Theo các nhà khoa học, công ty sản xuất thuốc chữa Covid-19 của Novak Djokovic thiếu minh bạch thông tin và có thể đang lừa dối nhà đầu tư.
- Djokovic sản xuất thuốc điều trị Covid-19
- Việt kiều ở Australia ủng hộ trục xuất Djokovic
- Australia trục xuất Novak Djokovic
Hãng tin Reuters đầu tuần này đưa tin Novak Djokovic và vợ sở hữu 80% cổ phần Công ty Công nghệ Sinh học Đan Mạch QuantBioRes - đơn vị sản xuất thuốc chữa Covid-19. Công ty dự định thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này ở Anh vào hè 2022.
Tuy nhiên, giáo sư Darren Saunders của Đại học New South Wales cho biết đã truy cập website của QuantBioRes và nghi ngờ phương pháp sản xuất thuốc của công ty. Ông viết trên Twitter: "Công ty của Djokovic đang nghiên cứu vi lượng đồng căn như một phương pháp chữa Covid-19. Mọi người luôn tìm kiếm các phân tử mới, nhưng QuantBioRes mô tả một cách tìm kiếm một phân tử mới mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng thành công nào. Tôi khuyên các vận động viên hay nhà đầu tư không nên vung tiền vào những dự án như thế này".
Thomas Lumley, Giáo sư Đại học Auckland cũng phát hiện ra vấn đề khi tìm hiểu về QuantBioRes. Ông tweet: "Khi truy cập vào phần 'Khám phá' của website, bạn sẽ thấy họ có một tài liệu phát triển nhanh phương pháp điều trị virus reto Covid-19. Họ nói rằng Coronavirus là retrovirus. Nhưng chúng không phải như vậy".
Cùng quan điểm, Nhà khoa học Đan Mạch Hiren Joshi của Đại học Copenhagen mỉa mai Djokovic: "Đây dường như là khoản đầu tư tuyệt vời của một vận động viên quần vợt, người gần đây đã thể hiện phong cách ra quyết định xuất sắc".
CEO QuantBioRes Ivan Loncarevic phản bác ý kiến của các nhà khoa học. Ông nói: "Những gì chúng tôi làm không hề liên quan tới vi lượng đồng căn. Chúng tôi phát triển các peptide có chức năng cụ thể. Nó sẽ ngăn chặn virus lây nhiễm sang các tế bào người. Đây là phương pháp điều trị, không phải vaccine. Nó là khoa học cổ điển, thuần túy".
Djokovic nổi tiếng với niềm tin vào việc chữa bệnh theo cách tự nhiên. Anh từng hoãn phẫu thuật khuỷu tay năm 2017 để chờ vết thương tự lành. Nhưng sau đó tay vợt Serbia vẫn phải lên bàn mổ năm 2018. Trong tự truyện, Djokovic tiết lộ anh đã khóc ba ngày vì ca phẫu thuật đó đi ngược lại niềm tin của bản thân.
Nhà báo Ben Rothenberg của New York Times cho rằng Djokovic "phản khoa học một cách điên cuồng" trong nhiều năm. "Novak luôn hoài nghi về vaccine", Rothenberg nói với OTB Sports. "Cậu ta lôi kéo nhiều người theo chủ nghĩa khoa học giả tạo. Cậu ta từng đưa nhiều chuyên gia kỳ lạ đến để nói về việc thay thế nước bằng suy nghĩ tích cực hay những điều tương tự".
Djokovic chưa tiêm phòng Covid-19, điều khiến anh không thể nhập cảnh vào Australia để thi đấu Grand Slam đầu năm. Nole được cho là nhiễm Covid-19 vào tháng 12/2021 và trước đó là hè 2020 khi đại dịch mới bùng phát.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment