Group News: Tin copy

“Hồi còn đi học, tôi từng muốn lấy chồng vào năm 23-25 tuổi vì đọc được trong sách sinh học rằng đây là thời điểm lý tưởng nhất để phụ nữ sinh con. Đến khi đi làm rồi mới thấy mức lương không đủ để gánh vác gia đình hai bên nếu lấy chồng chứ đừng nói có con,” Thùy Anh, 27 tuổi, chia sẻ.

 
Thùy Anh, 27 tuổi, đang làm nhân viên của một công ty công nghệ tại TP HCM không muốn kết hôn và cũng không muốn có con chủ yếu vì lí do tài chính

Nguồn hình ảnh,Nhân vật cung cấp

Thùy Anh, 27 tuổi, đang làm nhân viên của một công ty công nghệ tại TP HCM. Cô không muốn kết hôn và cũng không muốn có con chủ yếu vì lí do tài chính.

Đang làm việc tại một công ty công nghệ gần nhà, Thùy Anh cho biết cô đang là người kiếm tiền chủ lực trong gia đình ba người có mẹ và em gái, nên dù chưa quá 30 tuổi nhưng cô đã kiên định sẽ không lấy chồng và sinh con.

“Mục tiêu của tôi là tích lũy thật nhiều tiền để có thể nghỉ hưu sớm, rồi 'bỏ phố về rừng' sống một cuộc sống yên bình với vài chú chó mèo,” cô gái sinh ra và lớn lên tại TP HCM nói với BBC.

Thanh Ngọc, 32 tuổi, đến từ Lâm Đồng, thì không có áp lực về tài chính nhưng cũng chưa muốn lấy chồng sinh con vì cô thấy những việc này không còn quá quan trọng như thời của cha mẹ mình.

“Tôi đi làm trong ngành ngân hàng tại TP HCM được hơn 10 năm. Ở những nơi tôi làm việc và sinh sống thì tỷ lệ ly hôn rất cao. Những đồng nghiệp đã lập gia đình thường khuyên tôi không nên lấy chồng,” Thanh Ngọc cho biết.

Theo Ngọc, hầu hết mọi người xung quanh cô đều có cái tôi khá cao và độc lập về tài chính, những người đã kết hôn thường có vai trò bình đẳng, không phân biệt ai là vợ ai là chồng, và việc nhường nhịn nhau để chung sống hòa bình đôi khi không hề dễ dàng.

Câu chuyện của Thùy Anh và Thanh Ngọc ngày càng trở nên phổ biến trong giới phụ nữ hiện đại ở các thành phố lớn.

Trong đó, nơi đông dân nhất Việt Nam là TP HCM đang chứng kiến tỷ lệ sinh ở mức thấp chưa từng có. Số con trung bình của một phụ nữ TP HCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32, trong khi năm ngoái là 1,42, giảm ở mức báo động.

Mức sinh thấp nhất trong lịch sử

Ngày 8/7/2024, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết con số này khiến thành phố tiếp tục được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.

Trong 21 tỉnh thành này, hầu hết là những địa phương nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Vào ngày 11/7, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), phát biểu trong buổi lễ hưởng ứng ngày Dân số thế giới do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Hà Nội cho biết trong năm 2023, mức sinh của phụ nữ Việt Nam còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử.

Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo, trong khi Việt Nam đặt chỉ tiêu 2,1 con/phụ nữ.

"Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng," ông Dũng nhận định.

chart

Tỷ lệ sinh giảm là một xu hướng không chỉ xảy ra ở mỗi Việt Nam mà đã là vấn đề nan giải của nhiều nước phát triển, khi chí phí để sinh và nuôi một đứa trẻ trở nên rất đắt đỏ và mọi người có nhiều áp lực khác trong cuộc sống, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, nói với BBC.

Bác sĩ Hoàng Tú Anh cho rằng trong vòng 30 năm nữa thì sẽ thấy ảnh hưởng rõ rệt của tỷ lệ sinh thấp lên cơ cấu dân số Việt Nam. Cộng với việc chênh lệch giới tính khi các gia đình muốn sinh con trai trong một thời gian dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy về sau.

Vì đâu nên nỗi?

