Trong nhiều năm qua, việc lạm thu dịch vụ lãnh sự ở các sứ quán Việt Nam đã xảy ra, nhưng dường như chính quyền Việt Nam, mà cụ thể là Bộ Ngoại giao, chưa xử lý một cách quyết liệt.
Hộ chiếu Việt Nam
Câu chuyện gần đây ở New Zealand, Singapore, Australia cho thấy vấn nạn này vẫn còn là điều bức xúc cho nhiều người Việt, nhưng hiếm khi thấy báo chí nhà nước Việt Nam phản ánh.
Một nữ kỹ sư Việt Nam sinh sống ở đảo phía bắc của New Zealand vừa làm hộ chiếu mới tại Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Wellington chia sẻ với VOA:
“Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand không rõ ràng trong việc thu phí, nói cách khác là họ lạm thu phí. Khi tôi gọi điện hỏi về việc làm hộ chiếu mới bên sứ quán có nói lệ phí là 200 NZD, tính ra khoảng 140 USD. Mức này thì gấp đôi theo mức giá của Thông tư Bộ Tài chính về biểu mức thu phí và lệ phí ở ngoài nước. Theo Thông tư này thì số tiền chỉ 70 USD.
“Tôi có hỏi một viên chức sứ quán về sự khác nhau này thì người này nói rằng đó là phí họ phải điều tra, xác minh. Lúc đó là mùa COVID-19 phải hạn chế đi lại nên tôi chấp nhận làm mức phí đó. Khi tôi nhận được giấy tờ thì không thấy hóa đơn. Hỏi sứ quán hóa đơn đâu thì họ không trả lời.
“Một tháng sau, tôi có việc xuống sứ quán làm việc thì hỏi họ hóa đơn đấy, họ nói không thể xuất hóa đơn cho tháng trước được. Điều này rất vô lý.”
Website của Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand.
Một phụ nữ Việt Nam khác, cũng sinh sống ở miền bắc New Zealand, đề nghị không nêu tên vì lý do an toàn, nói với VOA rằng bà phải trả 200 NZD (tương đương 140 USD) để làm hộ chiếu mới qua đường bưu điện.
“Tôi biết có nhiều bạn làm hộ chiếu qua đường bưu điện và chỉ trả 70 USD thôi. Họ đã làm sai thì chỉ việc hoàn tiền lại qua tài khoản của tôi nhưng họ cố tình dây dưa. Tôi khá bức xúc vì họ đã lấy quá số tiền.”
VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Wellington và Bộ Ngoại giao Việt Nam để xin ý kiến về các cáo buộc này nhưng chưa được phản hồi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, một người làm công tác cộng đồng người Việt ở Wellington, New Zealand, nêu bức xúc với VOA sau hai lần trao kiến nghị đến Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand.
“Tôi luôn luôn với tinh thần xây dựng, thế nên trước khi gửi các kiến nghị, đơn tố cáo đến các cơ quan trong nước, như Thanh tra Bộ Ngoại giao hay Cục Lãnh sự, hay Cổng Thông tin Chính phủ chẳng hạn, thì tôi đều lên gặp trực tiếp trao đổi với họ, góp ý để họ thay đổi.
“Hai lần tôi đã lên trực tiếp [đến sứ quán] là ngày 26/11/2020 và 17/3/2021. Tôi gặp trực tiếp, đưa kiến nghị, bản in hẳn hoi, mà không hiểu tại sao các nhân viên sứ quán vẫn có thể trơ tráo, trắng trợn liên tục vi phạm pháp luật.”
Phần đầu thư phản ánh ngày 17/3/2021. Photo by Nguyen Thi Thanh Ha.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, đồng thời từng là một trong những thành viên quản trị của trang Tôi và Sứ quán – một diễn đàn chuyên phản ánh các vấn đề về dịch vụ lãnh sự của cơ quan ngoại giao Việt Nam, cho biết thêm:
“Bắt đầu từ khi tôi đấu tranh chống lạm thu ở New Zealand qua ba đời đại sứ, tôi thấy cũng có cải thiện, nhưng nếu mình ngơi nghỉ một chút thì họ quay trở lại đường cũ: lại lạm thu.
“Nhiều người bị lạm thu trước đây mà không biết bị lạm thu. Đó là một điều tệ hại.
