Group News: Tin copy

Trường THPT Dương Văn Thì (TP HCM) đang thu hút chú ý của dư luận vì yêu cầu bố trí chỗ ngồi cho học sinh bị cho là kỳ thị những bạn "có vấn đề về giới tính".

Vụ án Trương Mỹ Lan: Bộ Công an Việt Nam nói về 'bị can đột tử'

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội truyền nhau nội dung về yêu cầu của lãnh đạo Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP HCM) dành cho các giáo viên chủ nhiệm. Bài viết nói trên hiện đạt khoảng 17.000 lượt tương tác bao gồm thích, bình luận và chia sẻ. Hầu hết những ý kiến của các bạn trẻ đều thiên về chỉ trích, trong khi người lớn và phụ huynh thì tỏ ra ủng hộ.

Cụ thể, trong mẫu tin nhắn được cho là gửi qua Zalo có khoảng sáu với điều số hai đặc biệt gây chú ý có nội dung như sau:

"Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng".

Hôm 10/8, Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Tú Anh giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho rằng việc gọi các học sinh là người đồng tính là những người 'có vấn đề giới tính' thể hiện cách hiểu chưa đúng về những học sinh này.

"Việc yêu cầu những học sinh này ngồi riêng vô tình đã tạo nên sự phân biệt đối xử mặc dù có thể là không chủ ý," bà Tú Anh nhận xét.

UGC

NGUỒN HÌNH ẢNH,UGC

Trả lời báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, xác nhận có đoạn tin nhắn nội bộ nêu trên và phủ nhận việc kỳ thị giới tính:

"Tôi không kỳ thị về giới tính. Mà chỉ chia sẻ nhẹ nhàng, rất bình thường, trong ngữ cảnh vấn đề quan hệ trên mức tình bạn của các con đang có xu hướng tăng lên, các con đang có những hành vi chưa chuẩn mực trong môi trường học đường. Nên chỉ nhắc, chứ không hề nghĩ là xúc phạm về giới với các con. Tôi đã từng có nói với các con, là nếu các con đi theo xu hướng đấy (tức là trong cộng đồng LGBT - PV) thì đấy là chuyện bình thường. Không có gì mặc cảm hết, cứ đường hoàng chính chính, vì không vi phạm pháp luật gì hết. Tôi không kỳ thị đến xu hướng tính dục kỳ thị các con. Tôi đã chăm chút và yêu thương các con bằng tất cả tâm huyết của nhà giáo," Thanh Niên dẫn lời lãnh đạo nhà trường.

Tuy nhiên, một luồng ý kiến cho rằng, với cách nói và làm của một lãnh đạo của trường THPT như vậy cho thấy ngay cả những người làm công tác giáo dục vẫn chưa có đủ kiến thức lẫn thái độ phù hợp với cộng đồng LGBT.

 
 

Ông Lương Thế Huy, người có nhiều đóng góp trong vận động chính sách cho cộng đồng LGBTQ+ phản bác lời phân trần của hiệu trưởng trường:

"Nhưng mà có ai giải thích được nếu tránh học sinh vướng vào tình cảm thì lại phải cho học sinh LGBT ngồi riêng? Rồi ngoài tiết học thì làm sao? Dấu hiệu nào để giáo viên biết em nào "có vấn đề giới tính"? "Vấn đề giới tính" là gì? Hay phải làm cái hướng dẫn cách phát hiện học sinh đồng tính như bên Indonesia? Nếu học sinh không "biểu hiện vấn đề" thì sao? Nếu học sinh "biểu hiện" nhưng không muốn công khai thì sao? Quá nhiều câu hỏi quan trọng, nhất là trong môi trường sư phạm, mà một câu "vì tình thương với học trò" không thể giải thích hết được."

Ngọc Anh từ Sài Gòn nhận xét với BBC rằng, mọi kì thì bắt nguồn từ ngôn ngữ: "Ở đây hiệu trưởng nhà trường dùng từ 'vấn đề về giới tính' để chỉ cộng đồng LGBT thì bản thân nó đã là kì thị rồi. Ở Việt Nam, cứ cái gì mù mờ, không rõ là lãnh đạo có xu hướng cấm chứ không tìm cách giải quyết. Có thể cho cô không kì thị nhưng thay vì cấm học sinh nam nữ ngồi chung, bắt các bạn LGBT ngồi riêng ra thì điều cần làm là tăng cường giáo dục giới tính, để các bạn có thể hiểu bản thân mình cũng như các biện pháp phòng tránh để bảo vệ mình.

