Sau phiên sáng đi lên, bảng điện tử “đứng hình” vào giữa phiên chiều khiến nhà đầu tư lo ngại hệ thống nghẽn lệnh, dẫn đến bán ồ ạt và làm VN-Index mất gần 25 điểm.
- Chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mới ngay phiên đầu năm
- Chứng khoán Việt Nam vào nhóm tăng mạnh nhất thế giới
- 'Cơn say' chứng khoán
Phiên giảm cuối tuần trước xuất phát từ sức ép bán ra cổ phiếu vốn hoá lớn, nhưng nhiều công ty chứng khoán cho rằng không làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM vẫn đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần và có lúc chạm 1.535 điểm, tăng khoảng 7 điểm so với tham chiếu.
Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ xuất hiện sau giờ nghỉ trưa. Khi bảng giá của một số công ty chứng khoán chậm hiển thị dữ liệu khoảng 14h cũng là lúc nhà đầu tư đua nhau xả hàng. Những cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua, đặc biệt là nhóm bất động sản, như ROS, BCM, FLC, LDG đồng loạt đảo chiều từ giá trần xuống giá sàn. Một số thậm chí còn rơi vào tình trạng trắng bên mua dù chỉ mới phiên trước vẫn còn gom hàng quyết liệt.
VN-Index đi xuống liên tục, chốt phiên tại mức thấp nhất trong ngày là 1.503,71 điểm, giảm gần 25 điểm so với tham chiếu. Sắc đỏ áp đảo trên thị trường với khoảng 310 cổ phiếu giảm, trong khi bên tăng chưa bằng phân nửa.
GAS, BCM, NVL và POW là bốn cổ phiếu dẫn đầu danh sách 10 mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi đều mất 2,9-7%. Ở chiều ngược lại, HVN, HAG, VRE và CTG trở thành những trụ đỡ để tránh đà giảm sâu hơn dù tác động không đáng kể.
Áp lực chốt lời đẩy thanh khoản thị trường lên 41.813 tỷ đồng, tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước và cách mức kỷ lục khoảng 4.000 tỷ đồng. Rổ VN30 chỉ đóng góp khoảng 10.600 tỷ đồng trong số này.
Tiền tập trung nhiều nhất ở nhóm cổ phiếu bất động sản với hơn 10.000 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm công nghiệp, tài chính và tiêu dùng thiết yếu. FLC dẫn đầu về giá trị giao dịch với hơn 2.800 tỷ đồng được sang tay, gần bằng ba cổ phiếu xếp sau là GEX, CII và VCG cộng lại.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng tranh thủ chốt lời. Giá trị bán ra hơn 2.524 tỷ đồng, trong khi mau vào khoảng 2.057 tỷ đồng. MWG là cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất với gần 600 tỷ đồng, nhưng cũng có một nhóm nước ngoài khác mua lại.
Comments powered by CComment