Group News: Tin copy

Chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tượng trưng cho tham vọng tái thiết lập ảnh hưởng của Paris tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng cũng bộc lộ giới hạn về thực lực và chiều sâu chiến lược.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm (trái) dự tiệc trưa cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, vào ngày 26 tháng 5 năm 2025.

Trong khi đó, Việt Nam – bị kìm hãm bởi một thể chế ưu tiên sinh tồn hơn phát triển – vẫn chưa thể vươn lên thành một chủ thể chiến lược thực thụ.

Bài viết này phân tích sự lệch pha giữa tham vọng và năng lực ở cả hai phía, đánh giá trạng thái "chính trị biểu tượng" của Pháp cũng như chiến lược "đu dây bất định" của Việt Nam, đồng thời đặt nền tảng cho một cuộc tranh luận nghiêm túc về nhu cầu cấp thiết của một học thuyết phát triển quốc gia của Việt Nam giữa thế kỷ châu Á.

Pháp và thông điệp chính trị tại Hà Nội: tham vọng và giới hạn

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron, mở màn cho hành trình chiến lược tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là một nỗ lực định vị vị thế mới của Pháp giữa thế kỷ châu Á.

Trong diễn văn tại Hà Nội, Tổng thống Pháp khẳng định mong muốn "thiết lập một trật tự quốc tế ổn định, công bằng và hòa bình," đồng thời cam kết đồng hành với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công nghệ, năng lượng và xây dựng năng lực chiến lược.

 

Tuy nhiên, sau những ngôn từ hoa mỹ và biểu tượng lịch sử còn đọng lại từ thời thuộc địa, câu hỏi thực chất đặt ra là: Liệu nước Pháp – với một thị trường chỉ bằng 1/10 của Mỹ, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 khiêm tốn 5,42 tỷ USD, mà trong đó chỉ có 2,02 tỷ USD xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam (nguồn: Bộ Tài chính Việt Nam) – có đủ năng lực để hiện thực hóa những ý chí chính trị đó?

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với chính sách thuế quan 46% từ chính quyền Trump 2.0 (hiện đang tạm đình chỉ thi hành đến ngày 9/7 để đàm phán), sức nặng kinh tế và địa chính trị mà Pháp có thể mang lại trở nên rất hạn chế.

Thị trường Pháp – và thậm chí cả EU – không đủ để thay thế Mỹ hay Trung Quốc.

Do đó, những tuyên bố chiến lược từ Paris nếu không đi kèm nguồn lực cụ thể, rất dễ rơi vào trạng thái "chính trị biểu tượng" – đẹp nhưng vô dụng.

Như nhà địa chính trị François Godement – cố vấn cấp cao tại Viện Montaigne – từng nhận định: "Pháp vẫn mang theo một di sản tư duy đại cường, nhưng không còn sở hữu các nguồn lực của một đại cường."

Nếu không điều chỉnh kỳ vọng cho phù hợp với thực lực, Paris có nguy cơ trở thành một "tác nhân biểu tượng hơn là một đối trọng thực tế" trong ván cờ châu Á.

Cùng quan điểm, học giả Bertrand Badie – tác giả sách La diplomatie de connivence (tạm dịch: Ngoại giao thông đồng) – cảnh báo rằng các cường quốc phương Tây, trong đó có Pháp, vẫn áp đặt lối tiếp cận "đồng thuận giả tạo" khi can dự vào các khu vực ngoài phương Tây, khiến cho chiến lược trở nên phi thực tiễn và thiếu nhạy cảm với ngữ cảnh bản địa.

Việt Nam trong con mắt Pháp: Từ đối tác tiềm năng đến 'trạm trung chuyển' chiến lược?

Trong mắt nhiều cường quốc phương Tây, Việt Nam là một "điểm tựa địa chính trị" lý tưởng: có vị trí chiến lược, dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng cao và chính sách ngoại giao linh hoạt.

Tuy nhiên, cái nhìn từ bên ngoài ấy lại dễ dẫn đến một ảo tưởng chiến lược – rằng Việt Nam có thể đóng vai trò trung tâm trong các liên minh khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Sự thực là, nếu không có những thay đổi mang tính cấu trúc – đặc biệt về thể chế và tư duy chiến lược – Việt Nam chỉ có thể là một "trạm dừng tạm thời" trong tính toán của các cường quốc, chứ chưa thể trở thành "người chơi trung tâm" như kỳ vọng.

