Group News: Tin copy

Trưa ngày 30/4/1975, Sài Gòn sụp đổ. Cuộc sống gia đình của ca sĩ Như Quỳnh cũng đảo lộn theo.

Sau ngày 30/4/1975, người cha của ca sĩ Như Quỳnh đã phải đi học tập cải tạo 13 năm biền biệt

Sau ngày 30/4/1975, người cha của ca sĩ Như Quỳnh đã phải đi học tập cải tạo 13 năm biền biệt

 

Ca sĩ Như Quỳnh, tên thật là Lê Lâm Quỳnh Như, sinh năm 1970, quê ở Quảng Trị và chuyển vào Sài Gòn từ năm 1971. Khi Sài Gòn thất thủ, cô mới chỉ là một cô bé 5 tuổi.

"Trước năm 1975 thì Như Quỳnh chưa tới 5 tuổi nên cũng không có cảm nhận rõ rệt, nhưng vẫn nhớ những cái hình ảnh của mái ấm gia đình sung túc, có ba, có mẹ, có em. [Sau năm 1975] nói chung là cũng như bao nhiêu gia đình người Việt khác, gia đình của Như Quỳnh rơi vào cảnh nghèo khó," nghệ sĩ Như Quỳnh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 25/4.

Một trong những nguyên nhân khiến gia đình cô gặp khó khăn là vì cha cô, ông Lê Văn Chánh, phải đi học tập cải tạo. Ông Chánh là một sĩ quan an ninh của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Một cảnh trong trại cải tạo, ảnh chụp tháng 6/1976

Một cảnh trong trại cải tạo, ảnh chụp tháng 6/1976

Dòng sông nhỏ và bầu trời sao

Ca sĩ Như Quỳnh vẫn nhớ rõ khoảnh khắc khi cha cô rời đi.

"Cô bé năm tuổi lúc đó thấy ba mình rời khỏi căn nhà thân thương, lìa xa mái ấm gia đình. Như Quỳnh cảm thấy rất là buồn, cảm thấy thiếu và trống vắng khi mất đi người trụ cột trong gia đình," cô kể lại đầy xúc động, như thể chuyện ấy vừa mới xảy ra.

Khi ấy, Như Quỳnh đang sống cùng bà nội, mẹ và hai người em.

"Lúc nào Như Quỳnh cũng ngóng chờ ba về và thường hỏi mẹ rằng 'mẹ có biết tin về ba không, khi nào ba sẽ về?' Những lúc ấy, mẹ Như Quỳnh ánh mắt rất buồn và không muốn nói nhiều để các con đau lòng. Bà chỉ nói là 'ba sẽ về sớm thôi, các con yên tâm, có mẹ ở đây'. Chỉ nói vậy thôi."

Cha của Như Quỳnh đã không được "về sớm". Ông phải đi cải tạo 13 năm, tới năm 1988 mới về.

Bối cảnh lúc bấy giờ là sau khi tiếp quản Sài Gòn vào năm 1975, chính quyền mới tại Việt Nam đã áp dụng chính sách đưa các cựu quan chức, quân nhân, công chức và cả văn nghệ sĩ thời Việt Nam Cộng hòa đi học tập, cải tạo.

Theo lời giải thích của chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ, những người phải đi trại cải tạo là những người "đã phạm tội nghiêm trọng với nhân dân và đất nước" và sẽ được đào tạo thành những "công dân mới". Họ cũng khẳng định đây là cách đối xử "nhân đạo".

Theo một số nguồn tư liệu, tính tới năm 1980, tổng cộng đã có một triệu người phải đi học tập cải tạo ngắn hạn, hơn 40.000 người bị giam giữ dài hạn.

Ca sĩ Như Quỳnh và cha, ông Lê Văn Chánh

,Ca sĩ Như Quỳnh và cha, ông Lê Văn Chánh

Việc cha phải đi học tập cải tạo không chỉ mang tới nỗi buồn mà còn đẩy gia đình Như Quỳnh vào cảnh nghèo túng. Từ "một mái ấm tương đối ổn", cuộc sống đã khó khăn hơn rất nhiều sau khi ông Chánh rời đi.

"Lúc đó tất cả mọi người gần như không có việc làm. Như Quỳnh và các em còn quá bé, vừa đi học, vừa đi làm thêm. Mẹ và bà nội lo lắng cho cuộc sống của mọi người trong gia đình khá chật vật."