“Hiện nay, mọi người có những định hướng phát triển cá nhân nhiều hơn thì người ta sẽ có những ưu tiên khác hơn là việc lập gia đình và sinh con,” bác sĩ Tú Anh nhận định.

Nhiều phụ nữ trẻ mà BBC phỏng vấn cho biết những yếu tố chính khiến họ quyết định sống độc thân bao gồm không tìm được người xứng đáng, áp lực tài chính, đánh mất cơ hội việc làm, mối lo về an sinh, xã hội cho đứa trẻ và không bị áp lực từ gia đình.

Thanh Ngọc cho biết dù ban đầu gia đình ở Lâm Đồng cũng hơi tạo áp lực vì cô vẫn chưa lấy chồng, một phần do “những người cùng trang lứa trong xóm đã kết hôn hết” và trong bảy anh chị em trong nhà chỉ còn mỗi Ngọc là chưa yên bề gia thất.

“Ba mẹ nói tôi nên suy nghĩ nếu không lập gia đình thì sau này sẽ cô đơn về già, nhưng họ cũng tôn trọng ý kiến cá nhân của tôi và cũng vui vẻ khi biết con mình sống hạnh phúc,” Ngọc cho hay.

Thùy Anh cũng nói gia đình cô khá thoải mái và tâm lí trong vấn đề này, miễn là cô có thể tự lập và vui vẻ.

“Ở Việt Nam trước đây, đặc biệt là những vùng nông thôn thì người ta sinh nhiều con để có chỗ dựa sau này, nhưng bây giờ đã thay đổi,” bác sĩ Hoàng Tú Anh lý giải.

Chuyên gia này cho rằng, hiện nay người dân có thể độc lập hơn về mặt tài chính và không phải dựa vào con cái khi về già.

Thanh Ngọc, 32 tuổi, cho biết cô đang hài lòng với cuộc sống độc thân, nhưng nếu gặp đúng người đúng thời điểm thì có thể thay đổi suy nghĩ

Thanh Ngọc, 32 tuổi, cho biết cô đang hài lòng với cuộc sống độc thân, nhưng nếu gặp đúng người đúng thời điểm thì có thể thay đổi suy nghĩ

Bình đẳng giới cũng là một lí do quan trọng. Nhiều phụ nữ cho biết họ trì hoãn kết hôn vì không có đối tượng phù hợp, trong đó có Thùy Anh, Thanh Ngọc như đã nêu.

Những điều kiện mà họ đặt ra cho người bạn đời lí tưởng là phù hợp về tính cách và thực sự có tình cảm với mình, hoặc có lập trường và chí tiến thủ, thu nhập bằng mình hoặc hơn mình thì càng tốt, và tôn trọng, hiếu thảo đối với cha mẹ hai bên.

“Hiện tại tôi đang hài lòng với cuộc sống độc thân, nhưng nếu gặp đúng người đúng thời điểm thì có thể thay đổi suy nghĩ”, Phương Ly, sinh năm 87, quản lý nhân sự tại một công ty Nhật ở TP HCM, cho biết.

Nhưng dù nếu gặp người phù hợp, Phương Ly nói rằng cô vẫn không muốn sinh con.

“Hiện tại tôi 37 tuổi, nếu vài năm nữa sinh con thì tôi phải cân nhắc nhiều vì vấn đề sức khỏe của cả mẹ và bé, và khi con mình chưa trưởng thành thì mình đã già rồi, thì sẽ có nhiều rủi ro.”

“Đặc biệt là ở Việt Nam, tôi thấy không yên tâm để chăm sóc và nuôi nấng một đứa trẻ, vì mặt bằng chung là nền y tế và giáo dục không được như các nước phát triển, tôi cảm thấy đứa trẻ sẽ không được phát triển theo ý của mình,” Phương Ly nhấn mạnh.

Vị quản lý nhân sự cho biết với mức thu nhập của mình, cô đang phải đóng khá nhiều thuế nhưng chế độ an sinh thì không có gì.

Phương Ly nói rằng công ty Nhật mà cô đang làm việc cũng rất hỗ trợ cho nhân viên nữ sinh con, vì Nhật Bản vốn là một nước khuyến khích sinh, bao gồm hỗ trợ một tháng lương và cho nghỉ đủ sáu tháng theo quy định của luật.

