Tuyên bố trong tuần qua của giới chức về "sự cố" tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây bức xúc trên Facebook.
Cận cảnh toa tàu Cát Linh-Hà Đông
Giải thích của Tổng Giám đốc Metro Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường cho rằng tàu không vận hành được hôm 7/12 không phải là sự cố mà là diễn tập.
Đi xa hơn, ông thông báo: "Sắp tới tuyến metro Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách...," theo VnExpress.
Nhiều câu hỏi đặt ra là, tàu Cát Linh - Hà Đông, về mặt kỹ thuật, đã có hơn chục năm khảo sát, thi công, tại sao việc chạy thử, diễn tập vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới, và khi nào chấm dứt?
Giới chức Hà Nội không những có quyền tự ý đưa hành khách tham gia "diễn tập", mà còn không cần báo trước? Trách nhiệm của họ là gì nếu gây tổn thất cho khách hàng?
Vé tàu loại đi một lượt
Coi thường khách hàng?
Cảm giác bị coi thường dường như được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn lớn, có nơi trên nửa triệu thành viên.
Bày tỏ quan điểm của mình, danh khoản Ng VietAnh viết:
"Khách hàng là thượng đế mà lại lấy thượng đế ra thí nghiệm, các ông có lẩm cẩm không vậy. Chưa kể người có bệnh, có công việc sử dụng dịch vụ, các ông thử nghiệm nhỡ ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, tính mạng người ta ai chịu trách nhiệm?"
Đoàn Quang Sơn cho rằng: "Mang hành khách ra làm chuột bạch là không thể chấp nhận được. Họ bỏ tiền ra mua vé là để đi tàu, ngồi cho mát mẻ và đến nơi họ cần đến một cách nhanh nhất, an toàn nhất."
"Phản đối, không thể đem tính mạng con người ra để các ông làm chuột bạch được. Làm thì để thầu Trung Quốc thích làm gì thì làm, lấy bao nhiêu tiền của dân thì lấy, giờ đến an toàn hay không cũng không biết còn mang tính mạng người dân của mình ra thử nghiệm," là phản ứng của Việt Cường.
Liên hệ tới tình huống tồi tệ hơn, Nguyễn Mạnh Cường nói: "Hôm sau rò điện hay cháy nổ lại diễn tập. Và 'sự cố diễn tập vừa rồi rất đáng tiếc là một số hành khách không chuẩn bị chu đáo nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc... Xin chia buồn cùng gia quyến... Chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiêm túc kiểm điểm'."
Hành khách trong những ngày đầu chạy thử miễn phí
Ai sẽ đi tàu này?
Nhiều ý kiến băn khoăn khi lựa chọn dịch vụ vận chuyển công cộng này trong tương lai.
Bạn Dung D. Tr viết: "Các ông tự diễn với nhau đi. Dân chúng tôi sử dụng phương tiện khác, tính mạng, công việc của chúng tôi ko phải trò đùa của các ông."
Giả định về hậu quả hành khách gánh chịu và trách nhiệm của nhà cung cấp, Phạm Minh Tuấn phát biểu: "Nếu 'diễn tập' mà bị chấn thương, tai nạn thì ai chịu trách nhiệm? Mua vé để được hưởng diễn tập. Chúc mừng ai đã lựa chọn cái của nợ này nhé."
Bao Luong khuyên: "Biết trước sẽ có sự cố nên báo diễn tập là xong... Ai đang sử dụng dịch vụ tàu điện này nên cân nhắc lại nhé."
Còn suy đoán và nhận định của Thong Phan Van là: "Nước cờ này chỉ có thằng tàu nó vẽ ra thôi. Mai đây hỏng thật thì kêu là diễn tập. Lấy dân ra làm chuột bạch. Vậy đừng đi tàu cho chắc. Lỡ nhỡ hết cả việc. Chỉ có ở Việt Nam."
Một đoạn đường trong nội thành Hà Nội
Giới chức có vi phạm pháp luật?
Tờ Lao Động dẫn lời chuyên gia: "Bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm 'thí nghiệm' và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được."
Sự nguy hiểm của việc "không báo trước" còn ở chỗ nó sẽ biến những sự cố thật sự đều chỉ là "diễn tập không báo trước"? Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Luật sư khẳng định: "Ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước."
Một ý kiến trên trang Sóng gió Quan trường
Trên diễn đàn Otofun, Duy DV kiến nghị: "Đề nghị các cơ quan luật pháp xem việc lấy dân ra để diễn tập không báo trước có vi phạm pháp luật không? Cần thiết thì tham khảo luật pháp của các nước văn minh như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Nếu sai pháp luật và đủ căn cứ khởi tố thì yêu cầu khởi tố đơn vị này."
Tuy vậy lại có ý kiến: "Có thể là lý do chính đáng. Sự cố như này sẽ còn tái diễn cho đến khi nhuần nhuyễn." Trong mục bình luận trên trang của mình, VTC News viết: "Việc diễn tập bất ngờ chính là để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn."
Sau 13 năm, từ ngày dự án được phê duyệt và 10 năm thi công, sau nhiều lần lùi thời hạn vận hành, đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bắt đầu chạy hôm 6/11.
Tổng mức đầu tư của dự án lên 18.002 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu đôla), trong đó vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu đôla) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD).
Theo BBC
Comments powered by CComment