Sáng nay 30/4, lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh đã bắt đầu, với nhiều yếu tố đáng chú ý.

Lễ kỷ niệm 30/4 lần này của Việt Nam có quy mô vô cùng lớn
Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu mở đầu buổi lễ:
"Đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân thực dân Pháp can thiệp vào Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, thành tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á và các lực lượng tiến bộ khác trên thế giới."
"Triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc với tinh thần chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, 'như cây một cội, như con một nhà'," một đoạn khác nêu.
Ý này khá tương đồng với nội dung bài viết có nhan đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" của ông mà báo chí Việt Nam đăng tải cách đây không lâu.
Nhiều quan chức nước ngoài và người dân cũng tới tham dự và xem buổi lễ. BBC News đã có mặt ở Việt Nam để phỏng vấn một vài người dân.
Diễn ngôn quen thuộc, nhưng 'mềm hơn'
Như những nhà lãnh đạo trước thời mình, Tổng Bí thư Tô Lâm mở đầu bài phát biểu bằng những lời cảm ơn, gửi tới "các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…."
Sau đó, tổng bí thư chỉ trích Mỹ.
"Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn binh sĩ với vũ khí tối tân nhất, hiện đại nhất, triển khai nhiều chiến lược chiến tranh nguy hiểm; tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo đối với miền Bắc, gây ra nhiều đau thương, mất mát cho nhân dân ở cả hai miền đất nước và hậu quả chiến tranh vẫn còn kéo dài cho tới ngày hôm nay."
Ở đây, việc ông Tô Lâm dùng cụm từ "cả hai miền đất nước" cụ thể hơn với cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh.
"Chúng [Mỹ] đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta," ông Dũng phát biểu khi ấy.
Ngoài ra, ông Tô Lâm không nhắc tới câu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên sử dụng khi nói tới Chiến tranh Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi phát biểu kỷ niệm 40 năm, và Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, khi phát biểu kỷ niệm 45 năm, đều dùng câu trên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đọc diễn văn khai mạc một lễ kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Việt Nam, nhưng từng có bài viết về chiến thắng 30/4/1975 vào năm 2015.
Bài viết, ngoài việc cũng trích dẫn câu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", còn lên án những "tội ác phi nhân tính" của Mỹ, như "hãm hiếp phụ nữ Việt Nam, thảm sát dân thường (tiêu biểu có trường hợp Mỹ Lai), sử dụng chất độc da cam, sử dụng bom napalm và các loại bom chùm có sức sát thương tàn bạo…"
Khi so sánh, dường như diễn ngôn của ông Tô Lâm đã "mềm hơn", dù vẫn gọi Chiến tranh Việt Nam là "kháng chiến chống Mỹ", vẫn chỉ trích những hành động của Mỹ trong thời chiến.
Khi cảm ơn những phía đã giúp đỡ phe cộng sản chiến thắng Chiến tranh Việt Nam, ông Tô Lâm có nhắc tới "Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em", cũng như "nhân dân tiến bộ Mỹ".
Trước đây, khi cảm ơn các phe đã giúp đỡ lực lượng cộng sản trong diễn văn phát biểu, ông Dũng và ông Nhân cũng nói chung chung hơn là "nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới" hoặc là "nhân dân các nước trên thế giới".
Cần làm rõ có sự khác nhau trong bức tranh chính trị vào các thời kỳ. Trong những đợt kỷ niệm trước, Mỹ và Việt Nam chưa là Đối tác Chiến lược Toàn diện, "quả tạ" thuế quan cũng không treo lơ lửng trên Việt Nam.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm lên phát biểu cũng là một sự khác biệt trong vòng hai thập kỷ qua. Trước đây, trong các lễ kỷ niệm 30 năm và 40 năm kết thúc chiến tranh, người phát biểu khai mạc đều là thủ tướng.
Hòa hợp hòa giải: từ bài học đến chính sách, chủ trương
"Bài học về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai sau chiến thắng" là một trong 7 bài học ông Tô Lâm cho rằng Việt Nam đã rút ra được từ chiến thắng 30/4/1975.
Vấn đề hòa hợp, hòa giải giữa những người Việt từng đứng ở hai bờ chiến tuyến vẫn còn nhiều trắc trở sau nửa thế kỷ hòa bình, cho dù việc hòa giải giữa Việt Nam và cựu thù Mỹ có những bước tiến rõ rệt.
Tới hiện tại, những từ ngữ như "ngụy quân ngụy quyền", "cờ Ngụy" (khi nói tới cờ của Việt Nam Cộng Hòa) vẫn được sử dụng. Trong khi đó, các biểu tượng của chính thể này luôn bị kiểm duyệt gắt gao.
