Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã kết thúc cuộc nói chuyện qua điện thoại trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Ukraina vẫn leo thang không ngừng.
- Ông Putin và ông Macron điện đàm 100 phút
- Tổng thống Nga-Pháp điện đàm lần 3 trong 1 tuần
- Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm lần đầu tiên Thủ tướng Đức Olaf Scholz
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuối tháng 12. Cuộc gọi được thực hiện theo yêu cầu của Nhà Trắng, một ngày sau khi giới chức Mỹ cảnh báo Nga sắp tấn công Ukraina.
Điện đàm Biden - Putin kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ảnh: Nhà Trắng |
CNN dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết, ông Biden và ông Putin bắt đầu trò chuyện lúc 11h04' sáng 12/2 (23h04', giờ Việt Nam), và kết thúc sau 1 tiếng 2 phút.
Trước đó, một quan chức Mỹ tiết lộ ông Putin đã đề nghị điện đàm vào thứ Hai tới, nhưng ông Biden muốn cuộc gọi diễn ra sớm hơn.
Tiết lộ của Nhà Trắng
Theo CNN, trong cuộc đối thoại kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ cảnh báo người đồng cấp Nga rằng Washington và các đồng minh sẽ đáp trả "một cách dứt khoát, áp những hậu quả nghiêm trọng và nhanh chóng" đối với Nga nếu ông Putin quyết định tấn công Ukraina.
Sau cuộc điện đàm, một quan chức Mỹ cấp cao mô tả với báo chí rằng cuộc điện đàm là thực chất nhưng Mỹ lo ngại Nga vẫn có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
"Tổng thống Biden đã nói rõ rằng, nếu Nga tấn công Ukraina, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát và áp đặt những hậu quả nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga. Tổng thống Biden tái cảnh báo một cuộc tấn công nữa của Nga vào Ukraina sẽ gây ra đau khổ cho con người và làm giảm vị thế của nước Nga", Nhà Trắng nhấn mạnh.
Cũng trong thông cáo, Nhà Trắng khẳng định ông Biden "đã nói rõ với Tổng thống Putin rằng trong khi Mỹ sẵn sàng tham gia ngoại giao, phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác, chúng tôi vẫn chuẩn bị cho nhiều viễn cảnh khác".
Ảnh: Sputnik |
Nga lên tiếng
Phía Nga cũng đã công bố chi tiết cuộc điện đàm. Hãng RT dẫn lời trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng cuộc điện đàm được thực hiện theo yêu cầu của Washington.
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao khác mô tả cuộc hội đàm Biden – Putin là "chuyên nghiệp và thực chất", nhưng "không có thay đổi cơ bản nào về xu hướng đã và đang diễn ra vài tuần nay".
Mỹ rút cố vấn quân sự khỏi Ukraina
Trong một diễn biến khác, Mỹ vừa quyết định tạm rút các cố vấn quân sự Mỹ khỏi Ukraina.
Lầu Năm Góc ra thông cáo cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin "đã ra lệnh tạm thời tái bố trí 160 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Florida được triển khai tới Ukraina từ cuối tháng 11 năm ngoái". Nhóm có nhiệm vụ "cố vấn và hướng dẫn các lực lượng Ukraina" này sẽ được rút ngay khỏi Ukraina tới một địa điểm không tiết lộ ở châu Âu.
Bên cạnh đó, Washington cũng yêu cầu các nhân viên ngoại giao không làm những công việc thiết yếu rời khỏi Ukraina.
Cùng ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu để thảo luận về vấn đề Moscow triển khai binh lực dọc biên giới giáp với Ukraina, cùng việc Nga tăng cường lực lượng ở bán đảo Crưm.
Nga liên tục khẳng định nước này không có ý định tấn công Ukraina. Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ cảnh báo Tổng thống Putin có thể ra lệnh tấn công bất cứ lúc nào.
Ông Biden từ lâu tin rằng một cuộc đối thoại trực tiếp với ông Putin có thể là cơ hội tốt nhất để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ từng điện đàm trong tháng 12 năm ngoái nhưng không đạt bước tiến nào. Các nhà ngoại giao của hai nước cũng chật vật cố tìm ra tiếng nói chung. Các cuộc đối thoại 4 bên ở Berlin giữa Nga, Ukraina, Đức và Pháp ngày 10/2 cũng không mang lại kết quả.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment