Trong những ngày gần đây, người dân TP.HCM rất quan tâm đến thông tin số ca nhập viện, trở nặng và tử vong do COVID-19 ở TP có xu hướng gia tăng. Số người tử vong dao động ở mức trên 100 ca/ngày. Báo Pháp Luật TP.HCM, dẫn lời của PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận xét đây là hiện tượng đáng lo ngại, cần gấp rút khắc phục.

Theo ông Dũng thì So với các TP khác trên thế giới đang theo đuổi mục tiêu sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2, số ca F0 gia tăng ở TP.HCM là không đáng ngại, thậm chí có phần thấp hơn. Về tổng thể, TP hiện đang trong trạng thái “màu xanh”. Tuy nhiên, trong khi Singapore có trung bình trên 3.000 ca nhiễm/ngày nhưng số tử vong chỉ trên dưới 10 ca/ngày thì ở TP.HCM, số tử vong hiện đã cao hơn gấp 4-5 lần.

TP.HCM cần ưu tiên mũi 3 cho người tiêm vaccine Vero Cell - ảnh 1
Tiêm vaccine Vero Cell phòng COVID-19 cho người dân tại một điểm tiêm ở quận 1, TP.HCM

 

“Điều này cho thấy ba vấn đề cần xem xét: (i) Tiêm phủ vaccine đến những người dân còn sót lại; (ii) Củng cố hệ thống chăm sóc F0 ở nhà và F0 nhập viện; (iii) Tăng cường tiêm ngừa mũi 3 cho nhóm người đã tiêm vaccine nhưng suy giảm mức miễn dịch hoặc cơ thể đáp ứng miễn dịch thấp; (iv) Tiếp tục siết chặt công tác 5K” - ông Dũng nói. Theo vị chuyên gia này, hệ thống y tế của TP.HCM đã đạt các yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số người lớn tuổi, có bệnh nền vẫn chưa được tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau.

Cũng theo ông Dũng, một số người cao tuổi, có bệnh nền ngại đến bệnh viện nên hoãn tiêm. Ngành y tế dù cố gắng và có tổ chức nhóm tiêm lưu động nhưng việc hướng dẫn nhóm người nói trên tiêm chủng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, ngành y tế cần rà soát để tiêm vét cho nhóm người chưa được tiêm ngay tại cộng đồng; cần hướng dẫn người dân rõ ràng hơn để họ dễ tiếp cận vaccine. Ngoài ra, cần vận động người trẻ quan tâm hơn đến người cao tuổi trong gia đình để không trì hoãn tiêm chủng.

Ông Dũng cũng khuyến cáo các giải pháp 5K trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Bởi theo những nghiên cứu gần đây, đeo khẩu trang và dùng các biện pháp sát khuẩn theo hướng dẫn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm 40%-50%, thậm chí cao hơn.

Tăng cường mũi 3 cho người tiêm vaccine Trung Quốc

Một thực tế đáng lo ngại khác đó là người tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn có thể tử vong, dù tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với nhóm tiêm chủng đầy đủ. Theo các chuyên gia y tế, trong các loại vaccine ở Việt Nam hiện nay thì Vero Cell có hiệu lực thấp hơn và thời hiệu miễn dịch ngắn hơn.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích: Hiệu lực vaccine còn phụ thuộc vào độ tuổi người tiêm và loại vaccine được sử dụng. Thực tế vaccine Vero Cell được nhiều nước sử dụng và đã phát huy tác dụng, nhất là ở nhóm người trẻ tuổi trong giai đoạn TP.HCM bùng phát dịch dữ dội và nguồn vaccine là cực kỳ khan hiếm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu từ một số quốc gia thì với người cao tuổi, có bệnh nền, khả năng sinh miễn dịch thấp hơn thì hiệu lực của vaccine Vero Cell cũng ngắn hơn so với các loại vaccine dùng công nghệ mRNA như Pfizer hay Moderna.

“Tôi xin dẫn lại lời của Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, nơi đã dùng nhiều loại vaccine, trong đó có Vero Cell: “Hiệu lực của các loại vaccine đều giảm theo thời gian nhưng của Vero Cell giảm nhanh hơn nên cần tiêm mũi tăng cường sớm hơn”. Cũng theo nghiên cứu từ Malaysia, thời gian tối ưu cần tăng cường mũi 3 cho người đã tiêm Vero Cell là ba tháng. Bộ trưởng Y tế Malaysia khuyến khích người dân tiêm bất kỳ loại vaccine nào được ngành y tế cung cấp. Ở Việt Nam, tôi khuyến nghị nên dùng vaccine công nghệ mRNA vì hiện nguồn cung đã tốt hơn và hiệu lực của loại vaccine này cao hơn ở nhóm người cao tuổi và có bệnh nền” - ông Dũng nói.

Tuy không nói thẳng vấn đề, nhưng có thể hiểu là vaccine Trung Quốc tỏ ra kém hiệu quả hơn rất nhiều so với các loại vaccine của Mỹ, Anh như Pfizer, Moderna hay Astra Zeneca.

Hồng Hải tồng hợp