Group News: Tin copy

Việc chuyến đi của một quan chức EU đến Hà Nội vào ngày 13-14/5 bị hủy làm gia tăng thêm nhận định về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến Hà Nội trong những ngày sắp tới.

 
Ông Trọng và ông Putin

Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 6/9/2018

Lần gần nhất mà ông Putin công du Việt Nam là vào năm 2017.

Trong chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã hai lần mời ông Putin, mới đây là lời mời từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và trước đó là ông Võ Văn Thưởng khi còn làm chủ tịch nước hồi tháng 10/2023.

Trong cả hai lần ông Putin đều "vui vẻ nhận lời" và "sớm đến thăm Việt Nam".

Vào ngày 7/5, ông Vladimir Putin đã tuyên thệ nhậm chức, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5, nắm quyền thêm 6 năm nữa cho đến năm 2030.

Việt Nam cho đến nay luôn khẳng định "là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga", luôn nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay.

Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012.

Các lãnh đạo Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam và Nga là quan hệ truyền thống "đồng chí, anh em".

Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC), do đó ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến Việt Nam.

Chuyến đi của ông David O'Sullivan, đặc phái viên chuyên về các lệnh trừng phạt của EU đến Việt Nam vào các ngày 13-14/5 đã bị hoãn với lý do "các nhà lãnh đạo [Việt Nam] quá bận để gặp ông".

Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng sự trì hoãn này có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội.

Bloomberg vào ngày 3/5 dẫn một nguồn tin nắm các kế hoạch của Điện Kremlin cho hay chuyến công du của ông Putin đến Trung Quốc có thể diễn ra vào ngày 15 và 16/5. Thời điểm có thể thay đổi chút ít.

Vào ngày 19/3, theo các thông tin độc quyền từ Reuters, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên mà nhà lãnh đạo Nga đến công du trong nhiệm kỳ lần 5 lịch sử này.

Trả lời Reuters khi đó, Điện Kremlin cho biết thời điểm công du Trung Quốc của ông Putin sẽ được công bố khi đến cận ngày.

Lần gần nhất mà ông Putin đến Trung Quốc là vào tháng 10/2023, khi Bắc Kinh mời người đứng đầu Điện Kremlin dự hội nghị kỷ niệm 10 năm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), chính sách kinh tế và đối ngoại tiêu biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khi đó, ông Putin là khách mời danh dự của Trung Quốc trong số các lãnh đạo và quan chức khác đến từ hơn 130 quốc gia.

Hiện đã có nhận định cho rằng ông Putin có thể đến Việt Nam nhân chuyến đi Trung Quốc trong tuần sau.

Trả lời Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 10/4, Tiến sĩ Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đánh giá rằng ông Putin có thể sẽ công du đến ba đối tác thân cận nhất ở châu Á là Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn.

Khác với phương Tây, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia (bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc...) có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu" hồi tháng 3.

"Putin có thể sử dụng chuyến đi này để cho thế giới thấy là chính sách 'Xoay trục về phương Đông' của chính phủ của ông vẫn còn đang đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga," Tiến sĩ Ian Storey nêu ý kiến với VOA.

Một điểm đáng lưu ý là ngày 20/5, Quốc hội Việt Nam khóa 15 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 7 trong bối cảnh “Tứ Trụ” đang thiếu mất hai ghế: chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội.

Đã có nhiều nhà quan sát nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội sẽ chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong kỳ họp này.

Nếu ông Putin đến Hà Nội thì đây thực sự là một thời điểm bận rộn của các lãnh đạo Việt Nam, vì trước kỳ họp Quốc hội, dự kiến sẽ còn có hội nghị Trung ương Đảng để sắp xếp nhân sự.

Nếu chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội diễn ra thì vấn đề mua bán vũ khí có thể sẽ là một trong những nội dung đứng đầu chương trình nghị sự.

Kho máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam, hiện chủ yếu bao gồm tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30MK2 và Su-27 đều do Nga sản xuất.

Việt Nam đang có xu hướng giảm mua đáng kể vũ khí từ Nga và tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các nước có thể có loại vũ khí và phụ tùng tương thích với Moscow khi cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.

Hiện Việt Nam đang trải qua một sự xáo trộn chính trị chưa từng có tiền lệ khi khuyết hai vị trí trong "Tứ Trụ", gồm chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội
Chụp lại hình ảnh,Hiện Việt Nam đang trải qua một sự xáo trộn chính trị chưa từng có tiền lệ khi khuyết hai vị trí trong "Tứ Trụ", gồm chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng thể hiện vai trò nguyên thủ quốc gia trên thực tế, khi đưa ra lời mời trực tiếp đối với một nguyên thủ quốc gia nước ngoài, điều mà thông thường chủ tịch nước sẽ phụ trách.

Ông Trọng chính là người đưa ra lời mời và là chủ nhà trong các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.

Ông Trọng là người gửi lời mời đến Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 26/3.

Hiện Việt Nam đang trải qua một sự xáo trộn chính trị chưa từng có tiền lệ khi khuyết hai vị trí trong "Tứ Trụ", gồm chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội, và tình hình có thể còn biến động hơn nữa trong thời gian tới.

Cũng có một số nhận định nêu quan ngại đề cập đến sức khỏe của ông Trọng có thể là một điều mà Hà Nội phải cân nhắc trước chuyến thăm của ông Putin.

Chuyến đi của ông Putin đến Việt Nam còn cho thấy Hà Nội đang tiếp tục gia tăng nỗ lực duy trì nền "ngoại giao cây tre" trước sự đối đầu ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga.

 

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.