Khi được hỏi về Tết Nguyên Đán 2022, đại đa số cư dân, cơ sở kinh doanh và giáo xứ của cộng đồng gốc Việt ở thành phố Queens, New York, đều có câu trả lời rằng “năm nay không nhộn nhịp như những năm trước đại dịch.” Hoặc “các hoạt động đều bị hủy bỏ vì các ca nhiễm vẫn còn tăng, thành phố buộc ngưng tất cả các lễ hội.”
Thật không dễ dàng cho một người từ tiểu bang khác có thể chạy xe trong các con đường ở New York một cách tự tin. Càng khó khăn hơn khi phải đi tìm một chỗ đậu xe vào ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng, trên con đường nhỏ hai chiều xe, lại có một chiếc xe buýt ghi chữ “Test Covid Free.” New York vốn dĩ đã từng là một tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ.
Sau nhiều vòng chạy tới lui, cuối cùng chúng tôi cũng may mắn có một chỗ trống “lý tưởng” trước tiệm Phở Bằng, trên đường Broadway.
Phở Bằng là tiệm phở mà “khi đến New York, nói đến phở thì phải là Phở Bằng” – theo lời ông Thái Trung Nguyên, chủ tịch Cộng Đoàn Thánh Anrê Dũng Lạc, kiêm ca trưởng của ca đoàn Thánh Teresa tại Nhà Xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh. Ông là “dân” Queens, New York hơn 20 năm, từ lúc định cư ở Mỹ.
Tô phở Bằng “chính hiệu New York” cộng thêm giai điệu các ca khúc Xuân quê hương giúp cho câu chuyện giữa chủ và khách trở nên thân tình hơn, tạm quên cái lạnh 10 độ F như cắt da ở bên ngoài.
Khi được hỏi về không khí Tết Nhâm Dần sẽ như thế nào, ông Nguyễn Văn Sơn, quản lý và đồng thời là cổ đông của tiệm trầm ngâm: “Tết năm nay sẽ sơ sài, không được như những năm trước.”
Những năm trước đó, khu vực này rộn ràng với các nhóm chợ, hoa đào, hoa mai Mỹ, từ tuần lễ trước ngày đưa ông Táo về trời cho đến tuần lễ Tết Nguyên Đán.
Cộng đồng Việt, đặc biệt là các cộng đoàn Công Giáo tổ chức những chương trình lễ hội vui Xuân cho đồng hương trong và ngoài New York. Nhưng năm nay, ông Sơn nói: “Theo tôi biết thì Tết năm nay, cộng đồng người Việt nói riêng hay cả khu vực ngoài Mahattan nói chung đều có những nội qui không cho phép người dân tụ tập đông hoặc tổ chức múa lân, hay đốt pháo như mọi năm.”
Không những thế, theo ông Sơn, mức mua sắm, cũng như cả những người khách thường đến các nhà hàng ở Queens trong những ngày cận Tết cũng giảm hẳn một nửa so với những năm trước.
Nhu cầu không nhiều, thì mức cung ứng cũng không thể sầm uất. Bà Rosemary Lado, cư dân của Brooklyn, New York nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Nhìn chung thì không khí chưa rộn ràng. Tuần này vẫn chưa thấy bày bán hoa mai, hoa đào như mọi năm. Bánh chưng, bánh tét thì đã có ở các tiệm Việt Nam.”
Tuy Brooklyn, Queens, Bronx là những thành phố có nhiều người gốc Việt sinh sống, nhưng theo lời bà Rosemary nhận xét, những nơi này không có nét đặc trưng của chợ hoa, chợ Tết như các tiểu bang khác như California hay Texas, những nơi được xem là “cái nôi của người Việt tị nạn.”
Theo tài liệu của tổ chức phi lợi nhuận Asian American Federation từ 2010-2015, Queens là thành phố có khoảng 26% người Mỹ gốc Việt sinh sống, đứng thứ nhì sau Brooklyn (32%).
Nhưng, theo lời ông Thái Trung Nguyên thì những năm gần đây, ngày càng nhiều người Việt chuyển sang các tiểu bang khác, với nhiều lý do khác nhau. Dù là vậy, mỗi dịp Xuân về, cộng đồng Việt ở đây vẫn tổ chức những lễ hội văn hóa, văn nghệ để cùng nhau mừng Tết cổ truyền dân tộc.
Tuy nhiên, đó là chuyện trước khi đại dịch xảy ra. Năm nay, mùa dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở thành phố này, đặc biệt là cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở khắp nơi thuộc giáo phận New York.
“Hằng năm, khắp nơi chúng tôi đều tổ chức chương trình văn nghệ mừng Xuân, cùng bà con vui hưởng mùa Tết. Hai năm nay là mùa dịch, các nơi không tổ chức được. Theo chỉ thị của Tòa Giám Mục của địa phận, cộng đoàn khắp nơi đều phải mang khẩu trang khi tham dự Thánh lễ và hạn chế mức hội họp quy tụ đông người. Đặc biệt, không được tổ chức ăn uống trong suốt mùa dịch khi mà lệnh chưa được giải tỏa. Cộng đoàn của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất lớn,” ông Thái Trung Nguyên nói khi đưa chúng tôi đến thăm Nhà Xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh.