Tuy nhiên, trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", ông Tô Lâm dường như đã đề cập tới vấn đề hòa giải với những người từng thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa, thể hiện qua những đoạn như:
"Không có vùng đất nào trên quê hương Việt Nam không có đau thương; không có gia đình nào mà không gánh chịu những mất mát, hy sinh và cho đến nay chúng ta vẫn còn phải khắc phục hậu quả chiến tranh và bom mìn, chất độc da cam…"
"Sau 50 năm đất nước thống nhất, chúng ta đã có đủ bản lĩnh, đủ niềm tin, sự tự hào và đủ bao dung để vượt qua đau thương cùng nhau nhìn về phía trước – để cuộc chiến tranh đã qua không còn là hố ngăn cách giữa những người con cùng một dòng máu Lạc Hồng…"
"Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng: mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù từng đứng ở phía nào của lịch sử, đều cùng mang một cội nguồn, một ngôn ngữ, một tình yêu dành cho quê hương, đất nước…"
Đây không phải lần đầu lãnh đạo Việt Nam nhắc tới việc hòa hợp, hòa giải.
Trong lần phát biểu kỷ niệm 40 năm nói trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đã kêu gọi người dân Việt Nam "nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc…"
Cùng thời điểm, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh việc chỉ trích Mỹ, còn lên án "chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm".
Yếu tố này không xuất hiện trong diễn văn của ông Tô Lâm và của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, hiện thực hóa những kêu gọi về hòa hợp, hòa giải vẫn còn là một thách thức - một ví dụ gần đây BBC News Tiếng Việt đã đưa tin đó là việc chính quyền bỏ ngỏ việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa, nơi an nghỉ của binh lính quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Quay lại diễn văn của ông Tô Lâm, trong đó có đoạn:
"Triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc với tinh thần chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, 'như cây một cội, như con một nhà'."
"Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển".
Nếu những chính sách cụ thể để hiện thực hóa việc hòa hợp, hòa giải được đưa ra, hành động thiết thực có thể xuất hiện, giống như sự hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ.
Ai tới tham dự?

Một số quan chức, cựu và đương nhiệm, tham gia sự kiện
Buổi sáng, khi đưa tin về sự kiện, báo chí Việt Nam thông báo những lãnh đạo quốc gia nước ngoài tham dự gồm có từ Lào, Campuchia, Cuba, Belarus.
Đến dự có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Ý, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Hiện vẫn chưa có thông tin về việc quan chức cấp cao của Mỹ, ví dụ như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, tham dự buổi diễu binh, diễu hành.
Trước đó đã có thông tin về việc chính quyền Trump chỉ đạo quan chức của mình không tham dự lễ kỷ niệm 30/4 của Việt Nam từ tờ New York Times (vào ngày 23/4) và Đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR (vào ngày 29/4).
Tuy nhiên, New York Times sau đó đưa tin vào ngày 29/4 cho biết Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm nói trên. Có nhân chứng nói với New York Times rằng họ đã nhìn thấy Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Susan Burns tại một buổi tiệc chiêu đãi liên quan đến sự kiện 30/4 vào tối cùng ngày cùng với các nhà ngoại giao khác và các quan chức Việt Nam tại một khách sạn ở TP HCM.
Về vấn đề này, vào sáng ngày 30/4, Người phát ngôn của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phản hồi với BBC rằng "kỷ niệm 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam là một dịp trang nghiêm. Cuộc xung đột này đã gây ra những hy sinh to lớn cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam hiện có một mối quan hệ song phương mạnh mẽ, và chúng tôi cam kết tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ đó".
Về việc có tham dự buổi lễ hay không, người này cho biết việc tham dự các sự kiện công khai luôn là một phần trong các cuộc thảo luận nội bộ thông thường của hoạt động ngoại giao.
"Chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết các cuộc thảo luận chính sách ngoại giao nội bộ," người này nói thêm.
Nhiều cựu quan chức Việt Nam cũng tới tham dự, như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh…
Nhiều người dân cũng tới xem buổi lễ.
BBC News đã tới Việt Nam và phỏng vấn một vài người dân, trong khi luôn có người giám sát đi kèm - một điều kiện của chính quyền khi cho phép các phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam.
Tung Linh, 20 tuổi, nói rằng mình "gần như không biết gì" về Chiến tranh Miền Nam.
"Ông bà tôi từng tham gia chiến tranh, và nhờ vậy mà ngày nay chúng tôi có thể ngẩng lên nhìn bầu trời, thấy máy bay mà không còn cảm thấy sợ hãi như họ."
Cách đó không xa, Minh, 18 tuổi, không muốn tiết lộ đầy đủ họ tên, nói rằng cô đang học để trở thành luật sư vì muốn "thành công" và "giàu".
Khi chúng tôi hỏi về cảm nhận của giới trẻ Việt Nam về người Mỹ, người giám sát của chính quyền đi cùng nhăn mặt thấy rõ và cố ngăn Minh trả lời.
"Chúng tôi không giận họ," cô nói. "Chúng tôi không ghét họ. Đó là chuyện của quá khứ. Giờ chúng tôi muốn buôn bán với Mỹ. Ông biết toàn cầu hóa mà? Chúng tôi muốn học hỏi từ Mỹ."
Theo BBC
Comments powered by CComment