bỏ các hạn chế phòng chống virus khi mùa đông tới cũng là yếu tố khiến số ca mắc mới leo thang.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 25/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 244,4 triệu người, xấp xỉ 5 triệu ca tử vong. Song, hơn 221,4 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.
- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch với 46,3 triệu ca mắc, gần 760.000 bệnh nhân không qua khỏi. Cho đến nay, 57% dân số nước này đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19 và 3,5% đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường.
- Israel và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) vừa ký kết thỏa thuận “Hành lang xanh”. Theo thông báo của lãnh sự quán Israel tại Dubai công bố ngày 24/10, thỏa thuận mới sẽ cho phép các hành khách đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 được di chuyển tự do giữa hai nước.
- Cùng ngày, thủ đô Tokyo của Nhật ghi nhận thêm 19 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trong 24 giờ ở khu vực này giảm xuống dưới 20 kể từ ngày 17/6 năm ngoái. Tình hình dịch ở đất nước mặt trời mọc cũng có xu hướng được cải thiện. Do diễn biến chống dịch khả quan, các tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama và Osaka sẽ thu hồi lệnh rút ngắn thời gian phục vụ rượu tại các nhà hàng và quán bar vào ngày 25/10.
- Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ triển khai kế hoạch “sống chung với Covid-19” từ ngày 1/11. Theo đó, nhà chức trách sẽ giảm bớt các biện pháp hạn chế chống dịch. Song, để ngăn chặn khả năng lây nhiễm hàng loạt, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cùng chính quyền địa phương và cảnh sát sẽ phối hợp kiểm tra các quán bar, quán rượu và các cơ sở giải trí khác từ ngày 27/10 đến ngày 2/11. Cho đến nay, 79% người dân ở xứ sở kim chi được tiêm ít nhất một liều vắc xin và 70% đã tiêm đủ liều.
Theo Vietnamnet
Comments powered by CComment