“Tôi đã hỏi rất nhiều bạn bè của tôi về dịch vụ này ở nhiều sứ quán khác nhau, kể cả sứ quán Trung Quốc ở Wellington, họ bảo là ở trong nước thì có thể có việc này việc kia, chứ còn dịch vụ của sứ quán thì bao giờ cũng minh bạch, rõ ràng, và có hóa đơn đầy đủ. Có lẽ chỉ có duy nhất một sứ quán Việt Nam hành xử như thế. Thật sự là một nỗi xấu hổ và nhục nhã!”
Trang Facebook Tôi và sứ quán hôm 12/10, viết: “Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand, thu 600 NZD (tương 417 USD) cho 3 bản chứng thực chữ kí, phí qui định là 10 USD/bản, kể cả làm nhanh nhất trong vòng 24h lấy cũng chỉ 15 USD/ bản.”
Công dân Việt Nam ở vài nước khác cũng gặp tình trạng tương tự. Một người Việt sinh sống ở Singapore viết cho VOA nêu phản ánh rằng nhân viên sứ quán Việt Nam tại Singapore thu phí cao hơn quy định đối với dịch vụ đổi hộ chiếu, từ bỏ quốc tịch.
Người này cho biết nhân viên sứ quán tại Singapore thu đến 185 SGD (tương đương 136 USD) cho việc đổi hộ chiếu, và 650-850 SGD (tương 480-630 USD) cho việc thôi quốc tịch, so với quy định lần lượt là 70 USD và 200 USD.
“Việc ăn chặn tiền của đại sứ quán Việt Nam tại Singapore khiến rất nhiều công dân Việt Nam sinh sống tại đây rất bất mãn nhưng không ai dám lên tiếng,” người phụ nữ Việt tại Singapore viết cho VOA.
Bà Lam Ngoc Ha, người Việt tại Australia, viết trên Facebook hôm 7/10/2021: “Cuộc chiến đòi lại tiền lạm thu của em cũng gần 1 tháng nay. Hôm nay em gọi điện lại TLSQ Việt Nam tại Sydney thì họ lại viện dẫn không làm việc qua phone với em, mà hẹn em lên văn phòng để giải thích cho em về việc họ lạm thu mà chưa chịu thừa nhận. Trước đó, em đã email sự việc đến họ, em bcc [đồng kính gửi] các cơ quan có liên quan, nhưng họ chưa 1 lần phản hồi bằng văn bản qua email.”
Nữ kỹ sư Việt Nam sinh sống ở đảo phía bắc của New Zealnd nêu nhận định với VOA:
“Sứ quán là nơi hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng thay vì hỗ trợ thì họ lại nhũng nhiễu, họ tìm cách vòi tiền, gây khó khăn cho công dân Việt Nam. Họ độc quyền, gây nhũng nhiễu, gây khó.
“Chúng tôi cũng đã phản ánh vấn đề này lên phía Việt Nam và hầu như không có phản hồi.
“Tôi cũng đã từng liên lạc bạn bè làm báo chí ở Việt Nam và nhờ họ phản ánh tình trạng này trên báo đài Việt Nam...nhưng không ai viết cả. Vì nếu có viết ra thì cũng bị kiểm duyệt, có mất tiền cũng không ai đăng đâu.
“Những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài luôn mong muốn có sự minh bạch trong công tác làm việc của các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.”
Trang web Tôi và sứ quán viết trong báo cáo về sự minh bạch sứ quán Việt Nam 2019: “Mặc dù bao nhiêu năm nay người Việt ở khắp nơi trên thế giới đã kêu than về nạn nhũng nhiễu lạm thu của các sứ quán, nhưng phản hồi của các cơ quan chức năng như Bộ Ngoại giao thường cho rằng đây chỉ là một vấn đề nhỏ lẻ, do một vài cá nhân gây ra.”
Vào cuối năm 2019, báo Thanh Niên cũng đã phản ánh việc lạm thu phí dịch vụ lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Washington, và Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (California, Mỹ).
“Dù biểu phí được quy định tại Thông tư 264/2016 của Bộ Tài chính, nhưng nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không niêm yết rõ, dẫn đến việc nhân viên nhũng nhiễu, lạm thu của người dân đến làm thủ tục lãnh sự,” báo Thanh Niên viết.
Trả lời trang Thanh Niên, ông Phạm Bình Minh khi ấy là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nay là Phó Thủ tướng Thường trực, khẳng định: “sẽ lưu tâm đến vấn đề này, vì công tác lãnh sự và bảo hộ công dân luôn là trọng tâm được quan tâm đến thời gian qua.”
Theo VOA
Comments powered by CComment