Được tin Bà vừa từ trần tại California, hưởng thọ 90 Tuổi. Tuy nhiên, đó cũng là niềm hãnh diện cho chúng tôi mỗi khi nhớ đến cuộc đời thật trọn vẹn của một vị đệ nhất phu nhân và cũng là tấm gương sáng cho tất cả phụ nữ miền nam VN của chúng tôi.
May be an image of 4 people and people standing
Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Thị Mai Anh
Người dân miền Nam sẽ mãi nhớ đến Công Đức của Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Thị Mai Anh - nhân hậu trọn nghĩa vẹn tình, đến những đóng góp cao đẹp của Bà, một vị Phu Nhân chỉ biết thương và lo cho dân .Đó là những lời Bố tôi đã đôi lần nhận xét về Phu Nhân Nguyễn Văn Thiệu. Có lẽ vì ngày trước Bố tôi từng làm việc nhiều năm tại bộ tổng tham mưu và thường có những cuộc họp định kỳ tại phủ tổng thống nên bố tôi hẳn đã có dịp tiếp xúc gặp gỡ vị Phu Nhân khả kính này ?
Là hậu duệ VNCH ,chúng tôi xin được gửi lời thành kính phân ưu và cầu nguyện đến gia đình của Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Thị Mai Anh. Xin chia sẻ nỗi đau cùng tang quyến. Nguyện xin Chúa nhân từ sớm đưa linh hồn Phu Nhân Mai Anh về hưởng Nhan Thánh Chúa .
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình Công giáo có mười anh chị em. Đệ Nhất Phu Nhân Mai Anh được sinh trưởng và lớn lên ở thành phố Mỹ Tho, nơi có nhiều giai nhân tài sắc của nước Việt. Chẳng hạn như Bà Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam Phuơng Hoàng Hậu vợ của Hoàng Đế Bảo Đại và Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dụ (Bảo Sanh Viện Từ Dũ ở Sàigòn) cũng được sanh ra ở Gò Công.
Lúc trẻ, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng người em gái Tám Hảo được lên Sài Gòn để đi học. Do gia đình quen biết với dược sĩ Huỳnh Văn Xuân, làm việc ở viện bào chế Trang Hai, hai chị em Bà được giới thiệu vào làm trình dược viên tại Viện bào chế Roussell. Chính ông Huỳnh Văn Xuân đã làm mai cho Trung Uý Nguyễn Văn Thiệu quen Cô Mai Anh. Mặt khác, cậu ruột của Bà Mai Anh là Đặng Văn Quang cũng là bạn đồng khóa Trường Võ bị Đà Lạt với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nên cả hai dễ có cơ hội nên duyên vợ chồng, dù có chút trở ngại vì gia đình Bà theo đạo Công giáo. Ông Bà chính thức làm lễ cưới vào năm 1951. Đến năm 1958, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mới rửa tội theo Công giáo.
 
