Group News: Tin copy

Ở tuổi 25, Giang Trần Minh Thành đang là Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư tại Việt Nam của quỹ KVision quy mô 450 triệu USD.

"Thật ra, việc đại diện cho một quỹ đầu tư quy mô lớn hàng đầu châu Á tại Việt Nam, tôi cũng rất áp lực", Minh Thành chia sẻ với VnExpress. "Tuy nhiên, tôi là người rất thích đương đầu với thử thách, biến áp lực thành động lực", anh nói tiếp.

Năm nay, khi ở tuổi 25, Thành chính thức đảm nhiệm vai trò Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư của KVision - thuộc Kasikorn Bank Group (Thái Lan) - tại Việt Nam. Quỹ này có quy mô 450 triệu USD (gần 10.000 tỷ đồng), tập trung đầu tư tại 5 thị trường Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Israel.

Trong đó, Việt Nam là thị trường hàng đầu, nơi đã có 3 thương vụ đầu tư được họ gọi là "Mega Deal". Đó là 61 triệu USD rót vào Sendo trong vòng Series C năm 2019; 40 triệu USD vào KiotViet vòng Series B và một khoản đầu tư vào SeedCom giai đoạn 2020-2021.

Để trở thành một người trẻ có ít nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, Thành vốn có sẵn "máu" kinh doanh và tinh thần kiên trì tích lũy kinh nghiệm cũng như uy tín cho bản thân.

Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư quỹ KVision tại Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp
 Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư quỹ KVision tại Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ làm đồ chơi đến cho thuê căn hộ

Minh Thành thích kinh doanh từ nhỏ. Năm 2007, khi 11 tuổi, anh có phi vụ làm ăn đầu tiên trong đời lúc đang học cấp 2 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM). Thấy bạn bè hâm mộ các bộ truyện tranh Dragon Ball, Yugioh, Pokemon và muốn mua đồ chơi liên quan đến các nhân vật như Son Goku, Pikachu..., Thành nảy ra ý tưởng kinh doanh.

Do giá chính hãng các sản phẩm khá cao so với túi tiền học sinh, Thành kết hợp một người anh lớp trên để sản xuất đồ chơi handmade. Họ bán được 100 sản phẩm, thu về 3 triệu đồng và lời 500.000 đồng.

Năm 19 tuổi, tức năm hai đại học, thông qua mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneur - VYE), Thành tham gia khoá đào tạo "Bánh răng khởi nghiệp: Đường đến thành công" của giáo sư Tom Kosnik đến từ Đại học Stanford (Mỹ). "Tôi đã nhận ra niềm đam mê khởi nghiệp của bản thân và tác động to lớn của công nghệ đến cuộc sống trong tương lai", anh kể lại.

Sau khoá học, Thành nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu căn hộ dịch vụ thông qua nền tảng đại lý du lịch trực tuyến (OTAs). Năm 2016, các OTAs hàng đầu quốc tế như Booking.com, Agoda, Airbnb...chỉ vừa vào Việt Nam.

Cuối năm 2017, anh cho ra đời thương hiệu GEM Apartment với cơ sở đầu tiên tại quận 2 (cũ). Anh xây dựng dịch vụ cao cấp, kết hợp khách lưu trú ngắn ngày (đặt phòng qua các OTAs) và khách dài ngày. "Năm 2019, lúc cao điểm nhất (trước khi xuất hiện Covid-19), chúng tôi có 3 chi nhánh tại TP HCM và doanh thu 9 con số", anh nói.

Nhưng Thành cho rằng, để phát triển bản thân toàn diện, bên cạnh việc học, khởi nghiệp, còn cần trải nghiệm môi trường làm việc tại các tập đoàn lớn. Do vậy, năm 2 đại học, lúc đã có dự án riêng, anh vẫn thực tập tại phòng đầu tư của quỹ đầu tư cổ phiếu (VEOF) thuộc VinaCapital.

Năm 4 đại học, anh thực tập tư vấn đầu tư ở PwC Vietnam. Sau khi ra trường, Thành làm việc ở phòng đầu tư của CJ Group và Lotte Group. Riêng tại Lotte, anh giữ vai trò quản lý mảng đầu tư bất động sản thương mại.

