Tiêm vaccine phòng Covid cho trẻ em đang là quyết định khó khăn của nhiều người Việt Nam. Nếu không tiêm, học sinh có thể không được đến trường.
Dường như nỗi lo lớn nhất của các bậc phụ huynh là không biết tác dụng phụ của vaccine ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con em mình đến mức độ nào.
Thông tin về khả năng nhiễm Covid và bị bệnh nặng ở trẻ em dưới 18 tuổi tương đối thấp, trong khi khả năng hồi phục cao ở lứa tuổi này làm các bậc phụ huynh chần chừ.
Nếu trẻ có nguy cơ thấp đối với đại dịch này, tại sao chúng phải tiêm thuốc mà không biết sau này có biến chứng gì bất lợi?
Kiểm tra thân nhiệt tại trường Marie Curie, Hà Nội
Báo chí nhà nước đưa tin
Vài tuần nay, dịch bệnh có vẻ đi xuống ở Việt Nam, chính phủ chủ trương mở cửa. Theo đó, học sinh sẽ trở lại trường học. Chính sách chích ngừa cho học sinh được bàn luận nhiều.
Trang tin của Bộ Y Tế, 14/10, viết về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em: "Mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi)."
"Loại vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ em là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế."
Hôm 13/10, tờ Thanh Niên đưa tin: "95% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm 2 mũi vaccine trong năm nay."
"Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu: "Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vaccine phù hợp và đang chuẩn bị đủ nguồn vaccine để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi."
Vẫn theo báo này: "Đối với trẻ em từ 3 - 11 tuổi (khoảng trên 14 triệu em), Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này."
Đáng lưu ý là báo chí không nêu rõ "vaccine phù hợp" tên là gì? Nước nào sản xuất? Thông tin trên trang của Bộ Y Tế cũng chỉ nói đó "là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt."
Xét nghiệm Covid tại trường Vinschool, Hà Nội
Tham khảo báo chí Anh Quốc
Trong bài: "Covid-19: Có nên tiêm vaccine cho mọi trẻ em?" đã được BBC News Tiếng Việt chuyển ngữ và đăng tải, hôm 22/5, trích dẫn nhiều thông tin đáng tham khảo.
Theo đó, một nghiên cứu trên bảy quốc gia, công bố trên The Lancet, ước tính, trong số mỗi một triệu đứa trẻ dương tính Covid thì có không đến hai trẻ em tử vong.
Đầu mùa hạ năm nay, ngay cả những trẻ em mắc các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Covid ở người lớn cũng không được tiêm chủng ở Anh.
Chỉ những người có "nguy cơ phơi nhiễm cao và chịu hậu quả nghiêm trọng" - có thể bao gồm cả trẻ lớn hơn bị khuyết tật nặng tại các trung tâm chăm sóc - mới được đề nghị tiêm chủng.
Các loại vaccine này cực kỳ an toàn, nhưng rủi ro và lợi ích vẫn phải được cân nhắc cẩn thận. Cũng cần nói rõ, đến nay, vaccines được sử dụng ở Anh không có vaccine Nga, Trung Quốc và Cuba.
Một lập luận chống lại việc tiêm chủng cho trẻ là chúng nhận được không nhiều lợi ích từ việc này.
"May mắn thay, một trong số ít những điều tốt đẹp về đại dịch này là trẻ em rất hiếm khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng," Giáo sư Adam Finn, từ Liên Ủy ban về tiêm chủng Vương quốc Anh, nói.
Phiên bản Anh ngữ của BBC News có bài: "Có nên bắt buộc tiêm phòng không?" xuất bản ngày 30/9/2019. Trong đó cho rằng, nên tập trung nỗ lực vào các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và chính sách cưỡng chế trên toàn Vương quốc Anh có thể khó biện minh.
Một lớp học trong mùa dịch ở trường Marie Curie, Hà Nội, 4/2020
Nhiều phụ huynh không đồng ý tiêm cho trẻ em
Đến nay, chính quyền Việt Nam không có chính sách bắt buộc học sinh chích ngừa. Nhưng lo ngại học sinh không tiêm vaccine không được đến trường là có thật, nhiều người cổ vũ sự "thông thái" của phụ huynh.
Trên trang cá nhân, ca sỹ Thái Thùy Linh viết: "Tôi sẽ không cho hai con tôi tiêm vaccine ngừa Covid19 cho đến khi nào tôi cảm thấy thực sự an toàn…"
Trần Thu Huyền đáp lại: "Chị cũng đồng quan điểm nhưng chỉ sợ quy định không tiêm thì không được đến trường."
Còn đây là thắc mắc của Huy Minh Nguyễn: "Tiêm tự nguyện nhưng không tiêm thì không được đến trường thì khác gì ép buộc."
"Ai có con thì phải nghiêm túc tìm hiểu tài liệu trong và ngoài nước nhé. Xem thành phần nó có gì, nó ảnh hưởng như thế nào. Cả một thế hệ mai sau đấy ạ. Chứ không phải hời hợt đưa vào cơ thể con mình bất cứ cái gì mình không biết rõ được đâu," Nguyen Hoa Xuan bình luận.
Hura Nguyen phản ứng mạnh mẽ: "Chúng tôi cực lực phản đối việc tiêm vaccine covid cho trẻ em. Con chúng tôi không phải vật thí nghiệm."
Vaccine Pfizer-BioNTech cũng được Việt Nam cấp phép sử dụng
Tuy nhiên, không khó gặp ý kiến đồng tình chích ngừa cho trẻ em để chúng được đến trường. Nhiều người có cùng suy nghĩ như Trang Nguyễn: "Chị thì sẽ cho con tiêm ngay khi được phép."
Câu chuyện này dường như chắc chắn sẽ nóng lên khi ngày đến trường cận kề, trong lúc chẳng có gì chắc chắn, đảm bảo cho sức khỏe và tương lai con em họ.
Theo báo chí Việt Nam, tuần trước, tại Thanh Hóa 37 học sinh, giáo viên mắc COVID-19, hơn 15.000 học sinh ở Thanh Hóa tạm nghỉ học.
Tiêm hay không tiêm vaccine ngừa Covid cho học sinh sẽ vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời, không chỉ đối với các nước nghèo, mà còn đối với các quốc gia phát triển.
Theo BBC
Comments powered by CComment