Khi Covid-19 lan ra toàn cầu, nhiều nguyên thủ quốc gia đã cập nhật trạng thái trên mạng xã hội, đổi ảnh đại diện của họ để truyền tải sự cấp bách của việc phòng chống đại dịch.
Trong khi các chính phủ đang cố gắng tiếp cận người dân, cử tri qua mạng xã hội, nhất là Facebook, để cảnh báo về loại virus chết người và cách giảm thiểu sự lây lan của nó, thì người dùng mạng xã hội tìm kiếm mọi chỉ dẫn từ các vị lãnh đạo.
Những gương mặt lãnh đạo thế giới nổi tiếng trên Facebook |
Hàng triệu người vào mạng xã hội để được giải đáp, tư vấn và hỗ trợ. Các trang Facebook của chính phủ và cá nhân lãnh đạo bùng nổ theo đúng nghĩa đen. Facebook của chính phủ Áo, Estonia và Italy tăng gấp đôi lượt like chỉ trong 1 tháng. Sự bùng nổ của mạng xã hội cho thấy nhu cầu kết nối giữa người dân và chính phủ. Bản thân các nhà lãnh đạo cũng nhân dịp này tăng cường giao tiếp với người dân.
Vào thời điểm đại dịch bùng phát, rất nhiều chính phủ và cơ quan ngoại giao cập nhật ảnh bìa Facebook để chia sẻ các khuyến cáo cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn kêu gọi công chúng “ở nhà” để “bảo toàn sự sống”. Văn phòng ngoại giao Anh yêu cầu mọi người “chuẩn bị cho sự gián đoạn nghiêm trọng” còn chính phủ Malta thì đăng tải bức ảnh đường phố vắng tanh ở thủ đô khi người dân ở trong nhà. Bộ Ngoại giao Ukraine thiết lập trang Facebook chuyên cung cấp thông tin chi tiết về virus.
Bộ Ngoại giao Đan Mạch mở các nhóm Facebook để kết nối các công dân bị mắc kẹt trên khắp thế giới. “Dịch vụ bảo hộ công dân của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao đã nhận được vô số cuộc gọi và tin nhắn từ người dân sống ở nước ngoài, những người muốn giúp đỡ. Vì vậy, chúng tôi đã tạo ra nhóm Facebook”, Tom Nielsen, trưởng nhóm truyền thông xã hội ở Copenhagen giải thích.
Trong vòng 48 giờ, nhóm thu hút hơn 10.000 thành viên. Và Bộ Ngoại giao Đan Mạch bị choáng ngợp bởi các phản hồi. “Thách thức lớn nhất là quá tải thông tin. Có hơn 1.200 bài đăng và hơn 5.000 bình luận”, Tom Nielsen nói.
Đối với nhiều chính phủ, sự hiện diện của Facebook là nền tảng trong chiến lược kỹ thuật số. Bộ Ngoại giao Litva cho biết: “Facebook là số 1 trong chiến lược ngoại giao kỹ thuật số của chúng tôi để kết nối với công dân trong nước và nước ngoài”. Cục Hợp tác và quan hệ quốc tế Nam Phi giải thích rằng: “Facebook giúp tương tác với công chúng. Chúng tôi cũng có thể cập nhật với người theo dõi theo thời gian và bằng nhiều hình thức khác nhau”.
Gương mặt yêu thích trên Facebook
Theo một thống kê vào năm ngoái, chính phủ và lãnh đạo của 184 quốc gia có mặt chính thức trên mạng xã hội, chiếm 95% tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ; lãnh đạo của 153 nước cùng 90 ngoại trưởng duy trì các trang cá nhân trên Facebook.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất thế giới trên Facebook với hơn 44,7 triệu lượt like trên trang cá nhân. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đứng thứ hai với 26 triệu lượt like.
Hoàng hậu Jordan, Rania đứng thứ 3 với 16,8 triệu lượt like trong khi số lượng người dùng Facebook tại Jordan là 5,48 triệu người.
