Thực hiện chiến lược "tiền mặt là vua", nhiều doanh nghiệp niêm yết đã "gom" hàng trăm tỷ chờ cơ hội

Các doanh nghiệp đang "gom tiền" từ nguồn bán cổ phiếu quỹ, thoái vốn tại các khoản đầu tư và phát hành cổ phiếu...

Một chuyên gia đã nói "nếu như xem công việc kinh doanh là một cơ thể, thì tiền mặt được ví như dòng máu nuôi cơ thể đó". Lượng tiền có sẵn tại doanh nghiệp luôn mang một ý nghĩa nhất định tại những thời điểm nhất định, đặc biệt là tại các thời điểm nhạy cảm của thị trường, của doanh nghiệp. Cash is King vẫn luôn là nguyên lý hàng đầu, dòng tiền luôn là mạch máu trong cơ thể kinh doanh.

Lấy ví dụ, tại thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp nơi, một đơn vị quyết định tìm đối tác chuyển nhượng một lô đất rộng, pháp lý rõ ràng, đang chờ đợi nguồn tiền để thực hiện dự án nhằm giải quyết khó khăn về nguồn tiền trước mắt. Lập tức hàng loạt đối tác khác bắt tay nghiên cứu, đàm phán. Công ty A hứa hẹn thanh toán trong 1-2 năm, công ty B hứa hẹn thanh toán 50% và 50% còn lại trả sau khi hoàn tất thực hiện dự án... Còn công ty C lại đưa ra yêu cầu chiết khấu giảm thêm 10%, trả tiền ngay 1 lần – công ty C đang sẵn nguồn tiền mặt. Đúng là Cash is King – Công ty C sẽ là ưu tiên hàng đầu để mua được lô đất trên với giá rẻ.

Các doanh nghiệp đang tích cực "gom" tiền chờ cơ hội

Thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, cũng là lúc các doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với các thách thức và cả cơ hội mới. Do vậy, việc chuẩn bị dòng tiền ổn định, dồi dào cũng là cách để các doanh nghiệp chớp thời cơ nhanh nhất.

Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hiện cũng đang liên tục thực hiện các động thái huy động tiền mặt, như việc đưa cổ phiếu quỹ cất giữ đã lâu ra bán, hay như việc thoái vốn tại các khoản đầu tư chốt lãi, nhiều doanh nghiệp chọn phương án phát hành cổ phiếu huy động nguồn tiền mới...

Thu về nhiều nhất từ việc bán cổ phiếu quỹ phải kể đến Vinhomes (VHM) – doanh nghiệp vừa bán ra toàn bộ 60 triệu cổ phiếu quỹ, thu về 6.500 tỷ đồng. So với số tiền bỏ ra từ năm 2019 khi công ty mua vào, đã tạm "chốt lãi" khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể việc bổ sung nguồn tiền mặt đáng kể cho doanh nghiệp.

BCTC hợp nhất quý 2/2021 đã soát xét ghi nhận tính đến 30/6/2021 tổng tiền và các khoản tương đương tiền của Vinhomes đạt hơn 8.400 tỷ đồng trong đó các khoản tương đương tiền hơn 6.000 tỷ đồng là khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng tại ngân hàng và khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Công ty cũng còn hơn 5.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng tại ngân hàng.

Nhà Khang Điền (KDH) cũng đưa gần 20 triệu cổ phiếu quỹ ra bán để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá cổ phiếu KDH đã tăng vọt khoảng 55% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ trong vài tuần Nhà Khang Điền đã bán hết số cổ phiếu quỹ đăng ký với giá bán bình quân 40.866 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 800 tỷ đồng. Đây là số cổ phiếu quỹ công ty mua vào từ tháng 4, tháng 5 của năm 2020 với tổng giá trị chi đầu tư 419 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm đầu tư, Nhà Khang Điền bán ra, "tạm thu lãi" xấp xỉ 400 tỷ đồng.

Hiện Khang Điền ghi nhận trên BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 có hơn 1.800 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng các khoản tương đương tiền là tiền gửi tại ngân hàng. Công ty cũng có Tổng giá trị hàng tồn kho hơn 7.300 tỷ đồng là các bất động sản xây dựng dở dang, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng, chi phí lãi vay, vốn hóa và các chi phí phát triển khác cho các dự án bất động sản đang triển khai.

Trong tháng 7/2021 Sacombank (STB) cũng đã bán xong toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá bán bình quân 29.899 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 2.400 tỷ đồng. Mục đích ngân hàng là nhằm thực hiện theo đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt đồng thời để tăng nguồn vốn tự có và bổ sung nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.

Số cổ phiếu quỹ này Sacombank mua vào từ gần chục năm trước. Giá trị ghi nhận trên BCTC hợp nhất quý 2/2021 hơn 750 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch khoảng 1.650 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp vừa thu về khoản lớn tiền mặt từ bán cổ phiếu quỹ còn có Petrolimex (PLX) với việc bán được gần 1,8 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 8 triệu cổ phiếu đăng ký bán với giá bán bình quân 53.740 đồng/cổ phiếu – trong khi "giá vốn" của số cổ phiếu quỹ này chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu.

Thép Nam Kim (NKG) bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu quỹ ra bán, thu về 340 tỷ đồng trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành thép tăng nóng. Đây là số cổ phiếu quỹ công ty mua vào từ quý 3/2020 với giá trị hơn 78 tỷ đồng. Petrosetco (PET) cũng bán thành công 2,4 triệu cổ phiếu quỹ, thu về khoảng 60 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác cũng đang tranh thủ đưa cổ phiếu quỹ ra bán, thu về khoản lớn tiền mặt như Vận tải Hải An (HAH); Vinaconex (VCG) đưa hơn 3 triệu cổ phiếu quỹ ra bán; Thép Tiến Lên (TLH) đăng ký bán gần 1,5 triệu cổ phiếu quỹ; Tập đoàn IPA (IPA) đưa hơn 1,8 triệu cổ phiếu quỹ ra bán và Chứng khoán VnDirect (VND) cũng đã đăng ký bán gần 6 triệu cổ phiếu quỹ.

Tích cực thoái vốn tại các khoản đầu tư

Không chỉ dồn dòng tiền từ khoản đầu tư cổ phiếu quỹ về, các doanh nghiệp còn tích cực thoái vốn tại các khoản đầu tư. Vinaconex (VCG) bán 30% vốn tại Xây dựng số 11 (V11), thu về hơn 2 tỷ đồng.

VnDirect không chỉ đưa cổ phiếu quỹ ra bán, mà trước đó cuối tháng 8/2021 đã bán ra 3 triệu cổ phiếu C4G của Tập đoàn Cienco4, không còn là cổ đông lớn. Tổng giá trị thu về hơn 30 tỷ đồng.

Theo CafeF

Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.