Group News: Tin copy

Những email bắt đầu dồn dập vào ngày 9/4, ngày mà mức thuế 145% của Tổng thống Donald Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực. Khách hàng đồng loạt hủy đơn đặt hàng đồ chơi từ nhà máy của Công ty Huntar ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, theo Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhưng CEO 45 tuổi của Huntar, Jason Cheung, đã cho ngừng sản xuất tại cơ sở rộng khoảng 56.000 m2 ở thành phố Thiều Quan. Ông nhận ra thuế quan là mối đe dọa sống còn đối với công ty mình - nơi sản xuất đồ chơi giáo dục cho các kệ hàng của Walmart và Target, như bộ Numberblocks của Learning Resources - thứ giúp trẻ học toán.

"Tôi cần bắt đầu tiết kiệm tiền càng sớm càng tốt," ông Cheung nói.

Trong bốn tuần kể từ đó, ông đã cắt giảm sản lượng từ 60% đến 70%, sa thải một phần ba trong số 400 công nhân Trung Quốc của nhà máy, đồng thời giảm giờ làm và tiền lương cho những người còn lại.

Giờ đây, ông đang theo đuổi một nỗ lực tuyệt vọng và khó khăn để chuyển hoạt động sang Việt Nam trước khi công ty mà cha mình thành lập cách đây 42 năm cạn vốn.

Ông ước tính mình chỉ còn khoảng một tháng.

Tình cảnh khó khăn của Huntar là điển hình cho cuộc khủng hoảng mà vô số nhà máy ở Trung Quốc đang phải đối mặt, nơi sản xuất khoảng 80% đồ chơi bán ở Mỹ, theo hiệp hội thương mại ngành đồ chơi The Toy Association.

Các đơn đặt hàng mới đã giảm mạnh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ đe dọa tàn phá ngành này ở cả hai quốc gia.

Huntar cũng có một điểm đặc biệt quan trọng: có trụ sở tại Mỹ, công ty này đồng thời chịu tác động từ cả hai phía của cuộc chiến thương mại.

Trên lý thuyết, ông Cheung là 'ông kẹ' đối với Tổng thống Trump - một chủ nhà máy Trung Quốc đang lấy đi việc làm của người Mỹ.

Nhưng ông cũng là một chủ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đối tượng mà thuế quan lẽ ra phải bảo vệ. Ông là người Mỹ gốc Hoa, đang điều hành một doanh nghiệp gia đình thế hệ thứ hai, tạo việc làm cho 15 người ở Mỹ - những người sẽ mất việc nếu Huntar sụp đổ.

Ông Trump đã nói rằng thuế quan sẽ khuyến khích các công ty đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ, hoặc ít nhất là chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Huntar minh họa cho lý do tại sao các nhà kinh tế cho rằng điều đó khó có khả năng xảy ra: sự thiếu hụt cơ sở vật chất và công nhân có chuyên môn sản xuất đồ chơi ở các quốc gia khác; thiết bị nặng khó di chuyển và sẽ tốn hàng triệu đô la để thay thế; và cấp bách nhất là không có thời gian để giải quyết những trở ngại đó trước khi cạn kiệt ngân quỹ.

Nhiều khả năng các nhà máy như của ông Cheung sẽ phải đóng cửa thôi, một viễn cảnh đã thúc đẩy Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán với các quan chức Mỹ ở Geneva vào cuối tuần qua, ba nguồn tin quen thuộc với chính phủ Trung Quốc chia sẻ.

Một quan chức cho hay thực tế là Trung Quốc không thể thay thế nhu cầu thị trường Mỹ đối với các loại sản phẩm như đồ chơi, đồ nội thất và hàng dệt may, những mặt hàng vốn đã cảm nhận được tác động của thuế quan.

Khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu, ông Trump bóng gió rằng mình sẵn sàng cắt giảm thuế quan đối với Trung Quốc xuống còn 80%.

Ông Cheung nói rằng điều đó sẽ không giúp Huntar, nhấn mạnh rằng bất kỳ mức thuế nào trên khoảng 50% sẽ khiến việc tồn tại trở nên khó khăn.

Về mặt thực tế, không có sự khác biệt nào giữa mức thuế 80% và mức thuế 145% mà ông hiện đang phải đối mặt.

Ông Cheung kể rằng Huntar đã từng trải qua khủng hoảng trước đây, nhưng không giống như lần này.

Cuộc suy thoái năm 2008 dẫn tới sự suy giảm từ từ, điều mà ông có thể lên kế hoạch ứng phó. Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh, nhưng sản lượng của ông vẫn đủ cao để duy trì hoạt động trong thời kỳ suy thoái tạm thời.

