Group News: Tin copy

Một thẩm phán liên bang Mỹ nói rằng việc trục xuất 8 người đàn ông đến Nam Sudan, trong đó có một công dân Việt Nam, đã vi phạm lệnh của tòa đưa ra trước đó rằng những người nhập cư phải được phép kháng cáo lệnh trục xuất đến các nước thứ ba, theo hồ sơ tòa án.

trump và cờ nam sudan

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC

 

Phán quyết này được đưa ra vào ngày 21/5 giờ địa phương.

Tại phiên điều trần diễn ra cùng ngày, Thẩm phán Brian Murphy tại Tòa án sơ thẩm liên bang cho biết các nhà chức trách đã vi phạm lệnh của toà án trong vụ kiện này do không cung cấp cho sáu trong tám người người nhập cư một "cơ hội có ý nghĩa" để đưa ra các yêu cầu được bảo vệ trước khi họ bị bắt đầu trục xuất sang một nước thứ ba.

"Tôi không hiểu làm thế nào bất kỳ ai có thể nói rằng những cá nhân này đã có cơ hội phản đối có ý nghĩa," CBS, đối tác tin tức của BBC, dẫn lại lời của Thẩm phán Murphy tại phiên điều trần.

Các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các lệnh của ông Murphy không rõ ràng và đã dẫn đến "hiểu lầm".Theo hãng tin Reuters, tại phiên điều trần, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) cho biết tám người đàn ông đến từ Cuba, Lào, Mexico, Myanmar, Việt Nam và Nam Sudan đã bị trục xuất.

 

Những người này bị kết án về tội giết người, cướp có vũ khí và các tội nghiêm trọng khác, cũng theo DHS.

Sáu trong số họ nằm trong diện lệnh của Thẩm phán Murphy.

Người phát ngôn DHS, bà Tricia McLaughlin, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trước phiên điều trần: "Đây là những con quái vật mà thẩm phán quận đang cố gắng bảo vệ."

Thẩm phán nói gì trong hồ sơ tòa án?

Thẩm phán Brian Murphy

Hình ảnh Thẩm phán Brian Murphy vào tháng 4/2024

Trong hồ sơ tòa án mà BBC tiếp cận được, ông Murphy cho biết dù có ghi nhận mọi lời giải thích của các quan chức, bao gồm DHS, những người nhập cư này đã nhận được thông báo chưa đầy 24 giờ trước khi bị đưa lên máy bay để đến một quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo khuyên công dân Mỹ "không nên đến" vì "tội phạm, bắt cóc và xung đột vũ trang."

Một ngày trước khi có thông tin họ bị trục xuất, thẩm phán Murphy đã ra lệnh cho các quan chức giữ những người đàn ông này lại, vì lo ngại giới chức Hoa Kỳ đã vi phạm lệnh cấm của ông về việc đưa người nhập cư đến các quốc gia không phải quê hương của họ mà không cho phép họ nêu lên những lo ngại.

Luật sư của những người nhập cư nói gì?

Theo một văn bản các luật sư của nhóm người nhập cư này gửi đến tòa hôm 20/5 mà BBC News Tiếng Việt tiếp cận được, một người mang quốc tịch Myanmar và một người khác mang quốc tịch Việt Nam lần lượt được nhắc đến là N.M và T.T.P, đã không được các nhà chức trách cho cơ hội xin bảo hộ theo Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc (CAT) đối với Nam Sudan.

N.M., với khả năng tiếng Anh hạn chế, đã từ chối ký thông báo trục xuất đến Nam Sudan, vốn chỉ được cung cấp cho ông bằng tiếng Anh.

Ông T.T.P. cũng từ chối ký. Thông báo của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ gửi đến ông không bao gồm bất kỳ thông tin nào về việc liệu hoặc làm thế nào ông có thể được luật pháp bảo vệ vì những lo sợ bị ngược đãi khi bị trục xuất đến Nam Sudan.

Sáng 20/5 giờ Mỹ, một nhân viên trại giam nói với các luật sư qua email rằng N.M. đã bị trục xuất sáng cùng ngày đến Nam Sudan.

Cùng thời điểm, nhóm luật sư cũng đã nhận được thông báo rằng T.T.P dường như đã chịu chung số phận giống N.M., cũng như thông tin rằng có khả năng có ít nhất 10 thành viên khác trên chuyến bay đến Nam Sudan.

Các luật sư cho rằng hai ông N.M. và T.T.P. "đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng" là bị tước đoạt các quyền đã được luật định và bị trục xuất đến một quốc gia nơi họ có khả năng phải đối mặt với án tù, tra tấn hoặc thậm chí là cái chết.

Vì T.T.P và các thành viên khác trong nhóm sẽ bị hoặc đã bị trục xuất đến Nam Sudan, các luật sư hôm 20/5 yêu cầu tòa án ra phán quyết ngay lập tức để đưa những người này trở lại Mỹ và chặn tất cả các chuyến bay đưa thân chủ của họ đến Nam Sudan hay bất kỳ đất nước thứ ba nào cho đến khi các nhà chức trách đưa ra bằng chứng chứng minh họ đã làm theo yêu cầu đề ra trong lệnh của tòa.

Theo Reuters, trước khi bị trục xuất, T.T.P đã bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Port Isabel ở bang Texas. Người này bị kết tội giết người, Elianis Perez, luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói trong phiên điều trần hôm thứ Ba 20/5.

