Không chỉ có Hollywood, điện ảnh quốc tế ngày càng tiến bộ, và sáng tác được nhiều phim ngoại ngữ hay. Từ Âu Châu đến Á Châu, điện ảnh của nhiều quốc gia chứng minh họ có thể chinh phục khán giả quốc tế. Vì vậy, Học Viện Điện Ảnh Hoa Kỳ đều có mục phim ngoại ngữ hay nhất tại lễ trao giải Oscar mỗi năm.

Nữ sinh Chen Nian bị bạn học bắt nạn trong “Better Days” của Hồng Kông. (Hình: moma.org)
 

Trong hàng trăm tác phẩm quốc tế được gửi đến Hollywood, Học Viện Điện Ảnh chọn năm phim để ứng cử tranh giải Oscar phim ngoại ngữ, và chắc chắn là những phim đó không thể bỏ qua được.

Dưới đây là năm phim ngoại ngữ được đánh giá hay nhất của năm 2021, và rất đáng để khán giả bỏ thời gian tìm xem.

Better Days

Tuy công chiếu năm 2019, nhưng tác phẩm “Better Days” của Hồng Kông được đề cử nhận giải Oscar vào năm 2021.

Phim nói về một chủ đề ít được thảo luận ở các nước Á Châu là bắt nạt trong trường học, và có bối cảnh trong một trung học ở Hồng Kông.

Vai chính là nữ sinh Chen Nian, bị một nữ sinh có quyền lực là Wei Lai bắt nạt. Trước đó, bạn cùng lớp của cô phải tự tử vì bị bắt nạt, và bây giờ cô trở thành nạn nhân.

Sau đó, cô thấy một thành viên băng đảng là Liu Beishan đang bị một nhóm băng đảng khác đánh đập. Cô định gọi cảnh sát đến cứu, nhưng bị phát hiện, và bị bắt đánh đập, sau đó bị bắt hôn anh Liu Beishan.

Trở lại trường học, cô Chen Nian bị bắt nạt nhiều hơn trước, và còn bị người khác lan truyền những lời đồn không hay về gia đình.

Qua nhiều tình tiết, cô và anh Liu Beishan gần gũi với nhau hơn, và anh quyết định bảo vệ cô khỏi những kẻ bắt nạt để cô có thể tập trung học để thi tốt nghiệp.

“Better Days” là phim thứ ba được đề cử nhận giải Oscar trong lịch sử của điện ảnh Hồng Kông.

Tác phẩm này còn là phim đầu tiên có đạo diễn là người sinh ra Hồng Kông được đề cử nhận Oscar, chứ không phải là người Hoa lục địa.

Tài tử Mads Mikkelsen trong vai thầy giáo Martin của “Another Round.” (Hình: npr.org)

Another Round (Druk)

Phim hài kịch đen “Another Round” còn có tựa trong tiếng Đan Mạch là “Druk,” và đây là phim ngoại ngữ đoạt giải Oscar của năm 2021.

Tác phẩm này được sản xuất với sự hợp tác của ba quốc gia là Đan Mạch, Thụy Điển và Hòa Lan.

Với tựa tiếng Đan Mạch “Druk” có nghĩa là uống rượu nhiều, và tựa tiếng Anh “Another Round” có nghĩa là một chầu rượu nữa, phim có chủ đề là uống rượu.

Vai chính của “Another Round” là bốn thầy giáo Martin (Mad Mikkelsen đóng), Tommy (Thomas Bo Larsen đóng), Peter (Lars Ranthe đóng), và Nikolaj (Magnus Millang đóng). Họ là bạn lâu năm và là đồng nghiệp tại một trường dạy thêm ở Copenhagen, Đan Mạch.

Bốn người cảm thấy học sinh của họ không có động lực để học, và cuộc sống của mình đang trở nên nhàm chán, nên muốn tìm cách thay đổi.

Tại tiệc sinh nhật thứ 40 của ông Nikolaj, bốn thầy giáo thảo luận về giả thuyết của chuyên gia tâm lý người Thụy Điển, Finn Skarderud. Theo giả thuyết đó, con người được sinh ra với nồng độ trong máu là 0.05%, và giữ được mức độ đó sẽ giúp họ trở nên thoải mái và sáng tạo hơn.

Sau đó, bốn thầy giáo quyết định thử nghiệm giả thuyết đó để tìm hiểu rượu sẽ thay đổi bản thân mình và cuộc sống ra sao.

Khán giả xem “Another Round” có thể sẽ không lạ lẫm với tài tử Mads Mikkelsen vì ông từng xuất hiện trong nhiều phim Mỹ như “Casino Royale” và “Hannibal.”

Với chủ đề độc đáo và diễn xuất tuyệt vời cùng sự dẫn dắt của đạo diễn Thomas Vinterberg, “Another Round” vừa thắng giải Oscar phim ngoại ngữ, vừa thắng giải đạo diễn xuất sắc nhất.

Một cảnh về các nạn nhân của vụ nổ hộp đêm ở Romania trong phim tài liệu “Collective.” (Hình: ofi.org)

Collective

Không ai ngờ Romania có phim được đề cử nhận giải Oscar, và tác phẩm đó là phim tài liệu “Collective” nói về một vụ scandal về y tế ở Romania vào năm 2016.

