Chỉ còn mấy tuần nữa, vào thứ Ba 8/11 tới là cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 (Midterm Elections 2022) ở Mỹ sẽ diễn ra để bầu chọn lại tất cả 435 ghế trong Hạ viện Hoa Kỳ, và 35 trong số 100 ghế trong Thượng viện. Ngoài ra, ba mươi chín cuộc bầu cử Thống đốc bang và vùng lãnh thổ, cũng như nhiều cuộc bầu cử cấp bang và địa phương khác, cũng sẽ được tổ chức.
Bà Janet Nguyễn (áo xanh, đứng) thuộc đảng Cộng hòa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang, cựu Giám sát viên Quận Cam, và cựu Nghị viên thành phố Garden Grove sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 ở Mỹ
Nhiều người Mỹ gốc Việt cũng ra tranh cử dịp này, nhất là ở những tiểu bang có đông người Việt như California, Texas. Có thể điểm qua một số người như bà Janet Nguyễn, đảng Cộng hòa, cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang, cựu Giám sát viên Quận Cam, và cựu Nghị viên thành phố Garden Grove, ứng cử Thượng nghị sĩ California, địa hạt 36; bà Diedre Thu Hà Nguyễn, đảng Dân chủ, phó thị trưởng Garden Grove, ứng cử chức vụ dân biểu California, địa hạt 70; ông Trí Tạ, đảng Cộng hòa, thị trưởng thành phố Westminster, ứng cử dân biểu California, địa hạt 70; ông Hubert Võ, đảng Dân chủ, người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất được bầu vào cơ quan lập pháp Texas, tiếp tục tái tranh cử lần thứ 10 chức vụ dân biểu tiểu bang Texas, đơn vị 149.
Những gương mặt tranh cử vào các vị trí cao hơn có ông Hùng Cao, tranh cử chức vụ Dân biểu Liên bang tại địa hạt 10 của tiểu bang Virginia. Ông Hùng Cao là cựu Hải Quân đại tá Hoa Kỳ, chuyên viên lặn biển sâu và xử lý vật liệu nổ của Hải quân và là ứng cử viên đảng Cộng Hòa. Quan điểm của ông Hùng Cao khá gần với những người da trắng bảo thủ, ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Người viết bài có cơ hội phỏng vấn một vài người Mỹ gốc Việt ra tranh cử lần này như ông Tạ Trung, kỹ sư, từng làm việc trong ngành Quốc phòng và Không gian Hoa Kỳ tại các hãng Hughes Aircraft, Boeing và Raytheon trong gần 40 năm. Ông cũng được biết trong cộng đồng người Việt tại Nam California là nhà giáo dục và nhà lãnh đạo cộng đồng. Kỹ sư Tạ Trung ra ứng cử vào chức vụ Nghị viên Hội đồng Thành phố Garden Grove, California. Hay kỹ sư Tuấn Nguyễn, từng làm việc cho những công ty lớn như Ericsson Research Canada, HP (trước đây là Tandem Telecom) và AMDOCS, trước khi trở thành Điều phối viên Gắn kết Cộng đồng cho tổ chức Boat People SOS (BPSOS) từ năm 2017. Ông Tuấn “TQ” Nguyễn ra tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện cho Florida, với tư cách là một ứng cử viên độc lập.
Trả lời câu hỏi tại sao ông quyết định ra ứng cử với tư cách là một ứng viên độc lập, ông Tuấn Nguyễn trả lời: “Chính trị Mỹ ngày hôm nay có một sự tranh cãi rất là gay gắt giữa hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đến mức độ đôi lúc có những dự luật đúng đắn cho đất nước, nhưng vì cái tính đảng tranh đưa đến tình trạng các đảng viên bên này biết là dự luật bên kia đưa ra là đúng nhưng họ vẫn không ủng hộ. Trong khi đó, nếu được trở thành một Thượng nghị sĩ độc lập, tôi có thể cũng đưa những dự luật đó ra nhưng vì tôi không thuộc bên nào cả, thành ra hai bên đều có thể nói tôi bầu cho dự luật này nhưng tôi không phải đi theo đối thủ vì người này đứng ở giữa”. Ông Tuấn Nguyễn khẳng định ông ra tranh cử không phải để đưa ra một đường lối thứ ba, mà để giúp cho hai đảng Cộng hòa, Dân chủ có thể đạt được nhiều thỏa thuận hơn và có thể thông qua những dự luật cần thiết cho người dân Mỹ. Nhưng ông cũng thừa nhận cơ hội thắng cử của các ứng cử viên độc lập là không cao.
Khi được hỏi về thử thách nội bộ lớn nhất của Hoa Kỳ hiện nay, cả hai ông Tuấn Nguyễn và Tạ Trung đều cho rằng đó là tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng và trong xã hội Mỹ, sự xuống cấp về mặt đạo đức chính trị so với 10, 15, 20 năm trước. Theo ông Tạ Trung: “Nguyên nhân một phần cũng do tin giả, thông tin sai lệch rồi thuyết âm mưu…đã tạo nên sự chia rẽ, phân hóa không những trong các đảng với nhau, trong chính trường, mà ngay cả trong các gia đình. Chúng ta thấy trong gia đình nhiều người Việt cũng bị tan nát rất nhiều”.
