Group News: Tin copy

Theo luật sư phân tích, cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội Hành hạ người khác có lẽ chỉ là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra. 

Có thể thay đổi tội danh 

Liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi bị hành hạ dẫn đến tử vong  ở TP Hồ Chí Minh, ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng với Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, trú quận Bình Thạnh) về hành vi hành hạ trẻ em.

Dưới góc độ pháp lý, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội Hành hạ người khác có lẽ chỉ là bước đầu để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, có thể cơ quan điều tra sẽ thay đổi tội danh sang tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người. 

Với tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS thì mức hình phạt chỉ đến 3 năm tù bởi hành vi hành hạ người khác chỉ có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tổn thương cơ thể chứ không phải là đánh đập gây thương tích hoặc chết người. 

Luật sư: Trường hợp nào dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi có thể phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người? - Ảnh 1.

Bị can Võ Nguyễn Quỳnh Trang

"Trường hợp hành vi hành hạ dẫn đến gây thương tích hoặc nạn nhân thiệt mạng thì phải xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người mới phù hợp với quy định của pháp luật", vị luật sư nêu nhận định.

Trường hợp những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo quy định pháp luật như: cha, mẹ, ông, bà, thầy cô giáo... mà có hành vi đối xử tàn ác đối với trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của trẻ em (nhưng không phải là hành vi gây thương tích hoặc sát hại trẻ em) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác theo điều 185 BLHS.

Pháp luật quy định những người có mối quan hệ đặc biệt là quan hệ hôn nhân, huyết thống mà đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể của người được nuôi dưỡng làm đau đớn về thể xác, tinh thần thì sẽ bị xử lý về tội danh này. 

Đối với những người không có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống theo liệt kê của điều luật thì cũng không áp dụng tội danh này. Tội Hành hạ người khác cũng chỉ áp dụng đối với hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc chết người,

Với hành vi sử dụng vũ lực, bạo lực, đánh đập, hành hạ đến mức gây thương tích hoặc chết người thì sẽ không áp dụng tội danh này mà sẽ xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người.

Trường hợp nào "dì ghẻ" có thể phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người?

Theo luật sư Cường, hành vi sử dụng vũ lực, bạo lực, đánh đập, hành hạ đến mức gây thương tích hoặc chết người thì CQĐT sẽ xem xét về Tội cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người, tùy thuộc vào hành vi cụ thể của người đã đánh đập trẻ em.

CQĐT sẽ làm rõ hành vi của người đánh đập cháu bé, hung khí mà đối tượng sử dụng để đánh đập, diễn biến của từng lần đánh đập để xác định hành vi có thể đến mức làm nạn nhân tử vong hay không. Nhận thức của người đánh trẻ em như thế nào để xác định yếu tố lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật. 

Luật sư: Trường hợp nào dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi có thể phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, hành vi có thể dẫn đến chết người, người đánh trẻ em nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo điều 123 bộ luật hình sự năm 2015. 

Với tội danh này thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tình tiết được áp dụng để định khung hình phạt là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, đối tượng không sử dụng hung khí nguy hiểm, hành vi đánh đập không vào những vùng hiểm yếu. Đối tượng không nhận thức được hành vi của mình dẫn đến việc nạn nhân tử vong, mục đích chỉ là gây thương tích cho nạn nhân, việc nạn nhân tử vong là ngoài ý chí chủ quan thì CQĐT sẽ khởi tố về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp không chứng minh được hành vi có thể dẫn đến chết người, nhận thức của đối tượng gây án về việc hành vi có thể dẫn đến chết người, không chứng minh được mục đích giết người của đối tượng gây án thì sẽ xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134. 

Với hậu quả cố ý gây thương tích làm nạn nhân thiệt mạng thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt quy định tại khoản 5, điều 134 bộ luật hình sự năm 2015 với hình phạt lên đến 15 năm tù.

"Dù việc đánh cháu bé từ bất cứ lý do gì thì hành vi này cũng là hành vi vi phạm pháp luật, người gây ra thương tích, tước đoạt tính mạng của cháu bé cần phải bị nghiêm trị bằng chế tài của pháp luật. Vụ việc xảy ra là bài học cho những bậc làm cha, làm mẹ khi thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm giáo dục, bảo vệ con cái", vị luật sư nêu ý kiến. 

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.