Group News: Tin copy

"Có những thập kỷ mà không có gì xảy ra; và có những tuần mà chuyện của cả thập kỷ dồn nén lại." Đó là câu nói được cho là của lãnh tụ cách mạng Nga Vladimir Ilyich Lenin.

Tốc độ ngoại giao dồn dập của Mỹ đã khiến cả đồng minh lẫn đối thủ đều chật vật để chạy theo khi Mỹ cứ thế lao từ vấn đề này sang vấn đề khác

Tốc độ ngoại giao dồn dập của Mỹ đã khiến cả đồng minh lẫn đối thủ đều chật vật để chạy theo khi Mỹ cứ thế lao từ vấn đề này sang vấn đề khác

 

Nhìn vào cơn lốc ngoại giao xoay quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua, có vẻ ông Lenin đã nói đúng.

Với một tổng thống theo chủ nghĩa bảo hộ và luôn cam kết đặt nước Mỹ lên trên hết, thật bất ngờ khi ông Trump lại đang bận rộn trên sân khấu toàn cầu.

Ông và đội ngũ của mình đã thực hiện các thỏa thuận thương mại ở vùng Vịnh Ba Tư; dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria; đàm phán để một công dân Mỹ bị Hamas bắt giữ được trả tự do; chấm dứt các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen; cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc; yêu cầu Ukraine tổ chức đàm phán với Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ; tiếp tục âm thầm đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân; và thậm chí tuyên bố đã đứng ra làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan...

Tốc độ dồn dập đã khiến cả đồng minh lẫn đối thủ đều chật vật để chạy theo khi đoàn tàu ngoại giao của Mỹ cứ thế lao từ vấn đề này sang vấn đề khác.

 

"Một chữ thôi: Wow!" – một đại sứ tại London thốt lên. "Gần như không thể theo sát mọi thứ đang diễn ra."

Vậy rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra? Tuần lễ điên cuồng này cho chúng ta biết điều gì về chính sách đối ngoại đang hình thành của Tổng thống Mỹ? Liệu có một học thuyết Trump nào đó đang dần định hình – hay tất cả chỉ là một chuỗi sự kiện toàn cầu ngẫu nhiên trùng hợp?

Hào quang và lời ca tụng ở Ả Rập Xê Út

Có lẽ điểm khởi đầu thích hợp là chuyến thăm của tổng thống tới vùng Vịnh Ba Tư, nơi ông thể hiện – qua lời nói và hành động – tầm nhìn của mình về một thế giới kết nối liên quốc gia dựa trên thương mại chứ không phải chiến tranh.

Trong bài phát biểu tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út, ông Trump nói mình mong muốn "thương mại chứ không phải hỗn loạn" ở Trung Đông – một khu vực, theo ông Trump, "[hãy] xuất khẩu công nghệ chứ không phải khủng bố".

Viễn cảnh ông Trump vẽ lên mang màu sắc chủ nghĩa trọng thương nhẹ nhàng, thực dụng, nơi các quốc gia cùng nhau ký kết các thỏa thuận vì lợi ích chung – một thế giới mà lợi nhuận có thể mang tới hòa bình.

Viễn cảnh ông Trump vẽ lên mang màu sắc chủ nghĩa trọng thương nhẹ nhàng,

Viễn cảnh ông Trump vẽ lên mang màu sắc chủ nghĩa trọng thương nhẹ nhàng

Khi tận hưởng những tán thán từ những chủ nhà Ả Rập và sự cung kính từ các quan chức nước ngoài đến dự, tổng thống Mỹ đã ký – bằng chiếc bút dạ to quen thuộc – những thỏa thuận đầu tư vào Mỹ mà Nhà Trắng tuyên bố có giá trị lên tới 600 tỷ USD.

Đây chính là hình ảnh tràn ngập sự hào nhoáng của ông Trump: được tán dương và có ngay những "chiến thắng" có thể mang về trình bày với cử tri như một tin tốt về công ăn việc làm của người Mỹ.

Một số nhà ngoại giao âm thầm bày tỏ hoài nghi về giá trị thực tế của các biên bản ghi nhớ ông Trump đã ký. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng "màn diễn" có lẽ còn quan trọng hơn cả nội dung.