BBC News Tiếng Việt đang liên hệ với các luật sư để xác định tình hình của ông T.T.P.

Tính đến chiều ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc công dân của mình bị Mỹ trục xuất sang Nam Sudan.

Trước đó, vào tháng 2/2025, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ về nhận trở lại công dân trên tinh thần các thỏa thuận đã ký.

Trung tâm giam giữ Port Isabel ở bang Texas chụp vào 6/2024

Trung tâm giam giữ Port Isabel ở bang Texas chụp vào 6/2024

Thẩm phán yêu cầu chính quyền làm gì?

Trong khi đó, theo phán quyết của tòa hôm 21/5 mà BBC News Tiếng Việt tiếp cận được, thẩm phán Murphy đã yêu cầu các quan chức cho những người đàn ông này phỏng vấn sau khi có thông báo đến họ ít nhất 72 giờ để đánh giá xem họ có bất kỳ nỗi lo sợ chính đáng nào khi đến Nam Sudan hay không.

Mọi trường hợp trục xuất sang nước thứ ba phải được thông báo bằng văn bản cho cả người nhập cư và luật sư của họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu.

Sau khi nhận được thông báo, họ phải có cơ hội hợp lý, ít nhất là 10 ngày, để đưa ra yêu cầu bảo vệ theo Công ước Chống Tra tấn trước khi bị trục xuất.

Nếu người nhập cư chứng minh được lo sợ của họ về trục xuất sang nước thứ ba là hợp lý, chính quyền phải tiến hành mở lại hồ sơ nhập cư của họ.

Nếu họ không chứng minh được lo sợ của họ là hợp lý thì chính quyền phải tạo cơ hội hợp lý, ít nhất là 15 ngày, để những người này có thể yêu cầu mở lại hồ sơ nhập cư của mình.

Theo Reuters, Thẩm phán Murphy nói với các luật sư rằng mặc dù ông có quyền đưa những người đàn ông này trở lại Mỹ, nhưng Bộ An ninh Nội địa có quyền tự quyết để giữ họ ở nước ngoài.

''Mặc dù tòa án không ra lệnh [cho họ] quay lại, nhưng tòa án đã yêu cầu chính phủ tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm nguyên đơn của chúng tôi bày tỏ nỗi lo sợ bị tra tấn ở Nam Sudan - một quốc gia mà những cá nhân này không có bất kỳ mối liên hệ nào, đang trong tình trạng hỗn loạn và trên bờ vực nội chiến," bà Trina Realmuto, luật sư đã bảo vệ cho các kiến nghị của những người nhập cư trong vụ việc này, nói trong một tuyên bố.

Hai luật sư Anwen Hughes (trái) và Trina Realmuto phát biểu với các phóng viên bên ngoài tòa án liên bang tại thành phố Boston sau khi một thẩm phán phán quyết vào ngày 21/5/2025 rằng chính quyền Trump đã vi phạm lệnh của tòa án khi cố gắng trục xuất người nhập cư đến Nam Sudan
Hai luật sư Anwen Hughes (trái) và Trina Realmuto phát biểu với các phóng viên bên ngoài tòa án liên bang tại thành phố Boston sau khi một thẩm phán phán quyết vào ngày 21/5/2025 rằng chính quyền Trump đã vi phạm lệnh của tòa án khi cố gắng trục xuất người nhập cư đến Nam Sudan

Trước đó, vợ của ông T.T.P. đã gửi email cho luật sư của ông và cho biết một nhóm khoảng 11 người, trong đó có ông T.T.P., được cho là đã bị trục xuất. Nhóm này bao gồm công dân Lào, Thái Lan, Pakistan và Mexico.

"Xin hãy giúp đỡ!" người vợ viết trong email. "Họ không thể được phép làm điều này."

Thẩm phán Murphy cho biết ông sẽ quyết định vào một ngày khác liệu ông có buộc các quan chức Bộ An ninh Nội địa tội coi thường tòa án hay không.

Phán quyết của ông là một trong những lời phản bác mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với chính quyền Trump kể từ khi tổng thống bước vào nhiệm sở hồi đầu năm nay.

Khi tranh cử vào Nhà Trắng lần hai, ông Trump đã cam kết trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực đẩy mạnh trục xuất của ông đã bị các tòa án ngăn cản.

Nam Sudan, quốc gia non trẻ nhất thế giới, đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu ngay sau khi giành độc lập vào năm 2011.

Trước đó, chính quyền Trump đã yêu cầu một số quốc gia chấp nhận việc trục xuất người nhập cư đến Mỹ.

Đầu tháng 5/2025, Rwanda xác nhận họ đang tiến hành các cuộc đàm phán như vậy với Mỹ, trong khi các nước Benin, Angola, Equatorial Guinea, Eswatini và Moldova cũng đều đã được truyền thông nhắc đến.

Đây không phải lần đầu tiên công dân Việt Nam nằm trong nhóm người bị trục xuất sang một nước thứ ba tại châu Phi khi đang cố nhập cư vào điểm đến phương Tây.

Năm 2024, người Việt Nam cũng nằm trong nhóm công dân nước ngoài có thể bị Anh trục xuất sang Rwanda ở Châu Phi, theo Dự luật Rwanda.

Theo đó, bất kỳ ai "vào Vương quốc Anh bất hợp pháp" sau ngày 1/1/2022 đều có thể bị đưa đến Rwanda, không giới hạn số lượng.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.