Đạo diễn Alexander Nanau vừa đứng sau ống kính, vừa viết kịch bản, vừa làm nhà sản xuất và tự chỉnh phim cho “Collective,” giúp tác phẩm của ông xứng đáng được đề cử nhận Oscar.

Vào Tháng Mười, 2015, một vụ nổ xảy ra tại hộp đêm Colectiv ở thủ đô Bucharest, làm 27 người thiệt mạng và 180 người bị thương. Trong nhiều tháng sau đó, 37 nạn nhân trong bệnh viện qua đời, và một phần là vì các bệnh viện không chăm sóc họ đúng cách.

Một nhóm ký giả bắt đầu điều tra các bệnh viện sau khi nhận được thông tin họ sử dụng thuốc sát trùng bị pha loãng. Sau khi đem thuốc sát trùng đó đi thử nghiệm, các ký giả xác nhận thuốc đó đã được pha loãng, và quyết định điều tra sâu hơn như chất vấn công ty dược phẩm Hexi Pharma và Bộ Y Tế.

Khán giả sẽ đi theo các ký giả của tờ báo Gezata Sporturilor trong nhiệm vụ vạch trần sự thiếu quản lý và thối nát trong hệ thống y tế công cộng của Romania.

“Collective” là phim đầu tiên của Romania được đề cử nhận giải Oscar, trong hai mục là phim ngoại ngữ và phim tài liệu hay nhất.

Thông dịch viên Aida Selmanagic (phải), vai chính của phim chiến tranh “Quo Vadis, Aida?.” (Hình: eventive.org)

Quo Vadis, Aida?

Bosnia cũng có một phim được đề cử nhận giải Oscar phim ngoại ngữ hay nhất là phim chính kịch chiến tranh “Quo Vadis, Aida?” được 12 hãng phim của nhiều nước hợp tác sản xuất.

Phim nói về bà Aida Selmanagic, một cựu giáo viên, đang làm thông dịch viên cho Liên Hiệp Quốc.

Vào Tháng Bảy, 1995, bà phải tìm cách cứu gia đình đang sống ở thành phố Srebrenica trước khi bị quân đội Serbia chiếm, và trước khi vụ thảm sát Srebrenica có thật ngoài đời xảy ra.

Vụ thảm sát đó còn được gọi là “diệt chủng Srebrenica,” làm hơn 8,000 người nam giới theo Hồi Giáo mất mạng.

Đại Tá Thom Karremans nói tại cuộc họp với thị trưởng của thành phố Srebrenica, Liên Hiệp Quốc và khối liên minh NATO sẽ không kích nếu quân đội Serbia vi phạm hiệp ước để tấn công thành phố nói trên.

Tuy nhiên, thị trưởng của thành phố Srebrenica cho biết quân đội Serbia đã bắt đầu tấn công, nhưng Liên Hiệp Quốc không cam kết sẽ bảo vệ những người tị nạn đang chạy khỏi thành phố.

Trong suốt bộ phim, bà Aida phải dùng vị trí là thông dịch viên của Liên Hiệp Quốc để bảo vệ chồng con khỏi vụ thảm sát người Hồi Giáo, và phải chịu nhiều nỗi đau.

Nói lên được sự tàn khốc của chiến tranh và nỗi đau của những người bị mất gia đình, “Quo Vadis, Aida?” xứng đáng được đề cử nhận giải Oscar phim ngoại ngữ hay nhất của năm 2021.

Vai chính Sam Ali với hình xăm visa trên lưng trong “The Man Who Sold His Skin” của Tunisia. (Hình: eventive.org)

The Man Who Sold His Skin

Tunisia chọn tác phẩm “The Man Who Sold His Skin” để tranh giải Oscar, và phim này thành một trong năm ứng cử viên tại lễ trao giải Oscar của năm 2021.

Một cặp vợ chồng chưa cưới người Syria là anh Sam Ali và cô Abeer phải chia cách vị nội chiến xảy ra.

Anh Sam phải tị nạn ở Lebanon, nhưng lúc đó gia đình cô Abeer ép cô cưới một người giàu có và sống với người đó ở Brussels, Bỉ.

Vì quá tuyệt vọng và cần tiền đến Âu Châu để cứu người tình, anh Sam chấp nhận cho một họa sĩ gây nhiều tranh cãi ở Tây Âu xăm lên lưng mình, và hình xăm đó là một thẻ visa của khu vực Schengen ở Âu Châu, gồm 26 quốc gia trong đó có Bỉ. Anh hy vọng điều đó sẽ giúp mình lấy được visa để vào được khu vực này.

Tuy nhiên, cơ thể của anh được biến thành một tác phẩm hội họa luôn thay đổi, và phải trưng bày cơ thể tại một bảo tàng. Điều đó làm nhân vật chính nhận ra anh đã đánh đổi nhiều thứ, không chỉ bộ da, để tìm cách gặp lại người yêu.

“The Man Who Sold His Skin” lần đầu công chiếu tại đại hội phim Venice vào Tháng Chín, 2020. Tài tử Yahya Mahayni đoạt giải tài tử xuất sắc nhất của đại hội này vì đóng vai Sam Ali. 

Theo Thiện Lê/NV


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.