Tại đây, cần phân biệt rõ ràng: Việt Nam không phải là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Rất nhiều nhà quan sát quốc tế đã và đang mắc phải sai lầm khi đồng hóa quốc gia – dân tộc Việt Nam với một đảng chính trị duy nhất đang cầm quyền.

Đảng Cộng sản Việt Nam là một tác nhân chính trị với mục tiêu sinh tồn chế độ, khác biệt với khát vọng tự do, phát triển và hội nhập của người dân Việt Nam.

Hành vi, ưu tiên và chiến lược của đảng cầm quyền – đặc biệt trong quan hệ với Bắc Kinh – cần được phân tích độc lập với lợi ích dân tộc.

Chiến lược "đu dây" mà Hà Nội theo đuổi – được biện minh là để bảo vệ chủ quyền và sự cân bằng – thực chất lại khiến Việt Nam rơi vào thế "vừa đủ lệ thuộc để không bị đánh, vừa đủ độc lập để không bị sáp nhập".

Đó là một trạng thái bất định, không tạo ra niềm tin từ các đối tác chiến lược thực sự.

Macron có thể đến Hà Nội trước khi đến Jakarta và Singapore, nhưng về dài hạn, Indonesia và Singapore – với thể chế minh bạch hơn và chiến lược rõ ràng hơn – mới là những đối tác mà phương Tây thực sự muốn đầu tư lâu dài.

Việt Nam cần gì để thoát khỏi thế bị động?

Một trong những điểm yếu cốt lõi của Việt Nam hiện nay là sự thiếu vắng một học thuyết phát triển quốc gia – một hệ tư tưởng định hướng chiến lược dài hạn, có khả năng quy tụ nội lực và tạo dựng niềm tin quốc tế.

Các chính sách hiện tại xoay quanh hai trục: bảo vệ ổn định chính trị (tức bảo vệ chế độ) và tăng trưởng kinh tế có kiểm soát.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng mang tính giá trị và thể chế, mô hình này dễ dẫn đến sự tụt hậu chiến lược.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng thừa nhận rằng "thể chế là điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn."

Nhưng nếu thể chế chỉ vận hành để bảo vệ độc quyền chính trị, thì "điểm nghẽn" ấy sẽ không thể được tháo gỡ từ bên trong.

Cần một áp lực đủ mạnh từ bên ngoài – hoặc một khủng hoảng đủ lớn từ bên trong – mới có thể mở ra khả năng tái cấu trúc.

Đặt trong so sánh với Indonesia – quốc gia đang xây dựng học thuyết "Visi Indonesia Emas 2045" với mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu – hay Singapore với mô hình phát triển thể chế chủ động và tư duy chính sách nhất quán, Việt Nam đang bị giới hạn bởi cả tư duy chiến lược lẫn năng lực tổ chức.

Nếu cứ tiếp tục đặt mục tiêu "ổn định chính trị" lên trên "kiến tạo quốc gia," Việt Nam sẽ mãi là người thụ hưởng thụ động của các chiến lược do nước ngoài vạch ra, thay vì trở thành tác nhân kiến tạo cuộc chơi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly dự một buổi lễ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, vào ngày 26 tháng 5 năm 2025

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte Macron cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly dự một buổi lễ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, vào ngày 26 tháng 5 năm 2025

Giữa gọng kìm Mỹ - Trung: Pháp là ai? Việt Nam là gì?

Chuyến đi của Tổng thống Macron là một bước thử để tái thiết lập ảnh hưởng Pháp tại một khu vực đang chịu sự định hình ngày càng mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng để trở thành một người chơi thực thụ, Pháp cần chứng minh bằng hành động, nguồn lực, và sự kiên định – không chỉ là biểu tượng hay ký ức thuộc địa.

Với Việt Nam, thách thức lại lớn hơn: Làm thế nào để vượt khỏi trạng thái "đối tác bất đắc dĩ," để trở thành một quốc gia có tư thế chiến lược thực sự?

Muốn vậy, điều tiên quyết là phải tái định nghĩa quyền lực, phát triển một học thuyết quốc gia và thoát khỏi vòng lặp của tư duy sinh tồn chính trị.

Khi đó, Việt Nam mới có thể hợp tác với Pháp – và thế giới – trên cơ sở bình đẳng, tự chủ và tôn trọng lẫn nhau.

Nếu không, mọi "cái bắt tay chiến lược" sẽ chỉ là một vở diễn – mà trong đó, người dân Việt Nam tiếp tục là khán giả bất lực, chờ đợi một màn kết mới cho số phận quốc gia.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.