Group News: Tin copy

Việt Nam vừa chính thức lên tiếng phản đối "hành động vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc và Philippines tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Đá Hoài Ân trở thành điểm nóng mới nhất ở Biển Đông khi Trung Quốc và Philippines đều cho cắm cờ ở đây

Đá Hoài Ân trở thành điểm nóng mới nhất ở Biển Đông khi Trung Quốc và Philippines đều cho cắm cờ ở đây

 
 

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng phát biểu hôm 3/5.

Phát ngôn của đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được đưa ra khá trễ so với các diễn biến mà phía Trung Quốc cũng như Philippines thực hiện.

Cụ thể, báo chí Trung Quốc đưa tin lực lượng của họ đổ bộ lên đá Hoài Ân và giăng cờ tuyên bố chủ quyền vào giữa tháng 4/2025, trùng với thời điểm ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam.

Tờ VNExpress của Việt Nam hôm nay, 3/5, đưa tin hải cảnh Trung Quốc ngày 25/4 triển khai lực lượng mang cờ lên đá Hoài Ân thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau đó hai ngày, tức 27/4, lực lượng Cảnh sát biển Philippines cũng đưa một số nhân viên, nhà nghiên cứu lên bãi đá này chụp ảnh và giăng cờ.

Đến ngày 29/4, hải cảnh Trung Quốc tiếp tục đưa người lên thực thể này, theo trang China News.

Những diễn biến này diễn ra trong thời điểm Việt Nam đang tích cực tổ chức lễ diễu binh mừng 50 năm ngày chiến tranh kết thúc, trong đó quân đội Trung Quốc cũng được mời tham dự sự kiện này.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, Việt Nam cũng đã giao thiệp và trao công hàm phản đối các quốc gia liên quan về các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại các khu vực nói trên.

Bà Hằng cũng khẳng định rằng việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiện nay.

"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng cùng các bên liên quan giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình", bà Phạm Thu Hằng nói.

Nhà Trắng cũng đã lên tiếng, nói rằng thông tin Trung Quốc chiếm rạn san hô là "vô cùng đáng lo ngại nếu đúng sự thật".

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông James Hewitt, rằng "những hành động như vậy đe dọa sự ổn định khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế", đồng thời cho biết Nhà Trắng đang "tham vấn chặt chẽ với các đối tác của mình", theo tờ Financial Times đăng ngày 26/4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Nguồn hình ảnh,Bộ Ngoại giao ViệtNam

Chụp lại hình ảnh,Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng

Cụm Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa - khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gọi là huyện đảo Trường Sa - trở thành điểm nóng mới nhất ở Biển Đông khi Trung Quốc và Philippines đều cho giương cờ ở đây.

Các bên tranh chấp toàn bộ hoặc một phần Trường Sa còn có Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

Hôm 25/4, Tân Hoa Xã và một loạt trang mạng tiếng Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên đá Hoài Ân - tên tiếng Anh là Sandy Cay và tên tiếng Trung là Thiết Tuyến - tại cụm Thị Tứ, và giương cờ tại đây.

Theo các nguồn tin chính thức, Hải cảnh Trung Quốc thực hiện hành vi giương cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân vào "giữa tháng Tư".

Đó cũng là khoảng thời gian Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (ngày 14 và 15/4).

"Điều này phản ánh một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng - Bắc Kinh muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị khi có thể, đồng thời cho thấy họ sẽ không thỏa hiệp về những gì họ coi là lợi ích cốt lõi của mình, đặc biệt là chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp," Adib Zalkapli của Viewfinder Global Affairs nói với hãng tin CNA.

Trong khi đó, ông Abdul Rahman của Viện Lowy nhìn nhận rằng động thái của Bắc Kinh trùng với cuộc tập trận Balikatan giữa Philippines và Hoa Kỳ, và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần của Philippines.

Cuộc tập trận chung Balikatan giữa Philippines và Mỹ tại Biển Đông ngày 28/4/2025

Cuộc tập trận chung Balikatan giữa Philippines và Mỹ tại Biển Đông ngày 28/4/2025

Ông cũng nói rằng việc giương cờ không phải là hành động chiếm giữ chính thức hoặc tuyên bố chủ quyền hợp pháp, nhưng cần lưu ý rằng vị trí của bãi cạn Hoài Ân có tầm quan trọng chiến lược do gần với lãnh thổ do Philippines nắm giữ.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố "Báo cáo về hệ sinh thái Thiết Tuyến Tiêu (đá Hoài Ân) và Ngưu Ách Tiêu (đá Ba Đầu)" hôm 25/4, dựa trên dữ liệu vệ tinh và khảo sát thực địa.

Theo báo cáo này, bốn bãi cát tại đá Hoài Ân và đá Ba Đầu đều được Trung Quốc khẳng định là cao hơn mực nước biển khi thủy triều cao, ám chỉ các bãi cát này là đá - một động thái được cho là để phục vụ mục đích khẳng định chủ quyền.

Mặc dù đổ bộ và giăng cờ vào thời điểm giữa tháng Tư trùng với thời gian ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, nhưng thông tin chỉ được công bố vào thời điểm 118 binh lính Trung Quốc đến TP.HCM tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Vài ngày sau khi Tân Hoa Xã công bố ảnh Trung Quốc giương cờ ở đá Hoài Ân, hôm 27/4/2025, Philippines cho biết lực lượng của nước này cũng đã đổ bộ lên ba bãi cạn, đồng thời công bố một bức ảnh các sĩ quan giương cao quốc kỳ trong tư thế mô phỏng bức ảnh trước đó của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) cho biết họ đã ghi nhận "sự hiện diện bất hợp pháp" của một tàu Hải cảnh Trung Quốc cách một trong các bãi cạn khoảng hơn 900 mét, cùng với bảy tàu dân quân biển Trung Quốc.

"Tuyên bố này thể hiện sự kiên định và cam kết không lay chuyển của Chính phủ Philippines trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước ở Biển Tây Philippines," tuyên bố nêu rõ.

Năm ngoái, hồi tháng 3/2024, Philippines cũng đưa một nhóm người lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ và ở trên bãi cạn này khoảng bốn giờ trước khi rời đi.

Thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Nam đã lên tiếng, nói rằng việc các bên đưa người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép là hành vi xâm phạm chủ quyền.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải các hình ảnh cho thấy cảnh binh lính đổ bộ trên bãi cạn Hoài Ân

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải các hình ảnh cho thấy cảnh binh lính đổ bộ trên bãi cạn Hoài Ân

Về diễn biến mới nhất trên cụm Thị Tứ, với Philippines và Trung Quốc đều cho quân đổ bộ và giương cờ tại đây, có ý kiến cho rằng dưới thời chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr hiện tại, Philippines đã áp dụng chiến lược quyết đoán hơn để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Tây Philippines.

Theo Giáo sư Don McLain Gill, nhà phân tích và giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De ​​La Salle, Manila, khi Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Đá Hoài Ân, Manila phải luôn cảnh giác và duy trì sự hiện diện của mình ở vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.