Cựu Thủ tướng Shinzo Abe, nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất của Nhật Bản, qua đời hôm thứ Sáu 8/7, vài giờ sau khi ông bị bắn trong lúc đang vận động tranh cử vào quốc hội. Sự kiện này gây chấn động một đất nước vốn hiếm khi có bạo lực chính trị và súng đạn được kiểm soát chặt chẽ.
Truyền thông Nhật Bản cho hay một người đàn ông đã bắn hai phát súng vào ông Abe, 67 tuổi, từ phía sau bằng một khẩu súng tự chế khi ông Abe đang phát biểu bên ngoài một ga tàu vào khoảng 11h30 sáng (tức 02h30 giờ GMT) ở thành phố Nara, miền tây Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên xảy ra vụ ám sát một người hoặc là thủ tướng đương nhiệm hoặc là cựu thủ tướng Nhật Bản kể từ thời chủ nghĩa quân phiệt trước chiến tranh vào những năm 1930.
Bệnh viện nơi đã cố gắng cứu ông Abe cho biết rằng ông qua đời lúc 05h03 chiều (08h03 giờ GMT), khoảng 5 tiếng rưỡi sau khi ông bị bắn. Một bác sĩ cho hay ông Abe chết vì mất máu do hai vết thương sâu, một vết thương ở bên phải cổ. Ông không có các dấu hiệu sinh tồn khi được đưa vào viện.
Cảnh sát nói một người đàn ông 41 tuổi, kẻ bị tình nghi đã nổ súng, đã bị bắt. Đài NHK dẫn lời nghi phạm, được xác định danh tính là Tetsuya Yamagami, nói với cảnh sát rằng hắn ta không hài lòng về ông Abe và muốn giết ông.
Cảnh sát cho biết nghi phạm trong vụ nổ súng là một cư dân của Nara. Truyền thông cho hay hắn đã phục vụ trong quân đội Nhật Bản trong 3 năm cho đến năm 2005.
Airo Hino, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda, nói rằng một vụ nổ súng như vậy là điều chưa từng có ở Nhật Bản.
Các chính trị gia cấp cao của Nhật Bản có các nhân viên an ninh vũ trang tháp tùng, nhưng họ thường tiếp xúc gần với công chúng, đặc biệt là trong các chiến dịch chính trị khi họ phát biểu bên đường và bắt tay người qua đường.
Ông Abe đã làm thủ tướng trong hai nhiệm kỳ và từ chức vào năm 2020 với lý do sức khỏe kém. Tuy nhiên, ông vẫn có nhiều ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và ông kiểm soát một trong những phe phái chính trong đảng này.
Phát biểu trước khi ông Abe được chứng tử, Thủ tướng Fumio Kishida lên án vụ nổ súng "ở mức độ mạnh mẽ nhất" trong khi người dân Nhật Bản và các nhà lãnh đạo thế giới bàng hoàng về vụ việc.
"Cuộc tấn công này là một hành động tàn bạo đã xảy ra trong cuộc bầu cử - nền tảng của nền dân chủ của chúng ta - và hoàn toàn không thể tha thứ được", ông Kishida nói, cố gắng kiềm chế cảm xúc.
Ông Kishida, người được ông Abe ủng hộ, đã hy vọng sử dụng cuộc bầu cử để vượt ra khỏi cái bóng của ông Abe và làm rõ nét về nhiệm kỳ thủ tướng của ông, các nhà phân tích nhận xét. Ông Kishida đã đình chỉ chiến dịch tranh cử của mình sau vụ nổ súng. Tất cả các đảng phái chính trị lớn đều lên án vụ ám sát.
Phản ứng của các nước:
HOA KỲ - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói vụ ám sát ông Abe "gây sốc" và "đáng lo ngại sâu sắc", đồng thời mô tả ông Abe là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn vĩ đại.
TRUNG QUỐC - Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản: "Cựu Thủ tướng Abe đã có những đóng góp trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình. Chúng tôi xin chia buồn vì ông qua đời và bày tỏ lòng cảm thông với gia đình ông".
TỔNG THỐNG PHÁP EMMANUEL MACRON - "Nhật Bản đã mất một vị thủ tướng vĩ đại, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước và đã làm việc để đảm bảo trật tự trên thế giới".
