Group News: Tin tổng hợp

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y tế Liên bang Nga - Vladimir Nikoforov, cho rằng sự xuất hiện biến chủng Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu Covid-19 sắp kết thúc.

Các thông tin ban đầu từ Nam Phi cho thấy, những người nhiễm Omicron không mắc bệnh nặng, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thận trọng trong bối cảnh dữ liệu liên quan đến biến thể này vẫn còn rất hạn chế.


Một biển báo chia sẻ thông tin về biến thể mới ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AP

Ở thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lẩn tránh vaccine cao hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 khác như Delta hay không. 

Thông thường người ta biết rằng các virus sẽ giảm độc lực (và do đó cũng gây bệnh nhẹ hơn) một khi nó trở nên phổ biến trong một bộ phận dân số. Ví dụ điển hình là myxomatosis (một căn bệnh ở loài thỏ do virus gây ra), từng giết chết 99% loài thỏ khi căn bệnh này mới xâm nhập vào Australia, nhưng hiện giờ tỷ lệ thỏ chết vì bệnh này lại thấp hơn.

Monica Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco, Mỹ, nhận định virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn. "Chúng muốn có nhiều bản sao virus con, chứ không muốn giết chết vật chủ một cách dễ dàng, bởi đó không phải chiến lược khôn ngoan cho lắm", Gandhi nói.

Trước khi xuất hiện Omicron, các nhà khoa học từng đặt câu hỏi liệu Delta có phải "trạng thái đỉnh cao" của nCoV, khi virus được tối ưu hóa và ít đột biến hơn trong tương lai.

"Các biến chủng phù hợp hơn có thể sinh ra theo thời gian, nhưng chúng sẽ không xuất hiện mãi mãi. Trong tự nhiên, không có gì là vô hạn. Một lúc nào đó, virus sẽ đạt đến ngưỡng ‘lây nhiễm tuyệt đối’ (maximum transmission). Sau đó, đột biến mới không mang lại lợi thế lây nhiễm nữa. Virus ổn định, biến chủng cuối cùng này sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội. trải qua các thay đổi nhỏ lẻ và không thường xuyên", theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature.

Nhân viên kiểm soát y tế tập trung tại Sân bay Quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 1/12. Ảnh: AP

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Omicron là "biến chủng đáng lo ngại". Theo các chuyên gia, lượng đột biến lớn trên protein S của virus có thể giúp nó vượt qua hàng rào kháng thể từ vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó. Đến nay, Omicron đã xuất hiện ở gần 30 quốc gia. Bệnh nhân chủ yếu tập trung ở Nam Phi.

EU, Anh và Mỹ nhanh chóng áp đặt nhiều hạn chế đi lại đối với các nước Nam Phi. Giới chức nước này cho rằng lệnh cấm du lịch là không cần thiết, ví động thái đó với "sự trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh chóng".

Các nhà khoa học còn nhiều tranh cãi xung quanh biến chủng Omicron. Một số người cho rằng virus có thể lây lan nhanh hơn, né tránh miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine. Số khác nhận định biến chủng đang bị thổi phồng.

 

Khánh Linh (Tổng hợp)

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.