Ông Tuấn Nguyễn nói thêm: “Ở Mỹ hiện tại đang có một sự xuống cấp về văn hóa thấy rõ, đưa đến nhận thức chính trị cũng đi xuống. Nước Mỹ bây giờ vẫn là siêu cường số 1 trên thế giới, nhưng nếu chúng ta nhìn vào học sinh ra trường ở cấp trung học chẳng hạn và vốn kiến thức thực sự tại học đường phổ thông của các em thì phải nói là thua xa những học sinh phổ thông trung học ở Âu châu, thậm chí thua Nam Hàn, Nhật Bản là chuyện bình thường. Khi kiến thức đi xuống và nhận thức chỉ giới hạn thôi thì dễ bị các chính trị gia lung lay bởi những lời mỵ dân của họ”. Ông Tuấn Nguyễn cho biết, chính vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi ra tranh cử là phải đầu tư vào học đường, vào giáo dục của Hoa Kỳ.
Dự đoán về kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, liệu đảng Dân chủ có bị mất đa số ở Hạ viện, hoặc Thượng viện, hoặc cả hai, các ông Tuấn Nguyễn, Tạ Trung và ông Nguyễn Đình Minh Quốc từ Houston, Texas, Giáo sư, đồng thời là một trong những diễn giả trên Nguoi-Viet Channel, đều cho rằng khả năng đảng Dân chủ giữ lại được Thượng viện cao hơn là giữ được Hạ viện hoặc cả hai. Và nếu như vậy thì cũng đã là ngoại lệ, vì thông thường cuộc bầu cử giữa kỳ thì đảng của Tổng thống đương nhiệm hay bị mất ít nhất một Viện, đôi khi hai Viện.
Bao giờ thì có một Tổng thống người Mỹ gốc Việt?
Về viễn ảnh liệu trong tương lai gần có một Tổng thống người Mỹ gốc Việt, cả ba ông đều cho rằng khả năng đó không thể sớm xảy ra. Theo kỹ sư Tạ Trung, ngay cả so với một vài cộng đổng gốc Á khác như người Mỹ gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật thì họ cũng đều đã đến nước Mỹ trước cộng đồng người Việt từ rất lâu, và họ có sự đầu tư rất nhiều cho người của họ vào các chức vụ khác nhau trong hệ thống chính trị Mỹ, ví dụ như Thứ trưởng, Bộ trưởng… Người Việt mình chưa có, trước đây chỉ có ông Đinh Việt (Đinh Đồng Phụng Việt) dưới thời của Tổng thống Bush là Thứ trưởng của Bộ tư pháp. Mặc dù người Việt cũng có nhiều người rất giỏi, nhưng chưa có khả năng để đầu tư lớn như vậy, nên mặc dù rất mong muốn, tôi nghĩ những cộng đồng khác sẽ có Tổng thống Mỹ trước mình.
Ông Tuấn Nguyễn nhận xét, người Việt mình thường cho con đi học những ngành như bác sĩ, kỹ sư, nhưng ít cho con đi học về chính trị, văn chương hay truyền thông, mà truyền thông là cánh cửa rất lớn để chúng ta đem tiếng nói của cộng đồng mình ra bên ngoài. Nói chung chúng ta hơi chú trọng một vài điểm nhọn thay vì phát triển đều, toàn diện hơn.
Còn theo GS Nguyễn Đình Minh Quốc, nếu nhìn vào lịch sử của nước Mỹ thì cộng đồng người Mỹ da đen đóng góp rất nhiều, từ chiến tranh cho tới văn hóa, thể thao, vậy mà mấy trăm năm nay rồi, trải qua bao nhiêu sự đấu tranh họ chỉ mới có được một tổng thống thôi, huống hồ tổng thống gốc Tàu, gốc Nhật cho tới gốc Việt. Nhất là ở cái thời điểm này, nạn kỳ thị, phân biệt chủng tộc sau một thời gian chìm lắng dường như lại bùng phát trở lại trong xã hội Mỹ.
Điểm qua những khuôn mặt chính khách nổi bật của người Mỹ gốc Việt từ trước đến nay, GS Nguyễn Đình Minh Quốc nhắc đến ông Cao Quang Ánh tức Joseph Cao, đảng Cộng hòa, đại diện cho khu bầu cử quốc hội số 2 của tiểu bang Louisiana từ năm 2009 đến năm 2011, một người thực sự có lòng, thực hiện đúng vai trò của một người dân biểu người Mỹ gốc Việt, tức là bảo vệ cho cộng đồng Việt đồng thời quan tâm đến những vấn đề của Việt Nam.
Người thứ hai là bà Stephanie Murphy, đảng Dân chủ, là phụ nữ gốc Việt đầu tiên và là người gốc Việt thứ hai trúng cử Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, đại diện cho Ðịa Hạt 7 tại Florida từ năm 2017, đã được bà Nancy Pelosi lựa chọn vào Ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6/1/2021 để bảo vệ nền dân chủ của Hoa Kỳ.