Lần này, ông nói, "hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi gần như ngừng lại chỉ sau một đêm." Ông Cheung dần cảm thấy hy vọng là thứ duy nhất ông còn.

"Tôi tìm kiếm kết quả 'thuế quan' trên Google năm hoặc sáu lần mỗi ngày, hy vọng có điều gì đó đã thay đổi," ông nói.

Trong diễn biến mới nhất, vào ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc đồng ý cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong 90 ngày - một động thái hạ nhiệt đáng kể cuộc thương chiến.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết cả hai bên sẽ cắt giảm thuế quan 115% từ ngày 14/5. Điều này có nghĩa là thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 30%, trong khi thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống còn 10%.

Nhưng đây chỉ đơn giản là "thỏa thuận ngừng bắn" tạm thời, trong một cuộc thương chiến căng thẳng và sâu rộng. Do đó, những rủi ro đối với các công ty như Huntar vẫn còn treo lơ lửng.

Giấc mơ và chiếc bàn may mắn

Huntar sản xuất đồ chơi cho các nhà bán lẻ ở Mỹ, Canada và châu Âu, như Learning Resources và Play-a-Maze, những công ty này phân phối sản phẩm đến các cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Công ty cũng tự sản xuất đồ chơi giáo dục dưới thương hiệu Popular Playthings của mình, nhưng đã phải ngừng vận chuyển sang Mỹ, khiến công ty thiệt hại hàng trăm ngàn đô la cho đến nay, theo ước tính của ông Cheung.

Các nhà máy thuộc sở hữu của Mỹ ở Trung Quốc không phổ biến, vì luật pháp Trung Quốc gây khó khăn và tốn kém cho các pháp nhân nước ngoài trong việc sở hữu, luật sư Dan Harris - đối tác tại Harris Sliwoski, chuyên về luật sản xuất quốc tế - cho hay.

Nhưng Huntar có nền tảng từ một doanh nghiệp mà cha của ông Cheung thành lập vào năm 1983 - vài năm sau khi trốn khỏi Trung Quốc cộng sản và định cư ở khu vực Vịnh California.

Ông Cheung lớn lên ở khu Inner Richmond của thành phố San Francisco trong một ngôi nhà nhỏ với cánh cửa ọp ẹp có thể dễ dàng bị đạp tung, ông kể. Cha ông phải bán quần áo và đồ đạc ở chợ trời để kiếm thêm vào đồng lương lao công, còn ông thì thường lẽo đẽo theo sau, cảm thấy buồn chán đến muốn khóc.

Khi hoạt động kinh doanh phát triển, người cha đã thành lập một nhà máy ở Trung Quốc để kiểm soát chất lượng tốt hơn. Ông Cheung, người gia nhập công ty vào năm 2004, vẫn sử dụng chiếc bàn mà cha mình đã đặt trong phòng khách nhiều thập kỷ trước.

"Chúng tôi nghĩ có lẽ chiếc bàn mang lại may mắn hay đại khái vậy," ông nói.

Vài tuần qua hoàn toàn không may mắn.

Nhà máy đang phải gánh khoản hàng tồn trị giá 750.000 đô la do các đơn hàng bị hủy - số tiền mà Cheung không thể thu hồi đầy đủ ngay cả khi chiến tranh thương mại kết thúc, vì chi phí vận chuyển của ông chắc chắn sẽ tăng vọt khi các nhà máy đua nhau giải quyết lượng hàng tồn đọng.

Đó là những gì đã xảy ra sau COVID-19, khi chi phí vận chuyển tăng vọt từ 2.000 đô la mỗi container lên hơn 20.000 đô la, ông Cheung nhớ lại.

"Họ không đáng phải chịu điều này," Rick Woldenberg, CEO của công ty đồ chơi Learning Resources và là khách hàng của Cheung từ khi cha ông còn điều hành công ty hơn 20 năm trước, nói.

Ông Woldenberg đã hủy các đơn hàng sản xuất trong tương lai ở Trung Quốc, nói rằng mức thuế hằng năm của ông sẽ tăng từ 2 triệu đô la lên 100 triệu đô la.

"Chúng tôi không hề muốn hành xử như vậy," ông Woldenberg nói, "nhưng họ biết chúng tôi không có lựa chọn nào khác."