Hướng tiếp cận "chuyện ai nấy lo"

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump hoàn toàn không đề cập tới một hành động tập thể tiềm năng giữa Mỹ và các quốc gia khác; không nói về hợp tác đa phương chống lại mối đe dọa biến đổi khí hậu, không bày tỏ lo ngại về những thách thức đối với tính dân chủ hoặc nhân quyền trong khu vực.

Đây là một diễn ngôn gần như hoàn toàn không đề cập đến hệ tư tưởng hay hệ giá trị, ngoại trừ việc bác bỏ tầm quan trọng của chúng.

Thay vào đó, ông Trump dùng bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo Ả Rập để đưa ra lập luận rõ ràng nhất của mình phản đối chủ nghĩa can thiệp của phương Tây trong quá khứ, công kích những người mà ông gọi là "những kẻ kiến tạo quốc gia giả hiệu và những kẻ theo chủ nghĩa tân bảo thủ" vì "dạy đời các bạn [lãnh đạo Ả Rập] cách sống hoặc cách vận hành việc riêng của mình".

Đáp lại sự tán thưởng của những khán giả Ả Rập, ông Trump nói rằng những "người theo chủ nghĩa can thiệp phương Tây" này đã "phá hủy nhiều quốc gia hơn là xây dựng", đồng thời nói thêm:

"Quá nhiều tổng thống Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi quan niệm cho rằng đó nhiệm vụ của tổng thống Mỹ là soi xét tâm hồn của các nhà lãnh đạo nước ngoài và sử dụng chính sách của Mỹ để thi hành công lý đối với tội lỗi của họ.

"Tôi tin rằng phán xét là công việc của đấng toàn năng. Việc của tôi là bảo vệ nước Mỹ."

Trong quá khứ, Mỹ thường đóng vai trò quan trọng trong việc tìm cách chấm dứt các cuộc đối đầu quân sự ở tiểu lục địa

Trong quá khứ, Mỹ thường đóng vai trò quan trọng trong việc tìm cách chấm dứt các cuộc đối đầu quân sự ở tiểu lục địa

Sự miễn cưỡng can thiệp đó đã được thể hiện trong những ngày gần đây khi Ấn Độ và Pakistan giao tranh.

Trong quá khứ, Mỹ thường đóng vai trò quan trọng trong việc tìm cách chấm dứt các cuộc đối đầu quân sự ở tiểu lục địa. Nhưng Nhà Trắng của ông Trump ban đầu đã thận trọng trong việc tham gia.

Phó Tổng thống JD Vance nói với đài Fox News rằng cuộc giao tranh "về cơ bản không phải là việc của chúng ta... Chúng ta không thể kiểm soát những quốc gia này".

Cuối cùng, cả ông Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đều đã có những cuộc gọi, gây áp lực lên cả hai cường quốc hạt nhân để giảm leo thang. Các quốc gia khác cũng làm vậy.

Khi lệnh ngừng bắn được đồng thuận, ông Trump tuyên bố chính sách ngoại giao của Mỹ đã bôi trơn các thỏa thuận. Nhưng điều đó đã bị các nhà ngoại giao Ấn Độ thẳng thừng bác bỏ. Họ khẳng định rằng đó là một thỏa thuận ngừng bắn song phương.

Ưu điểm của chính sách 'hạt nhân lãnh đạo'

Việc ông Trump là hạt nhân quyền lực trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng trở nên rõ ràng trong tuần này.

Đây không đơn thuần là một sự thật hiển nhiên.

Điều hiện rõ là việc các bộ phận khác của chính phủ Mỹ ít tham gia vào sự việc. Đó là những cơ quan có truyền thống đóng vai trò định hình các quyết sách đối ngoại của Mỹ.

Điển hình là quyết định khác thường của ông Trump về việc gặp gỡ tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, một cựu chiến binh thánh chiến, và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria.

Điều này cho thấy lợi thế tiềm năng của việc chính sách đối ngoại nằm trong tay một người: một bước đi quyết đoán và táo bạo.

Và rõ ràng đó là quyết định cá nhân của tổng thống, sau những vận động hành lang mạnh mẽ từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út.