“Nhưng một tháng lương thì nhằm nhò gì so với nuôi một đứa trẻ mấy chục năm?” cô đặt câu hỏi.

Thanh Ngọc thì nói trong ngành ngân hàng của cô, dù các doanh nghiệp đều tuân thủ chế độ thai sản là cho nhân viên nghỉ sáu tháng, nhưng cô từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp chỉ sau bốn – năm tháng là đã xin đi làm lại, thì lúc đó các bạn phải bỏ ra chi phí để thuê người chăm sóc bé.

Theo tìm hiểu của BBC, có rất nhiều công ty, cơ sở sản xuất ở Việt Nam không thưởng cuối năm cho những lao động nữ nghỉ thai sản trong năm đó vì lí do họ không đi làm hết 12 tháng.

“Chi phí sinh con và nuôi nấng một đứa trẻ gọi là chi phí cơ hội phải trả theo thời gian, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cá nhân và những cơ hội nên người ta phải cân nhắc,” Tiến sĩ Hoàng Tú Anh lí giải.

Tăng tỷ lệ sinh bằng cách tăng trách nhiệm xã hội?

Bộ Y tế Việt Nam cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, góp phần vào sự phát triển dân số bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg năm 2020.

Quyết định này phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó có biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan mới đây đã nhắc lại việc “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng” đối với những người này.

Thanh Ngọc cho rằng khi nhà nước đưa ra một quy định thì sẽ có mặt trái và mặt phải.

“Nếu tôi phải đóng thuế nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn thì tôi sẽ cảm thấy không vui ban đầu, nhưng mà đối với tôi thì cảm thấy đó cũng có một phần hợp lí,” cô cho hay.

“Nếu như mình không sinh thì mình đóng góp một phần cho những đứa trẻ khác hoặc những gia đình khác, thế hệ mầm non tương lai sống tốt hơn thì mình thấy đó là một điều hay,” Ngọc chia sẻ quan điểm.

Ngược lại, Thùy Anh cho rằng nếu quy định đóng góp xã hội đối với người độc thân được áp dụng là không hợp lý, tiếp tục dẫn chứng lí do mức lương ở Việt Nam không cao.

“Cùng một vị trí ở công ty tôi, làm ở Việt Nam thì lương thấp, nhưng nếu sang Malaysia hay Thái Lan thì lương lại cao hơn nhiều, nếu còn bị áp đóng góp vì độc thân nữa thì tôi nghĩ nhiều người như tôi sẽ muốn ra nước ngoài kiếm tiền,” Thùy Anh nói.

Phương Ly cũng cho rằng biện pháp này nếu được áp dụng thí điểm là không công bằng, vì “những người độc thân đã đóng thuế nhiều hơn những người có gia đình vì chúng tôi không được miễn trừ gia cảnh”, nữ quản lý nhân sự nói với BBC.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Nhưng tất cả những người mà BBC phỏng vấn cùng với chuyên gia Hoàng Tú Anh đều cho rằng việc kết hôn và sinh con là quyền tự do của mỗi người và mỗi cá nhân phải thực sự quyết định điều đó.

“Việc người ta muốn có gia đình và gần gũi gắn bó với nhau là một nhu cầu tự nhiên. Tôi nghĩ nếu cơ quan chức năng muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh thì nên tìm hiểu lại vì sao lại có xu hướng này, rồi nghiên cứu và đưa ra những chính sách phù hợp,” Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số nói.

“Nếu chỉ là chuyện vài cá nhân thôi thì không nói, nhưng khi đã có một nhóm người theo xu hướng đó, thì có lẽ là đã có những vấn đề của xã hội khiến người ta đưa ra quyết định như vậy,” bà giải thích.

Trong tuần qua, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khi đề nghị của Bộ trưởng Đào Hồng Lan được truyền thông loan trong ngày 16/8.

“Nhìn ngược lại, người dân có nên 'phạt' chính phủ cũng vì trách nhiệm xã hội mà để kẹt xe, thiếu trường học, bệnh viện,” một bình luận được hàng trăm lượt thích trên Facebook.

