Để trốn tránh cuộc sống thực tại, Tiểu Phong đã chọn cách chìm đắm trong thế giới ảo.
Một bà mẹ sinh sống tại Trung Quốc bày tỏ nỗi buồn phiền, thất vọng về cậu con trai. Con trai bà tên là Tiểu Phong, 22 tuổi, mắc chứng bệnh nghiện game. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng khi đã 2 năm trôi qua, cậu con trai chẳng thèm bước chân ra khỏi nhà. Ngay cả việc vệ sinh phòng ốc, cơm nước hằng ngày cũng do một tay mẹ phải làm.
Trước đây, Tiểu Phong là người tốt bụng, hoạt ngôn. Nhưng khi lên đại học, cậu trở nên ít nói, xa lánh mọi người. Mẹ cậu thấy vậy nhưng không để tâm nhiều, chỉ nghĩ đó là cảm xúc bình thường mà nhiều người sẽ phải trải qua. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Phong xin đi làm tại một công ty gần nhà.
Vì công việc bận rộn nên Tiểu Phong có giờ giấc làm việc và nghỉ ngơi khác mọi người trong gia đình. Cậu thường ngủ vào ban ngày và hoạt động về đêm. Cha mẹ cậu nghĩ rằng đó là do tính chất đặc thù của công việc. Gần như cả ngày, Tiểu Phong không nói với bố mẹ mình nổi một câu. Cậu luôn trong trạng thái cáu gắt, bực dọc.
Một thời gian sau, Tiểu Phong đột ngột nghỉ việc. Ngày ngày, cậu nhốt mình trong phòng để chơi điện tử, không màng ăn uống, nghỉ ngơi. Tiểu Phong cũng không muốn nói chuyện với bất cứ người thân nào. Thế giới luôn xoay quanh màn hình máy tính với các nhân vật hoạt hình trong game.
Sự việc trở nên nghiêm trọng, cha mẹ Tiểu Phong lo sốt vó. Họ đau lòng khi thấy con trai nuôi nấng bao nhiêu năm trời, dồn hết tiền bạc cho đi học giờ rơi vào tình trạng như vậy. Tiểu Phong không có công ăn việc làm, không dự định tương lai, ngay cả một người bạn để chuyện trò cũng không có.
Bố mẹ cậu cảm thấy bất lực khi thấy con như vậy. Họ từng khuyên nhủ nhẹ nhàng, răn đe, dọa dẫm nhưng không có tác dụng. Vì quá lo lắng, bố cậu đã nổi trận lôi đình, lôi con trai ra ngoài và cho một trận đòn. Nhưng hành động vũ lực không giúp Tiểu Phong thoát khỏi game mà còn khiến mâu thuẫn gia đình trở nên căng thẳng hơn.
Gặng hỏi mãi thì Tiểu Phong mới thú nhận nguyên nhân. Hoá ra khi mới đi làm, Tiểu Phong gặp áp lực công việc, thường xuyên bị đồng nghiệp cười cợt, mỉa mai. Vì vậy, cậu chọn cách trốn tránh thực tại qua trò chơi ảo. Cậu sợ thế giới bên ngoài và không muốn giao tiếp với mọi người nữa. Tiểu Phong luôn mặc cảm, tự ti, thấy mình thật kém cỏi. Hơn nữa, sự kỳ vọng của bố mẹ quá lớn khiến cậu càng sợ hãi.
Câu chuyện của Tiểu Phong cũng là tình trạng mà nhiều người trẻ gặp phải. Ngày nay, không ít người tìm đến game online như một liều thuốc để quên đi những đau buồn. Hoặc có thể là họ đang cố gắng trốn tránh cuộc sống quá nhiều mệt mỏi.
Theo một cuộc nghiên cứu công bố gần đây, hàng nghìn game thủ cho rằng họ không nghiện game hay nghiện Internet như mọi người vẫn nghĩ. Mà đơn thuần họ lạm dụng chỉ vì cảm thấy không hạnh phúc với nhiều khía cạnh trong cuộc sống thật.
Nhiều người nhận ra việc chìm đắm trong thế giới ảo không giải quyết được vấn đề, gây ảnh hưởng đến học tập, công việc và sự nghiệp. Tuy nhiên, họ loay hoay không biết làm thế nào để thoát khỏi.
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Comments powered by CComment