Một số nhà ngoại giao cho rằng đó là việc đáp lại những tâng bốc ngoại giao và thỏa thuận đầu tư mà ông Trump nhận được ở Riyadh.

Quyết định này không chỉ gây bất ngờ cho nhiều người trong khu vực mà còn cho nhiều người trong chính phủ Mỹ.

Các nhà ngoại giao nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã miễn cưỡng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, muốn duy trì một số đòn bẩy đối với chính phủ Syria mới, lo ngại rằng chính phủ này chưa làm đủ để bảo vệ các nhóm thiểu số và giải quyết vấn đề các chiến binh ngoại quốc.

Các nhà ngoại giao cũng đánh giá kiểu ra quyết định bốc đồng mà không thảo luận rộng rãi trong nội bộ chính phủ như thế này là điều phổ biến ở Nhà Trắng. Họ cho rằng kết quả không phải lúc nào cũng tích cực.

Một tấm biển ở Damascus (Syria) nói cảm ơn Mỹ và Ả Rập Xê Út sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ

Một tấm biển ở Damascus (Syria) nói cảm ơn Mỹ và Ả Rập Xê Út sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ

Điều này một phần là do sự thiếu nhất quán của ông Trump (hay nói đơn giản là việc ông đổi ý).

Lấy ví dụ về quyết định trong tuần này về việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để cắt giảm thuế quan thương mại với Mỹ. Vài tuần trước, ông Trump đã áp đặt mức thuế 145% lên Bắc Kinh, kèm theo những lời cảnh báo quyết liệt đối với hành động trả đũa.

Trung Quốc đã trả đũa, thị trường lao dốc, các doanh nghiệp Mỹ cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, tại Geneva, các quan chức Mỹ đã nhượng bộ và hầu hết các mức thuế đối với Trung Quốc đã được cắt giảm xuống còn 30%, được cho là để đổi lại việc Mỹ tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Điều này đi theo một mô hình hiện đã quen thuộc: đưa ra những yêu sách cực đoan, đe dọa sẽ có những điều tồi tệ hơn, đàm phán, nhượng bộ và tuyên bố chiến thắng.

Những hạn chế của 'nghệ thuật đàm phán'

Vấn đề là chiến lược "nghệ thuật đàm phán" này có thể hiệu quả đối với những quyết định dễ đảo ngược như thuế quan, nhưng sẽ khó áp dụng hơn đối với những vấn đề ngoại giao dài hạn phức tạp như chiến tranh.

Hãy xem xét việc Nga tấn công Ukraine. Về vấn đề này, chính sách của ông Trump tương đối uyển chuyển, nói nhẹ là vậy. Và tuần này là một ví dụ điển hình.

Thứ Bảy tuần trước (10/5), lãnh đạo Vương Quốc Anh, Pháp, Ba Lan và Đức đã tới Kyiv để thể hiện sự ủng hộ dành cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Và trong cuộc gọi nhóm với ông Trump trên điện thoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, họ đã trình bày chiến lược của mình là yêu cầu Nga đồng ý ngừng bắn ngay lập tức trong 30 ngày hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.

Đó cũng là chính sách của ông Trump. Chỉ một ngày trước đó, ông đã viết trên mạng xã hội rằng: "Nếu lệnh ngừng bắn không được tôn trọng, Mỹ và các đối tác của mình sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo."

Nhưng rồi vào Chủ nhật 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi ý về một cuộc hội đàm trực tiếp giữa Nga và Ukraine vào ngày 15/5 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Trump lập tức đồng ý với điều đó, rút lại chiến lược mà ông đã thỏa thuận với các lãnh đạo châu Âu một ngày trước đó.

"Ukraine nên đồng ý (tham gia các cuộc đàm phán này) ngay lập tức," ông viết trên mạng xã hội. "Tôi bắt đầu nghi ngờ việc Ukraine sẽ thỏa thuận với Putin."

Sau đó, vào thứ Năm 15/5, ông Trump lại thay đổi quan điểm, nói rằng chỉ khi ông và ông Putin gặp mặt trực tiếp thì một thỏa thuận mới có thể đạt được.

Điều này khiến một số nhà ngoại giao bối rối.