Phu Nhân có nét đẹp sang trọng quí phái trang nhã, cùng một tấm lòng Nhân Hậu và Bác Ái với Đức Hạnh cao quý. Ngoài tài sắc vẹn toàn và công dung ngôn hạnh, Phu Nhân Mai Anh là người rất có Tâm và Nhân Đức.
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà chỉ chú tâm vào các hoạt động xã hội.
Ở cương vị Đệ Nhất Phu Nhân, Bà rất thông cảm với sự thiếu thốn tại những trung tâm y tế phục vụ người dân. Vì thế, sau nhiều năm hoạt động xã hội, Bà chính là người đã gợi ý và khởi xướng thành lập một bệnh viện phục vụ người dân ngay tại thủ đô Sàigòn.
Bệnh viện Vì Dân tọa lạc tại ngã tư Bảy Hiền, thường được giới bình dân Sàigòn đặt tên là Nhà thương Bà Thiệu, là bệnh viện tư nhân, nhưng được điều hành như bệnh viện công. Người dân nghèo vào khám và chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn.
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Bệnh Viện Vì Dân được cử hành vào ngày 17 tháng 8 năm 1970 và được khánh thành vào ngày 4 tháng 9 năm 1971 dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phu Nhân . Bệnh Viện Vì Dân là Bệnh Viện cao cấp nhất của Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ vì có đầy đủ những dụng cụ y khoa tối tân và áp dụng nhiều phương pháp chữa trị tân tiến nhất. Nhờ sự tín nhiệm và giúp đỡ của các nhà Hảo tâm, các Cơ quan Từ thiện trong nước và ngoại quốc, các Cơ quan quốc tế, và các quốc gia bạn, nên việc xây cất và trang bị các phương tiện y khoa được tiến hành rồi hoàn tất một cách nhanh chóng và đầy đủ.
Bệnh Viện Vì Dân được trang bị với 400 giường bệnh cho nhiều phân khoa khác nhau: khoa Ngoại và Nội trú, khoa giải phẫu, khoa xét nghiệm, khoa tai mũi họng, khoa quang tuyến, nhãn khoa, khoa nhi đồng, nhà thuốc tây...Bệnh Viện Vì Dân là bệnh viện lớn và tân tiến nhất ở miền Nam lúc bấy giờ, có được nhiều vị Bác Sĩ và Y Tá chuyên môn kính nghiệm ,với những dụng cụ y khoa tân tiến nhất.
 
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức trên Đài Truyền hình số 9 tại Sàigòn. Sau đó Tổng Thống cùng gia đình rời khỏi Việt Nam vào đêm 25 tháng 4 và bay tới Đài Loan, nơi mà trước đây ông Nguyễn Văn Kiểu, anh của Tổng Thống Thiệu từng làm Đại sứ để định cư tại đây một thời gian.
Sau khi con trai thứ hai, Nguyễn Quang Lộc sang Anh học, thì cả nhà cũng dời sang London định cư, và sinh sống ở đó trong suốt 15 năm. Khi mấy người con muốn sang Mỹ để tiếp tục học lên, thì ông bà cũng qua Mỹ định cư tại Boston vì Bà Mai Anh muốn sống gần các con của mình.
 
Ông bà có 3 người con là:
* Nguyễn Thị Tuấn Anh (Trưởng nữ)
* Nguyễn Quang Lộc (Trưởng nam)
* Nguyễn Thiệu Long (Thứ nam)
Ngày 29 tháng 9 năm 2001, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ trần tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess Medical Center thuộc thành phố Boston, Massachusetts, sau khi bị đột quỵ ở nhà. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được an táng tại Boston, hưởng thọ 78 tuổi.
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có lần nói: “Tôi mong có dịp về lại Việt Nam thăm mồ mả Ông Bà, và mang tro cốt của ổng (chồng, Nguyễn Văn Thiệu) về khi đất nước bình yên; Ông Già có trối rằng: “Nếu được thì đem chôn tại quê ông ở Phan Rang, nếu không thì rải một nửa xuống biển và một nửa trên núi”, Bà nói như vậy về ước vọng của Bà như một phụ nữ Việt Nam bình thường vẫn nhớ về quê hương, không quên ơn Tổ tiên của mình.
 