"Tháng Tám vừa rồi Bộ Y tế đã ra công văn nói LGBT không phải là bệnh thì nhà trường cũng nên cập nhật cách gọi, cách nhìn nhận vấn đề giới tính của học sinh. Nếu cấm tiệt hết mà hiệu quả, thì đã không còn bạn trẻ nào mắc bệnh về đường tình dục hay tồn đọng vấn nạn nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rồi," Ngọc Anh nói với BBC.

Bộ Y tế

Công văn số 4132/BYT-PC của Bộ Y tế nêu rõ ngày 17-5-1990, WHO chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần

Trong bài viết của Thanh Niên, dưới phần bình luận, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với cách làm của hiệu trưởng trường THPT Dương Văn Thì.

"Không phải là phân biệt hay kỳ thị nhưng người lớn chúng ta có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ các em nhận thức đúng về giới tính. Tạo hoá sinh ra chỉ có hai loài đực và cái là để duy trì và phát triển nòi giống. Giờ đây phát sinh thêm giới tính thứ ba là do nhận thức của cá nhân rồi dần trở thành xu hướng, phong trào trong xã hội, chỉ một số ít là bệnh lý thật sự. Nếu là bệnh lý thì nên chữa trị, còn không thì nên tư vấn để trở về đúng bản chất giới tính," người tên Đơn Hóa bình luận.

Dưới góc nhìn chuyên môn, bác sỹ Tú Anh trước đó nêu thực trạng với BBC rằng, khi bà làm những khóa tập huấn cho các giảng viên quốc gia về giáo dục giới tính tình dục toàn diện, 20% vẫn giữ thái độ không ủng hộ xu hướng tính dục này.

"Các giảng viên này đều là các giáo viên ở trường đại học. Họ không chỉ đại diện phần nào cho tầng lớp tinh hoa mà các quan niệm, giá trị của họ có thể sẽ ảnh hưởng tới những học viên mà họ đào tạo." bà Tú Anh nói.

 

Riêng về câu chuyện chỗ ngồi, Tiến sĩ Tú Anh phân tích cách làm của trường THPT Dương Văn Thì hiện giờ là "không hiệu quả" về nhiều mặt:

"Việc bố trí mấy học sinh ngồi một bàn quan trọng nhất là cần dựa trên các thông số về kích thước của bàn và của học sinh để đảm bảo học sinh có không gian ngồi học, ghi chép bài một cách thoải mái. Nếu là để ngăn việc các học sinh phát sinh các tình cảm lãng mạn thì cách tiếp cận này có lẽ không hiệu quả. Tình cảm luyến ái là tình cảm tự nhiên xuất hiện giữa các cá nhân, không phải cứ vì ngồi chung bàn với ai đó thì sẽ nảy sinh tình cảm với người đó, dù là cùng giới hay khác giới.

"Nếu là để phòng ngừa/hạn chế nguy cơ phát sinh các đụng chạm mang tính quấy rối tình dục thì việc tách học sinh cũng không hiệu quả. Quan trọng là cần giáo dục cho học sinh về vấn đề này để nâng cao nhận thức và có các quy định/quy chế rõ ràng trong nhà trường liên quan tới phòng chống quấy rối tình dục."

Bác sĩ Tú Anh nói thêm, việc đưa ra các quy định về ngồi tách riêng nam, nữ hay tách riêng các học sinh là người đồng tính cũng thể hiện việc không thừa nhận khả năng tự kỉ luật, tự kiểm soát của học sinh.

"Rất cần tập huấn về giới và giới tính cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh và tổ chức các cuộc tọa đàm với sự tham gia của chính các học sinh và người lớn thuộc cộng đồng LGBT để mọi người có hiểu biết và cách nhìn đúng hơn về cộng đồng," bà Tú Anh kết luận.

Phong trào LGBT ở Việt Nam

Cuộc diễu hành Viet Pride được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2012, đánh dấu bước tiến quan trọng của phong trào LGBT ở Việt Nam.

Gần đây, nhiều chương trình truyền hình cũng bắt đầu có sự hiện diện nhiều của cộng đồng LGBT. Chương trình "Người ấy là ai" mỗi tập 3-4 triệu lượt xem trên Youtube cũng đề cập tới giới tính thứ ba và nhiều người đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện "come out" của mình trên sóng.