Một tài khoản khác cũng nhận về một lượng tương tác lớn trên Facebook viết một đoạn dài với nhiều lí lẽ dẫn chứng:

“Với tư cách người từng trải, giờ gặp ai mình cũng khuyên đừng kết hôn vội, hậu quả bộ trưởng Y tế không gánh hộ mình được đâu. Mình vừa tốt nghiệp đại học đi làm được mấy tháng thì bố mẹ giục nên lấy sớm cho ổn định. Kết quả là gì, đi làm không đủ tháng nên không đủ hưởng bảo hiểm thai sản, lương cả hai vợ chồng đều thấp khó lo được cho gia đình, còn trẻ thiếu kinh nghiệm nên vợ chồng xích mích, chồng thiếu chung thủy phần vì cái xã hội này còn bao che cho việc đàn ông ngoại tình lắm, rồi rắc rối từ vô vàn các mối quan hệ liên quan... Tất nhiên, đây đều là do chính bản thân mình nông cạn nên mình đều khuyên ai chưa kết hôn nên trải nghiệm đi đã, có tài chính đã, cảm thấy gánh vác được hẵng kết hôn với đẻ con.”

Thanh Ngọc cho biết sẵn lòng đóng góp cho xã hội, cộng đồng vì kết hôn muộn hoặc không kết hôn

Thanh Ngọc cho biết sẵn lòng đóng góp cho xã hội, cộng đồng vì kết hôn muộn hoặc không kết hôn

Cần một giải pháp hợp lí

Ngoài việc nhắm đến đối tượng kết hôn muộn hoặc không kết hôn, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương thực hiện chính sách khen thưởng, hỗ trợ, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

Theo đó, các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, căn cứ vào thực tiễn để lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.

Một số tỉnh đã triển khai, mở rộng các mô hình "nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi", "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con"...

Báo Vietnamnet liệt kê từ ngày 15/7/2022, tỉnh Hậu Giang tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng viện phí cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số; hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập.

Tại Tiền Giang, từ năm 2022, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được khen kèm hỗ trợ 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh những địa phương này chưa cải thiện rõ rệt.

Năm 2023, mức sinh ở Cần Thơ là 1,44 con/phụ nữ (năm 2022 là 1,73); Tiền Giang là 1,72 (năm trước đó là 1,66); Cà Mau là 1,55 (năm trước đó là 1,81); Hậu Giang nhích lên 1,52 con/phụ nữ (năm trước là 1,51).

Ảnh minh họa: Số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng giảm

Ảnh minh họa: Số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng giảm

Bác sĩ Hoàng Tú Anh cho rằng những cơ chế như vậy sẽ không mang lại hiệu quả, lập luận rằng việc thúc đẩy mọi người sinh con nhiều hơn như vậy không tập trung vào con người và có thể làm hại đến họ.

“Ví dụ như có một gia đình không khá giả và họ đang phải chịu áp lực rồi, nhưng lại sinh con vì những phần thưởng trước mắt để rồi phải gánh thêm nhiều áp lực,” bà giải thích.

Còn việc áp dụng những biện pháp đóng góp xã hội, cộng đồng cho những người không muốn có con thì bác sĩ Tú Anh cho rằng còn tệ hơn là cơ chế treo thưởng cho những người sinh con. Một trong những lí do bà đưa ra là vì nhóm người không muốn sinh con thường là những người độc lập cả về tài chính và về vị trí trong xã hội.

Theo chuyên gia này, nhà nước nên tập trung giảm gánh nặng của các gia đình có con, chẳng hạn như mở khu trông giữ trẻ hay chăm sóc y tế cho trẻ em ở các khu công nghiệp, nơi các công nhân thường phải gửi con về quê cho ông bà nuôi vì không có điều kiện chăm sóc con cái.

Ngoài ra, bà cho rằng nên có thêm những chương trình tư vấn về sinh con, và quy định về trách nhiệm của những chủ lao động trong việc cung cấp chế độ thai sản, đảm bảo lao động không bị sa thải mà vẫn được hưởng đủ lương, thưởng.

Phương Ly đề xuất nhóm trẻ em bị bỏ rơi hay bà mẹ đơn thân hơn nên được quan tâm hơn là những người độc thân và không muốn kết hôn.

“Xã hội này đã đủ đông rồi, nên dù rất thích trẻ con thì tôi thấy không nhất thiết những mầm non tương lai phải là con của mình sinh ra mới được.”

 

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.