Một vi sĩ quan từng làm việc trong Dinh Độc Lập dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói về Bà như sau: "Tôi luôn luôn giữ lòng quý mến đối với Tổng thống Phu nhân. Bà lúc nào cũng giữ nếp sống bình dị của người đàn bà phúc hậu, bao dung của sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tôi, Bà Thiệu là hình ảnh một người mẹ, một người vợ hiền đảm đang hơn là một vị Đệ Nhất Phu nhân sống trong tột đỉnh của quyền thế và nhung lụa giàu sang. Bà Thiệu là người đáng kính, không có cái kênh kiệu của một người có quyền thế vì Bà là một người đứng cạnh chồng, chỉ biết lo cho gia đình mà thôi.
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc nào cũng vui vẻ và thân thiện với tất cả mọi người chung quanh. Khuôn mặt phúc hậu và nhân cách của Bà làm người đối diện cảm thấy gần gũi và kính trọng. Bà không bao giờ câu nệ về cách cư xử của nhân viên thuộc cấp. Mỗi lần gặp mặt, Bà luôn luôn lên tiếng hỏi thăm sức khỏe chúng tôi trước, không kịp để chúng tôi chào Bà. Điều đặc biệt là Bà không bao giờ đề cập đến bất cứ chuyện gì có liên quan đến việc làm của Tổng Thống Thiệu với chúng tôi. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chỉ có một lần duy nhứt tôi nghe Bà than phiền với ông Thiệu bằng lời lẽ rất ôn tồn về một nhân vật có đầy quyền thế tại Phủ Tổng thống trong lúc tôi đang đứng bên cạnh.”
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thường đi ủy lạo Thương binh ở khắp bốn vùng chiến thuật cũng như tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Đồng thời bà còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và từ thiện nữa. Nhận thấy xã hội còn nhiều nhiễu nhương nên Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã thành lập "Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội" vào ngày 1 tháng 6 năm 1968 để an ủi và giúp đỡ dân nghèo bệnh tật. Bà nói: "Xã hội bây giờ đang nhiễu nhương. Phụ nữ phải tham gia làm công tác xã hội với sự yêu thương và đồng cảm để có thể xoa dịu phần nào sự đau khổ của họ".
 
Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dành hầu hết thì giờ của mình để cứu trợ những người tỵ nạn chiến tranh, quả phụ mất chồng trong cuộc chiến và đặc biệt là những cô nhi bị bỏ rơi. Trong một lần đi thăm trẻ em mồ côi ở cô nhi viện Don Bosco tại Sàigòn thì Bà bồng một em bé lên, với khuôn mặt rạng rỡ và nụ cười rất tươi Bà nói với mọi người hiện diện rằng: "Một trong những đặc ân mà tôi thích nhất là cái ngày mà tôi được quyền gọi các em cô nhi là các con của tôi."
Nhân lúc bế mạc khóa học dành cho những bà vợ của thành viên nội các tại Dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4 năm 1968, Phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói: "Phụ nữ, ngoài nhiệm vụ ở hậu phương là yểm trợ tiền tuyến bằng cách giúp băng bó những vết thương mà còn có thể xông pha ngoài chiến trận để đánh giặc như Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị nữa. Tôi nghĩ rằng phụ nữ nên tự nguyện học một khóa căn bản về quân sự để có chút hiểu biết hầu có thể giúp đỡ tiền tuyến lúc cần thiết".
 
Không những thường xuyên đi hiến máu, Bà còn khuyến khích mọi người đi hiến máu như Bà. Năm nào Bà cũng tham dự ngày lễ diễn hành Hai Bà Trưng. Ngay cả hiện tại ở Mỹ Bà vẫn tham dự ngày giỗ Hai Bà hằng năm.
 
Vào năm 1972, một người Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên Bà Nguyễn Thị Mai Anh đặt cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh. Nhân dịp này tên của Bà Đinh Thúy Yến (Phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm) cũng được đặt tên cho một giống Lan: Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen.
 
Vì khuôn khổ giới hạn nên không thể kể hết ra đây những việc làm của Phu Nhân Mai Anh cho dân chúng miền Nam Việt Nam. Mặc dầu Bà không bao giờ muốn nhắc đến nhũng công việc từ thiện đã thực hiện, nhưng người dân miền nam VN mãi khắc ghi những đóng góp quí báu của Bà.
 
Được biết kể từ năm 2019 , Đệ Nhất Phu Nhân Mai Anh đã bắt đầu yếu dần và không còn minh mẫn như xưa nên người con trai lớn là Nha Sĩ Nguyễn Quang Lộc đã đón Phu Nhân về thành phố San Diego ở với gia đình của anh. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, Phu Nhân từng sống một mình ở Santa Ana, CA.
Đó là cốt cách của Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Tổng Thống VNCH Nguyễn Thị Mai Anh, một mệnh phụ xứng đáng là bậc Mẫu Nghi thiên hạ của Việt Nam Cộng Hòa.
( tóm lược từ tin tổng hợp )
 
 

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.