"Căn nhà ngày xưa còn đầy đủ, thế rồi lần lượt từ cái mái tôn, tới lớp gạch bông, cái bàn, cái ghế, những vật dụng trong nhà mà tương đối có giá trị đều lần lượt rủ nhau đi hết. Cái nghèo, cái khó cứ thế bủa vây lấy gia đình."

"Sau này, hình ảnh cuối cùng mà Như Quỳnh còn ghi nhớ là mái nhà không còn mái tôn nữa mà là tàu lá dừa, được mẹ và bà xếp lại như một cái mái. Nhà gần như chỉ còn cái vách tường thôi. Cái giường là mảnh chiếu nằm ở dưới đất.

"Có những đêm mà trời mưa ấy, Như Quỳnh nhớ nguyên căn nhà như một dòng sông nhỏ."

"Những đêm không mưa, nhìn qua những lớp tranh trên mái nhà sẽ thấy được những vì sao và ánh trăng," ca sĩ Như Quỳnh kể.

Cha về, nhưng cha đã khác

Sau 13 năm trong trại cải tạo, ông Lê Văn Chánh trở về nhà. Gặp rồi mới biết thời gian đã tác động tới tình cảm cha con ra sao.

"Vì ông xa cách con cái đã quá lâu, Như Quỳnh cũng đã trưởng thành nên cũng có đôi chút ngỡ ngàng, xa cách. Mừng vì được gặp lại ba, nhưng buồn vì không biết biểu lộ tâm tư ra sao để đón nhận ông và cả cách ông sẽ đón nhận con và tình thương của gia đình sau quãng thời gian biền biệt.

"Ông không còn giống hình ảnh Như Quỳnh từng thấy trước năm 1975. Sau 13 năm, ông như một con người hoàn toàn khác, ít nói, lầm lì hơn," ca sĩ Như Quỳnh hồi tưởng.

Cả người cha và các con đều cần thời gian để dần dần vun vén tình cảm trở lại.

"Trong lòng [ắt hẳn] ông chỉ nghĩ rằng giờ về, được gặp vợ, gặp con là niềm hạnh phúc vô cùng. Không biết giải thích như thế nào, nhưng lúc đó Như Quỳnh gần gũi và tâm sự với ông rất nhiều. Đôi lúc Như Quỳnh thấy ông khóc."

Cô nhớ lại những lúc cha mình kể về những kỉ niệm vui buồn khi xa nhà. Đó là lúc gia đình gần gũi nhau hơn.

"Ông kể, lúc ở trại, những khi buồn và tuyệt vọng, ông đã thầm gọi tên con, gọi tên vợ để có thêm động lực và niềm tin."

Ca sĩ Như Quỳnh khi nhỏ đang được mẹ bế

Ca sĩ Như Quỳnh khi nhỏ đang được mẹ bồng

Ba năm sau khi cha quay trở lại, ca sĩ Như Quỳnh dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và đã đoạt giải đặc biệt dành cho thí sinh có điểm tuyệt đối.

Phần thưởng là một sợi dây chuyền bằng vàng có khắc tên của cuộc thi bên trên. Tới tận bây giờ, cô vẫn nhớ tên những người tham dự trong cuộc thi với mình, như ca sĩ Đông Đào, Cam Thơ…

Kí ức còn đó, nhưng dây chuyền vàng đã không còn. Trong những năm kinh tế khó khăn, ca sĩ Như Quỳnh đã bán phần thưởng ấy đi. Ban đầu, cô ngần ngại không muốn kể về điều này vì với cô nó gợi lại những tổn thương trong lòng.

"Phải nói là lúc đó gia đình quá khó khăn. Cuối cùng sợi dây chuyền vàng đó là cái phao cứu sinh của gia đình. Như Quỳnh không thể giữ được nữa, đã phải tạm biệt cái món quà mà Như Quỳnh nghĩ sẽ không bao giờ rời xa."

"Hoàn cảnh lúc đó khó khăn quá nên đành phải đánh đổi lấy một phần tiền nho nhỏ để chu cấp và phụ cho mẹ, cho bà trong những tháng ngày còn lại."

Vào tháng 4/1993, gia đình ca sĩ Như Quỳnh sang Mỹ theo diện HO dành cho các cựu tù nhân cải tạo, thuộc Chương trình Ra đi Có trật tự.

Chương trình này kết thúc không lâu sau đó, vào tháng 9/1994.

Một số món đồ kỷ niệm thời gian ca sĩ Như Quỳnh còn ở Việt Nam mà người hâm mộ cô lưu giữ

Một số món đồ kỷ niệm thời gian ca sĩ Như Quỳnh còn ở Việt Nam mà người hâm mộ cô lưu giữ

Cuộc đời mới

"Vui cũng có, buồn cũng có," ca sĩ Như Quỳnh nói về quyết định đi Mỹ của gia đình.