Trang Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vẫn tiếp tục phát triển ở mức 2 con số. Trang này đã có 12,7 triệu lượt like, gần gấp đôi số người dùng Facebook tại Campuchia (7,7 triệu người). Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đứng thứ 6 với 10 triệu lượt like, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Pakistan và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng có mặt trong top 10 các nhà lãnh đạo thế giới nổi tiếng nhất trên Facebook.
56 nhà lãnh đạo thế giới có hơn 1 triệu lượt like trên các trang Facebook. Nói chung, lãnh đạo thế giới chủ yếu chia sẻ hình ảnh (chiếm khoảng 58% trên Facebook). Video và nhất là video trực tiếp đạt độ tương tác tốt nhất.
Tương tác để tạo lòng tin, giải quyết vấn đề nóng
Hầu hết các chính trị gia trên thế giới đều có một đội ngũ truyền thông đăng bài thay trên Facebook, nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thường phát sóng trực tiếp trên Facebook từ nhà của bà và Tòa nhà Thủ tướng, thậm chí ở trong ô tô, để cập nhật những quyết định mới nhất của chính phủ và trả lời các câu hỏi trực tiếp mà hầu như không cần sự trợ giúp của đội ngũ truyền thông.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thường phát sóng trực tiếp trên Facebook để cập nhật những quyết định mới nhất của chính phủ và trả lời các câu hỏi trực tiếp |
Trong một video trực tiếp đăng tải thời điểm New Zealand phong tỏa, bà đã đề nghị người xem để ý thật kỹ hàng xóm, nhất là người già để tìm hiểu yêu cầu trợ giúp. Trả lời người xem, bà ‘cảnh báo’ rằng “các bạn sẽ thấy tôi nhiều và rất nhiều” và cam kết “trả lời nhiều câu hỏi nhất có thể”.
Những người theo dõi nhìn thấy Ardern là một lãnh đạo thẳng thắn, dễ gần và vui tính. Sự hấp dẫn tự nhiên và thoải mái đã giúp bà đạt được tín nhiệm cao. Bà nói chuyện với người dân như một người bạn cũ, phát biểu về các sự kiện trong ngày và những gì đang nghĩ mà không cần chuẩn bị trước. Trên hết, bà kiểm soát và sáng tạo những gì đăng tải và chia sẻ.
Hay như cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen, từng live stream trên Facebook trong lúc ăn pizza khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc. Cấp dưới của ông thời đó là Ngoại trưởng Anders Samuelsen còn thân thiện hơn, khi thường đăng các tấm hình chụp selfie, hoặc video lúc ông đứng hát cùng một nhóm bạn trẻ.
Vào năm 2014, ngay sau chiến thắng của Thủ tướng Narendra Modi, tờ Financial Times đã gọi ông là "Thủ tướng mạng xã hội đầu tiên của Ấn Độ". Năm 2016, ông Modi được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 30 người có ảnh hưởng nhất trên mạng Internet. Ông nằm trong nhóm các nhà lãnh đạo thế giới được theo dõi nhiều nhất trên Twitter, và hoạt động rất tích cực trên Facebook, Instagram...
Thủ tướng Modi thường sử dụng các trang mạng xã hội để thông báo nội dung các chuyến công du nước ngoài và chia sẻ quan điểm về những vấn đề mà ông quan tâm. Đặc biệt, ông luôn lắng nghe và coi trọng những góp ý của dân trên các trang mạng xã hội của mình. Chính ông đã đề nghị các bộ trưởng sử dụng mạng xã hội như một phần công việc. Sự chủ động trong tương tác với người dân thông qua mạng xã hội đã giúp Ấn Độ gây dựng được lòng tin với dân, quản lý kịp thời và hiệu quả những vấn đề nóng.
Tại Campuchia, theo website phân tích truyền thông xã hội Social Bakers, tính đến tháng 2 năm nay, Facebook chính thức của Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu danh sách 10 trang Facebook có lượt thích nhiều nhất. Những người được hỏi cho biết, họ thích trang Facebook của Thủ tướng Hun Sen vì dễ tiếp cận, thông tin nhanh và rõ ràng, dễ tương tác và không bị hạn chế. Facebook của ông được lập từ tháng 6/2010.
Theo Vietnamnet
Comments powered by CComment