Theo một cuộc khảo sát tháng Tư của Hiệp hội Đồ chơi, hơn 45% các công ty đồ chơi vừa và nhỏ ở Mỹ cho hay thuế quan của Trung Quốc sẽ khiến họ phá sản trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Learning Resources, công ty sử dụng 500 lao động ở Mỹ và sản xuất 60% sản phẩm của mình tại Trung Quốc, đã kiện chính phủ Mỹ, yêu cầu một thẩm phán liên bang ngăn chặn việc áp dụng thuế quan.

"Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ bị tê liệt," ông Woldenberg nói.

Nhân viên trong một xưởng sản xuất đồ chơi ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Nhân viên trong một xưởng sản xuất đồ chơi ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

'Tự ăn thịt mình'

Ông Cheung đã ráo riết lục tìm danh bạ liên lạc của mình, gọi điện cho các nhà máy ở Việt Nam với hy vọng tìm được một ngôi nhà mới cho Huntar.

Việc chuyển về Mỹ là không thể. Ông Cheung giải thích rằng mức lương ở đó quá cao khiến việc sản xuất thậm chí còn tốn kém hơn cả việc ở lại Trung Quốc và gánh chịu thuế quan.

Ngay cả ở Việt Nam, những rào cản về tài chính và hậu cần dường như cũng quá lớn.

Rất ít nhà máy có đủ không gian để đáp ứng quy mô hoạt động của công ty ông, và sự cạnh tranh giữa những công ty khác cũng đang tìm cách chuyển đi là rất cao. Ngay cả khi tìm được một địa điểm tốt, ông Cheung sẽ phải đào tạo nhân viên mới và thực hiện kiểm tra an toàn và chất lượng - điều có thể dễ dàng tốn hàng tháng trời.

Vấn đề về hạ tầng cũng bị nghi ngờ.

Nhà máy của ông Cheung sử dụng năng lượng mặt trời, giúp đảm bảo lợi nhuận trong một ngành kinh doanh có biên lợi nhuận mỏng. Nhà máy có các hệ thống HVAC (sưởi, thông gió và điều hòa không khí) và xử lý nước thải đặc biệt được thiết kế để giảm tác động tới môi trường, từ sơn phun và hóa chất được sử dụng cho trang trí đồ chơi.

Công ty sở hữu hơn 30 máy ép phun, mỗi chiếc nặng vài tấn, dùng để tạo hình đồ chơi bằng cách bơm nhựa nóng chảy vào khuôn thép. Những chiếc máy này có lẽ không thể di chuyển được và ông Cheung thì nói rằng mình không biết sẽ tìm đâu ra tiền - chắc chắn là hơn 1 triệu đô la - để mua máy mới.

Một động thái thực tế hơn có lẽ là thuê bên ngoài thực hiện một số hoạt động và đóng cửa những hoạt động khác. Ông Cheung có thể giảm thiểu thua lỗ bằng cách tìm một nhà máy Việt Nam để tiếp nhận dòng sản phẩm độc quyền Popular Playthings của Huntar, đồng thời bỏ mảng kinh doanh sản xuất đồ chơi cho các khách hàng bên thứ ba.

Được ăn cả, ngã về không - nghĩa là giữ nguyên nhà máy ở Trung Quốc với hy vọng cuộc chiến thương mại sẽ được giải quyết - là một canh bạc rủi ro cao nhưng phần thưởng cũng lớn.

Nếu thuế quan giảm nhanh chóng, công ty của ông sẽ sống sót, nhưng nếu không, ông sẽ mất tất cả. Chi phí duy trì một nhà máy lớn hoạt động và trả lương cho nhân viên trong khi chỉ sản xuất một phần nhỏ so với năng suất bình thường sẽ nhấn chìm ông trong vòng vài tuần, ông nói.

"Tôi đang tiến đến thời điểm mà tôi phải lựa chọn, về cơ bản là tự ăn thịt chính mình," ông bình luận.

Thật khó để thu hẹp một doanh nghiệp từng là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Cha của ông đến Mỹ vào năm 1978, sau khi trốn khỏi Trung Quốc bằng cách bơi qua sông Thâm Quyến để tới Hong Kong - tất cả chỉ vì một cơ hội tự do. Ông ấy từng mong muốn "cơ nghiệp này sẽ tiếp tục truyền qua tôi và hy vọng là cả các cháu của ông nữa", ông Cheung chia sẻ.

Ông nói rằng cha mình đang cảm thấy tuyệt vọng trong những ngày này. Dù biết ơn cuộc sống mà ông đã xây dựng ở đây, nhưng hình ảnh nước Mỹ như một miền đất hứa đã phai nhạt.

"Quan niệm của ông ấy về nước Mỹ chắc chắn đã thay đổi."

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.