"Vui là vì mình hy vọng là sẽ có cuộc sống tốt hơn, đầy đủ hơn, sau những năm tháng thiếu thốn. Buồn vì sẽ không ở Việt Nam nữa."

"Khi máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất thì Như Quỳnh, các em và ba mẹ đều rơi nước mắt. Rồi chiếc máy bay từ từ lên không trung, lúc đó mình thật sự nghĩ 'mình xa rồi, mình xa Việt Nam của mình rồi'."

Gia đình ca sĩ Như Quỳnh không bay thẳng qua Mỹ mà quá cảnh ở Thái Lan và Thụy Điển.

Sau 30 năm, ca sĩ Như Quỳnh vẫn còn nhớ lúc được ăn hộp cơm có trứng gà ở sân bay Thái Lan.

Sang Mỹ, hoàn cảnh gia đình cô vẫn còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, song niềm vui đã dần trở lại khi được gặp người Việt, nghe tiếng Việt Nam.

"Mình được gặp những người Việt xa xứ, rồi cũng được người Việt cưu mang, chỉ dẫn đường đi nước bước và những điều mình cần chuẩn bị để hội nhập với cuộc sống mới. Điều đó làm mình vui dần lên."

Lúc bấy giờ chỉ mới vài năm sau khi chiến thắng trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, tình yêu của cô dành cho âm nhạc vẫn cháy bỏng.

"Từ khi Như Quỳnh còn trong bụng mẹ thì mẹ đã hát rồi. Được nghe ba đánh guitar nữa. Không dám gọi ba là nhạc sĩ nhưng mà ba có biết sáng tác. Từ lúc trong bụng thì Như Quỳnh đã được nghe những ca khúc mà ông bà hát tặng cho nhau và cho những người bạn thân thương."

"Khi chào đời Như Quỳnh không phải là khóc nữa mà đã cất tiếng hát rồi," cô vừa cười vừa kể.

Tới nay, Như Quỳnh vẫn chưa hát ca khúc nào của cha, nhưng "trong tương lai sẽ hát để tri ân ông đã tạo nên một Như Quỳnh của ngày hôm nay".

Bài hát Tình đầu do ông Chánh sáng tác kể về mối tình không thành giữa hai người trẻ tuổi, trước đây từng được người em trai út là ca sĩ Tường Khuê thể hiện.

Gia đình yêu âm nhạc là vậy, nhưng khi qua Mỹ, ông Chánh lại muốn các con của đi học thay vì theo đuổi âm nhạc. Ông cho rằng hoạt động âm nhạc ở Mỹ sẽ khó khăn hơn, đặc biệt khi đó gia đình đang ở một môi trường mới, cuộc sống mới.

"Tất cả mọi quyết định của ba là đều phải lắng nghe, tôn trọng và vâng lời. Như Quỳnh và các em đã đi học."

"Nhưng mà đam mê vẫn cháy bỏng nên lén ba đi coi những tiết mục âm nhạc hải ngoại."

Nghe thôi thì không đủ, cô muốn được hát.

Rồi điều gì đến cũng đã đến, cô đã nộp đơn tham dự một cuộc thi ca nhạc. Tới sát ngày thi, "bằng giọng nói nhỏ nhẹ của người con gái đầu trong gia đình", cô đã xin phép cha cho tham dự.

"Lúc ấy ông nhận ra là không thể cản con mình được nên đã chấp nhận cho Như Quỳnh sống lại với đam mê của mình. Đi kèm là những lo âu không biết cuộc sống âm nhạc ở hải ngoại sẽ có những trở ngại gì."

"Mình mừng lắm, được thỏa chí. Lúc đó Như Quỳnh và mẹ đã tới California."

Thế rồi cô đã không tham dự cuộc thi này, vì cùng lúc ấy cô cũng gửi một cuộn băng ghi lại cảnh mình hát sáu bài hát khi còn ở Việt Nam.

"Như Quỳnh nộp dự thi cho vui thôi, không nghĩ là mình sẽ được. Không ngờ là mình được trung tâm [Asia Entertainment] nhận và họ khuyên là không nên tham gia cuộc thi nào nữa. Thế là mình đành xin lỗi ban tổ chức cuộc thi kia."