Các nhà làm phim độc lập cũng xây dựng nhiều phim về LGBT. Kể từ năm 2012 tới nay, cứ vào tháng 6, cờ cầu vòng lục sắc lại được nhìn thấy trên đường phố Việt Nam với đoàn người diễu hành ăn mừng "tháng tự hào" - Pride Month.

ICS Vietnam

NGUỒN HÌNH ẢNH,ICS VIETNAM

Chiến dịch "Tôi đồng ý" là một chiến dịch truyền thông xã hội khởi xướng bởi Viện ISEE, trung tâm ICS nhằm làm kêu gọi sự ủng hộ của người Việt Nam với hôn nhân cùng giới. Sau khi tái khởi động vào tháng 8/2022, chiến dịch đạt được hơn 1 triệu 500 nghìn chữ ký sau 5 ngày vận động.

Đáng chú ý, trong sự kiện offline của chiến dịch vào 10/8 tại TP HCM, nhiều gương mặt nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ đã tham gia làm đại sứ, ủng hộ cho chiến dịch hôn nhân đồng giới này như nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân, nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, nghệ sĩ Hồng Ánh, Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, hoa hậu Khánh Vân...

Vương Khả Phong từ viện iSEE nói với BBC rằng công văn của Bộ Y tế về việc LGBT không phải là bệnh, không cần chữa công bố trước ngày chiến dịch Tôi Đồng Ý 2022 trở lại sau 10 năm, cũng là một sự chỉ dấu cho việc xã hội Việt Nam đang sẵn sàng cho những thảo luận sâu sắc hơn về tình yêu và gia đình của người LGBT.

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân, nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, nghệ sĩ Hồng Ánh, ủng hộ chiến dịch 'Tôi đồng ý'

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết, nghệ sĩ Nhân dân Kim Xuân, nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, nghệ sĩ Hồng Ánh, ủng hộ chiến dịch 'Tôi đồng ý'

Từ những ngày đầu, phong trào vì quyền của người LGBTQ+ khá được chính phủ Việt Nam "ưu ái", với việc cho diễu hành công khai trên đường phố vào Tháng tự hào (Pride Month) từ năm 2012.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hồi tháng 11/2021, Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, đã nhận xét chính quyền Việt Nam rất chào đón ông và người bạn đời của mình - ông Clayton Bond và phong trào LGBT nhìn chung ở Việt Nam khá sôi nổi.

Tiến sỹ, bác sỹ Hoàng Tú Anh cũng thừa nhận, thái độ xã hội về người đồng tính ở Việt Nam đã thay đổi rất nhiều.

"Đầu những năm 2010, khi tôi bắt đầu làm các nghiên cứu về người đồng tính, việc tìm họ rất khó khăn. Hầu hết họ không bộc lộ và hoạt động kín vì lo sợ bị kì thị, bạo lực tại gia đình, trường học hay bất kì nơi nào khác. Bây giờ thì khác nhiều. Không khó để tìm các nhóm, mạng người đồng tính, chuyển giới trên mạng hay bắt gặp họ ở các nơi công cộng như quán cà phê, công sở,... Người đồng tính, người chuyển giới bây giờ đã dễ dàng hơn khi chia sẻ với gia đình về việc mình là ai.

"Tuy nhiên, không có nghĩa là mọi việc đa hoàn toàn dễ dàng. Các quan niệm về việc lập gia đình, sinh con trai, duy trì nòi giống vẫn là những rào cản cho việc người đồng tính come out và được gia đình chấp nhận.

"Định kiến về HIV và việc người ta thường liên hệ HIV và người đồng tính cũng góp phần ảnh hưởng tới việc công nhận người đồng tính. Việc giáo dục tính dục toàn diện còn rất hạn chế cũng góp phàn khiến các thay đổi này chưa xảy ra tích cực hơn," bác sỹ kết luận.

Bên cạnh đó, nạn ngược đãi học đường đối với người LGBTQ vẫn là một vấn đề phổ biến ở Việt Nam. Theo khảo sát gần đây của Stonewall cho thấy: 55% sinh viên LGBT báo cáo đã từng là nạn nhân của sự kì thị và bắt nạt người đồng tính, người song tính và người chuyển giới. Đây được cho không chỉ là sự trêu chọc bình thường của trẻ vị thành niên, mà còn là bất cập của một hệ thống giáo dục không có nhiều chương trình giáo dục định hướng giới tính và về việc chấp nhận các định hướng giới tính khác nhau.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.