Theo Thành, vừa khởi nghiệp vừa làm việc tại các tập đoàn lớn giúp anh học hỏi được rất nhiều khía cạnh khác nhau. Với startup, Thành hiểu được sự vất vả và khó khăn trong giai đoạn đầu xây dựng doanh nghiệp; đồng thời rèn luyện được sự nhẫn nại, tinh thần luôn đổi mới sáng tạo và không bao giờ bỏ cuộc.

Còn tham gia vào các tập đoàn lớn, từ những vị trí nhỏ nhất như thực tập đầu tư đến quản lý một mảng đầu tư, giúp anh học được kinh nghiệm. "Tôi đã học được rất nhiều từ việc cấu trúc thương vụ, định giá, thẩm định dự án, làm giấy tờ, quản lý danh mục đầu tư ... và điều này đã giúp đỡ tôi rất nhiều cho công việc hiện tại", anh nói.

Nhìn lại chặng đường đó, Thành đúc kết rằng, khi còn trẻ, nên dám ước mơ, dám dấn thân, dám thực hiện để thành công. "Hãy tận dụng tối đa thời gian ở quãng đường đại học của mình không chỉ để học mà còn để làm việc và trải nghiệm", anh nói mình muốn gửi gắm với các bạn sinh viên như thế.

Rời vùng an toàn nhận trọng trách mới

Năm 2019, thừa nhận có sự nghiệp ổn định, nhưng Thành nói rằng muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng startup. Việc tham gia vào một quỹ đầu tư khởi nghiệp là ý tưởng mà anh cho là sẽ giúp bản thân rời khỏi vùng an toàn. Nó thậm chí được xem là "mạo hiểm" khi Covid-19 bắt đầu nổi lên năm 2020.

Đầu năm đó, Thành gặp ông Nuthaphong, Tổng giám đốc đại diện tại Việt Nam của Kvision. Họ trao đổi trong 9 tháng trước khi anh được nhận vai trò Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư của quỹ ở Việt Nam.

"Tuổi đời của tôi tuy còn trẻ nhưng máu kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp đã có từ khá sớm. Tôi đã thuyết phục được các lãnh đạo cấp cao của quỹ về việc tin tưởng giao nhiệm vụ này", Thành nói.

Gần đây, với vai trò của nhà đầu tư chiến lược, KVision cùng Sendo, Seedcom và KiotViet xây dựng các chương trình vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên các nền tảng này để phục hồi sản xuất sau đại dịch. "Chúng tôi chuẩn bị hoàn tất ít nhất 2-3 thương vụ đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới và cam kết sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025", Thành cho hay.

Đại diện đầu tư cho một quỹ lớn ở tuổi 25, Thành cho biết chính tuổi trẻ mang đến thuận lợi cho anh, giúp có "lửa" và làm việc mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng các startup. "Tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong cả việc khởi nghiệp lẫn làm tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu. Do đó, tôi có thể truyền tải phần nào kinh nghiệm của mình để giúp startup đi đúng hướng, đồng thời tận dụng lợi thế của KVision để đưa startup Việt Nam vươn tầm khu vực và quốc tế", anh tự tin.

Về khó khăn, Thành cho rằng vẫn cần phải học hỏi nhiều từ các chuyên gia hàng đầu về kinh nghiệm đầu tư, cấu trúc mô hình kinh doanh.

Đánh giá về thị trường startup Việt Nam, anh cho rằng vẫn nhiều cơ hội cho các startup và nhà sáng lập có ý tưởng và khát khao. Ngoài hỗ trợ của chính phủ, họ được đánh giá cao tại khu vực và quốc tế, không chỉ về kiến thức, công nghệ mà còn bởi ý chí, nghị lực.

Theo anh, các ngành nghề tiềm năng trong giai đoạn sắp tới là ngành liên quan đến việc sử dụng công nghệ phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ và số hoá các ngành nghề truyền thống. Một số ngành nghề tiêu biểu như: Công nghệ giáo dục (EdTech), Công nghệ y tế (HealthTech), Công nghệ tài chính (FinTech); SaaS, công nghệ liên quan đến thuơng mại điện tử và công nghệ Blockchain.

"Các nhà sáng lập cũng cần phải có cam kết, có ý chí và nghị lực để vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất khi khởi nghiệp. Đồng thời, các startup cần chọn cho mình một thị trường đủ lớn để khai phá và phát triển sản phẩm của mình", anh khuyến nghị.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.