Sự nghiệp ca nhạc tại Mỹ của Như Quỳnh bắt đầu từ đó. Chẳng lâu sau, cái tên Như Quỳnh đã trở nên nổi tiếng ở hải ngoại và tiếp đó giọng hát của cô bay trở về cố hương. Vào nửa cuối thập niên 1990, đi từ Huế vô Sài Gòn, tới đâu cũng nghe người ta mở băng đĩa với giọng ca của cô: "Đường vào tim em ôi băng giá..."

Ca sĩ Như Quỳnh bắt đầu sự nghiệp ca nhạc ở Mỹ

Ca sĩ Như Quỳnh bắt đầu sự nghiệp ca nhạc ở Mỹ

Trở về

Năm 2014, ca sĩ Như Quỳnh lần đầu trở về Việt Nam, khi đó là về nghe người em trai Tường Khuê hát ở nhà hát Bến Thành tại Quận 1, TP HCM.

Sau hơn 20 năm kể từ khi cô rời Việt Nam, đất nước đã thay đổi nhiều.

"Từng con đường, con hẻm không giống ngày xưa nữa rồi. Khi mà Như Quỳnh đi Mỹ, cái hình ảnh mộc mạc, giản dị [của Việt Nam] nó in vào tâm trí.

"Nhưng khi trở về không còn nhận ra được nơi mình từng sống và con đường mình từng đi. Trước đây, Như Quỳnh biết những hàng cây ở đó ra sao, con đường như thế nào, rồi có bao nhiêu người đi xe đạp, cả mấy trò chơi con nít nữa.

"Trong suốt bao nhiêu năm mình xa quê, xa nhà thì đã có những thay đổi lớn đến thế. Lúc đó hơi choáng ngợp, nhưng mà cũng vui vì đó là sự chuyển mình, sự thay đổi của đất nước."

Theo lời ca sĩ Như Quỳnh, cả cha và mẹ cô đều đã kịp quay lại Việt Nam trước khi qua đời.

Năm 2018 là lần đầu tiên giọng ca hải ngoại Như Quỳnh được biểu diễn chính thức ở Việt Nam. Cô đã hát với tâm trạng "bồi hồi, nhung nhớ và lo lắng".

"Rồi cái nỗi niềm và sự lo lắng nó cũng ảnh hưởng tới mình. Nói thật lòng, đối với Như Quỳnh thì lúc đó mình không thành công lắm," cô nói.

Sau một hành trình dài, ra đi và rồi trở về, Như Quỳnh giờ đây là một trong số những tên tuổi nổi bật nhất, đặc biệt là với dòng nhạc trữ tình, bolero, "nhạc vàng". Cô yêu dòng nhạc này là vì "đã nghe từ trong bụng mẹ rồi mà".

"Khi chào đời bập bẹ thì đã được ba mẹ chỉ dạy. Và dần dần tình yêu dành cho âm nhạc và cho những ca khúc đó cứ theo Như Quỳnh theo năm tháng."

"Đến khi lớn lên, và lúc xa xứ, thì mình cảm nhận được cái tình yêu, cái tình tứ trong từng ca khúc. Nó thổn thức lắm, dạt dào và rất là yêu thương.

"Có lẽ chính vì lý do đó mà mình chỉ cần được hát cho những người thân yêu của mình, những người xa quê. Hát bằng tâm trạng thổn thức và đầy sự nhung nhớ là đủ rồi, không cần đòi hỏi những gì cao siêu quá, mà hát bằng trái tim của mình."

"Đối với Như Quỳnh, đó là điều chạm vào trái tim của những người xa xứ."

Ca sĩ Như Quỳnh biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2024

Ca sĩ Như Quỳnh biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2024

Ca sĩ Như Quỳnh biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2025

Ca sĩ Như Quỳnh biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2025

Thật vậy, giọng hát của ca sĩ Như Quỳnh đã chạm tới trái tim của nhiều người, qua nhiều ca khúc nổi tiếng như Duyên phận, Người tình mùa đông, Con đường xưa em đi, Chuyện hoa sim

Đặc biệt ca khúc Đêm chôn dầu vượt biển của Châu Đình An nói về thân phận những thuyền nhân Việt Nam qua giọng ca và phần vũ đạo của cô đã gây xúc động cho nhiều khán giả, kể cả những người trẻ chưa từng trải qua giai đoạn bể dâu này.

"Xin lỗi là Như Quỳnh đã nói những lời không được chỉn chu lắm, vốn dĩ là ca sĩ chỉ muốn được hát thôi," cô vừa cười vừa nói trước khi buổi phỏng vấn kết thúc.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.