Hoặc bà Bee Nguyễn, đảng Dân chủ, sẽ ra tranh cử cho vị trí ứng viên Secretary of State (tạm dịch Bộ trưởng Nội vụ) tiểu bang Georgia. Tiểu bang Georgia hiện đã thông qua một số dự luật nhằm hạn chế, thắt chặt quyền bầu cử, và do đó sẽ gây thiệt thòi cho người da đen (chiếm tới 23% dân số ở đây, đông nhất trên toàn nước Mỹ), các dân tộc thiểu số và người nhập cư. Nếu đắc cử, là một người tích cực ủng hộ quyền bầu cử, bà Bee Nguyễn mong muốn sẽ giúp cho những cuộc bầu cử được công bằng.
Sự thành công của người nhập cư - những câu chuyện chỉ có ở nước Mỹ
Mặc dù tỷ lệ tham gia và giữ những chức vụ cao trong chính trường của người Mỹ gốc Việt vẫn còn khiêm tốn so với nhiều cộng đồng nhập cư khác, nhưng so với chính cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác thì vẫn là một sự thành công. Nhiều người Mỹ gốc Việt là Thẩm phán, Chánh án tại các Tòa thượng thẩm địa phương, là dân biểu, hay tướng tá trong quân đội như Thiếu tướng lục quân Lương Xuân Việt, vị tướng người Mỹ gốc Việt có quân hàm cao nhất trong quân đội Hoa Kỳ, Nguyễn Từ Tuấn, Chuẩn tướng Hải quân, phó đề đốc người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ…
Hầu hết họ là thuyền nhân, người tỵ nạn buộc phải chạy trốn chế độ cộng sản trước và sau biến cố 30/4/1975, hoặc là con em trong những gia đình như vậy, rời Việt Nam khi mới là đứa trẻ, vậy mà chỉ vài chục năm sau họ đã vươn lên, đạt được những thành tựu như vậy. Nguyên do chính là từ môi trường tự do, nhiều cơ hội của nước Mỹ, và do số lượng người Việt đến Mỹ tỵ nạn nhiều hơn các quốc gia khác, trong đó có những thành phần ưu tú từng làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn hoặc giữ những chức vụ cao trong xã hội, nên bản thân họ hay con cái họ nhanh chóng hội nhập vào xã hội Mỹ. Phần khác, do ảnh hưởng quan điểm chính trị từ gia đình, những người Mỹ gốc Việt cũng thích tham gia vào quân đội hay chính trường để nối nghiệp cha mẹ hoặc để phục vụ cho nước Mỹ.
Người Mỹ gốc Việt và những suy tư về quê nhà
Với người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất hoặc thế hệ một rưỡi, dù sống trên đất Mỹ nhưng luôn nặng lòng nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn cho tới bây giờ vẫn chưa phồn thịnh, vẫn chưa có tự do dân chủ, đồng bào đa số vẫn phải chịu nhiều nhọc nhằn, thiệt thòi, bất công. Họ thường tâm niệm làm được điều gì là để trả ơn cho quê hương thứ hai, giúp đỡ cho cộng đồng người Việt trên đất Mỹ, nhưng nếu hỗ trợ được thêm cho Việt Nam thì cũng đều sẵn lòng, thậm chí những hoạt động hay số tiền từ thiện họ đóng góp cho Việt Nam còn nhiều hơn cho chính nước Mỹ.
Nhưng từ thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi, mọi chuyện sẽ nhạt nhòa hơn nhiều. Đa số các em không sử dụng được tiếng Việt, không biết nhiều về lịch sử văn hóa Việt Nam nên cũng không chia sẻ được những tâm tư của thế hệ đi trước.
Theo ông Nguyễn Tuấn, nếu Việt Nam là một nước dân chủ, hoặc thay đổi chuyển hóa thành một nước dân chủ thì vấn đề sẽ khác. Nhà nước Việt Nam sẽ được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng hải ngoại. Hiện tại Việt Nam vẫn nhận được kiều hối gửi về rất nhiều, nhưng chỉ là tiền, nhà nước kệu gọi rất nhiều nhưng có bao nhiêu người ở nước ngoài về làm việc tại VN đâu. Tại vì người Việt ở bên ngoài biết chính sách ở VN không tự do cởi mở, cung cách làm việc không tôn trọng dân chủ, không tôn trọng nguyên tắc luật lệ, những điều hay đóng góp sẽ bị gạt ra ngoài thì về làm gì, hoặc chì về vui chơi rồi đi. Nhưng nếu nhà nước Việt Nam nhìn ra vấn đề và trở thành một nhà nước dân chủ thì lúc đó không phải là tài lực, mà tất cả chất xám hoặc đầu tư ở nước ngoài sẽ tràn về, ngay cả thế hệ các em sau này cũng cảm thấy muốn về đóng góp. Nhà nước Việt Nam sẽ được một nguồn giúp đỡ kinh khủng trong khi bây giờ họ vẫn mướn một số người ngoại quốc về làm việc. Và đó là một điều đáng tiếc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Song Chi.
Theo BBC
Comments powered by CComment