"Liệu có phải ông ấy thực sự không biết mình muốn làm gì về cuộc chiến ở Ukraine không?" một người nhận xét với tôi.

"Hay ông ấy chỉ vơ lấy những gì có thể mang lại giải pháp nhanh nhất có thể?"

Coi thường Netanyahu?

Trong tuần này đã có thêm hai quyết định khác được thêm vào sự hỗn độn khó hiểu hiện tại.

Đầu tiên là việc ông Trump chấp thuận một lệnh ngừng bắn sau một chiến dịch thả bom lực lượng Houthi mà đã kéo dài gần hai tháng ở Yemen.

Đã có những nghi vấn về tính hiệu quả của các cuộc không kích siêu tốn kém này, và về sự sẵn lòng của tổng thống cho một chiến dịch quân sự kéo dài. Ông Trump liên tục nói với các chủ nhà Ả Rập rằng ông ghét chiến tranh tới nhường nào.

Thứ hai, ông Steve Witkoff, đặc phái viên của ông Trump, đã tiến hành vòng đàm phán thứ tư với Iran về các nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của họ.

Cả hai bên đều ám chỉ rằng một thỏa thuận là có thể, mặc dù những người hoài nghi lo ngại rằng thỏa thuận ấy có thể khá khiêm tốn. Những lời bàn tán về hành động quân sự chung giữa Mỹ và Israel chống lại Iran dường như đã tan biến.

Theo một số người quan sát, dường như ông Netanyahu đã bị ông Trump lạnh nhạt trong tuần này.

Một số nhà quan sát cho rằng ông Trump có thái độ lạnh nhạt với ông Netanyahu trong tuần này

Điều kết nối hai vấn đề này là việc hành động của Mỹ trực tiếp đi ngược lại mong muốn của Israel. Dù Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là lãnh đạo đầu tiên được mời đến Phòng Bầu dục sau lễ nhậm chức của Trump, ông dường như bị coi thường trong những ngày gần đây.

Ông Trump đã có chuyến đi quanh Trung Đông mà không đến Israel; ông đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria mà không có sự ủng hộ của Israel. Lệnh ngừng bắn với Houthi được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhóm này tấn công sân bay Tel Aviv của Israel.

Các nhà ngoại giao lo ngại về phản ứng của ông Netanyahu. Liệu thủ tướng Israel đang bị hắt hủi có thể đáp trả bằng một chiến dịch quân sự hung hăng hơn ở Gaza không?

Chủ nghĩa tư bản vượt lên trên xung đột

Vậy sau tuần lễ ngoại giao đầy hỗn loạn này, có bao nhiêu sự thay đổi? Có lẽ ít hơn vẻ bề ngoài của nó.

Bất chấp những hào choáng trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump, cuộc chiến và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza vẫn chưa được giải quyết.

Một cuộc tấn công mới của Israel dường như sắp xảy ra. Một trong những mục tiêu chính của ông Trump - bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Ả Rập - vẫn còn xa vời.

Bất chấp tất cả những cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, khả năng ngừng bắn cũng không cao hơn. Tham vọng của ông Putin dường như không thay đổi. Và bất chấp tất cả các thỏa thuận cắt giảm thuế quan của Mỹ, dù là với Anh hay Trung Quốc, thị trường toàn cầu vẫn đối mặt với tình hình bất ổn cao.

Chúng ta thấy được hệ tư tưởng toàn cầu của Trump rõ ràng hơn, một hệ tư tưởng không phải là chủ nghĩa biệt lập mà là chủ nghĩa trọng thương, với hy vọng lạc quan rằng chủ nghĩa tư bản có thể vượt lên trên xung đột.

Chúng ta hiểu rõ hơn về sự vội vàng của tổng thống Mỹ, mong muốn của ông về việc hoàn thiện hết các vấn đề ngoại giao của mình - ở Trung Đông, Ukraine và tiểu lục địa - để toàn tâm toàn ý tập trung vào mối quan tâm chính - Trung Quốc.

Nhưng đó có thể là một tham vọng khó nắm bắt. Nếu chuyện của nhiều thập kỷ có thể được dồn nén lại trong vài tuần, thì cũng có những tuần mà chẳng có gì xảy ra cả.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.