Những vụ thảm án người thân liên tục xảy ra gần đây không chỉ mang đến tang thương cho chính gia đình xảy ra vụ việc mà còn ám ảnh tâm lý cộng đồng.

 

Sát hại gia đình em trai rồi cầu xin linh hồn tha thứ

Còn nhớ câu chuyện đau lòng xảy ra tại cụm 2 xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội vào khoảng 7h30 ngày 1/9/2019, khi Nguyễn Văn Đông (SN 1966) dùng dao thảm sát gia đình em trai là ông Nguyễn Văn Hải (SN 1969).

Ngày hôm đó, Đông mang dao đến cổng nhà em trai đâm, chém hàng loạt từ em dâu là bà Doãn Thị Việt (SN 1970), em trai Nguyễn Văn Hải, cháu Nguyễn Thị Bắc (con gái ông Hải), cháu Đỗ Thị Hồng Nhung (con dâu ông Hải) và con gái nhỏ hơn 1 tuổi của chị.

Hậu quả quá đau lòng khi có tới 4 người chết, riêng chị Nhung được cấp cứu kịp thời nhưng đã tổn hại 56% sức khỏe.

Bí ẩn thê lương sau những vụ thảm án người thân
Nguyễn Văn Đông đã phải nhận án tử hình cho hành vi phạm tội của mình

Nguyên nhân gây án của Đông được xác định là do mâu thuẫn đất đai.

Ngày bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Đông khai: "Lúc đó bị cáo nóng nảy, không biết thế nào lại ra tay sát hại toàn bộ người nhà mình".

Bị cáo Đông òa khóc xin vong hồn các cháu, em tha thứ. Nhưng những giọt nước mắt muộn mằn không cứu ông ta thoát được án tử hình.

Ra trại về lại tiếp tục sát hại người thân 

Ngày 22/10, Công an tỉnh Bắc Giang phát đi thông báo truy tìm Trần Văn Hiếu (SN 1974, trú thôn Tuấn Mỹ, xã Tân Thanh), nghi can sát hại bố mẹ và em gái.

Nạn nhân trong vụ án là ông Trần Đình L. (SN 1949, bố của Hiếu), bà Bùi Thị Th. (SN 1949, mẹ Hiếu) và em gái Hiếu, tên Trần Thị Th. (SN 1976).

Hiếu từng phải thi hành án tù 6 năm vì chém vợ. Vừa mãn hạn tù vào ngày 13/10, anh ta tiếp tục gây vụ thảm án.

Bí ẩn thê lương sau những vụ thảm án người thân
Trần Văn Hiếu

Ngày 24/10, Hiếu bị lực lượng công an bắt giữ tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sau 3 ngày lẩn trốn

Tại CQĐT, Hiếu khai, do thời gian chấp hành án phạt tù, nhiều lần đề nghị gia đình đưa 2 con đến trại thăm nuôi không được, nên nảy sinh ý định sát hại bố mẹ và em gái.

Trong một diễn biến khác xảy ra vào sáng ngày 16/1, tại bản Co Phày, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu), Lường Văn Sáu (SN 1993) đã sát hại bố mẹ và em trai.

Theo kết quả điều tra, thấy Sáu châm lửa đốt bếp gas, bà V.T.S (SN 1968, mẹ Sáu) vào can ngăn thì bị con trai chém chết.

Thấy vậy, Lường Văn H. (SN 1999, em trai Sáu) can ngăn cũng bị Sáu truy sát gây nhiều vết thương. Anh H. cố thoát thân, bỏ chạy ra ngoài và được người dân đưa đi cấp cứu.

Sau khi xuống tay với mẹ và em trai, Sáu tiếp tục cầm dao ra cổng và đâm, chém ông Lường Văn P. (SN 1968, bố của Sáu) nhiều nhát, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Gây án xong, Sáu tự cắt cổ chết. Theo người thân trong gia đình, trước khi gây án vài ngày, kẻ sát nhân có biểu hiện thần kinh không ổn định.

Những con số đau lòng

Theo một thống kê của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, trong 6 năm (từ năm 2014 đến 2019), toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người. Trong đó, có 6.571 vụ án do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%).

Số vụ án giết người có năm tăng, năm giảm nhưng luôn ở mức cao, trung bình hằng năm xảy ra khoảng 1.140 vụ, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng 3 vụ.

Phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 7/2020, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, diễn biến về tội phạm do nguyên nhân xã hội còn nhiều tiềm ẩn, thậm chí gia tăng.

Tình trạng người thân trong gia đình giết nhau vẫn xảy ra nhiều, trên 1.200 vụ án giết người thân (con giết cha mẹ, cha mẹ giết con; vợ, chồng, anh, chị, em giết nhau...) chiếm khoảng 18%.

Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, nợ nần kinh tế, mâu thuẫn ghen tuông tình ái hoặc xích mích trong cuộc sống hằng ngày nhưng không giải quyết kịp thời, triệt để.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) Bộ Công an từng trả lời trên VOV, tội ác trong gia đình là do hiện nay sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác.

Đó là con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích.., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người thân, theo Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc...

Định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Theo Vietnamnet


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.