THỦ TƯỚNG ANH BORIS JOHNSON - Ông Johnson viết trên Twitter: “Tin cực kỳ buồn về ông Shinzo Abe. Vai trò lãnh đạo toàn cầu của ông trong những giai đoạn khó khăn sẽ được nhiều người ghi nhớ. Tôi xin bày tỏ sự cảm thông với gia đình, bạn bè ông và người dân Nhật Bản. Vương quốc Anh sát cánh cùng quý vị trong thời điểm u buồn này".
THỦ TƯỚNG ĐỨC OLAF SCHOLZ - Ông Scholz nói ông "choáng váng và vô cùng đau buồn". "Chúng tôi sát cánh với Nhật Bản ngay cả trong những giờ phút khó khăn này", ông Scholz viết trên Twitter, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất tới gia đình ông Abe.
THỦ TƯỚNG Ý MARIO DRAGHI - "Nước Ý bị sốc vì cuộc tấn công khủng khiếp này, là cuộc tấn công vào Nhật Bản và cuộc tranh luận dân chủ tự do. Ông Abe là một vĩ nhân trong đời sống chính trị Nhật Bản và quốc tế trong những thập kỷ gần đây, vì ông có tinh thần đổi mới và tầm nhìn cải cách. Ý xin gửi lời chia buồn tới gia đình ông, cũng như tới chính phủ và toàn thể nhân dân Nhật Bản".
TỔNG THỐNG ĐÀI LOAN THÁI ANH VĂN - "Không chỉ là cộng đồng quốc tế mất đi một nhà lãnh đạo quan trọng, mà Đài Loan cũng mất đi một người bạn thân thiết và quan trọng. Đài Loan và Nhật Bản đều là những quốc gia dân chủ có nền pháp quyền, và chính phủ chúng tôi cực lực lên án các hành vi bạo lực và bất hợp pháp", bà Thái nói trong một tuyên bố được văn phòng của bà công bố.
TỔNG THỐNG HÀN QUỐC YOON SUK-YEOL - "Tôi xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và người dân Nhật Bản, những người đã mất vị thủ tướng tại vị lâu nhất và chính trị gia được kính trọng trong lịch sử lập hiến của Nhật Bản", một đoạn trích trong tuyên bố của Tổng thống Yoon viết, do văn phòng của tổng thống công bố.
Tổng thống Yoon nói thêm rằng vụ nổ súng là "một hành động tội ác không thể tha thứ".
THỦ TƯỚNG BA LAN MATEUSZ MORAWIECKI - "Tôi vô cùng sốc vì tin tức về vụ ám sát ông Shinzo Abe. Tôi cảm thông với gia đình của người bạn Nhật Bản của chúng tôi, người luôn rất tốt với Ba Lan. Cầu mong ông yên nghỉ", thủ tướng Ba Lan viết trên Twitter.
GIÁM ĐỐC CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TƯ QUỐC TẾ RAFAEL GROSSI -
Vị giám đốc viết trên Twitter: "Vô cùng đau buồn vì Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chết rất thương tâm. Tôi vinh hạnh đã gặp ông và làm việc với ông về những vấn đề quan trọng đối với Nhật Bản. Xin gửi lời chia buồn đến gia đình ông, cầu mong ông yên nghỉ".
THỦ TƯỚNG AUSTRALIA ANTHONY ALBANESE - "Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chết thật bi thảm là một tin đau buồn ... Ông Abe là một trong những người bạn thân thiết nhất của Australia trên trường thế giới ... Dưới sự lãnh đạo của ông, Nhật Bản nổi lên như một trong những đối tác cùng chí hướng nhất của Australia ở châu Á - một di sản tồn tại cho đến ngày nay”.
"Ông Abe là nhà lãnh đạo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ tầm nhìn về một khu vực tự do và rộng mở. Bộ tứ và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ, về nhiều mặt, là kết quả của vai trò lãnh đạo ngoại giao của ông”.
"Ông Abe cũng là một người khổng lồ trên trường thế giới - một nhà lãnh đạo trong G7, G20 và Liên Hiệp Quốc. Di sản của ông là một trong những điều có tác động toàn cầu, và là một di sản tích cực và sâu sắc đối với Australia".
Theo (Reuters)
Comments powered by CComment