Cũng vì đại dịch chưa qua, Tết năm nay, nhà xứ chỉ tổ chức Thánh Lễ Mừng Xuân bình thường, không có bữa tiệc liên hoan họp mặt cùng các đồng hương trong cộng đoàn. Ông Nguyên hiểu điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến tinh thần đón Tết của bà con.
Ông nói: “Chẳng những ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng rất lớn. Hàng năm đều có chương trình văn nghệ, khiêu vũ, múa lân, lì xì, nói chung là những hoạt động mừng Xuân theo truyền thống của người Việt Nam. Năm vừa rồi không có, năm nay cũng không có.”
Đây là năm thứ hai ngày Tết Nguyên Đán của cộng đồng Việt Nam diễn ra “không lân, không pháo, không hội hè.” Đây là điều mà ông Nguyên và những người Việt Nam sinh hoạt trong cộng đoàn suốt nhiều năm qua chưa bao giờ xảy ra như thế.
Lưu giữ truyền thống
Tuy cộng đồng người Việt nói riêng và New York nói chung vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành với các biến thể mới đáng lo ngại, nhưng Tết cổ truyền luôn là một dịp hội tụ thiêng liêng, đặc biệt với những người xa xứ. Đã là truyền thống, thì khó mà quên lãng.
Thấu hiểu điều đó, Đức Ông Gioan Baotixita Phạm Mạnh Cương, thuộc giáo phận Brooklyn, chánh xứ của Giáo Xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh, New York bày tỏ ý nguyện tổ chức một Thánh Lễ Mừng Xuân “trong khuôn khổ của luật lệ tiểu bang cho phép.”
“Tuy có những khó khăn, nhưng Tết cổ truyền là một dịp để mọi người đến với nhau, tỏ tình liên đới với nhau. Chúng ta nối kết lại tình đồng hương giữa những người xa xứ. Đồng thời chúng ta làm sống lại những kỷ niệm, truyền thống di sản của cha ông cho thế hệ mai sau.”
Đức Ông Phạm Mạnh Cương, linh mục trẻ gốc Việt thứ hai được vinh dự nhận tước Ðức Ông từ Ðức Thánh Cha Phanxicô (sau Ðức Ông Phêrô Bùi Ðại thuộc giáo phận Phoenix, Hoa Kỳ) chia sẻ.
Chính vì vậy, theo lời Đức Ông, dù khó khăn, nhưng Giáo Xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh, bằng cách này, cách khác, có tính chất sáng tạo, để “tổ chức được một ngày Tết ấm cúng cho bà con, đặc biệt là bà con Công Giáo Việt Nam.”
“Nơi này, giáo phận Brooklyn, New York, có một cộng đoàn Công Giáo Việt Nam nhỏ bé, không được sầm uất như ở các tiểu bang khác, nhưng rất có tình người. Chúng tôi chung tay không những rao giảng tin mừng của Chúa, mà chúng tôi còn muốn gìn giữ di sản cha ông Việt Nam và văn hóa Việt Nam ngay tại mảnh đất này. Dịp đầu Xuân, chúng tôi chọn ngày Chúa Nhật, 30 Tháng Giêng, để làm Lễ Minh Niên. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn tổ tiên và cầu nguyện cho hoà bình đất nước, cho mọi người được yên vui thái hòa,” Đức Ông Phạm Mạnh Cương nói thêm.
Tết cổ truyền năm nay rơi vào ngày trong tuần (Thứ Ba, 1 Tháng Hai). Vì vậy, bà Rosemary Lado nghĩ rằng có lẽ phần nhiều các gia đình Việt Nam chỉ làm một bữa cơm tất niên nhẹ nhàng, bày mâm ngũ quả, nhớ về tổ tiên, ông bà.
Bà nói, hầu hết, người Việt ở đây vẫn giữ truyền thống ở quê nhà là đi lễ chùa đầu năm. Gia đình bà là một trong những người ấy.
“Những hoạt động truyền thống của ngày Tết như múa lân, đốt pháo diễn ra rộn rã nhất là ở khu Chinatown. Năm nào gia đình tôi cũng đi lễ chùa vào đêm Giao Thừa hoặc sáng mùng Một. Không khí tương tự như ngày Tết ở Việt Nam mình. Nhưng dĩ nhiên, đó là những năm trước đại dịch,” bà Rosemary nói.
Như đã nói, Tết cổ truyền là một lễ hội thiêng liêng của cả dân tộc, đánh dấu một sự khởi đầu cho ước mơ, cho sự sống mới. Đêm Giao Thừa là thời khắc đất trời giao hòa, thì cũng là thời gian dành cho con người sự sum vầy đoàn tụ. Mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên, bữa cơm đầu năm cúng ông bà luôn luôn là nếp son văn hóa ngàn đời, dù có ở nơi nào, người dân Việt Nam vẫn khó mà phôi phai.
Dù năm nay sẽ là một năm “Tết không lân, không pháo,” nhưng với tình bác ái của các cộng đoàn Công Giáo như Giáo Xứ Đức Mẹ Núi Cát Minh, với tấm lòng phụng sự như Đức Ông Phạm Mạnh Cương, ông Thái Trung Nguyên, hoặc tình gia đình truyền thống như bà Rosemary Lado, mùa Xuân của cộng đồng Việt ở New York vẫn tràn đầy thiêng liêng, ấm áp.
Theo NV
—-
Comments powered by CComment